Đồng Nai: Phát hiện một cơ sở chế biến bì heo bẩn không phép
Tại thời điểm kiểm tra, chủ cơ sở không xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc của 1.435kg bì heo bẩn ghi nhận tại hiện trường.
Ngày 25/12, Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về hình sự, kinh tế và ma túy Công an huyện Vĩnh Cửu (Đồng Nai) vẫn đang xác minh, làm rõ để xử lý theo quy định pháp luật đối với cơ sở chế biến thực phẩm bẩn vừa phát hiện tại xã Thạnh Phú.
Số bì heo phát hiện tại cơ sở
Trước đó, vào lúc 22 giờ 50 ngày 22/12, Tổ tuần tra 161 Công an huyện Vĩnh Cửu phối hợp Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về hình sự, kinh tế và ma túy và Công an xã Thạnh Phú tiến hành kiểm tra cơ sở chế biến bì heo tại ấp 4, xã Thạnh Phú, Vĩnh Cửu, Đồng Nai do bà Đỗ Tường Vân (43 tuổi, trú tại KP3, phường Tam Hoà, TP Biên Hoà, Đồng Nai) làm chủ.
Sồ bì heo bẩn phát hiện tại hiện trường
Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng ghi nhận tại cơ sở đang hoạt động ngâm, tẩy, chế biến bì heo. Tuy nhiên chủ cơ sở không xuất trình được giấy tờ có liên quan đến việc cấp phép hoạt động, hoá đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc của 1.435kg bì heo ghi nhận tại hiện trường. Tổ công tác tiến hành tạm giữ số bì heo trên, bàn giao Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về hình sự, kinh tế và ma túy lập biên bản, xác minh, xử lý theo quy định pháp luật.
Thiếu niên chế tạo pháo nổ "khủng" mang đi tiêu thụ
Sáng ngày 25.12, Công an huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh, đã triệt phá một đường dây mua bán pháo nổ tự chế, trong đó nhiều thiếu niên mua tiền chất trên mạng xã hội để chế tạo và bán pháo.
Theo thông tin từ Công an huyện Đức Thọ, đơn vị này đã bắt giữ N.Đ.M.C (15 tuổi) khi đang mang theo 103 quả pháo tự chế, với trọng lượng khoảng 8kg, để bán kiếm lời. C thiết lập mối liên kết thông qua mạng xã hội, tìm hiểu và mua tiền chất để tự chế tạo pháo nổ.
Ngoài ra, C còn giao nộp cho cơ quan công an 3 túi nilon chứa tiền chất với trọng lượng khoảng 1 kg. Đây là một phần nhỏ trong chuỗi hoạt động đầy nguy hiểm của nhóm thanh niên này.
Đồng thời, ngày 21.12, Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an tỉnh Hà Tĩnh đã phát hiện và bắt giữ T. Q. C (19 tuổi) khi đang vận chuyển 99 quả pháo tự chế trên đường Trần Phú, thành phố Hà Tĩnh.
C khai nhận đã tự mua nguyên liệu trên mạng xã hội để chế tạo pháo nổ, sau đó bán cho người khác. Quá trình đấu tranh, công an còn thu giữ thêm 104 quả pháo và nhiều nguyên vật liệu tại nhà riêng của C.
Trước đó, vào ngày 15.12, Công an thành phố Hà Tĩnh đã triệu tập N.H.K (15 tuổi) để làm rõ hành vi mua bán pháo nổ tự chế.
K khai nhận đã mua tiền chất trên mạng và chế tạo pháo theo hướng dẫn trực tuyến. Sau khi sản xuất xong, K bán pháo cho các thanh thiếu niên trong khu vực để kiếm lời.
Thời gian gần đây, Công an các địa phương ở Hà Tĩnh liên tục phải đối mặt với nhiều vụ án liên quan đến việc thiếu niên, học sinh mua tiền chất trên mạng xã hội để tự chế tạo và bán pháo nổ, đưa ra cảnh báo về tình trạng nguy cơ an ninh trật tự ngày càng cao.
Phú Yên: Kiểm tra, phát hiện số lượng lớn hàng hoá do nước ngoài sản xuất không có hoá đơn chứng từ.
Thực hiện Kế hoạch số 39/KH-QLTTPY ngày 14/11/2023 của Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Phú Yên về việc cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả các tháng cuối năm 2023; dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024; Công văn số 2241/TCQLTT-CNV ngày 10/10/2023 của Tổng cục Quản lý thị trường về giám sát kinh doanh hàng hóa mỹ phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, lực lượng QLTT tỉnh Phú Yên vừa phối hợp với Công an tỉnh kiểm tra, phát hiện số lượng lớn hàng hoá do nước ngoài sản xuất không có hoá đơn chứng từ.
Lực lượng chức năng kiểm đếm hàng hoá vi phạm.
Bằng các biện pháp nghiệp vụ, vào hồi 15 giờ 00 phút ngày 19/12/2023, Đội Quản lý thị trường số 1 (Cục QLTT tỉnh Phú Yên) phối hợp với Phòng Cảnh sát kinh tế và Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Phú Yên tiến hành dừng và khám xe ôtô tải biển kiểm soát 89C-056.91 do ông Nguyễn Huy Hưng (địa chỉ: Hòa Trung, xã Vân Hòa, huyện Ba Vì, TP. Hà Nội) là người trực tiếp điều khiển phương tiện cũng là người quản lý hàng hóa.
Trong quá trình kiểm tra, lực lượng chức năng đã phát hiện 47 mục hàng trong đó gồm: 1.347 hộp thực phẩm chức năng các loại các hiệu Blackmore, Carusos- Veins Clear; Odourless Fish Oil; Wealthy Health...; 1.950 hộp phấn mắt, phấn phủ hiệu Australis- High Life, Australis- Powder; 1.728 chai Tinh chất dưỡng da hiệu Australis - Midas Touch; 1.865 chuốt lông mi; 50 chai rượu các loại; 605 hộp kem dưỡng da các loại hiệu LifeSpring; Emu Oil, Ponds; Sudocrem; 470 hộp đồ chơi trẻ em (Lá thẻ bài) hiệu Fire Kings; 420kg vải; 20 máy lọc nước hiệu Leverluk SD501; 399 lon sữa bột các loại hiệu Aptamil, Nutricia, Ensure; CapriLac Autralia… Toàn bộ hàng hóa do nước ngoài sản xuất không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam theo quy định của pháp luật.
Tại thời điểm kiểm tra, lái xe không xuất trình được hóa đơn, chứng từ hợp pháp kèm theo. Đội Quản lý thị trường số 1 tiến hành tạm giữ để tiếp tục làm rõ và xử lý theo quy định pháp luật.
Quảng Bình: Tiêu hủy hơn 45.000 sản phẩm hàng hóa là tang vật vi phạm hành chính bị tịch thu
Thực hiện Quyết định số 1226/QĐ-QLTTQB ngày 13/11/2023 của Cục trưởng Cục QLTT tỉnh Quảng Bình về việc tiêu hủy tài sản là tang vật vi phạm hành chính bị tịch thu. Chiều ngày 30/11/2023, tại bãi rác Ba Trang (thuộc xã Lộc Ninh, thành phố Đồng Hới), Cục Quản lý thị trường Quảng Bình đã chủ trì phối hợp với các ngành liên quan tiến hành tiêu hủy tang vật, hàng hóa vi phạm hành chính bị tịch thu.
Việc tiêu hủy được thực hiện với sự tham gia giám sát của đại diện các ngành có liên quan gồm: Công an tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và PTNT và các Phòng chuyên môn, các Đội QLTT thuộc Cục QLTT tỉnh Quảng Bình.
Tài sản tiêu hủy là tang vật vi phạm hành chính bị tịch thu gồm hàng cấm, hàng đã quá hạn sử dụng và hàng không bảo đảm điều kiện lưu thông trên thị trường. Các loại hàng hóa gồm: Đồ chơi trẻ em, mỹ phẩm các loại, thuốc, thực phẩm bổ sung, thực phẩm chức năng, thực phẩm các loại, rượu, bia, hàng gia dụng, nhiệt kế hồng ngoại, nhiệt kế điện tử, sản phẩm thời trang, vải, thuốc lá điếu…Trị giá hàng hóa ước tính hơn 2,4 tỷ đồng.
Việc tổ chức tiêu hủy được thực hiện bằng các phương pháp dùng xe ủi cán bể, nát làm mất giá trị sử dụng của hàng hóa, sau đó tiến hành đốt cháy, chôn lấp hoàn toàn. Quá trình thực hiện tiêu hủy đã điễn tra nghiêm túc và bảo đảm đúng phương án tiêu hủy đã đề ra, không để xảy ra tình trạng để thất thoát, mất tài sản trong quá trình tiêu hủy.
Sóc Trăng sẵn sàng cho đợt cao điểm kiểm tra, kiểm soát thị trường Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024
Ngày 14/11/2023, Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Sóc Trăng đã ban hành Kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả các tháng cuối năm 2023; dịp trước, trong và sau tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024, triển khai đến các đơn vị trực thuộc để thực hiện
Nguồn hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán tại một cơ sở kinh doanh
Căn cứ vào Kế hoạch số 09/KH-TCQLTT ngày 08/11/2023 của Tổng cục QLTT về cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả các tháng cuối năm 2023; dịp trước, trong và sau tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024. Qua rà soát và nắm tình hình thực tế trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, để chủ động kiểm soát tình hình, phát hiện, ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, Cục QLTT tỉnh Sóc Trăng đã ban hành Kế hoạch số 1656/KH-QLTTST ngày 14/11/2023 về cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả các tháng cuối năm 2023; dịp trước, trong và sau tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024, với thời gian triển khai thực hiện từ ngày 20/11/2023 đến hết ngày 29/02/2024.
Trong đợt cao điểm này đơn vị sẽ tập trung kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý chất lượng hàng hóa, tiêu chuẩn chất lượng, quy chuẩn kỹ thuật đối với các mặt hàng thực phẩm, phân bón, xăng dầu, đồ điện gia dụng, hàng tiêu dùng; Những mặt hàng có nhu cầu tiêu dùng cao trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán như bánh kẹo, đường cát, hoa quả, rượu, bia, thuốc lá, nước giải khát, hàng điện tử, điện lạnh, quần áo, giày dép, động vật và sản phẩm chế biến từ động vật, pháo nổ, pháo hoa các loại...; Đặc biệt tổ chức giám sát chặt chẽ hoạt động kinh doanh xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng, không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý nhằm góp phần đảm bảo ổn định thị trường để phục vụ nhu cầu Tết cho nhân dân.
Đoàn công tác giám sát, nắm tình hình thị trường hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán tại một cơ sở kinh doanh trên địa bàn tỉnh
Công tác kiểm tra, kiểm soát sẽ triển khai trên tất cả các khâu từ sản xuất, vận chuyển đến kinh doanh, trong đó các Đội QLTT địa bàn tập trung kiểm tra, kiểm soát hàng hóa tại các trung tâm thương mại, chợ đầu mối, chợ chuyên doanh, chợ dân sinh, các tuyến phố buôn bán, các cơ sở sản xuất, kinh doanh. Riêng Đội QLTT cơ động sẽ tăng cường công tác kiểm tra hàng hóa vận chuyển trên các tuyến lưu thông, các tuyến quốc lộ; đặc biệt là tăng cường công tác thu thập thông tin, thẩm tra xác minh, kiểm tra, xử lý nghiêm đối với tổ chức, cá nhân vi phạm trong hoạt động thương mại điện tử.
Với tinh thần chủ động và khẩn trương, Cục QLTT Sóc Trăng đã sẵn sàng cho đợt cao điểm kiểm tra, kiểm soát thị trường dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm, nhằm góp phần ổn định thị trường, bảo vệ sức khỏe, quyền và lợi ích của người tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới./.
Tiền Giang: Xử phạt 2 doanh nghiệp vi phạm về ký hợp đồng mua bán xăng
Cả hai trường hợp vi phạm liên quan đến ký hợp đồng mua bán xăng dầu đã được Đội Quản lý thị trường tỉnh Tiền Giang số 6 kiểm tra, phát hiện và tiến hành xử lý hành chính. Tổng số tiền phạt là 50 triệu đồng.
Hoạt động kiểm tra xăng dầu tại huyện Châu Thành
Thực hiện theo chỉ đạo được đưa ra trong Kết luận của cuộc thanh tra chuyên ngành do Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Tiền Giang ban hành, Đoàn kiểm tra của Đội Quản lý thị trường số 6 đã tổ chức kiểm tra vào các ngày 20/7/2023 và 01/8/2023 đối với 02 Doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn các huyện Châu Thành và Tân Phước của tỉnh Tiền Giang.
Sau quá trình kiểm tra và xác minh, Đoàn kiểm tra đã xác định rằng cả hai Doanh nghiệp này đã vi phạm quy định liên quan đến ký hợp đồng mua bán xăng dầu. Cụ thể, các thương nhân đã nhận quyền bán lẻ xăng dầu và ký hợp đồng để làm đại lý bán lẻ xăng dầu cho các thương nhân phân phối xăng dầu.
Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 6 đã tiến hành xử phạt hành chính cả hai Doanh nghiệp vi phạm trong tháng 8/2023 với tổng số tiền phạt là 50 triệu đồng. Hiện tại, cả hai Doanh nghiệp đã chấp hành Quyết định và thực hiện các biện pháp cần thiết để tuân thủ quy định pháp luật.
Hà Nội phạt 44 cơ sở hành nghề y, dược vi phạm gần 837 triệu đồng
Trong tháng 8/2023, Thanh tra Sở Y tế Hà Nội đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 44 cơ sở hành nghề y, dược với tổng số tiền phạt gần 837 triệu đồng. Các vi phạm liên quan đến quảng cáo không được xác nhận nội dung, việc không xây dựng kế hoạch phòng ngừa sự cố an toàn sinh học, và không báo cáo khi tạm dừng hoạt động.
Theo thông tin từ Sở Y tế Hà Nội, trong tháng 8/2023, Thanh tra Sở Y tế đã ra quyết định xử phạt hành chính đối với 44 cơ sở hành nghề y, dược, với tổng số tiền phạt gần 837 triệu đồng. Các vi phạm này liên quan đến nhiều khía cạnh trong lĩnh vực y tế và dược phẩm.
Trong số này, có 6 cơ sở đã bị xử phạt với số tiền 117 triệu đồng. Trong đó, 2 đơn vị bị xử phạt mức cao là Công ty TNHH MiLey Luxury và Công ty CP tập đoàn Nusee với số tiền 45 triệu đồng. Nguyên nhân là việc thực hiện quảng cáo dịch vụ đặc biệt mà không có sự xác nhận nội dung từ cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Ngoài việc phạt tiền, cả hai đơn vị này còn bị buộc tháo dỡ và gỡ nội dung quảng cáo.
Hà Nội phạt 44 cơ sở hành nghề y, dược vi phạm gần 837 triệu đồng.
Ngoài ra, có 1 đơn vị bị xử phạt 15 triệu đồng do không xây dựng kế hoạch phòng ngừa sự cố an toàn sinh học tại phòng xét nghiệm. Công ty TNHH phát triển công nghệ Vạn Thông ở khu 8, xã Tiền Phong, huyện Mê Linh, bị xử phạt 8 triệu đồng vì không đánh giá nguy cơ xảy ra sự cố an toàn sinh học tại phòng xét nghiệm.
Cuối cùng, 2 quầy thuốc là quầy thuốc Hải Đăng và Nhà thuốc Tùng Lâm bị xử phạt mỗi đơn vị 2 triệu đồng do không báo cáo Sở Y tế Hà Nội khi tạm dừng hoạt động từ 6 tháng trở lên hoặc chấm dứt hoạt động.
Tổng cộng, trong tháng 8/2023, Thanh tra Sở Y tế Hà Nội đã ra 44 quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hành nghề y, dược với tổng số tiền phạt gần 837 triệu đồng. Đây là một biện pháp quản lý và kiểm soát để đảm bảo an toàn và tính hợp pháp của các hoạt động y tế và dược phẩm tại Hà Nội.
Bến Tre: Tiêu hủy sách giáo dục không nguồn gốc hợp pháp
Vào ngày 28/7/2023, Đội Quản lý thị trường số 4, thuộc Cục Quản lý thị trường tỉnh Bến Tre, đã tiến hành theo dõi quá trình tiêu hủy một số xuất bản phẩm là sách giáo dục không có nguồn gốc hợp pháp.
Dựa theo Công văn số 457/QLTTBT-NV ngày 29 tháng 6 năm 2023 từ Cục Quản lý thị trường tỉnh Bến Tre liên quan đến việc kiểm tra và xử lý vi phạm về sách Giáo dục, xuất bản phẩm in lậu, giả, Đội Quản lý thị trường số 4 đã tăng cường công tác kiểm tra và xử lý các trường hợp vi phạm kinh doanh sách giáo dục và xuất bản phẩm in lậu, giả, nhằm đảm bảo nguồn cung ứng sách cho năm học 2023-2024 trên địa bàn tỉnh.
Hình ảnh giám sát hộ kinh doanh thực hiện việc tiêu hủy sách vi phạm
Trong quá trình thực hiện, Đội QLTT số 4 đã phát hiện và xử phạt một vi phạm hành chính, đồng thời yêu cầu tiến hành tiêu hủy 232 quyển sách giáo dục không có nguồn gốc hợp pháp, thuộc một hộ kinh doanh. Số tiền xử phạt là 20.000.000 đồng.
Ngày 28/7/2023, Đội QLTT số 4 đã thực hiện giám sát chặt chẽ quá trình tiêu hủy 232 quyển sách giáo dục không nguồn gốc hợp pháp của hộ kinh doanh HB, nhằm tuân thủ Quyết định xử phạt vi phạm hành chính và đảm bảo rằng các cuốn sách này không còn tồn tại. Quá trình tiêu hủy được thực hiện dưới sự giám sát của Đội QLTT số 4, bằng cách cắt rời các quyển sách bằng kéo.
Trong tương lai, Đội QLTT số 4 tiếp tục tuân thủ chỉ đạo từ lãnh đạo Cục Quản lý thị trường và tiếp tục tập trung vào công tác giám sát và kiểm tra kinh doanh sách giáo dục và xuất bản phẩm, nhằm ngăn chặn kịp thời việc kinh doanh các xuất bản phẩm là sách giáo dục không nguồn gốc hợp pháp và đảm bảo chất lượng sách phục vụ cho năm học 2023-2024./.
Quảng Trị: Tạm giữ hình sự một đối tượng vận chuyển hàng lậu số lượng lớn
Ngày 20/7, Công an thành phố Đông Hà (tỉnh Quảng Trị) cho biết, đơn vị đang tạm giữ hình sự một đối tượng để điều tra, làm rõ về vụ vận chuyển thuốc lá và đường nhập lậu.
Cụ thể, vào khoảng 9 giờ ngày 19/7, trên Quốc lộ 1A (đoạn qua khu phố 1, phường Đông Thanh, thành phố Đông Hà😉, Công an thành phố Đông Hà phối hợp với Đội Quản lý thị trường số 1 dừng xe ô tô biển kiểm soát 81D - 002.68 đang lưu thông theo hướng Bắc - Nam để kiểm tra. Lực lượng chức năng phát hiện trên xe có 6.000 gói thuốc lá được đựng trong bao tải đường kính trắng. Số thuốc lá và đường kính trắng (100 kg) đều do nước ngoài sản xuất.
Số thuốc lá nhập lậu được lực lượng chức năng phát hiện.
Tại Cơ quan chức năng, tài xế Lê Văn Tài (42 tuổi, trú tại khu phố 1, Phường 2, thị xã Quảng Trị), điều khiển xe ô tô trên, cho biết, anh lái xe thuê cho bà Lê Thị Liên. Qua đấu tranh khai thác, bà Lê Thị Liên (60 tuổi, trú tại khu phố 2, Phường 3, thị xã Quảng Trị) khai nhận, số đường và thuốc lá trên xe được nhập lậu. Lực lượng chức năng đã tạm giữ hình sự bà Lê Thị Liên và tịch thu toàn bộ tang vật.
Vụ việc đang được Cơ quan chức năng tiếp tục điều tra, làm rõ.
Hà Nội: Phát hiện và tạm giữ hàng trăm sản phẩm thuốc lá điện tử, tinh dầu
Đội Quản lý thị trường số 9 (QLTT Hà Nội) tạm giữ hàng trăm sản phẩm thuốc lá điện tử, tinh dầu dùng cho thuốc lá điện tử tại một cơ sở trên đường Trích Sài.
Ngày 10/6/2023, Cục QLTT Hà Nội cho biết Đội QLTT số 9 đã phối hợp với Đội Cảnh sát kinh tế Công an quận Tây Hồ phát hiện và kiểm tra đột xuất Cơ sở kinh doanh có địa chỉ tại Số 263 Trích Sài, Phường Bưởi, Quận Tây Hồ, TP Hà Nội.
Lực lượng chức năng đang kiểm tra cơ sở kinh doanh thuốc lá điện tử tại số 263 Trích Sài.
Tại thời điểm kiểm tra, Đoàn kiểm tra phát hiện tại cửa hàng đang kinh doanh hàng trăm sản phẩm thuốc lá điện tử, tinh dầu dùng cho thuốc lá điện tử. Qua kiểm đếm có tổng số 571 sản phẩm, gồm máy dot, đầu dot châm tinh dầu, tinh dầu thuốc lá điện tử...
Toàn bộ số hàng hóa trên là hàng hóa do nước ngoài sản xuất, tại thời điểm kiểm tra, chủ cơ sở không xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh tính hợp pháp của số hàng hóa. Qua đấu tranh, khai thác cơ sở này còn chưa thực hiện việc đăng ký kinh doanh theo quy định. Đoàn kiểm tra Đội QLTT số 9 đã tạm giữ toàn bộ số sản phẩm thuốc lá điện tử, tinh dầu dùng cho thuốc lá điện tử trên để xử lý theo quy định của pháp luât.
Trong thời gian tới, Đội QLTT số 9 nói riêng và lực lượng QLTT Hà Nội nói chung sẽ tiếp tục tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý buôn lậu thuốc lá điếu, kinh doanh thuốc lá giả, phối hợp tuyên truyền phổ biến tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha trên địa bàn, giúp người tiêu dùng và đặc biệt là giới trẻ nhận thức được những tác hại của các loại thuốc lá trên đối với sức khỏe.