Đăng nhập

Nghệ An: Phát hiện và tiêu hủy 360 kg nội tạng động vật bốc mùi

Trong quá trình tăng cường kiểm tra an toàn thực phẩm, lực lượng quản lý thị trường Nghệ An đã phát hiện một cơ sở kinh doanh đang bày bán số lượng lớn nội tạng động vật không rõ nguồn gốc, đã có dấu hiệu hư hỏng. Chủ cơ sở đã bị xử phạt và toàn bộ lô hàng buộc phải tiêu hủy.

Ngày 29/04/2025, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 11 thuộc Chi cục QLTT tỉnh Nghệ An đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với một cơ sở kinh doanh trên địa bàn vì hành vi kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Trước đó, thực hiện chỉ đạo về việc triển khai "Tháng hành động vì An toàn thực phẩm" và công tác hậu kiểm an toàn thực phẩm năm 2025, Đội QLTT số 11 đã tiến hành kiểm tra đột xuất cơ sở kinh doanh thực phẩm do ông Nguyễn Đình Phi làm chủ, có địa chỉ tại xóm 6, xã Nghi Phong, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An.

Hình ảnh kiểm tra tại cơ sở

Qua kiểm tra, đoàn công tác phát hiện ông Nguyễn Đình Phi đang bày bán 360 kg tràng lợn đông lạnh, được chứa trong 36 gói (10 kg/gói), với tổng trị giá hàng hóa ước tính là 18 triệu đồng. Điều đáng nói, toàn bộ số nội tạng động vật đông lạnh này đều không có nhãn mác, không ghi hạn sử dụng và thiếu các tài liệu kèm theo. Trên bao bì sản phẩm hoàn toàn không có thông tin nào để xác định nguồn gốc, nơi sản xuất hoặc xuất xứ của hàng hóa. Nghiêm trọng hơn, lô hàng đã có dấu hiệu biến chất và bốc mùi hôi thối. Tại thời điểm kiểm tra, ông Nguyễn Đình Phi đã không thể xuất trình bất kỳ hóa đơn, chứng từ, hợp đồng mua bán hay giấy tờ giao dịch nào liên quan đến số nội tạng động vật trên.

Với những vi phạm nghiêm trọng này, Đội QLTT số 11 đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với cơ sở kinh doanh của ông Nguyễn Đình Phi với số tiền là 12 triệu đồng. Đồng thời, toàn bộ 360 kg nội tạng động vật không rõ nguồn gốc và đã bị biến chất đã bị buộc tiêu hủy theo đúng quy định của pháp luật.

Bắc Ninh: Kiểm tra, phát hiện, xử lý 87 vụ vi phạm các quy định trong kinh doanh thương mại

Trong quý I/2025, Chi Cục Quản lý thị trường Bắc Ninh đã tích cực phối hợp với các ngành chức năng kiểm tra, phát hiện, xử lý 87 vụ vi phạm các quy định trong lĩnh vực kinh doanh thương mại trên địa bàn tỉnh với tổng số tiền thu, phạt hành chính, bán hàng tịch thu, trị giá hàng hóa vi phạm xử lý, hàng tồn kho hơn 5,5 tỷ đồng.

Trong đó, xử lý 25 hành vi vi phạm về hàng lậu; 31 hành vi vi phạm hàng giả; 7 hành vi vi phạm về hàng cấm; 16 hành vi vi phạm về hàng hóa không rõ nguồn gốc… Một số nhóm mặt hàng nổi cộm bị xử lý là: Thuốc lá, rượu, mỹ phẩm, khoáng sản.

Cán bộ Chi Cục Quản lý thị trường kiểm tra hàng hóa tại thành phố Bắc Ninh.

Ngoài ra, Chi cục Quản lý thị trường cũng đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật liên quan đến hoạt động dịch vụ thương mại để người dân nắm bắt, hiểu rõ tác hại của kinh doanh hàng lậu, hàng giả và các hành vi gian lận thương mại khác, từ đó tự giác thực hiện và đồng tình ủng hộ các lực lượng chức năng thực thi nhiệm vụ. Đồng thời, trực tiếp đến các cơ sở sản xuất, kinh doanh tuyên truyền, hướng dẫn pháp luật và ký cam kết không sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhập lậu, hàng kém chất lượng, hàng không có nguồn gốc xuất xứ với 331 cơ sở sản xuất, kinh doanh.

Cuộc chiến chống hàng giả online: Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước chỉ ra nhiều thách thức

Trong buổi làm việc với đại diện Mạng lưới Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (JETRO) về sở hữu trí tuệ tại Đông Nam Á, lãnh đạo Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước đã giải đáp nhiều vấn đề then chốt, từ hệ thống nhân sự thực thi quyền sở hữu trí tuệ, đến các tiêu chí thanh tra và khó khăn trong trấn áp hàng giả.

Đặc biệt, về tình trạng vi phạm trên môi trường online, Cục trưởng Trần Hữu Linh nhấn mạnh sự gia tăng của hành vi vi phạm trên thương mại điện tử (TMĐT). Để đối phó, Cục đã tham mưu Bộ Công Thương trình Chính phủ Đề án chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trên TMĐT đến năm 2025, tập trung vào các biện pháp trấn áp trực tuyến.

Cục trưởng Trần Hữu Linh tại buổi tiếp

Kết quả năm 2024 cho thấy nỗ lực của lực lượng QLTT với 3.124 vụ việc vi phạm trực tuyến được xử lý, tổng tiền phạt gần 2 triệu USD, gấp 3 lần năm 2023. Trong đó, 1.290 vụ liên quan đến hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và hàng không rõ nguồn gốc.

TMĐT tiếp tục là mặt trận trọng tâm trong 3-5 năm tới, khi tốc độ tăng trưởng dự kiến đạt 25% trong năm nay, với các sàn như TikTok, Shopee, Facebook chiếm lĩnh thị trường.

Tuy nhiên, Cục trưởng Trần Hữu Linh cũng chỉ ra những khó khăn thực tế. Thứ nhất, thiếu sự phối hợp từ chủ thể quyền, doanh nghiệp trong xác định hàng giả, gây khó khăn cho lực lượng chức năng. Thứ hai, vi phạm trực tuyến ngày càng tinh vi, khó giám sát và phát hiện kho hàng. Thứ ba, nguồn gốc hàng giả chủ yếu từ nước ngoài, đòi hỏi sự phối hợp liên ngành.

Cục trưởng Trần Hữu Linh nhấn mạnh vai trò của người mua, người bán và cơ quan thực thi trong việc trấn áp hàng giả. Đồng thời, cần tăng cường phối hợp với chủ thể quyền, nâng cao năng lực giám sát trực tuyến và hợp tác quốc tế.

Hải Dương: Tiêu hủy hơn 7,1 tấn chân gà đông lạnh không nguồn gốc

Với những lỗi vi phạm về đăng ký kinh doanh và kinh doanh hàng hóa (là thực phẩm) không rõ nguồn gốc, xuất xứ, Hộ kinh doanh bị xử phạt số tiền 97,5 triệu đồng và buộc tiêu hủy toàn bộ số chân gà đông lạnh vi phạm.

Ngày 25 tháng 01 năm 2025 (tức 26 Tết Ất Tỵ), Đội QLTT cơ động số 5 Cục QLTT tỉnh Hải Dương phối hợp với Đội 4 Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, môi trường Công an tỉnh và Chi cục Chăn nuôi, Thú y tổ chức giám sát việc tiêu hủy 7.160kg chân gà đông lạnh không rõ xuất xứ không đảm bảo an toàn trong sử dụng. Việc tiêu hủy được thực hiện tại Công ty TNHH San4 xuất và Dịch vụ thương mại Môi Trường Xanh - Việt Hồng, Thanh Hà.

Trước đó, vào ngày 20 tháng 01 năm 2025, qua triển khai các biện pháp nghiệp vụ, Đội QLTT cơ động số 5 đã phối hợp với lực lượng Công an tổ chức khám kho chứa chân gà đông lạnh tại địa chỉ: Thửa đất số 440, tờ bản đồ 38, phường Hoàng Tiến, thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương thuộc Hộ kinh doanh Vũ Tuấn Anh 86 do ông Vũ Tuấn Anh (sinh năm 1986, trú tại Đồng Lạc, Chí Linh) làm chủ. Phát hiện tại kho lạnh đang chứa trữ 7.160 kg chân gà đông lạnh để kinh doanh không rõ nguồn gốc, xuất xứ có trị giá trên 370 triệu đồng Ngoài ra Hộ kinh doanh hoạt động kinh doanh tại nhiều địa điểm nhưng không thông báo cho cơ quan chức năng theo quy định.

Với những lỗi vi phạm trên, Đội QLTT cơ động số 5 đã hoàn thiện hồ sơ, báo cáo Cục trưởng Cục QLTT trình Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Quyết định xử phạt đối với Hộ kinh doanh Vũ Tuấn Anh 86 số tiền 97,5 triệu đồng và buộc tiêu hủy toàn bộ số chân gà đông lạnh vi phạm.

Phú Thọ: Phát hiện 155kg nội tạng động vật bốc mùi

Ngày 15/1/2025, Cục QLTT tỉnh Phú Thọ cho biết, Đội Quản lý thị trường số 8 phối hợp với cơ quan chức năng tỉnh tiến hành kiểm tra một phương tiện vận tải. Kết quả phát hiện 155kg nội tạng động vật bốc mùi hôi thối, đang trên đường đi tiêu thụ.

Cụ thể, ngày 14/1/2025, Đội Quản lý thị trường số 8 phối hợp với phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Phú Thọ, Chi cục chăn nuôi và thú y tỉnh Phú Thọ phát hiện ô tô BKS: 29C-729.XX có dấu hiệu chở hàng hóa vi phạm tại Km 4 + 500 Quốc lộ 32C tránh thành phố Việt Trì thuộc phường Bến Gót, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ nên tiến hành dừng xe để kiểm tra.

Lực lượng chức năng kiểm tra xe hàng

Kết quả, lực lượng chức năng đã phát hiện trên thùng xe ô tô 29C-729.XX do ông TVH là lái xe kiêm chủ hàng đang vận chuyển sản phẩm động vật là nội tạng trâu, bò, lợn là lòng, gan, phổi các loại, số lượng 155 kg đi tiêu thụ. Số hàng hóa nói trên đang rỉ nước, bốc mùi hôi thối, không đảm bảo yêu cầu vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm để kinh doanh.

Đội Quản lý thị trường số 8 đã lập Biên bản và xử phạt vi phạm hành chính cá nhân vi phạm với hành vi: Vận chuyển sản phẩm động vật không đảm bảo yêu cầu vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm để kinh doanh với tổng số tiền phạt vi phạm hành chính là 10.000.000 đồng (Mười triệu đồng chẵn).

Đội đã buộc cá nhân vi phạm tiêu hủy số hàng hóa không đảm bảo yêu cầu vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm nói trên theo quy định.

Quảng Trị: Bắt giữ 2 đối tượng vận chuyển 18.600 viên ma túy tổng hợp

Ngày 31/12, Công an huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị cho biết, vừa phối hợp với các đơn vị có liên quan bắt giữ một đối tượng nghi vấn vận chuyển 18.000 viên ma tuý tổng hợp.

Theo đó, khoảng 20h20 ngày 29/12, Công an huyện Đakrông phối hợp Công an tỉnh, Cục Hải quan tỉnh Quảng Trị phát hiện đối tượng điều khiển xe máy lưu thông trên tuyến quốc lộ 9 có biểu hiện nghi vấn.

Đối tượng H.L.H. cùng tang vật 18.000 viên ma túy tổng hợp bị bắt giữ

Khi đối tượng chạy xe đến cây xăng Tân Liên thuộc thị trấn Khe Sanh, huyện Hướng Hóa thì ném một túi ni lông màu đen xuống phía dưới gầm xe ô tô tải...

Ngay tức khắc, Tổ công tác tiếp cận kiểm tra thì đối tượng vứt xe bỏ chạy nhưng bị các lực lượng khống chế, bắt giữ.

 Đối tượng H.V.L. cùng tang vật bị bắt giữ.

Tại hiện trường, tang vật thu giữ gồm 18.000 viên nén màu hồng nghi ma túy tổng hợp dạng hồng phiến.

Tại cơ quan chức năng, Hồ La Hai khai nhận số viên nén trên là ma túy do Hai nhận vận chuyển thuê từ biên giới Việt Nam - Lào về cây xăng Tân Liên để nhận tiền công.

Vụ việc đang được các lực lượng chức năng tiếp tục điều tra mở rộng, xử lý theo pháp luật.

Sơn La: Bắt giữ đối tượng vận chuyển pháo nổ trái phép

Ngày 18/12, Công an Thành phố đã bắt đối tượng đang có hành vi buôn bán pháo nổ trái phép.

Theo đó, thực hiện cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, bảo vệ Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025, Đội Cảnh sát hình sự Công an TP Sơn La làm nhiệm vụ trên tuyến quốc lộ 6 thuộc bản Chậu Cọ, phường Chiềng Cơi, thành phố Sơn La, đã phát hiện, bắt quả tang đối tượng Quàng Văn Hoàng, sinh năm 1994, trú tại bản Thé Dửn, xã Chiềng Xôm, đang có hành vi buôn bán pháo nổ trái phép.

Đối tượng Quàng Văn Hoàng cùng tang vật tại cơ quan Công an.

Tang vật thu giữ gồm 9 tràng pháo nổ có khối lượng trên 11,2 kg, 1 điện thoại di động, 700 nghìn đồng cùng một số vật chứng liên quan khác. Đối tượng Quàng Văn Hoàng khai nhận được thuê bán số pháo nổ trên với giá 700 nghìn đồng tiền công.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Sơn La đang mở rộng điều tra, làm rõ vụ việc theo quy định của pháp luật.

Cảnh sát biển bắt giữ tàu cá vận chuyển 50.000 lít dầu DO không rõ nguồn gốc

Ngày 3/12, Đoàn Trinh sát số 2 (Cảnh sát biển Việt Nam) cho biết vừa bắt giữ một tàu cá đang vận chuyển khoảng 50.000 lít dầu DO không rõ nguồn gốc trên biển.

Trước đó, vào lúc 19 giờ 30 phút ngày 2/12, tại khu vực biển cách Tây Nam đảo Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) khoảng 36 hải lý, Tổ công tác Đoàn Trinh sát số 2 đã phát hiện tàu cá vỏ gỗ số hiệu KG-94922-TS có dấu hiệu khả nghi nên tiến hành kiểm tra.

Tổ công tác của Đoàn Trinh sát số 2 kiểm tra hàng hóa trên tàu KG-94922-TS.

Qua kiểm tra, trên tàu có 4 thuyền viên do ông Trần Thanh Tuấn (SN 1982, quê tỉnh Kiên Giang) làm thuyền trưởng và không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của hàng hóa vận chuyển trên tàu; đồng thời, thuyền viên không đủ bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn theo quy định, không xuất trình được giấy tờ có liên quan đến phương tiện.

Tổ công tác của Đoàn Trinh sát số 2 niêm phong hàng hóa trên tàu vi phạm. 

Đến 14 giờ 30 phút ngày 3/12, tổ công tác của Đoàn Trinh sát số 2 đã dẫn giải tàu vi phạm về cảng Hải đội 422, thuộc Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 để bàn giao và tiếp tục điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

Tuyên Quang: Phát hiện và tạm giữ hàng hóa giả mạo nhãn hiệu NIKE 

Ngày 13/11/2024, theo thông tin từ Cục Quản lý thị trường Tuyên Quang, Đội Quản lý thị trường số 3 vừa kiểm tra, phát hiện và tạm giữ 20 sản phẩm giày thời trang có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu NIKE đang được bảo hộ tại Việt Nam có giá trị gần 5.000.000 đồng.

Cụ thể, ngày 11/11/2024, Đội Quản lý thị trường số 3 tiến hành kiểm tra đột xuất Cửa hàng kinh doanh giày dép, quần áo thời trang các loại của Hộ kinh doanh T.T.Đ do ông T.T.Đ làm chủ cơ sở kinh doanh, địa chỉ: Tổ dân phố Quyết Thắng, thị trấn Sơn Dương, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang.

Lực lượng chức năng kiểm tra hàng hóa tại hộ kinh doanh. 

Tại thời điểm kiểm tra phát hiện cửa hàng đang trưng bày để bán gần 20 sản phẩm giày thời trang có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu NIKE đang được bảo hộ tại Việt Nam có giá trị gần 5.000.000 đồng, chủ cơ sở là ông T.T.Đ không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ hợp pháp của các sản phẩm hàng hóa nói trên.

Hàng hóa có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu NIKE bị tạm giữ. 

Đội Quản lý thị trường số 3 đã tiến hành tạm giữ toàn bộ số hàng hóa vi phạm, tiếp tục xác minh để xử lý theo quy định của pháp luật.

Ban Chỉ đạo 389 Hà Nội: Thu nộp ngân sách hơn 294 tỷ đồng từ chống hàng lậu, hàng giả

Trong tháng 10, các lực lượng chức năng thuộc Ban Chỉ đạo 389 Hà Nội đã kiểm tra 2.572 vụ, xử lý 2.295 vụ vi phạm, thu nộp ngân sách nhà nước hơn 294 tỷ đồng.

Cụ thể, báo cáo từ Ban Chỉ đạo 389 Hà Nội cho thấy, trong tháng 10/2024, đã có 2.572 vụ kiểm tra, trong đó xử lý 2.295 vụ vi phạm. Con số này bao gồm 232 vụ liên quan đến hàng cấm, hàng lậu, 183 vụ vi phạm về hàng giả và sở hữu trí tuệ, và 1.880 vụ gian lận thương mại. Số tiền thu nộp ngân sách nhà nước đạt 294,347 tỷ đồng, trong đó có 1.669 vụ xử lý vi phạm hành chính và 18 vụ bị khởi tố với 17 bị can.

Báo cáo cũng nêu rõ tình trạng sản xuất và buôn bán hàng giả, hàng lậu, vi phạm sở hữu trí tuệ vẫn diễn biến phức tạp, đặc biệt trên các mặt hàng như rượu, thuốc lá, quần áo, mỹ phẩm, thực phẩm và đồ điện tử. Để ngăn chặn các hành vi này, các cơ quan đã tập trung vào việc kiểm soát chặt chẽ thị trường nhằm bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng và các doanh nghiệp chân chính.

Lực lượng liên ngành Ban Chỉ đạo 389 Hà Nội kiểm tra hàng hóa vi phạm trên địa bàn Thành phố. 

Ban Chỉ đạo 389 Hà Nội cũng đã thực hiện các kế hoạch và chỉ đạo của Chính phủ về phòng chống buôn lậu và gian lận thương mại. Các kế hoạch nổi bật bao gồm: Kế hoạch số 111 của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về tăng cường kiểm soát tại các cảng hàng không quốc tế, Kế hoạch số 92 về phòng chống hàng lậu và hàng giả trên các tuyến biên giới và nội địa và Kế hoạch số 399 về chống gian lận thương mại trong thương mại điện tử. Ban Chỉ đạo 389 Thành phố Hà Nội cũng triển khai nhiều kế hoạch khác nhằm tăng cường tuyên truyền và nâng cao nhận thức về công tác phòng, chống buôn lậu.

Trong tháng, Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã đóng vai trò tích cực trong việc giám sát và triển khai các chỉ đạo của Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia và UBND Thành phố. Đơn vị đã thực hiện 532 cuộc thanh tra, xử lý hành chính 429 vụ và thu phạt 4,876 tỷ đồng. Tổng giá trị hàng vi phạm lên tới 2,85 tỷ đồng.

Công an TP. Hà Nội cũng đã thực hiện các đợt kiểm tra, triệt phá nhiều đường dây, tụ điểm tàng trữ, sản xuất và buôn bán hàng lậu, hàng giả. Trong tháng, lực lượng công an đã xử lý 236 vụ và phạt hành chính 2,922 tỷ đồng, truy thu thuế và thu hồi 13,191 tỷ đồng. Tổng trị giá hàng vi phạm bị phát hiện là 18,145 tỷ đồng, có 18 vụ bị khởi tố với 17 bị can.

Cục Hải quan Hà Nội cũng tăng cường kiểm soát các tuyến, địa bàn và mặt hàng trọng điểm, bao gồm các hàng hóa có thuế suất cao, hàng cấm, hàng giả và vi phạm sở hữu trí tuệ. Trong tháng, Cục Hải quan phát hiện, xử lý 163 vụ vi phạm, thu phạt hành chính 9 tỷ đồng và trị giá hàng vi phạm 21,8 tỷ đồng.

Quản lý thị trường Hà Nội kiểm tra hàng hóa tại hệ thống bán lẻ.

Cục Thuế TP. Hà Nội cũng tăng cường thanh tra, kiểm tra chống thất thu thuế, giám sát việc kê khai thuế, quyết toán thuế, hoàn thuế nhằm chống các hành vi gian lận thuế, chiếm đoạt tiền thuế từ ngân sách nhà nước; không để các tổ chức, cá nhân vi phạm lợi dụng kẽ hở để buôn lậu, trốn thuế; xử lý hiệu quả tình trạng chuyển giá, trốn thuế; Kịp thời trao đổi thông tin, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng trong công tác điều tra, xác minh, xử lý các đối tượng có hành vi mua bán hóa đơn bất hợp pháp, buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả liên quan đến công tác quản lý thuế.

Kết quả, trong tháng 10, Cục thuế Thành phố đã thanh tra, kiểm tra 1.400 doanh nghiệp, xử lý 1.399 doanh nghiệp vi phạm. Phạt hành chính 87,565 tỷ đồng. Truy thu thuế, thu hồi thuế sau thanh tra, kiểm tra 175 tỷ 130 triệu đồng.

Trong tháng 10, Sở Y tế Hà Nội đã thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc, mỹ phẩm, trang thiết bị y tế, thuốc đông y, thuốc từ dược liệu; thanh tra, kiểm tra về nguồn gốc, chất lượng thuốc và phòng chống thuốc giả; việc sử dụng thuốc và trang thiết bị tại phòng khám nhằm ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm.

Thanh tra, kiểm tra đảm bảo an toàn thực phẩm; thanh tra, kiểm tra các cơ sở dịch vụ ăn uống (bếp ăn tập thể, nhà hàng, chế biến suất ăn sẵn); sản xuất nước uống đóng chai, nước giải khát, kem, bia…; việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng và các sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ nhỏ; kinh doanh, sử dụng phụ gia, nguyên liệu, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm.

Trong tháng, Sở Y tế đã thanh tra, kiểm tra 52 vụ, xử phạt 22 vụ vi phạm với số tiền phạt 785 triệu đồng.

Các sở, ngành và Ban Chỉ đạo 389 các quận, huyện trên địa bàn Hà Nội tiếp tục phối hợp thực hiện các kế hoạch, chỉ đạo từ cấp trên. Các nỗ lực đồng bộ này nhằm tạo môi trường kinh doanh minh bạch, ổn định thị trường, đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng, và nâng cao nhận thức về đấu tranh chống buôn lậu và hàng giả./.