Nghệ An: Phát hiện và tiêu hủy 360 kg nội tạng động vật bốc mùi
Trong quá trình tăng cường kiểm tra an toàn thực phẩm, lực lượng quản lý thị trường Nghệ An đã phát hiện một cơ sở kinh doanh đang bày bán số lượng lớn nội tạng động vật không rõ nguồn gốc, đã có dấu hiệu hư hỏng. Chủ cơ sở đã bị xử phạt và toàn bộ lô hàng buộc phải tiêu hủy.
Ngày 29/04/2025, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 11 thuộc Chi cục QLTT tỉnh Nghệ An đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với một cơ sở kinh doanh trên địa bàn vì hành vi kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Trước đó, thực hiện chỉ đạo về việc triển khai "Tháng hành động vì An toàn thực phẩm" và công tác hậu kiểm an toàn thực phẩm năm 2025, Đội QLTT số 11 đã tiến hành kiểm tra đột xuất cơ sở kinh doanh thực phẩm do ông Nguyễn Đình Phi làm chủ, có địa chỉ tại xóm 6, xã Nghi Phong, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An.
Hình ảnh kiểm tra tại cơ sở
Qua kiểm tra, đoàn công tác phát hiện ông Nguyễn Đình Phi đang bày bán 360 kg tràng lợn đông lạnh, được chứa trong 36 gói (10 kg/gói), với tổng trị giá hàng hóa ước tính là 18 triệu đồng. Điều đáng nói, toàn bộ số nội tạng động vật đông lạnh này đều không có nhãn mác, không ghi hạn sử dụng và thiếu các tài liệu kèm theo. Trên bao bì sản phẩm hoàn toàn không có thông tin nào để xác định nguồn gốc, nơi sản xuất hoặc xuất xứ của hàng hóa. Nghiêm trọng hơn, lô hàng đã có dấu hiệu biến chất và bốc mùi hôi thối. Tại thời điểm kiểm tra, ông Nguyễn Đình Phi đã không thể xuất trình bất kỳ hóa đơn, chứng từ, hợp đồng mua bán hay giấy tờ giao dịch nào liên quan đến số nội tạng động vật trên.
Với những vi phạm nghiêm trọng này, Đội QLTT số 11 đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với cơ sở kinh doanh của ông Nguyễn Đình Phi với số tiền là 12 triệu đồng. Đồng thời, toàn bộ 360 kg nội tạng động vật không rõ nguồn gốc và đã bị biến chất đã bị buộc tiêu hủy theo đúng quy định của pháp luật.
Bắc Ninh: Kiểm tra, phát hiện, xử lý 87 vụ vi phạm các quy định trong kinh doanh thương mại
Trong quý I/2025, Chi Cục Quản lý thị trường Bắc Ninh đã tích cực phối hợp với các ngành chức năng kiểm tra, phát hiện, xử lý 87 vụ vi phạm các quy định trong lĩnh vực kinh doanh thương mại trên địa bàn tỉnh với tổng số tiền thu, phạt hành chính, bán hàng tịch thu, trị giá hàng hóa vi phạm xử lý, hàng tồn kho hơn 5,5 tỷ đồng.
Trong đó, xử lý 25 hành vi vi phạm về hàng lậu; 31 hành vi vi phạm hàng giả; 7 hành vi vi phạm về hàng cấm; 16 hành vi vi phạm về hàng hóa không rõ nguồn gốc… Một số nhóm mặt hàng nổi cộm bị xử lý là: Thuốc lá, rượu, mỹ phẩm, khoáng sản.
Cán bộ Chi Cục Quản lý thị trường kiểm tra hàng hóa tại thành phố Bắc Ninh.
Ngoài ra, Chi cục Quản lý thị trường cũng đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật liên quan đến hoạt động dịch vụ thương mại để người dân nắm bắt, hiểu rõ tác hại của kinh doanh hàng lậu, hàng giả và các hành vi gian lận thương mại khác, từ đó tự giác thực hiện và đồng tình ủng hộ các lực lượng chức năng thực thi nhiệm vụ. Đồng thời, trực tiếp đến các cơ sở sản xuất, kinh doanh tuyên truyền, hướng dẫn pháp luật và ký cam kết không sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhập lậu, hàng kém chất lượng, hàng không có nguồn gốc xuất xứ với 331 cơ sở sản xuất, kinh doanh.
Cuộc chiến chống hàng giả online: Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước chỉ ra nhiều thách thức
Trong buổi làm việc với đại diện Mạng lưới Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (JETRO) về sở hữu trí tuệ tại Đông Nam Á, lãnh đạo Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước đã giải đáp nhiều vấn đề then chốt, từ hệ thống nhân sự thực thi quyền sở hữu trí tuệ, đến các tiêu chí thanh tra và khó khăn trong trấn áp hàng giả.
Đặc biệt, về tình trạng vi phạm trên môi trường online, Cục trưởng Trần Hữu Linh nhấn mạnh sự gia tăng của hành vi vi phạm trên thương mại điện tử (TMĐT). Để đối phó, Cục đã tham mưu Bộ Công Thương trình Chính phủ Đề án chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trên TMĐT đến năm 2025, tập trung vào các biện pháp trấn áp trực tuyến.
Cục trưởng Trần Hữu Linh tại buổi tiếp
Kết quả năm 2024 cho thấy nỗ lực của lực lượng QLTT với 3.124 vụ việc vi phạm trực tuyến được xử lý, tổng tiền phạt gần 2 triệu USD, gấp 3 lần năm 2023. Trong đó, 1.290 vụ liên quan đến hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và hàng không rõ nguồn gốc.
TMĐT tiếp tục là mặt trận trọng tâm trong 3-5 năm tới, khi tốc độ tăng trưởng dự kiến đạt 25% trong năm nay, với các sàn như TikTok, Shopee, Facebook chiếm lĩnh thị trường.
Tuy nhiên, Cục trưởng Trần Hữu Linh cũng chỉ ra những khó khăn thực tế. Thứ nhất, thiếu sự phối hợp từ chủ thể quyền, doanh nghiệp trong xác định hàng giả, gây khó khăn cho lực lượng chức năng. Thứ hai, vi phạm trực tuyến ngày càng tinh vi, khó giám sát và phát hiện kho hàng. Thứ ba, nguồn gốc hàng giả chủ yếu từ nước ngoài, đòi hỏi sự phối hợp liên ngành.
Cục trưởng Trần Hữu Linh nhấn mạnh vai trò của người mua, người bán và cơ quan thực thi trong việc trấn áp hàng giả. Đồng thời, cần tăng cường phối hợp với chủ thể quyền, nâng cao năng lực giám sát trực tuyến và hợp tác quốc tế.
Hải Dương: Tiêu hủy hơn 7,1 tấn chân gà đông lạnh không nguồn gốc
Với những lỗi vi phạm về đăng ký kinh doanh và kinh doanh hàng hóa (là thực phẩm) không rõ nguồn gốc, xuất xứ, Hộ kinh doanh bị xử phạt số tiền 97,5 triệu đồng và buộc tiêu hủy toàn bộ số chân gà đông lạnh vi phạm.
Ngày 25 tháng 01 năm 2025 (tức 26 Tết Ất Tỵ), Đội QLTT cơ động số 5 Cục QLTT tỉnh Hải Dương phối hợp với Đội 4 Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, môi trường Công an tỉnh và Chi cục Chăn nuôi, Thú y tổ chức giám sát việc tiêu hủy 7.160kg chân gà đông lạnh không rõ xuất xứ không đảm bảo an toàn trong sử dụng. Việc tiêu hủy được thực hiện tại Công ty TNHH San4 xuất và Dịch vụ thương mại Môi Trường Xanh - Việt Hồng, Thanh Hà.
Trước đó, vào ngày 20 tháng 01 năm 2025, qua triển khai các biện pháp nghiệp vụ, Đội QLTT cơ động số 5 đã phối hợp với lực lượng Công an tổ chức khám kho chứa chân gà đông lạnh tại địa chỉ: Thửa đất số 440, tờ bản đồ 38, phường Hoàng Tiến, thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương thuộc Hộ kinh doanh Vũ Tuấn Anh 86 do ông Vũ Tuấn Anh (sinh năm 1986, trú tại Đồng Lạc, Chí Linh) làm chủ. Phát hiện tại kho lạnh đang chứa trữ 7.160 kg chân gà đông lạnh để kinh doanh không rõ nguồn gốc, xuất xứ có trị giá trên 370 triệu đồng Ngoài ra Hộ kinh doanh hoạt động kinh doanh tại nhiều địa điểm nhưng không thông báo cho cơ quan chức năng theo quy định.
Với những lỗi vi phạm trên, Đội QLTT cơ động số 5 đã hoàn thiện hồ sơ, báo cáo Cục trưởng Cục QLTT trình Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Quyết định xử phạt đối với Hộ kinh doanh Vũ Tuấn Anh 86 số tiền 97,5 triệu đồng và buộc tiêu hủy toàn bộ số chân gà đông lạnh vi phạm.
Phú Thọ: Phát hiện 155kg nội tạng động vật bốc mùi
Ngày 15/1/2025, Cục QLTT tỉnh Phú Thọ cho biết, Đội Quản lý thị trường số 8 phối hợp với cơ quan chức năng tỉnh tiến hành kiểm tra một phương tiện vận tải. Kết quả phát hiện 155kg nội tạng động vật bốc mùi hôi thối, đang trên đường đi tiêu thụ.
Cụ thể, ngày 14/1/2025, Đội Quản lý thị trường số 8 phối hợp với phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Phú Thọ, Chi cục chăn nuôi và thú y tỉnh Phú Thọ phát hiện ô tô BKS: 29C-729.XX có dấu hiệu chở hàng hóa vi phạm tại Km 4 + 500 Quốc lộ 32C tránh thành phố Việt Trì thuộc phường Bến Gót, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ nên tiến hành dừng xe để kiểm tra.
Lực lượng chức năng kiểm tra xe hàng
Kết quả, lực lượng chức năng đã phát hiện trên thùng xe ô tô 29C-729.XX do ông TVH là lái xe kiêm chủ hàng đang vận chuyển sản phẩm động vật là nội tạng trâu, bò, lợn là lòng, gan, phổi các loại, số lượng 155 kg đi tiêu thụ. Số hàng hóa nói trên đang rỉ nước, bốc mùi hôi thối, không đảm bảo yêu cầu vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm để kinh doanh.
Đội Quản lý thị trường số 8 đã lập Biên bản và xử phạt vi phạm hành chính cá nhân vi phạm với hành vi: Vận chuyển sản phẩm động vật không đảm bảo yêu cầu vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm để kinh doanh với tổng số tiền phạt vi phạm hành chính là 10.000.000 đồng (Mười triệu đồng chẵn).
Đội đã buộc cá nhân vi phạm tiêu hủy số hàng hóa không đảm bảo yêu cầu vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm nói trên theo quy định.