Đăng nhập

Quảng Ngãi: Làm giá đỗ bằng chất kích thích, 2 chủ cơ sở bị khởi tố

Công an TP. Quảng Ngãi (tỉnh Quảng Ngãi) vừa khởi tố 2 vụ án với 2 bị can đều là chủ cơ sở sản xuất giá đỗ về hành vi “Vi phạm quy định về an toàn thực phẩm”.

Cụ thể, ngày 14-10, Công an TP. Quảng Ngãi (Quảng Ngãi) thông tin vừa khởi tố 2 vụ án, khởi tố 2 bị can gồm: Vũ Văn Tuấn (SN 1995) và Đào Văn Lập (SN 1989) để điều tra về hành vi “Vi phạm quy định về an toàn thực phẩm”.

Công an lấy thông tin từ chủ cơ sở sản xuất giá đỗ

Qua theo dõi, Công an TP. Quảng phối hợp Chi Cục trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh Quảng Ngãi tiến hành kiểm tra cơ sở sản xuất giá đỗ của ông Tuấn thuê trên đường Quang Trung (phường Nghĩa Chánh, TP. Quảng Ngãi) và cơ sở ông Lập thuê thuê trên đường Đặng Thùy Trâm (phường Nghĩa Chánh, TP. Quảng Ngãi) để sản xuất giá đỗ. Lực lượng chức năng đã thu các mẫu giá đỗ và phát hiện 2 cơ sở này có sử dụng hóa chất cấm để kích thích tăng trưởng. Các chất kích thích này có nguy cơ gây hại cho người sử dụng.

Công an thành phố Quảng Ngãi lập biên bản đối với chủ cơ sở sản xuất giá đỗ Vũ Văn Tuấn về hành vi sử dụng hóa chất kích thích tăng trưởng.

Hồi tháng 3/2024, 2 cơ sở này bị công an phát hiện sử dụng hóa chất 6-Benzylaminopurine để sản xuất giá đỗ. Đây là hóa chất tăng trưởng bị cấm trong sản xuất thực phẩm.

Một cơ sở sản xuất giá đỗ sử dụng hóa chất cấm dùng để kích thích tăng trưởng

Chất 6-Benzylaminopurine giúp giá đỗ phát triển nhanh, kích thước cây giá đỗ to, mọng nước. Cây giá đỗ được ngâm hóa chất cũng có màu trắng hơn so với sản xuất theo phương pháp thủ công truyền thống.

Với hành vi này, cơ sở sản xuất giá đỗ của ông Vũ Văn Tuấn và Đào Văn Lập bị đình chỉ hoạt động 2 tháng. Mỗi cơ sở bị xử phạt 40 triệu đồng.

Bắc Ninh: Kiểm tra đột xuất cơ sở san, chiết, nạp LPG trái phép

Kiểm tra đột xuất Cơ sở san, chiết, nạp khí LPG của ông P.V.Đ tạm giữ toàn bộ tang vật, phương tiện vi phạm

Thực hiện sự chỉ đạo của Lãnh đạo Cục Quản lý thị trường Bắc Ninh, Đội Quản lý thị trường số 4 phối hợp với Phòng Nghiệp vụ - Tổng hợp, Phòng Thanh tra – Pháp chế, Phòng An ninh kinh tế - Công an tỉnh Bắc Ninh, Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về hình sự, ma túy, kinh tế - Công an thị xã Thuận Thành kiểm tra đột xuất Cơ sở san, chiết, nạp khí LPG của ông P.V.Đ, địa chỉ: Khu vực bãi ven sông Đuống thuộc địa phận khu phố Đạo Tú, phường Song Hồ, thị xã Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh.

Tại thời điểm kiểm tra Đoàn kiểm tra phát hiện 02 xe bồn chứa 12.020 kg LPG, 320 chiếc vỏ bình gas (nhãn hiệu GP PETROL, PETRO Hồng Hà, VENUS PETROL, PETROL Toàn Cầu và Thăng Long PETRO) cùng các phương tiện san, chiết như máy nén khí, vòi san chiết, cân điện tử… để thực hiện san, chiết, nạp LPG vào chai.

Ông P.V.Đ chưa xuất trình được đăng ký kinh doanh, các điều kiện liên quan đến hoạt động kinh doanh khí LPG, giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh và hóa đơn, chứng từ chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa. Đoàn kiểm tra đã lập biên bản tạm giữ toàn bộ tang vật, phương tiện vi phạm trên để xác minh, làm rõ và xử lý theo quy định pháp luật.

Tiền Giang: Phát hiện 02 cơ sở bán hàng qua facebook nhưng không đăng ký thành lập hộ kinh doanh

Đội trưởng Đội QLTT số 5, Cục QLTT tỉnh Tiền Giang đã xử phạt 02 cơ sở vi phạm số tiền 15.000.000 đồng.

Thực hiện Kế hoạch công tác về thương mại điện tử năm 2024 của Cục QLTT tỉnh Tiền Giang, Đội QLTT số 5 phân công công chức theo dõi, phát hiện 02 cá nhân thiết lập tài khoản mạng xã hội facebook, đăng bài, hình ảnh bán hàng điện tử, điện lạnh có dấu hiệu vi phạm.

Đội QLTT số 5 kiểm tra trực tiếp tại địa điểm kinh doanh

Sau khi thu thập, thẩm tra, xác minh thông tin về tên, địa chỉ cơ sở kinh doanh; trong 02 ngày 23 và 27/8/2024, Đoàn kiểm tra Đội QLTT số 5 kiểm tra đột xuất tại địa điểm kinh doanh của 02 cửa hàng này trên địa bàn huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang.

Kết quả kiểm tra, phát hiện cả 02 cơ sở này đang mua bán ti vi, tủ lạnh, máy giặt... theo quy định phải đăng ký thành lập hộ kinh doanh nhưng không xuất trình được Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Đội QLTT số 5 hoàn chỉnh hồ sơ vụ việc và ngày 28/8/2024, Đội trưởng đã ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 02 trường hợp vi phạm, đã thu phạt với tổng số tiền 15.000.000 đồng.

Bài đăng bán hàng trên tài khoản facebook

Thông qua hoạt động kiểm tra, Đoàn công tác cũng đã tuyên truyền, hướng dẫn các cơ sở tuân thủ đúng quy định trong hoạt động kinh doanh nhất là các quy định khi kinh doanh hàng hóa trên nền tảng thương mại điện tử.

Trong 8 tháng đầu năm 2024, Đội QLTT số 5 đã tổ chức kiểm tra, phát hiện và xử lý 13 vụ việc vi phạm trong lĩnh vực thương mại điện tử, thu phạt hơn 170 triệu đồng. Các hành vi phạm gồm kinh doanh mỹ phẩm nhập lậu; không giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; không thông báo website thương mại điện tử bán hàng với cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định… Trong thời gian tới, Đội sẽ tiếp tục tăng cường các biện pháp nghiệp vụ, theo dõi chặt chẽ hoạt động kinh doanh trên nền tảng này, chủ động tổ chức kiểm tra để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; góp phần tạo môi trường kinh doanh lành mạnh.

Thanh Hóa: Triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán thuốc tân dược giả quy mô lớn

Ngày 17-8, Công an tỉnh Thanh Hóa thông tin, sau một thời gian theo dõi và lập án đấu tranh, Công an TP Thanh Hóa đã triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán thuốc giả, thu giữ hàng tấn phụ gia, tá phẩm và hàng nghìn hộp thuốc giả (chủ yếu là thuốc tân dược) quy mô lớn trên toàn quốc, bắt giữ 7 đối tượng.

7 người bị bắt giữ gồm: Nguyễn Văn Hưng (sinh năm 1990, trú tại tỉnh Đắk Nông); Trương Quốc Phong Dinh (sinh năm 1997) và em trai Trương Quốc Dũng (sinh năm 1998, trú tại TP Cần Thơ); Nguyễn Thị Kiều Trang (sinh năm 1991, trú tại TP Hà Nội); Nguyễn Văn Tài (sinh năm 1998, trú tại tỉnh Nam Định); Nguyễn Hoàng Chung (sinh năm 2006, trú tại tỉnh Đắk Nông) và Ngô Tiến Thành (sinh năm 1990, trú tại tỉnh Hà Nam).

Lực lượng chức năng xem xét các loại thuốc tân dược giả.

Khám xét khẩn cấp 5 địa điểm là nơi sản xuất, cất giấu hàng hóa, nơi làm việc của ổ nhóm này trên địa bàn TP Hà Nội, TP Cần Thơ và tỉnh Bến Tre, lực lượng công an thu giữ: 657 hộp thuốc Cefuroxim 500mg, 3.258 hộp thuốc Cefixim 200mg, 100 hộp thuốc Panadol Extra, 724 hộp thuốc Panactol dạng vỉ nén, 1.080 lọ thuốc Panactol. Đồng thời, thu giữ nhiều nguyên liệu để sản xuất các loại thuốc kháng sinh giả, gồm: 2,2 tấn phụ gia, tá phẩm; 1.000 tờ hướng dẫn sử dụng thuốc Cefuroxim, 10 vỏ thùng vỏ hộp Panactol và nhiều máy móc, thiết bị phục vụ hoạt động sản xuất thuốc giả.

Kết quả điều tra cho thấy, lợi dụng thói quen của người dân là tự kê đơn mua các loại thuốc chữa bệnh và sơ hở trong công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh dược phẩm tại các quầy thuốc, nhà thuốc, Nguyễn Văn Hưng (là đối tượng cầm đầu) đã câu kết với Trương Quốc Phong Dinh thành lập Công ty TNHH dịch vụ y tế Tích Hợp, đăng ký trụ sở tại TP Bến Tre (tỉnh Bến Tre) để ngụy trang cho hoạt động sản xuất kinh doanh thuốc tân dược giả.

Các đối tượng trong đường dây sản xuất, buôn bán thuốc tân dược giả.

Dưới vỏ bọc là nhân viên dược sĩ chuyên mua bán thuốc cho các công ty dược, Trương Quốc Phong Dinh đã thông qua các trang mạng xã hội zalo, facebook… để thu mua các loại thuốc ngoại nhập trôi nổi trên thị thường, sau đó dùng cồn hoặc hóa chất khác tẩy xóa phần chữ in trên vỉ thuốc, dùng máy in lại thông tin (tên, thành phần, hoạt chất) trên vỉ thuốc tạo thành loại thuốc mới.

Ngoài ra, Dinh còn thu mua thuốc tân dược sản xuất nội địa, có nguồn gốc xuất xứ, giá rẻ, sau đó ngâm vào nước để bong tróc tem nhãn gốc của nhà sản xuất dán trên ống thuốc, đặt in và dán tem nhãn giả thành thuốc ngoại nhập, đưa ra thị trường tiêu thụ với giá cao.

Hiện, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Thanh Hóa đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố 7 bị can nói trên về tội "Sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc phòng bệnh, thuốc chữa bệnh" quy định tại khoản 2 Điều 194 Bộ luật Hình sự.

Bắt quả tang tàu vận chuyển trái phép 1.000m³ cát tại vùng biển Hải Phòng - Quảng Ninh

Sáng 6/8, lực lượng chức năng đã bất ngờ kiểm tra và tạm giữ một tàu hàng đang vận chuyển trái phép 1.000m³ cát tại vùng biển giáp ranh giữa Hải Phòng và Quảng Ninh. Toàn bộ số cát trên không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp và đang được đưa đi tiêu thụ.

Vào lúc 15 giờ ngày 5/8, trong quá trình tuần tra kiểm soát, Tổ công tác Hải đoàn 11 (Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 1) phối hợp với Đội Quản lý thị trường số 2 (Cục Quản lý thị trường thành phố Hải Phòng) đã phát hiện tàu hàng mang số hiệu HN-2419 có nhiều dấu hiệu nghi vấn.

Tàu chở 1.000 m3 cát không rõ nguồn gốc bị lực lượng chức năng tạm giữ.

Qua kiểm tra, lực lượng chức năng xác định trên tàu đang vận chuyển khoảng 1.000m³ cát san lấp. Tuy nhiên, thuyền trưởng và các thuyền viên không xuất trình được bất kỳ giấy tờ nào chứng minh nguồn gốc hợp pháp của số cát này.

Theo khai báo của thuyền trưởng Nguyễn Hoàng Thái (37 tuổi, trú tại xã Chu Minh, huyện Ba Vì, Hà Nội), số cát trên được mua lại một cách trôi nổi và không có hóa đơn chứng từ đi kèm. Tàu đang trên đường vận chuyển đi tiêu thụ thì bị lực lượng chức năng phát hiện và tạm giữ.

Ngay sau khi phát hiện vụ việc, Tổ công tác đã lập biên bản, dẫn giải tàu vi phạm về khu vực cầu Bạch Đằng (Hải Phòng) để tiến hành các thủ tục điều tra, làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.

Việc vận chuyển cát trái phép không chỉ gây ảnh hưởng đến môi trường sinh thái mà còn vi phạm nghiêm trọng các quy định của pháp luật về khai thác và vận chuyển tài nguyên khoáng sản.

BCĐ 389 Hà Nội: Siết chặt kiểm soát buôn lậu qua đường hàng không

6 tháng đầu năm 2024, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn Hà Nội diễn biến phức tạp, trong đó nổi lên vấn đề buôn lậu qua đường hàng không.

Theo số liệu của Cục Hải quan Hà Nội, trong 6 tháng đầu năm, Cảng hàng không quốc tế Nội Bài đã làm thủ tục cho 29.716 chuyến bay quốc tế với 5.386.223 lượt hành khách và khoảng 298.510 tấn hàng hóa xuất nhập khẩu. Tuy nhiên, đây cũng là "cánh cửa" cho các hoạt động buôn lậu diễn ra.

Các lực lượng trong Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia và Ban Chỉ đạo 389 thành phố Hà Nội kiểm tra hàng hóa tại kho hàng hóa Cảng hàng không Nội Bài. 

Hàng hóa buôn lậu qua đường hàng không chủ yếu là hàng gọn nhẹ, giá trị cao, với các mặt hàng vi phạm đa dạng như ma túy, tiền, vàng, điện thoại thông minh... Các đối tượng buôn lậu lợi dụng chính sách nhập khẩu quà tặng, quà biếu, xé nhỏ hàng hóa gửi cho nhiều người nhận khác nhau, sau đó thu gom lại. Đồng thời, họ cũng lợi dụng việc phân luồng kiểm tra, khai báo thành các mặt hàng khác để được phân luồng xanh, vàng, tránh bị phân luồng đỏ.

Để qua mặt cơ quan chức năng, các đối tượng buôn lậu sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi. Một số thủ đoạn phổ biến bao gồm:

Mở nhiều tờ khai cho một vận đơn, sau đó hủy tờ khai hoặc thay đổi thông tin người nhận hàng khi bị phát hiện.

Sử dụng các doanh nghiệp không có thật để làm thủ tục hải quan.

Cất giấu, trà trộn các mặt hàng cấm vào những mặt hàng khác để khai báo.

Lợi dụng hành khách nhập cảnh để mang hộ, mang thuê hàng lậu về Việt Nam.

Sử dụng các công ty dịch vụ giao nhận để vận chuyển hàng lậu.

Hậu quả của buôn lậu qua đường hàng không là vô cùng nghiêm trọng. Nó ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước và sức khỏe người tiêu dùng.

Để chấn chỉnh tình trạng này, Ban Chỉ đạo 389 thành phố Hà Nội đã và đang tăng cường các biện pháp kiểm soát. Các lực lượng chức năng đã được bố trí tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài để giám sát chặt chẽ hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa. Đồng thời, các đơn vị chức năng cũng tăng cường phối hợp với nhau để chia sẻ thông tin và xử lý vi phạm một cách hiệu quả.

Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền cũng được đẩy mạnh để nâng cao nhận thức của người dân về tác hại của buôn lậu.

Với những biện pháp quyết liệt, hy vọng rằng tình trạng buôn lậu qua đường hàng không tại Hà Nội sẽ được kiểm soát hiệu quả trong thời gian tới.

Đắk Lắk: Phạt 27,5 triệu đồng và tiêu hủy hàng hóa do kinh doanh online sản phẩm không rõ nguồn gốc

Ngày 11 tháng 7 năm 2024 - Cục Quản lý thị trường tỉnh Đắk Lắk thông tin cho biết đã ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính 27,5 triệu đồng đối với bà V.M., đồng thời buộc bà tiêu hủy toàn bộ số hàng hóa trị giá 51,1 triệu đồng vi phạm quy định về kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Trước đó, qua thông tin thu thập được trên mạng xã hội Facebook, Tổ công tác Thương mại điện tử phối hợp với Đội Quản lý thị trường số 1 tiến hành kiểm tra cơ sở kinh doanh online của bà V.M tại phường Thống Nhất, thành phố Buôn Ma Thuột.

Tại thời điểm kiểm tra, cơ sở kinh doanh của bà V.M đang bày bán các mặt hàng bao gồm đồ dùng học tập, đồ chơi trẻ em, các mặt hàng theo mùa,... Tuy nhiên, gần 300 sản phẩm trên nhãn có tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam, không thể hiện nội dung về xuất xứ hàng hóa. Bà V.M cũng không xuất trình được hóa đơn, chứng từ nào chứng minh tính hợp pháp của số hàng hóa vi phạm.

Căn cứ vào những vi phạm trên, Đội Quản lý thị trường số 1 đã ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với bà V.M. với số tiền 27,5 triệu đồng và buộc bà tiêu hủy toàn bộ số hàng hóa vi phạm theo quy định.

Quảng Bình: Phát hiện số lượng lớn thuốc lá điện tử nhập lậu

Ngày 24/6/2024, Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Quảng Bình cho biết đơn vị vừa phát hiện, bắt giữ vụ vận chuyển hàng nhập lậu, không có hóa đơn chứng từ, trị giá khoảng 200 triệu đồng. Đặc biệt trong đó có gần 14.000 sản phẩm thuốc lá điện tử.

Công an Quảng Bình phát hiện, bắt giữ vụ vận chuyển hàng lậu trị giá khoảng 200 triệu đồng.

Trước đó, vào lúc 15h ngày 22/6/2024, tại Km 635, QL1A thuộc địa bàn xã Thanh Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, Tổ công tác thuộc Phòng Cảnh sát kinh tế phối hợp với Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Quảng Bình đón dừng xe ô tô BKS 89C-068.31 do Trần Đình Tuấn (SN 1/3/1994, trú tại thôn Chỉ Trụ, xã Hợp Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam) điều khiển có dấu hiệu vận chuyển hàng hóa nhập lậu.

Số lượng lớn sản phẩm thuốc lá điện tử bị phát hiện, bắt giữ.

Quá trình khám phương tiện theo thủ tục hành chính, phát hiện trên xe vận chuyển nhiều loại hàng hóa như: loa karaoke mini, đèn học để bàn, giày dép các loại,… và đặc biệt có 14.000 đầu lọc thuốc lá điện tử. Tất cả số hàng hóa này đều do nước ngoài sản xuất, không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Ước tính trị giá hàng hóa khoảng 200 triệu đồng.

Hiện vụ việc đang tiếp tục điều tra, xác minh để xử lý theo quy định của pháp luật.

Quảng Ninh: Phát hiện một kho hàng chứa khí cười (N2O) trái phép tại TP Móng Cái

Ngày 6/6, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an tỉnh Quảng Ninh phối hợp với các đơn vị liên quan đã triệt phá thành công một kho hàng chứa khí cười (N2O) trái phép tại TP Móng Cái.

Tại hiện trường, lực lượng chức năng thu giữ tổng cộng 13 bình kim loại chứa khí N2O với tổng trọng lượng 103,3kg, 8 vỏ bình kim loại loại 10kg, 58 vỏ bình kim loại loại 3kg, 1.250 quả bóng bay chưa qua sử dụng và một số tang vật khác.

Lực lượng chức năng lập biên bản thu giữ hàng loạt bình khí cười.

Chủ kho hàng là N.Q.V (SN 1984) không xuất trình được giấy tờ hợp pháp liên quan đến số khí cười trên. V. khai nhận đã mua số khí N2O này về để bán kiếm lời.

Hiện, vụ việc đã được bàn giao cho Đội Quản lý thị trường số 4 (Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Ninh) để xử lý theo quy định.

Khí cười (N2O) là một chất gây nghiện, có thể dẫn đến nhiều hậu quả nguy hiểm cho sức khỏe người sử dụng như ngạt thở, thiếu oxy não, tổn thương tim mạch, thần kinh,... Việc buôn bán, vận chuyển, tàng trữ khí cười trái phép là hành vi vi phạm pháp luật và sẽ bị xử lý nghiêm minh.

Lạng Sơn: Kiểm tra, bắt giữ 4 tấn chân gà không rõ nguồn gốc xuất xứ 

Với vị trí là lực lượng chủ công, cơ động trong công tác đấu tranh, chống buôn lậu và hàng giả, Đội QLTT số 6, Cục QLTT tỉnh Lạng Sơn đã chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng tích cực nắm bắt diễn biến thị trường, tăng cường kiểm tra, kiểm soát hàng hóa trên khâu lưu thông và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trên địa bàn tỉnh.

Ngày 22/5/2024, Đội QLTT số 6 chủ trì, phối hợp với Đội Cảnh sát Giao thông đường bộ số 2 thuộc Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Lạng Sơn, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp thành phố Lạng Sơn khám phương tiện vận tải đối với xe ô tô tải thùng kín, nhãn hiệu ISUZU, biển số đăng ký 29H-521.20 do ông Chu Văn Đô, địa chỉ thường trú thôn Tam Lung, xã Thụy Hùng, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn điều khiển.

Thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện trong xe ô tô cất giấu 04 tấn chân gà không có căn cứ xác định nguồn gốc, nơi sản xuất hoặc xuất xứ của hàng hóa, được bảo quản đông lạnh, đã biến đổi màu sắc sang màu thâm đen, có hiện tượng chảy nước. Lô hàng có trị giá ước tính khoảng 180.000.000 đồng.

Tại thời điểm khám, Ông Chu Văn Đô là người điều khiển phương tiện vận tải không xuất trình được hóa đơn, chứng từ, giấy tờ mua bán, giấy chứng nhận kiểm dịch của cơ quan Thú y đối với hàng hóa hay bất cứ giấy tờ liên quan đến hàng hóa.

Ðội QLTT số 6 đã tạm giữ phương tiện và toàn bộ hàng hóa nêu trên để ngăn chặn ngay hành vi vi phạm hành chính, thẩm tra, xác minh các tình tiết liên quan đến vụ việc để xử lý theo quy định của pháp luật.