Đăng nhập

Bắc Giang: Thu giữ hàng trăm chai sữa tắm nghi giả nhãn hiệu nổi tiếng

Một lượng lớn sản phẩm sữa tắm nước hoa nhãn hiệu TESORI DORIENRE không rõ nguồn gốc xuất xứ, nghi hàng giả vừa bị lực lượng chức năng tỉnh Bắc Giang thu giữ.

Ngày 26.12, trong quá trình tuần tra kiểm soát trên đường Tân Ninh (TP Bắc Giang), Đội cảnh sát điều tra tội phạm kinh tế, Công an TP Bắc Giang đã phát hiện xe ôtô mang BKS 29H - 315.70 do tài xế Đỗ Hùng Cường (SN 1983), trú tại TP Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình điều khiển có biểu hiện nghi vấn nên đã yêu cầu dừng xe để kiểm tra.

Lực lượng chức năng yêu cầu lái xe xuất trình hoá đơn, chứng từ liên quan đến lô hàng. 

Quá trình kiểm tra, công an phát hiện trên xe có gần 400 chai sữa tắm loại 500ml mang nhãn hiệu TEROSI DORIENTE, được đóng trong 12 thùng carton, sản phẩm có chữ nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam.

Thời điểm kiểm tra, tài xế không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ đối với lô hàng trên nên lực lượng chức năng đã tiến hành tạm giữ toàn bộ số hàng để điều tra xử lý.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia gửi Thư khen lực lượng Công an triệt phá thành công đường dây khai thác trái phép khoáng sản tại 5 tỉnh, thành phố

Ngày 15/12/2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia gửi Thư khen các đơn vị: Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu; Cục An ninh mạng và phòng , chống tội phạm sử dụng công nghệ cao;; Cục Kỹ thuật nghiệp vụ; Cục Ngoại tuyến; Viện Khoa học hình sự; Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động (Bộ Công an); Công an các tỉnh, thành phố: Yên Bái, Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Giang, Hà Nam đã chủ trì, phối hợp tổ chức đấu tranh, triệt phá thành công đường dây khai thác trái phép khoáng sản.

Trong Thư khen nêu rõ: "Tôi vui mừng được biết, thời gian vừa qua, thực hiện Chuyên án 309-H, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (Bộ Công an) đã chủ trì, phối hợp tổ chức đấu tranh, triệt phá thành công đường dây khai thác trái phép khoáng sản, vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng, buôn lậu đất hiếm xảy ra trên địa bàn tỉnh Yên Bái và các tỉnh, thành phố phía Bắc, khởi tố 11 bị can, tạm giữ 13.715 tấn quặng đất hiếm, 1.400 tấn quặng sắt và 1,6 tỷ đồng".

Thay mặt Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 quốc gia), tôi đánh giá cao và nhiệt liệt biểu dương thành tích xuất sắc nêu trên của các đồng chí. Chiến công này là minh chứng rõ nét cho quyết tâm cao trong công tác phòng, chống tội phạm về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, mang lại sự bình yên và hạnh phúc cho Nhân dân.

"Thời gian tới, tôi đề nghị các đồng chí tiếp tục phát huy thành tích đã đạt được, phấn đấu hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm, đồng thời có hình thức động viên, khen thưởng phù hợp đối với các tập thể, cá nhân có thành tích nổi bật trong công tác phòng, chống tội phạm về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả", Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia nhấn mạnh.

Trước đó, thực hiện Kế hoạch đấu tranh Chuyên án 309-H, ngày 09/10/2023, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03) chủ trì, phối hợp Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động và Công an các tỉnh, thành phố Yên Bái, Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Giang, Hà Nam… đồng loạt khám xét khẩn cấp 21 địa điểm liên quan đến tổ chức, hoạt động của đường dây khai thác trái phép khoáng sản, vi phạm quy định về kế toán, buôn lậu do Đoàn Văn Huấn và Lưu Anh Tuấn cầm đầu. Kết quả ban đầu, lực lượng đấu tranh chuyên án phát hiện, tạm giữ 13.715 tấn quặng đất hiếm, 1.400 tấn quặng sắt và 1,6 tỷ đồng; tiến hành niêm phong toàn bộ máy tính, thiết bị điện tử và tài liệu, chứng cứ thu thập được theo quy định của pháp luật. Kết quả điều tra, xác minh, Cục C03 xác định: Từ năm 2019 đến tháng 09 năm 2023, Công ty cổ phần tập đoàn Thái Dương đã khai thác và bán trái phép khoảng 164.000 tấn quặng đất hiếm và quặng sắt, với tổng giá trị khoáng sản, thu lợi bất chính khoảng 630 tỷ đồng.

Sau thời gian tích cực, khẩn trương điều tra, củng cố tài liệu, chứng cứ, ngày 19/10/2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an ban hành quyết định khởi tố vụ án hình sự, quyết định khởi tố bị can đối với 06 đối tượng về tội “Vi phạm quy định về thăm dò, khai thác tài nguyên” và “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng”. Điều tra mở rộng vụ án, ngày 27/11/2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an quyết định khởi tố bị can đối với 05 đối tượng về tội “Buôn lậu” và “Vi phạm quy định về thăm dò, khai thác tài nguyên”.

Hiện, Cục C03 tiếp tục trung lực lượng, phương tiện, biện pháp nghiệp vụ đấu tranh, thu thập tài liệu, củng cố chứng cứ, điều tra mở rộng vụ án nhằm bóc gỡ, triệt xóa toàn bộ đường dây tội phạm nêu trên, thu hồi triệt để tài sản cho nhà nước.

Kiên Giang: Đội QLTT số 7 tuyên truyền, vận động ký cam kết đối với các cơ sở kinh doanh vật liệu xây dựng

Đội QLTT số 7, Cục QLTT tỉnh Kiên Giang xây dựng Kế hoạch tuyên truyền, vận động ký cam kết đối với các cơ sở kinh doanh xây dựng trên địa bàn huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang cam kết không bày bán công khai vật liệu xây dựng là hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Nhằm thực hiện có hiệu quả, đạt mục tiêu đề ra theo Quyết định số 1172/QĐ-CQLTT ngày 15/12/2022 của Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Kiên Giang ban hành Kế hoạch đấu tranh, phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ năm 2023, đồng thời duy trì, tranh thủ sự ủng hộ, phối hợp của chính quyền địa phương trên địa bàn phụ trách, ngày 24/11/2023, Đội QLTT số 7 xây dựng Kế hoạch số 269/KH-ĐQLTT7 tuyên truyền, vận động ký cam kết đối với các cơ sở kinh doanh xây dựng trên địa bàn huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang.  

Theo Kế hoạch này, Đội QLTT số 7 có nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến pháp luật có liên quan đến ngành nghề vật liệu xây dựng, vận động các cơ sở kinh doanh ký cam kết thực hiện các quy định của pháp luật trong kinh doanh vật liệu xây dựng, cam kết không bày bán công khai vật liệu xây dựng là hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Đến thời điểm này, Đội QLTT số 7 đã hoàn thành mục tiêu kế hoạch, vận động ký cam kết đối với 14 cơ sở kinh doanh vật liệu xây dựng trên địa bàn. Sau kế hoạch này, Đội QLTT số 7 tiếp tục rà soát địa bàn, đối tượng, chủ động xây dựng kế hoạch kiểm tra, tuyên truyền, vận động ký cam kết, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu kế hoạch đấu tranh, phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ theo từng năm, tiến đến hoàn thành mục tiêu Kế hoạch giai đoạn 2021-2025.

Quảng Ninh: Tiêu hủy trên 15.000 sản phẩm nhập lậu và không rõ nguồn gốc

Ngày 27/11/2023, Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Ninh đã phối hợp với Công an tỉnh, Cục Hải quan tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, Sở Tài chính và Trung tâm truyền thông tỉnh tiến hành tổ chức thực hiện giám sát, tiêu huỷ tang vật vi phạm hành chính tập trung tại Công ty Cổ phần Xi măng và xây dựng Quảng Ninh.

Tang vật vi phạm hành chính tiêu huỷ tập trung là các mặt hàng như kít test, rượu, nước giải khát, bánh kẹo, mỹ phẩm, thực phẩm, đồ điện tử, khí N2O… với khoảng trên 15.000 đơn vị sản phẩm. Trong đó, kít test nhanh 10.000 bộ, 250 chai rượu ngoại, 300 lít rượu nấu thủ công, 130 bình khí N2O, trên 1.000 đơn vị sản phẩm thực phẩm và hơn 2.500 sản phẩm đồ chơi các loại,… Đây đều là những mặt hàng nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, mất an toàn vệ sinh thực phẩm, không đủ điều kiện lưu thông trên thị trường do các Đội Quản lý thị trường phối hợp cùng các đơn vị chức năng kiểm tra, phát hiện, xử lý tịch thu theo quy định.

Đội Quản lý thị trường Quảng Ninh phối hợp cùng các đơn vị chức năng phối hợp tiêu hủy 130 bình khí N2O

Hoạt động tiêu hủy hàng hóa vi phạm được Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Ninh tổ chức định kỳ hằng năm nhằm tuyên truyền tới người tiêu dùng, các tổ chức, cá nhân kinh doanh về sự nguy hại của việc sản xuất, kinh doanh, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không đảm bảo an toàn thực phẩm. Qua đó, nâng cao ý thức chủ động phòng ngừa, đấu tranh bài trừ nạn sản xuất, buôn bán hàng hóa nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ; hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, kém chất lượng… Tính đến hết tháng 10/2023, Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Ninh đã tiến hành kiểm tra 1.208 vụ, xử lý 1.084 vụ, 1.083 đối tượng, 1.124 hành vi vi phạm, xử phạt tổng số tiền trên 18 tỷ đồng.

Trong thời gian cuối năm tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và vận chuyển trái phép hàng hóa sẽ có nhiều diễn biến phức tạp. Để đảm bảo tình hình thị trường, ngày 09/11/2023 Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Kế hoạch số 1096/KH-QLTTQN về cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024 để chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường tổ chức triển khai thực hiện./.

Ngăn chặn phương tiện chở lượng lớn hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ qua địa bàn Kon Tum

Sáng nay 5/11, Đội Quản lý thị trường số 2, Cục Quản lý thị trường tỉnh Kon Tum phối hợp với các cơ quan chức năng tiếp tục tiến hành các bước thủ tục khám phương tiện, đồ vật đối với xe ô tô tải chở nhiều hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ được phát hiện vào tối qua.

Đội QLTT số 2, Cục QLTT tỉnh Kon Tum đang kiểm tra hàng hóa

Quá trình tổ chức khám phương tiện, đồ vật đối với xe ô tô tải biển kiểm soát 47H-003.37 của lực lượng chức năng cho thấy trên thùng ô tô chở đầy hàng hóa với nhiều chủng loại khác nhau. Tại thời điểm kiểm tra lái xe và phụ xe không cung cấp được giấy tờ liên quan đến số hàng hóa và tỏ thái độ không hợp tác với lực lượng chức năng. Kết quả kiểm tra tra sơ bộ, Đội Quản lý thị trường số 2, Cục Quản lý thị trường tỉnh Kon Tum ghi nhận trên thùng xe tải chở hàng trăm kiện hàng với nhiều loại hàng hóa khác nhau, như chất tẩy rửa, bánh kẹo, thuốc trừ sâu, đồ gia dụng, đồ điện tử, thiết bị vệ sinh gia đình…

Ông Ngụy Đình Phúc, Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 2, Cục Quản lý thị trường tỉnh Kon Tum, cho biết: “Qua khám phương tiện, đồ vật trên xe theo quy định của pháp luật, Đội phối hợp với lực lượng chức năng phát hiện một số hàng hóa có dấu hiệu nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và một số hàng không có tem nhãn phụ. Hiện nay là chúng tôi đang kiểm đếm và phân loại hàng hóa”.

Trước đó vào lúc 18h15 phút ngày 4/11/2023 trên quốc lộ 14, đoạn thuộc thôn 1, xã Đăk Mar, huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum, Đội Quản lý thị trường số 2, Cục Quản lý thị trường tỉnh Kon Tum phát hiện ô tô tải biển kiểm soát 47H-003.37 đang đậu đỗ xuống 16 thùng hàng tại vị trí cửa hàng gia dụng Kiều Thu có dấu hiệu vận chuyển hàng hóa nhập lậu.

Một số mặt hàng có dấu hiệu vi phạm đang bị QLTT Kon Tum tiến hành kiểm tra

Đội Quản lý thị trường số 2 phối hợp với các lực lượng chức năng huyện Đăk Hà, Phòng Cảnh sát Giao thông, Phòng Cảnh sát Kinh tế- Công an tỉnh Kon Tum tiến hành giám sát và thực hiện quy trình khám phương tiện, đồ vật theo quy định.

Kiên Giang: Đội QLTT số 7 giám sát Hội chợ tổng hợp năm 2023

Đội QLTT số 7, Cục QLTT tỉnh Kiên Giang tuyên truyền, giám sát các gian hàng tiêu dùng tại Hội chợ thương mại năm 2023 tổ chức tại công viên Mai Thị Nương, thị trấn Giồng Riềng, huyện Giồng Riềng từ ngày 13/10 đến ngày 26/10/2023.

Nhằm thực hiện có hiệu quả, hoàn thành các mục tiêu kế hoạch 888 về đấu tranh phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ năm 2023 của Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Kiên Giang; thực hiện chức năng, nhiệm vụ của lực lượng quản lý thị trường trong hoạt động xúc tiến thương mại được quy định tại Nghị định 81/2018/NĐ-CP ngày 22/5/2018 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Thương mại về hoạt động xúc tiến thương mại, Đội QLTT số 7 đã chỉ đạo công chức triển khai tuyên truyền, giám sát các gian hàng tiêu dùng tại Hội chợ thương mại năm 2023 tổ chức tại công viên Mai Thị Nương, thị trấn Giồng Riềng, huyện Giồng Riềng từ ngày 13/10 đến ngày 26/10/2023.

Kết quả Đội QLTT số 7 đã giám sát, tuyên truyền, phổ biến quy định pháp luật cho trên 50 gian hàng tiêu dùng tại hội chợ. Qua giám sát, các tổ chức, cá nhân tham gia hội chợ phần lớn chấp hành tốt các quy định tổ chức hội chợ, các quy định pháp luật trong kinh doanh; chưa phát hiện tổ chức, cá nhân bày bán bán hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng không đảm bảo an toàn thực phẩm.

Trong thời gia diễn ra hội chợ, Đội QLTT số 7 tiếp tục giám sát, tuyên truyền tại hội chợ; xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật khi phát hiện có hành vi vi phạm.

Tiền Giang: Xử phạt 01 Doanh nghiệp có nhiều hành vi vi phạm trong kinh doanh xăng dầu số tiền gần 230 triệu đồng

Cục Quản lý Thị trường tỉnh Tiền Giang đã xử phạt một doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu tại huyện Châu Thành với tổng số tiền gần 230 triệu đồng sau khi phát hiện nhiều hành vi vi phạm quy định về kinh doanh trong lĩnh vực này.

Thực hiện chỉ đạo theo Kết luận thanh tra chuyên ngành của Cục trưởng Cục Quản lý Thị trường tỉnh Tiền Giang, vào ngày 08/9/2023, Đội Quản lý Thị trường và Cục Thuế tỉnh đã tiến hành kiểm tra một doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu tại huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang.

Kết quả kiểm tra cho thấy doanh nghiệp này đã vi phạm một loạt quy định liên quan đến kinh doanh xăng dầu. Cụ thể, họ đã thực hiện các hành vi sau:

  1. Thương nhân đã nhận quyền bán lẻ xăng dầu thông qua việc ký hợp đồng làm đại lý bán lẻ xăng dầu cho một thương nhân phân phối xăng dầu.
  2. Kinh doanh xăng dầu không tuân thủ nội dung ghi trong Giấy phép kinh doanh.
  3. Giấy phép kinh doanh của họ đã hết hiệu lực.

Quá trình xác minh và làm việc với doanh nghiệp đã xác định rằng số lợi bất hợp pháp thu được từ việc thực hiện các hành vi vi phạm nêu trên ước tính lên đến gần 110 triệu đồng.

Sau khi hoàn thiện hồ sơ và vào ngày 26/9/2023, Cục trưởng Cục Quản lý Thị trường tỉnh Tiền Giang đã ban hành Quyết định xử phạt hành chính đối với doanh nghiệp về các hành vi vi phạm nêu trên. Quyết định này bao gồm phạt tiền và yêu cầu doanh nghiệp nộp lại số lợi bất hợp pháp với tổng số tiền gần 230 triệu đồng. Hiện tại, doanh nghiệp đã tuân thủ và thực hiện đầy đủ Quyết định xử phạt này.

Bình Phước: Bắt giữ 2 đối tượng vận chuyển trên 35kg pháo lậu

Từ tin báo của quần chúng nhân dân, lực lượng chức năng đã bắt 2 đối tượng, thu giữ trên 35kg pháo lậu được vận chuyển bằng xe ô tô khách.

Khoảng 5 giờ 30 phút sáng 12-10, tổ công tác thuộc Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Bình Phước phối hợp lực lượng cảnh sát giao thông, Công an xã Thanh Lương (thị xã Bình Long) và tổ kiểm tra liên ngành Ban chỉ đạo 389 tỉnh Bình Phước kiểm tra xe ô tô khách biển số 93B-012.03 đang lưu thông trên quốc lộ 13, đoạn qua tổ 6, ấp Thanh Kiều, xã Thanh Lương, thị xã Bình Long.

Quá trình kiểm tra phát hiện và bắt quả tang 2 đối tượng đang vận chuyển pháo lậu gồm: Nguyễn Anh Tuấn, 30 tuổi, trú ấp Suối Da, xã Tân Hưng, huyện Đồng Phú, vận chuyển 13 hộp pháo nổ, tổng trọng lượng 20,3kg và Trần Đức Thanh, 53 tuổi, trú tổ 5, ấp 4, xã Hưng Phước, huyện Bù Đốp, vận chuyển 10 hộp pháo nổ, tổng trọng lượng 15kg.

Bước đầu, 2 đối tượng khai nhận, để tránh sự phát hiện của lực lượng chức năng nên đã vận chuyển pháo bằng xe ô tô khách và đi vào lúc sáng sớm; đồng thời ngụy trang, cất giấu các hộp pháo trong ba lô và thùng nhựa giống như những hàng hóa bình thường khác để vận chuyển đi tiêu thụ.

Giám sát tiêu hủy 100 bao phân bón giả tại Kiên Giang

Sáng ngày 10/10/2023, tại Khu Xử lý rác thải tập trung huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 5 đã tiến hành giám sát tiêu hủy 100 bao phân bón giả (loại 50 kg/bao). Đây là một phần của việc thực hiện Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 3982/QĐ-XPHC ngày 03/7/2023 của Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thuận.

Toàn bộ quá trình tiêu hủy diễn ra tại Khu Xử lý rác thải tập trung huyện Vĩnh Thuận, ấp Bời Lời B, xã Bình Minh, huyện Vĩnh Thuận. Đội QLTT số 5 đã phối hợp cùng lực lượng chức năng để đảm bảo tiêu hủy đúng trình tự và an toàn cho môi trường.

Việc tiêu hủy này là kết quả của một cuộc kiểm tra định kỳ được thực hiện vào ngày 23/5/2023. Đội QLTT số 5 đã kiểm tra và lấy mẫu phân bón từ một hộ kinh doanh tại thị trấn Vĩnh Thuận, huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang. Kết quả xác minh và thử nghiệm chất lượng đã cho thấy sự vi phạm về hai hành vi: "buôn bán hàng giả về giá trị sử dụng công dụng" và "buôn bán hàng hóa có nhãn không ghi đủ các nội dung bắt buộc phải thể hiện theo tính chất hàng hóa theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa."

Do đó, Đội QLTT số 5 đã lập biên bản vi phạm hành chính và chuyển toàn bộ hồ sơ vụ việc trình Chủ tịch UBND huyện để xử phạt hộ kinh doanh với số tiền 42,5 triệu đồng. Ngoài việc xử phạt, hộ kinh doanh cũng phải chịu trách nhiệm tiêu hủy hàng hóa vi phạm, cùng với các chi phí liên quan đến việc tiêu hủy.

Quá trình giám sát và tiêu hủy hàng hóa vi phạm đã được thực hiện chặt chẽ, từ khi hộ kinh doanh nhận lại tang vật cho đến khi hoàn tất tiêu hủy, kết thúc vào lúc 10 giờ cùng ngày. Điều này đảm bảo rằng hàng hóa giả không còn cơ hội lọt vào thị trường và gây hại cho người tiêu dùng.

Cao Bằng: Thu Giữ và Tiêu Hủy 304 kg Xúc Xích Nhập Lậu, Có Dấu Hiệu Chảy Nước

Đội Quản lý thị trường số 2, thuộc Cục Quản lý thị trường tỉnh Cao Bằng, đã thu giữ một lượng lớn xúc xích nhập lậu tại xã Lăng Hiếu, Huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng khi kiểm tra xe ô tô mang biển kiểm soát 11B - 004.XX.

Lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra tang vật

Tại thời điểm kiểm tra, phát hiện rằng xe vận tải này đang chở 160 túi xúc xích, mỗi túi nặng 1,9 kg, tổng trọng lượng là 304 kg. Điều đáng nói là bao bì của hàng hóa này đã bị chảy nước và có in dòng chữ nước ngoài. Người điều khiển xe, ông N.V.B, địa chỉ thường trú tại thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa, không thể xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc nhập khẩu hợp pháp của hàng hóa này.

Tang vật vi phạm

Sau khi tiến hành làm việc với ông N.V.B, ông này thừa nhận rằng đây là hàng hóa mà ông mua gom từ một số người dân tại khu vực các xã biên giới Huyện Trùng Khánh để vận chuyển vào nội địa để tiêu thụ và kiếm lời. Tuy nhiên, việc này vi phạm nghiêm trọng các quy định về nhập khẩu và kinh doanh hàng hóa.

Đội Quản lý thị trường số 2 đã tiến hành tạm giữ toàn bộ hàng hóa nhập lậu để ngăn chặn hành vi vi phạm và lập biên bản vi phạm hành chính đối với ông N.V.B. Ông N.V.B sẽ phải chịu trách nhiệm và xử phạt theo quy định, bao gồm việc buộc ông này tiêu hủy toàn bộ số xúc xích nhập lậu theo đúng quy định của pháp luật.

Dương Hoàng Tuấn: nhìn xúc xích thì ngon mà thấy bị thu giữ nên sợ
Minh Trang: đọc tin xong mà khỏi muốn ăn cái gì