Đăng nhập

Hà Tĩnh: Bắt giữ đối tượng vận chuyển ma túy, súng quân dụng qua biên giới

Ngày 14/11/2024, Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Cầu Treo, BĐBP Hà Tĩnh cho biết, đơn vị vừa bắt giữ 1 đối tượng vận chuyển ma túy, súng quân dụng qua biên giới.

Theo đó, lúc 8 giờ ngày 11/11, Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Cầu Treo, Phòng Phòng chống ma túy và tội phạm (BĐBP Hà Tĩnh) chủ trì, phối hợp với Chi cục Hải Quan cửa khẩu quốc tế Cầu Treo và Đội kiểm soát phòng, chống ma túy (Cục Hải Quan Hà Tĩnh) bắt quả tang đối tượng Trần Văn Tín (sinh năm 1985, trú tại thôn Bình Tịnh, xã Bình Minh, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) nhập cảnh từ Lào về Việt Nam, mang theo 2 bánh heroin,1 khẩu súng ngắn quân dụng và 7 viên đạn, cùng nhiều tang vật liên quan.

Đối tượng Trần Văn Tín và tang vật. 

Qua đấu tranh khai thác, đối tượng Trần Văn Tín khai, đối tượng được một người lạ bên Lào thuê vận chuyển heroin từ Lào về Việt Nam với số tiền 120 triệu đồng. Khi qua cửa khẩu quốc tế Cầu Treo, có người liên hệ để để nhận hàng và trả tiền công.

Hiện, lực lượng chức năng đang tiếp tục điều tra, xử lý đối tượng theo quy định của pháp luật.

Long An: Phát hiện hộ kinh doanh bán hàng nhập lậu và hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ trên facebook

Ngày 31/10/2024, Cục QLTT tỉnh Long An cho biết, Đội Quản lý thị trường số 6 đã tiến hành kiểm tra đối với hộ kinh doanh trên địa bàn huyện Bến Lức, tỉnh Long An. Tại thời điểm phát hiện và tạm giữ 186 sản phẩm quần áo nhập lậu và không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Cụ thể, ngày 28/10/2024, Đội Quản lý thị trường số 6, Cục Quản lý thị trường tỉnh Long An đã kiểm tra đối với hộ kinh doanh trên địa bàn huyện Bến Lức, tỉnh Long An. Tại thời điểm kiểm tra, hộ kinh doanh đang kinh doanh sản phẩm may mặc gồm quần áo thời trang trẻ em và người lớn, có sử dụng facebook để giới thiệu sản phẩm, chủ hộ kinh doanh không cung cấp được hóa đơn, chứng từ liên quan đến hàng hóa; các giấy tờ, căn cứ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa. 

Lực lượng chức năng kiểm tra hộ kinh doanh sản phẩm trên địa bàn

Đội Quản lý thị trường số 6 đã tạm giữ 146 sản phầm quần áo thời trang người lớn các loại do nghi vấn hàng hóa này là hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ, trị giá 20.435.000 đồng và 40 sản phầm quần áo thời trang trẻ em, có nhãn tiếng nước ngoài, xuất xứ Thái Lan, là hàng hóa nhập lậu, trị giá 7.260.000 đồng để tiếp tục xử lý theo quy định của pháp luật./.

Quảng Ninh: Bắt giữ đối tượng vận chuyển trái phép 12.000 con gà giống 

Ngày 14/10/2024, BĐBP Quảng Ninh cho biết, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát trên biên giới, tổ tuần tra kiểm soát của Đồn BP Quảng Đức đã phát hiện, bắt giữ 1 đối tượng sử dụng ô tô vận chuyển trái phép 12.000 con gà giống.

Cụ thể, ngày 12/10 tại QL 18C khu vực Mốc 1342(3) + 150m, thuộc Bản Vắn Tốc, xã Quảng Đức (Hải Hà, tổ công tác của Đồn BP Quảng Đức, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát trên biên giới đã phát hiện xe ô tô BKS 14A - 842.40 đỗ trên QL 18C và 5 người đàn ông đang bốc các khay nhựa màu đen từ bờ suối biên giới lên xe ô tô, bên trong các khay nhựa màu đen có chứa gà con giống.

Bùi Xuân Trường cùng tang vật 12.000 con gà giống tại Đồn BP Quảng Đức.

Tổ công tác ra tín hiệu yêu cầu các đối tượng trên dừng lại để kiểm tra. Khi phát hiện thấy lực lượng Bộ đội biên phòng, các đối tượng trên đã bỏ chạy lên rừng để trốn. Tổ công tác tiến hành truy đuổi bắt giữ được 1 đối tượng là lái xe cùng phương tiện ô tô BKS 14A - 842.40.

Tiến hành kiểm tra trên phương tiện xe, lực lượng chức năng phát hiện 16 khay nhựa màu đen, bên trong mỗi khay nhựa đều chứa gà con giống; kiểm tra xung quanh khu vực bắt giữ, phát hiện bên cạnh đường, giáp bờ suối biên giới còn 32 khay nhựa màu đen chứa gà con giống, bên trong mỗi khay nhựa màu đen đều chứa 250 con gà con giống. Tổng cộng có 48 khay chứa 12.000 con gà con giống.

Đói tượng Bùi Xuân Trường tại Đồn BP Quảng Đức.

Tại thời điểm kiểm tra, đối tượng khai tên là Bùi Xuân Trường, SN 1988, trú tại khu 1, phường Hải Yên (Móng Cái). Bùi Xuân Trường không xuất trình được giấy tờ liên quan đến số gà con giống trên và khai nhận được người khác thuê vận chuyển số gà con giống nhập lậu qua biên giới từ Trung Quốc về Việt Nam tại khu vực biên giới Mốc 1342(3) + 150m về xã Quảng Minh, huyện Hải Hà, để lấy tiền công là 1.000.000 đồng/1 chuyến.

Tổ công tác đã yêu cầu ông Trường đưa phương tiện và số gà con giống trên về Đồn BP Quảng Đức để xác minh làm rõ và xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

Lạng Sơn: Xử lý các hộ kinh doanh buôn bán hàng hóa có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu

Ngày 25/9/2024Đội Quản lý thị trường số 7 đã tiến hành kiểm tra Hộ kinh doanh L.T.H khu I, thị trấn Na Sầm, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn.

Qua kiểm tra thực tế hàng hóa đang bày bán tại địa điểm kinh doanh, Đoàn Kiểm tra phát hiện có 01 loại hàng hóa có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu adidas đang được bảo hộ tại Việt Nam, qua quan sát cảm quan về hàng hóa cho thấy: sản phẩm không được đóng gói bao bì theo tiêu chuẩn của nhà sản xuất (không có hộp, túi đựng sản phẩm), trên sản phẩm có in nổi biểu tượng và nhãn hiệu adidas không thể tách rời sản phẩm, không sắc nét; màu sắc mờ nhạt, không có thông tin của sản phẩm hàng hóa cụ thể như sau: Găng tay thủ môn (bóng đá nhãn hiệu adidas, số lượng 03 đôi, giá bán niêm yết tại địa điểm kinh doanh là: 200.000 đồng/đôi. Tổng trị giá hàng hóa là: 600.000 đồng (Sáu trăm nghìn đồng).

Đoàn Kiểm tra cùng với bà L.T.H là chủ hộ kinh doanh tiến hành chụp ảnh toàn bộ số hàng hóa trên để gửi tới cơ quan làđại diện chủ sở hữu quyền nhãn hiệu adidas để xác định, xác nhậnhàng thật - hàng giả mạo nhãn hiệu. Ảnh chụp ra được in ra ngay tại địa điểm kiểm tra, trên mỗi bức ảnh in ra có chữ ký xác nhận của bà L.T.H và đại diện Đoàn kiểm tra. Khi có kết quả xác định, xác nhận hàng thật - hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, Đoàn kiểm tra sẽ tiến hành làm việc với bà L.T.H là đại diện hộ kinh doanh để thông báo kết quả, thẩm tra, xác minh các tình tiết liên quan đến vụ việc.

Để có căn cứ ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, Đoàn kiểm tra đã tiến hành tạm giữ và niêm phong toàn bộ số hàng hóa nói trên, tiếp tụcxác minh các tình tiết liên quan và xử lý vụ việc theo quy định của pháp luật.

Sơn La: Bắt giữ cặp vợ chồng vận chuyển trái phép gần 17 nghìn viên ma túy tổng hợp

Hai vợ chồng Vàng A Táu và Giàng Thị Chu đang mang gần 17.000 viên MTTH đi bán kiếm lời thì bị lực lượng chức năng bắt giữ

Các đối tượng cùng tang vật bị cơ quan Công an bắt giữ

Ngày 15/9, tại khu vực thị trấn Nông Trường, huyện Mộc Châu (Sơn La), Phòng Cảnh sát ĐTTP về ma túy Công an tỉnh Sơn La phối hợp với Công an huyện Mộc Châu và Công an huyện Vân Hồ bắt quả tang Giàng Thị Chu (SN 1995) và Vàng A Táu (SN 1993) về hành vi “Mua bán trái phép chất ma túy”.

Tang vật Cảnh sát thu giữ tại chỗ là 16.932 viên ma túy tổng hợp, 1 điện thoại di động và 1 xe máy. Hiện vụ án đang được mở rộng điều tra, làm rõ theo quy định của pháp luật.

TP.HCM tăng cường kiểm tra an toàn thực phẩm Tết Trung thu 2024

Sở An toàn thực phẩm TP.HCM vừa có văn bản gửi các sở, ban, ngành, UBND TP. Thủ Đức và các quận huyện về việc tăng cường bảo đảm an toàn thực phẩm Tết Trung thu 2024.

Theo đó, ngoài công tác phối hợp, cơ quan này đề nghị các đơn vị, địa phương tăng kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật về an toàn thực phẩm của các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn, tập trung cơ sở sản xuất, kinh doanh bánh trung thu, bánh kẹo, nước giải khát; cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống; kịp thời truy xuất, thu hồi các sản phẩm không đảm bảo an toàn thực phẩm, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Lực lượng QLTT vừa phát hiện và xử lý một cơ sở sản xuất bánh Trung thu không đảm bảo chất lượng

Truy xuất và thu hồi các sản phẩm không đảm bảo an toàn thực phẩm, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm và công khai tên cơ sở, địa chỉ, loại sản phẩm vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng. Nếu có dấu hiệu hình sự, đề nghị chuyển cơ quan công an để xử lý theo quy định của pháp luật.

Đồng thời, tăng cường tuyên truyền về an toàn thực phẩm trong dịp Tết Trung thu. Với cơ sở sản xuất, buôn bán thực phẩm, bánh trung thu cần thực hiện đúng quy định pháp luật về an toàn thực phẩm, quy định về nguồn gốc nguyên liệu thực phẩm...

Với người tiêu dùng, cần tuyên truyền việc lựa chọn, chế biến, bảo quản và sử dụng thực phẩm an toàn, chỉ mua và sử dụng thực phẩm, bánh trung thu có nhãn mác đầy đủ, nguồn gốc rõ ràng...

Bên cạnh đó, cơ quan quản lý về an toàn thực phẩm của Thành phố cũng đề nghị UBND các quận, huyện và TP. Thủ Đức chỉ đạo các đơn vị y tế trên địa bàn chuẩn bị phương án, lực lượng thường trực, phương tiện, vật tư, hóa chất để sẵn sàng cấp cứu và điều trị cho bệnh nhân khi xảy ra ngộ độc thực phẩm.

Ngoài ra, tiến hành điều tra vụ ngộ độc thực phẩm (nếu có, xác định nguyên nhân gây ngộ độc, thực hiện các biện pháp phòng ngừa nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm.

Thời gian qua, trên cả nước xảy ra nhiều vụ vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm dẫn đến ngộ độc thực phẩm, nhiều vụ việc nghiêm trọng, ảnh hưởng đến người dân. Trên địa bàn TP.HCM, tình hình vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm cũng còn tiềm ẩn nhiều phức tạp, đặc biệt dịp Tết Trung thu đang đến gần, đây là thời điểm nhu cầu tiêu thụ các loại thực phẩm, bánh, kẹo, nước ngọt… tăng cao, dẫn đến tình trạng các hoạt động sản xuất, chế biến, kinh doanh, vận chuyển, buôn bán thực phẩm, nguyên liệu không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không đảm bảo chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm nguy cơ gia tăng.

Do đó, Sở An toàn thực phẩm TP.HCM lưu ý người dân nên lựa chọn các nhà sản xuất đáp ứng được các quy định về đảm bảo an toàn thực phẩm. Sản phẩm phải ghi ngày sản xuất, thời hạn sử dụng và còn hạn sử dụng. Sản phẩm được bày bán ở những địa điểm kinh doanh xác định, đáp ứng các yêu cầu về điều kiện kinh doanh thực phẩm như có đủ trang thiết bị che đậy tránh bụi bẩn, mưa nắng, côn trùng xâm nhập, bảo quản đúng quy định trên nhãn sản phẩm của nhà sản xuất.

Bắc Giang: Bắt giữ hai vợ chồng mua bán trái phép ma túy

Ngày 15/8/2024, Công an huyện Lục Ngạn cho biết vừa chủ trì phối hợp với Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về ma túy (Công an tỉnh Bắc Giang) bắt giữ hai vợ chồng mua bán trái phép số lượng lớn ma túy.

Qua công tác nắm tình hình trên địa bàn huyện, ngày 25/7, Công an huyện Lục Ngạn chủ trì phối hợp với Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về ma túy tổ chức lực lượng, bắt giữ 2 đối tượng về hành vi mua bán trái phép chất ma túy.

Tang vật bị thu giữ.

Hai đối tượng bị bắt gồm Phạm Minh Tiến (SN 1988) và Đỗ Thị Trà My (SN 1995), cùng trú tại tổ dân phố Minh Lập, thị trấn Chũ, huyện Lục Ngạn (My là vợ của Tiến).

Đối tượng Phạm Minh Tiến tại cơ quan công an.

Tang vật thu giữ gồm 1 bánh ma túy heroin và nhiều gói ma túy bên trong có nhiều loại ma túy, tổng trọng lượng 732,66 gam (trong đó 660,337gam heroin, 72,329 gam methamphetamine) và gần 46 triệu đồng cùng các đồ vật, tài liệu khác có liên quan.

Tại cơ quan công an, các đối tượng đều thừa nhận hành vi phạm tội.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Lục Ngạn đã bàn giao toàn bộ hồ sơ vụ án cùng vật chứng cho Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy để tiếp nhận giải quyết theo thẩm quyền.

Ninh Thuận: Xử phạt 04 cơ sở kinh doanh vàng

Thực hiện Kế hoạch kiểm tra chuyên đề hoạt động kinh doanh Vàng của Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Ninh Thuận, Đội QLTT số 1 đã kiểm tra phát hiện và xử lý 4 cơ sở kinh doanh vàng vi phạm với tổng số tiền 145.000.000 đồng.

Qua kiểm tra 19 cơ sở kinh doanh vàng trên địa bàn, hầu hết các cơ sở chấp hành tốt các quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động kinh doanh vàng. Tuy nhiên, vẫn còn một số cơ sở vi phạm về việc ghi nhãn hàng hoá, bảng hiệu và nhãn hiệu.

Lực lượng chức năng kiểm tra cơ sở vi phạm

Kết quả trong đợt ra quân kiểm tra, Đội QLTT số 1 đã phát hiện và xử lý 04 cơ sở kinh doanh vàng trên địa bàn thành phố Phan Rang – Tháp Chàm với số tiến 145.000.000 đồng, tổng trị giá hàng hoá vi phạm 217.044.000 đồng.

Cụ thể, tại DNTN KD Vàng TĐ 1 TH, Đội QLTT số 1 đã xử phạt vi phạm hành chính về hành vi: Buôn bán hàng hóa có nhãn không ghi đủ các nội dung bắt buộc trên nhãn hàng hóa theo quy định pháp luật về nhãn hàng hóa. Tổng trị giá hàng hóa vi phạm: 57.288.000 đồng. Đội đã trình Cục QLTT Ninh Thuận ra Quyết định xử phạt với số tiến: 17.500.000 đồng và buộc thu hồi hàng hóa vi phạm và ghi nhãn đúng quy định trước khi lưu thông.

Tại DNTN KT, Đội đã phát hiện và xử phạt vi phạm hành chính về hành vi: Buôn bán hàng hóa có nhãn không ghi đủ các nội dung bắt buộc trên nhãn hàng hóa theo quy định pháp luật về nhãn hàng hóa. Tổng trị giá hàng hóa vi phạm: 98.982.000 đồng. Đội đã trình Cục QLTT Ninh Thuận ra Quyết định xử phạt với số tiến: 22.500.000 đồng và buộc thu hồi hàng hóa vi phạm và ghi nhãn đúng quy định trước khi lưu thông.

Tại CT TNHH SAFARI K H, Đội QLTT số 1 đã phát hiện và xử phạt vi phạm với hành vi: Không thể hiện đầy đủ trên biển hiệu tên cơ sở sản xuất kinh doanh theo đúng giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Đội đã ra Quyết định xử phạt VPHC với số tiền: 15.000.000 đồng và buộc tháo dỡ biển hiệu.

Đối với CT TNHH KDVTS HL – HL 4, Đội đã phát hiện vi phạm về hành vi: Trưng bày để bán hàng hoá giả mạo nhãn hiệu. Tổng trị giá hàng hóa vi phạm: 60.774.000 đồng. Đội đã chuyển hồ sơ, trình UBND tỉnh Ninh Thuận ra quyết định xử phạt VPHC với số tiền: 90.000.000 đồng và buộc tiêu huỷ hàng hoá giả mạo nhãn hiệu.

Triệt phá ổ nhóm mua bán trái phép chất ma túy, thu giữ nhiều ma túy cùng súng, đạn

Tối 23-6, tin từ Công an thành phố Hà Nội cho biết, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an thành phố Hà Nội vừa triệt phá ổ nhóm mua bán trái phép chất ma túy thu giữ nhiều ma túy cùng súng, đạn.

Ngày 21-5, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy đã bắt giữ Phạm Anh Tuấn, Đặng Minh Đoàn, Nguyễn Hoàng Linh (sinh năm 1980; trú tại Thanh Nhàn, Hai Bà Trưng, Hà Đông, Hà Nội), Nguyễn Thu Hiền (sinh năm 1977; trú tại Bạch Đằng, Hai Bà Trưng, Hà Nội).

Đối tượng Phạm Anh Tuấn và Đặng Minh Đoàn

Tang vật thu giữ là hơn 207,085 gam Heroin, 112,052 gam Methamphetamine, 1 súng quân dụng, 23 viên đạn cùng một số đồ vật, tài liệu liên quan.

Tang vật cơ quan công an thu giữ

Quá trình bắt giữ Phạm Anh Tuấn, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy còn bắt quả tang 3 đối tượng đang đánh bạc cùng Tuấn dưới hình thức “đánh chắn”.

Hiện Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy đang củng cố hồ sơ, xử lý các đối tượng theo quy định.

Hà Nội: Bắt giữ đối tượng sản xuất, bán pháo nổ trên mạng internet

Ngày 7/6, theo thông tin từ Công an thành phố Hà Nội, Công an quận Ba Đình và quận Hà Đông (Hà Nội) vừa phát hiện, bắt giữ một số đối tượng liên quan đến vụ sản xuất, buôn bán pháo nổ và thuốc lá do nước ngoài sản xuất.

Cụ thể, Công an quận Hà Đông đã triển khai kế hoạch, bắt giữ 2 đối tượng có hành vi sản xuất, buôn bán pháo nổ là: Nguyễn Xuân Trung sinh năm 2002, trú ở huyện Chương Mỹ (Hà Nội) và Nguyễn Đình Long sinh năm 2001, trú tại huyện Hoài Đức (Hà Nội).

Đồ nghề sản xuất pháo của đối tượng. 

Tại cơ quan Công an, Nguyễn Xuân Trung và Nguyễn Đình Long đã nhận thức được hành vi vi phạm, đồng thời khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội. Tháng 3-2024, qua tìm hiểu trên mạng xã hội, Nguyễn Xuân Trung nhận thấy nhiều người có nhu cầu mua pháo nổ. Trung đã lên mạng Internet tìm hiểu về cách thức chế tạo pháo nổ, sau đó tìm cách mua thuốc pháo, các chất bột hóa học và giấy để quấn pháo. Sau khi có các nguyên liệu, Trung trộn lẫn rồi mang đốt thử. Sau vài lần “thí nghiệm” thành công, Trung bắt đầu việc sản xuất pháo. Để phục vụ việc quảng cáo và bán pháo cho khách, Trung lập trang Facebook cá nhân “Chuyên làm tràng cối hoa” và tài khoản Zalo “Chuyên làm tràng cối hoa”.

Khoảng tháng 4-2024, Nguyễn Đình Long sử dụng tài khoản Zalo “Long Nguyễn” nhắn tin cho Trung để trao đổi việc mua bán pháo. Long thỏa thuận với Trung khi có khách hàng đặt mua pháo thì sẽ báo cho Trung để sản xuất. Tiếp đó, Long lập tài khoản Facebook “Cối Bình Đà”, đăng quảng cáo bán pháo nổ để tìm khách mua pháo. Qua kênh này, Long được một khách hàng có tài khoản Facebook là “Sơn Tôm”, nhắn tin đặt mua 5 dây pháo nổ, mỗi dây dài 2 mét.

Ngày 31-5, Long nhắn tin cho Trung về “đơn hàng” trên. Số pháo này, Trung báo giá cho Long 750.000 đồng/1 mét; tổng giá trị là 7,5 triệu đồng. Long báo lại với “Sơn Tôm” giá 1.150.000đồng/1 mét, tổng giá trị là 11,5 triệu đồng.

Sáng 4-6, “Sơn Tôm” chuyển khoản cho Long 11,5 triệu đồng và nhắn tin bảo Long chuyển pháo đến khu vực cây xăng Vạn Phúc (Hà Đông) và cung cấp số điện thoại người nhận. Những thông tin, địa chỉ nhận hàng được Long báo lại cho Trung, cùng số tiền 7,5 triệu đồng. Trung đóng gói 5 dây pháo vào 1 thùng carton, bên ngoài dán kín bằng băng dính và thuê “xe ôm” công nghệ để vận chuyển pháo đi giao cho khách thì bị bắt giữ.

Khám xét khẩn cấp nơi ở của 2 đối tượng trên, Cơ quan điều tra đã thu giữ nhiều nguyên liệu và thiết bị, vật tư sử dụng để sản xuất, buôn bán pháo nổ.

Căn cứ tài liệu, chứng cứ thu thập được và kết luận giám định của Phòng kỹ thuật hình sự Công an thành phố Hà Nội về tang vật thu giữ, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Hà Đông đã ra quyết định khởi tố vụ án, quyết định khởi tố bị can, lệnh tạm giam đối với Nguyễn Đình Long và Nguyễn Xuân Trung về tội “Sản xuất, buôn bán hàng cấm” theo Điều 190 Bộ luật Hình sự năm 2015.

*Mới đây, Công an quận Ba Đình đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Mẫn Văn Quân sinh năm 1987; trú tại Văn Môn, Yên Phong (Bắc Ninh) và Lâm Văn Trường sinh năm 1994 trú tại Ninh Hiệp, Gia Lâm (Hà Nội) để điều tra về hành vi buôn bán hàng cấm.

Theo đó, các đối tượng trên đang vận chuyển 1.630 bao thuốc lá do nước ngoài sản xuất, đi giao cho khách thì bị bắt giữ. Tiếp tục đấu tranh, Cơ quan điều tra đã bắt đối tượng Lâm Văn Trường là chủ số hàng trên.

Tại cơ quan Công an, Lâm Văn Trường khai nhận là chủ hàng, sau khi có khách đặt mua thì giao cho Mẫn Văn Quân đem đi tiêu thụ.

Hai vụ việc trên đang được tiếp tục điều tra để xử lý các đối tượng theo quy định.