Đăng nhập

Khởi tố 2 đối tượng sản xuất, buôn bán phân bón giả do Quản lý thị trường Lâm Đồng chuyển giao hồ sơ

Ngày 27/9, Công an huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng cho biết vừa ban hành Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố 2 bị can từ Tp.Hồ Chí Minh lên Lâm Đồng sản xuất, buôn bán phân bón giả. Vụ việc do Đội QLTT số 3, Cục QLTT tỉnh Lâm Đồng phối hợp kiểm tra và chuyển giao hồ sơ.

Trước đó, ngày 03/6/2024, Đoàn kiểm tra Đội QLTT số 3, Cục QLTT tỉnh Lâm Đồng phối hợp với Đội Cảnh sát kinh tế Công an huyện Bảo Lâm tiến hành kiểm tra đối với Hộ kinh doanh P.K.T tại huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng kinh doanh phân bón.

Qua thực tế kiểm tra, Đoàn kiểm tra tiến hành lấy 04 mẫu phân bón để kiểm nghiệm chất lượng tại Trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3. Kết quả kiểm nghiệm cho thấy có 01/04 mẫu phân bón không đạt yêu cầu chất lượng.

Đội QLTT số 3 lấy mẫu phân bón kiểm nghiệm chất lượng

Kết quả thử nghiệm mẫu không đạt yêu cầu chất lượng có 02 chỉ tiêu chất lượng chính chỉ đạt mức từ 70% trở xuống so với mức đăng trong Quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam, là phân bón giả về giá trị sử dụng công dụng; khối lượng hàng hóa là 2.000kg. Vụ việc có dấu hiệu tội phạm.

Từ kết quả kiểm định chất lượng, ngày 26/6/2024, Đội QLTT số 3 tiến hành làm việc với hộ kinh doanh P.K.T, lập biên bản vi phạm hành chính và tạm giữ 1.900kg phân bón vi phạm.

Ngày 03/7/2024, Đội QLTT số 3 tiến hành bàn giao toàn bộ số tang vật bị tạm giữ cho Đội Cảnh sát kinh tế Công an huyện Bảo Lâm tiếp tục điều tra, làm rõ.

Mở rộng điều tra, Công an huyện Bảo Lâm xác định Lê Tuấn Anh là đối tượng có nhiều nghi vấn về hành vi buôn bán phân bón giả nên tiến hành củng cố tài liệu, chứng cứ để đấu tranh. Tại cơ quan công an, Lê Tuấn Anh khai nhận quen biết với Đào Đình Tuấn - Giám đốc Công ty TNHH xuất nhập khẩu VTCHEMS, biết Công ty của Tuấn có sản xuất, kinh doanh phân bón DAP 18-46-0 giá rẻ hơn thị trường. Sau đó, Đào Đình Tuấn đề nghị Tuấn Anh hợp tác phân phối và Tuấn Anh đồng ý. Sau đó, Lê Tuấn Anh đã mua  tổng cộng 9 tấn phân bón DAP 18-46-0 từ Đào Đình Tuấn rồi bán cho các đại lý và người dân trên khu vực Bảo Lâm, TP Bảo Lộc.

Căn cứ lời khai của Lê Tuấn Anh, Công an huyện Bảo Lâm triệu tập Đào Đình Tuấn. Qua đấu tranh, Đào Đình Tuấn thừa nhận loại phân bón DAP 18-46-0 đã bán cho Tuấn Anh có xuất xứ từ Trung Quốc, có hình dạng và màu sắc giống với loại phân bón thông thường, nhưng chất lượng, hàm lượng không đảm bảo. Bản thân Đào Đình Tuấn không được cấp phép sản xuất phân bón nhưng vẫn tự mua bao bì, nguyên liệu, làm tem phụ và thuê đơn vị khác gia công  rồi chào bán với giá rẻ hơn giá thị trường nhằm mục đích thu lợi bất chính.

Bô Y tế: Thu hồi toàn quốc lô thuốc bột pha hỗn dịch uống Compacin (Ciprofloxacin 250mg)

Ngày 16/9, Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế có văn bản số 3105/QLD-CL gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Công ty CP Dược phẩm Medisun, địa chỉ số 521 An Lợi, phường Hòa Lợi, TP. Bến Cát, tỉnh Bình Dương về việc thông báo thu hồi thuốc vi phạm mức độ 2.

Ngày 11/9/2024, Cục Quản lý Dược nhận được Công văn số 776/VKNKHTH đề ngày 20/8/2024 của Viện Kiểm nghiệm thuốc TP. Hồ Chí Minh gửi kèm phiếu kiểm nghiệm số 0790/VKN-YC2024 ngày 19/8/2024 của Viện Kiểm nghiệm thuốc TP. Hồ Chí Minh báo cáo kết quả lấy mẫu bổ sung đối với lô thuốc Bột pha hỗn dịch uống Compacin, số GĐKLH VD-29775-18, số lô 011123, NSX 2/11/23, HD 2/11/26 nêu trên là không đạt tiêu chuẩn chất lượng về chỉ tiêu Định lượng. Mẫu thuốc được lấy tại Công ty CP Dược phẩm Medisun, địa chỉ 521 An Lợi, phường Hòa Lợi, TP. Bến Cát, tỉnh Bình Dương.

Lô thuốc Bột pha hỗn dịch uống Compacin (Ciprofloxacin 250mg), số GĐKLH VD-29775-18, số lô 011123, NSX 2/11/23, HD 2/11/26 nêu trên được xác định là vi phạm mức độ 2. Mẫu thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng về chỉ tiêu Định lượng.

Cục Quản lý Dược thông báo: Thu hồi toàn quốc Bột pha hỗn dịch uống Compacin (Ciprofloxacin 250mg), số GĐKLH VD-29775-18, số lô 011123, NSX 2/11/23, HD 2/11/26, do Công ty CP Dược phẩm Medisun sản xuất.

Cục Quản lý Dược đề nghị Công ty CP Dược phẩm Medisun phối hợp với nhà phân phối thuốc, trong thời hạn 2 ngày kể từ ngày ký công văn này, gửi thông báo thu hồi tới các cơ sở bán buôn, bán lẻ, sử dụng Bột pha hỗn dịch uống Compacin (Ciprofloxacin 250mg) trên và tiến hành thu hồi toàn bộ lô thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng nêu trên. Gửi báo cáo thu hồi về Cục Quản lý Dược trong vòng 18 ngày kể từ ngày ký công văn này.

Cục Quản lý Dược đề nghị Sở Y tế các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương, Y tế các ngành thông báo cho các cơ sở kinh doanh, sử dụng thuốc thu hồi lô thuốc không đạt chất lượng nêu trên, công bố thông tin về quyết định thu hồi thuốc trên Trang thông tin điện tử của Sở, kiểm tra và giám sát các đơn vị thực hiện thông báo này; xử lý những đơn vị vi phạm theo quy định hiện hành; báo cáo về Cục Quản lý Dược và các cơ quan chức năng có liên quan.

Cục Quản lý Dược đề nghị Sở Y tế tỉnh Bình Dương kiểm tra và giám sát Công ty CP Dược phẩm Medisun thực hiện việc thu hồi và xử lý thuốc bị thu hồi theo quy định.

Thái Nguyên: Bắt quả tang cơ sở kinh doanh thực phẩm nhập lậu trị giá gần 24 triệu đồng

Ngày 27/8/2024, Đội Quản lý thị trường số 1 tỉnh Thái Nguyên đã tiến hành kiểm tra đột xuất Công ty TNHH Đầu tư và Thương mại B.R, tọa lạc tại xã Sơn Cẩm, thành phố Thái Nguyên. Kết quả kiểm tra đã phát hiện một lượng lớn hàng hóa thực phẩm nhập lậu không rõ nguồn gốc.

Cụ thể, tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng đã phát hiện và tạm giữ gần 500 sản phẩm thực phẩm, bao gồm các loại như nước hồng sâm, hắc sâm, kẹo sâm và rong biển khô. Toàn bộ số hàng hóa này đều có xuất xứ từ Hàn Quốc và không có bất kỳ hóa đơn, chứng từ nào chứng minh nguồn gốc, xuất xứ hợp pháp.

Thực hiện kiểm tra hàng hóa tại địa điểm kinh doanh

Làm việc với cơ quan chức năng, đại diện Công ty B.R đã thừa nhận việc mua số hàng hóa trên từ một nguồn không rõ ràng và không có bất kỳ giấy tờ liên quan.

Hình ảnh hàng hóa vi phạm

Với hành vi vi phạm pháp luật rõ ràng, Đội Quản lý thị trường số 1 đã tiến hành lập biên bản và tạm giữ toàn bộ số hàng hóa vi phạm để tiếp tục điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

Việc phát hiện và xử lý vụ việc trên một lần nữa cho thấy sự quyết tâm của các cơ quan chức năng trong việc bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và ngăn chặn tình trạng buôn lậu hàng hóa, đặc biệt là các sản phẩm thực phẩm có thể ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe.

Bắc Giang: Bắt quả tang cơ sở kinh doanh bánh kẹo nhập lậu dịp Tết Trung thu

Vào ngày 16/8, trong quá trình kiểm tra, Phòng Cảnh sát kinh tế phối hợp với Đội Quản lý thị trường số 1 - Cục QLTT tỉnh Bắc Giang đã phát hiện và thu giữ một lượng lớn bánh kẹo nhập lậu tại cơ sở kinh doanh H.T, phường Trần Phú, thành phố Bắc Giang.

Theo đó, tại cơ sở này, lực lượng chức năng đã phát hiện và tạm giữ hơn 1500 sản phẩm các loại như bánh Trung thu, bánh mì, bánh Mochi... Chủ cơ sở là bà H.T.T thừa nhận toàn bộ số hàng hóa trên đều do nước ngoài sản xuất, không có hóa đơn chứng từ hợp lệ, được mua trôi nổi trên thị trường để bán kiếm lời.

Lực lượng chức năng kiểm tra hàng hóa nhập lậu.

Điều đáng lo ngại là những sản phẩm bánh kẹo này không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không đảm bảo các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hại cho sức khỏe người tiêu dùng.

Trước hành vi vi phạm pháp luật trên, cơ quan chức năng đã lập biên bản, tạm giữ toàn bộ số hàng hóa và đang tiến hành các bước tiếp theo để xử lý theo quy định.

Trong thời gian tới, các cơ quan chức năng tỉnh Bắc Giang sẽ tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, nhằm ngăn chặn hiệu quả các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, đặc biệt là trong dịp Tết Trung thu.

Nghệ An: Bắt quả tang đối tượng tàng trữ trái phép gần 1.000 viên ma túy tổng hợp

Sáng 16/8, Công an huyện Tương Dương (Nghệ An) cho biết, đơn vị vừa phá thành công chuyên án, bắt quả tang 1 đối tượng, thu giữ gần 1.000 viên ma túy tổng hợp.

Trước đó, Công an huyện Tương Dương phát hiện thời gian gần đây trên địa bàn xã Hữu Khuông nổi lên đối tượng Vi Văn Xuyên (SN 1975), trú tại bản Xàn thường xuyên cấu kết với các đối tượng đã có tiền án, tiền sự về tội "Mua bán, sử dụng, tàng trữ trái phép chất ma túy" ở các xã biên giới huyện Quế Phong và vùng phụ cận hình thành đường dây mua bán ma túy.

Đối tượng Vi Văn Xuyên cùng số hồng phiến bị thu giữ

Đáng nói, hoạt động của các đối tượng rất manh động và liều lĩnh, sẵn sàng chống trả quyết liệt khi bị phát hiện và vây bắt.

Trước tình hình đó, với quyết tâm giữ sạch địa bàn vùng biên, dưới sự chỉ đạo của lãnh đạo Công an tỉnh, Công an huyện Tương Dương đã xác lập chuyên án đấu tranh triệt phá.

Sau một thời gian theo dõi, sử dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, vào lúc 3 giờ 10 phút ngày 13/8/2024, tại bản Xàn, xã Hữu Khuông, Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về hình sự, kinh tế, ma túy chủ trì phối hợp với Công an xã Hữu Khuông và Tổ công tác 373 (Công an huyện Tương Dương) phá thành công chuyên án, bắt quả tang Vi Văn Xuyên về hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy, thu giữ 955 viên hồng phiến, 2 súng săn tự chế, 1 cân tiểu ly, 2 con dao mẹo.

Hiện chuyên án đang được tiếp tục điều tra, mở rộng.

Tuyên Quang: Phát hiện, tiêu hủy 81 con lợn nhiễm dịch tả lợn châu Phi

Ngày 22/7, Cục Quản lý thị trường, Phòng Cảnh sát Giao thông - Công an tỉnh, UBND huyện Hàm Yên phối hợp tiêu hủy 81 con lợn nhiễm dịch tả lợn châu Phi.

Trước đó, khoảng 20 giờ 30 phút ngày 21-7-2024, tổ công tác Trạm Cảnh sát Giao thông Hàm Yên, thuộc thôn Ao Vệ, xã Thái Hòa (Hàm Yên), thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát các phương tiện tham gia giao thông đã phát hiện xe tải mang biển số 29F-060.05 đi theo hướng Hà Giang - Tuyên Quang vận chuyển 81 động vật (lợn thịt) có dấu hiệu nhiễm bệnh.

Lực lượng chức năng vận chuyển lợn nhiễm bệnh đi tiêu huỷ.

Qua kiểm tra, chủ phương tiện không xuất trình được giấy tờ có liên quan đến hàng hoá, không có giấy chứng nhận kiểm dịch động vật của cơ quan chuyên môn. Trong đó có một số con đã chết. Chủ phương tiện khai nhận nguồn hàng được thu mua tại Hà Giang và vận chuyển về Hà Nội tiêu thụ.

Lực lượng chức năng kiểm tra phát hiện lợn nhiễm bệnh được đối tượng vận chuyển đi tiêu thụ.

Tổ công tác đã báo cáo Phòng Cảnh sát giao thông phối hợp với Công an huyện Hàm Yên, Cục Quản lý thị trường, Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản lấy mẫu hàng hóa gửi Trung tâm chẩn đoàn Thú y Trung ương phân tích. Kết quả 3/3 mẫu đã dương tính với dịch tả lợn châu Phi.  

Ngay khi có kết quả phân tích, toàn bộ số lợn nhiễm bệnh đã được đưa đi tiêu hủy theo đúng quy định, đảm bảo an toàn dịch bệnh.

Sơn La: Bắt giữ đối tượng vận chuyển trái phép chất ma túy

BĐBP Sơn La vừa phối hợp với các lực lượng chức năng bắt quả tang 1 đối tượng về hành vi vận chuyển trái phép chất ma túy.

Đối tượng Thào A Chư cùng tang vật.

Theo đó, lúc 0 giờ 10 phút ngày 9/7, tại khu vực km 106, Quốc lộ 43, thuộc bản Phát, xã Lóng Sập, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La, Đồn Biên phòng cửa khẩu Lóng Sập, BĐBP Sơn La chủ trì, phối hợp với Công an huyện Mộc Châu thực hiện nhiệm vụ, bắt quả tang đối tượng Thào A Chư (sinh năm 1984, trú tại bản Huổi Nhả, xã Phiêng Cằm, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La) đang có hành vi vận chuyển trái phép chất ma túy.

Tại hiện trường, lực lượng chức năng thu giữ 1,1kg nhựa thuốc phiện, 1 xe máy, 1 điện thoại di động.

Hiện, BĐBP Sơn La đang điều tra theo thẩm quyền.

Kon Tum: Tiêu hủy hơn 140 cây giống sâm Ngọc Linh giả

148 cây giống sâm Ngọc Linh 1 năm tuổi bị tiêu hủy vì là hàng giả.

Ngày 24/6, tại huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum, lực lượng chức năng đã tổ chức tiêu hủy 148 cây giống sâm Ngọc Linh 1 năm tuổi được xác định là hàng giả. Việc tiêu hủy diễn ra sau khi lực lượng chức năng phát hiện đối tượng L.V.C (28 tuổi, ở Vĩnh Phúc) có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng hình thức bán cây giống sâm Ngọc Linh giả.

148 cây sâm giống giả Ngọc Linh, tang vật của vụ án, trước khi bị tiêu hủy.

L.V.C đã sử dụng trang Fanpage Facebook "Trung tâm Giống cây Trồng Tỉnh Kontum" để quảng cáo và bán các sản phẩm sâm Ngọc Linh với giá rẻ bất ngờ, chỉ từ 30.000 - 50.000 đồng/cây giống 2 năm tuổi (trong khi giá bán sâm Ngọc Linh giống thật 1 năm tuổi hiện khoảng 300.000 đồng/cây).

Ngoài ra, đối tượng còn thường xuyên bán số lượng lớn sâm không rõ nguồn gốc, tự giới thiệu là sâm Ngọc Linh Kon Tum để thu lợi bất chính.

Tiêu hủy 148 cây sâm giống giả sâm Ngọc Linh.

Lực lượng chức năng đã xác định 150 cây giống sâm mà L.V.C bán cho khách hàng không phải là sâm Ngọc Linh Kon Tum mà là giống sâm có đặc điểm giống với sâm Ngọc Linh Kon Tum nhưng có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc.

148 cây sâm giống giả Ngọc Linh bị tiêu hủy.

Hiện Công an tỉnh Kon Tum đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với L.V.C về hành vi "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Vụ việc trên là lời cảnh báo cho người tiêu dùng cần cẩn trọng khi mua các sản phẩm sâm Ngọc Linh, đặc biệt là qua mạng xã hội. Nên tìm mua sản phẩm tại các cơ sở uy tín, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng để tránh mua phải hàng giả, hàng nhái, gây ảnh hưởng đến sức khỏe và kinh tế.

Tây Ninh: Phát hiện cơ sở kinh doanh tinh dầu và thuốc lá điện tử nhập lậu

Ngày 10/06. Cục QLTT tỉnh Tây Ninh cho biết Đội QLTT số 2 đã tiến hành kiểm tra và phát hiện 1 cơ sở kinh doanh tinh dầu và thuốc lá điện tử nhập lậu. 

Cụ thể, Ngày 06/6/2024, Đội Quản lý thị trường số 2 (Đội QLTT số 2), Cục Quản lý thị trường tỉnh Tây Ninh đã tiến hành kiểm tra đột xuất tại Cơ sở kinh doanh D.O.P 88, địa chỉ số 152, đường Lạc Long Quân, khu phố 3, phường 4, thành phố Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh và phát hiện vi phạm hành vi kinh doanh hàng cấm là tinh dầu thuốc lá điện tử và thuốc lá điện tử nhập lậu.

Tại thời điểm kiểm tra, Đoàn kiểm tra phát hiện cơ sở đang bày bán 20 chai tinh dầu thuốc lá điện tử nhãn hiệu Taki Future Juice 66 (dung tích 30ml), 20 hộp thuốc lá điện tử nhãn hiệu Xlim Pro (loại 2ml), 20 hộp thuốc lá điện tử nhãn hiệu Aspire (loại 2ml) và 25 hộp thuốc lá điện tử nhãn hiệu Ayce mini (loại 2ml). Tổng giá trị hàng hóa vi phạm theo giá niêm yết là 28.850.000 đồng.

Chủ cơ sở kinh doanh D.O.P 88, ông N.V.P, không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp cho số hàng hóa trên và cũng không có đăng ký thành lập hộ kinh doanh theo quy định.

Đoàn kiểm tra đã tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính và tạm giữ toàn bộ số hàng hóa vi phạm để xử lý theo quy định của pháp luật.

Hành vi kinh doanh tinh dầu thuốc lá điện tử và thuốc lá điện tử nhập lậu là vi phạm pháp luật nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng và gây mất trật tự an toàn xã hội. Đội QLTT số 2, Cục QLTT tỉnh Tây Ninh sẽ tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm nhằm bảo vệ sức khỏe cho người dân và đảm bảo trật tự an toàn thị trường trên địa bàn.

Quảng Trị: Bắt giữ đối tượng vận chuyển gần 12.000 viên ma túy tổng hợp

Ngày 27/5, Phòng CSĐT tội phạm về ma túy Công an tỉnh Quảng Bình cho biết, đơn vị vừa chủ trì, phối hợp Đoàn Đặc nhiệm phòng chống tội phạm ma túy số 2, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển; Đội Kiểm soát Hải quan - Cục Hải quan tỉnh Quảng Bình bắt quả tang Nguyễn Lâm Trường (SN 1990, trú tại tổ dân phố 7, Đồng Sơn, TP Đồng Hới, Quảng Bình) về hành vi Mua bán trái phép chất ma túy.

Đối tượng Nguyễn Lâm Trường cùng tang vật bị bắt giữ.

Trước đó, vào lúc 20h ngày 25/5, tại khu vực đường tránh (thuộc tổ dân phố 1, phường Bắc Lý, TP Đồng Hới, Quảng Bình), lực lượng chức năng phát hiện, bắt quả tang Nguyễn Lâm Trường đang vận chuyển 1 túi nilon bên trong có chứa 11.935 viên nén hình tròn (trong đó 11.808 viên màu hồng và 117 viên màu xanh).

Tiến hành khám xét khẩn cấp đối với chỗ ở của Nguyễn Lâm Trường, lực lượng chức năng thu giữ thêm 30 viên ma túy tổng hợp khác.

Làm việc với Cơ quan CSĐT, Trường khai nhận toàn bộ số viên nén trên là ma túy tổng hợp.

Hiện, vụ việc đang được Công an tỉnh Quảng Bình tiếp tục điều tra, xử lý theo quy định pháp luật.