Đăng nhập

Quy định mới về cấp giấy chứng nhận đối với thực phẩm xuất khẩu

Quy định mới này áp dụng đối với lô hàng xuất khẩu (lô hàng có thể gồm một hoặc nhiều mặt hàng, một hoặc nhiều lô sản phẩm, hoặc cơ sở sản xuất thực phẩm xuất khẩu thuộc phạm vi quản lý của Bộ Y tế…

Bộ Y tế vừa ban hành Thông tư 08, quy định hồ sơ, thủ tục cấp giấy chứng nhận đối với thực phẩm xuất khẩu thuộc phạm vi quản lý.

Theo đó, Thông tư này quy định về thẩm quyền, hồ sơ, thủ tục cấp, thu hồi giấy chứng nhận đối với thực phẩm xuất khẩu thuộc phạm vi quản lý của Bộ Y tế trong trường hợp có yêu cầu của nước nhập khẩu.

Quy định không áp dụng đối với cấp giấy chứng nhận lưu hành tự do (CFS) cho các thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của Bộ Y tế.

Ảnh minh họa.

Thông tư nêu rõ, hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận cho 1 lô hàng xuất khẩu, hoặc một cơ sở sản xuất thực phẩm xuất khẩu gồm: (1) Đơn đề nghị cấp giấy chứng nhận theo mẫu quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này.

(2) Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm hoặc một trong các giấy chứng nhận: Thực hành sản xuất tốt (GMP), Hệ thống phân tích mối nguy và điểm kiểm soát tới hạn (HACCP), Hệ thống quản lý an toàn thực phẩm ISO 22000, Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (IFS), Tiêu chuẩn toàn cầu về an toàn thực phẩm (BRC), Chứng nhận hệ thống an toàn thực phẩm (FSSC 22000) hoặc tương đương còn hiệu lực (bản sao có xác nhận của tổ chức, cá nhân xuất khẩu).

(3) Phiếu kết quả kiểm nghiệm an toàn thực phẩm của mẫu thử thuộc lô sản phẩm thực phẩm xuất khẩu (đối với giấy chứng nhận y tế và các giấy chứng nhận khác có liên quan đến lô hàng xuất khẩu), có đầy đủ thông tin về tên sản phẩm, lô sản phẩm thực phẩm được cấp bởi phòng kiểm nghiệm được chỉ định, hoặc phòng kiểm nghiệm được công nhận phù hợp ISO 17025 đạt yêu cầu của quy chuẩn kỹ thuật tương ứng, hoặc đạt các chỉ tiêu theo quy định/yêu cầu kỹ thuật tại một trong các giấy tờ sau:

Thông tư của các Bộ, ngành; hoặc tiêu chuẩn quốc gia, hoặc tiêu chuẩn của Ủy ban tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (Codex), tiêu chuẩn khu vực, tiêu chuẩn nước ngoài, hoặc tiêu chuẩn nhà sản xuất đính kèm.

(4) Xác nhận đóng phí thẩm định cấp giấy chứng nhận đối với thực phẩm xuất khẩu. Trường hợp nước nhập khẩu yêu cầu giấy chứng nhận theo mẫu do nước nhập khẩu quy định có những thông tin ngoài những thông tin quy định tại Điều 3 Thông tư này, thì tổ chức, cá nhân phải nộp các giấy tờ liên quan phù hợp để chứng minh các thông tin đó.

Về thẩm quyền, trình tự, thủ tục cấp giấy chứng nhận, Bộ Y tế cho biết tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh lô hàng xuất khẩu, hoặc cơ sở sản xuất thực phẩm xuất khẩu đề nghị cấp giấy chứng nhận nộp hồ sơ đến Bộ Y tế (Cục An toàn thực phẩm) qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến, hoặc nộp trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến Bộ phận một cửa của Bộ Y tế.

Thời hạn cấp không quá 5 ngày làm việc, kể từ ngày tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ đầy đủ, đúng quy định. Trường hợp không cấp hoặc yêu cầu sửa đổi, bổ sung, thì cơ quan tiếp nhận hồ sơ phải có văn bản nêu rõ lý do và căn cứ pháp lý của việc yêu cầu.

Trong thời hạn 5 ngày kể từ khi nhận hồ sơ sửa đổi, bổ sung, thì cơ quan tiếp nhận hồ sơ thẩm định hồ sơ và có văn bản trả lời.

Sau 90 ngày kể từ khi có công văn yêu cầu sửa đổi, bổ sung, nếu tổ chức, cá nhân không sửa đổi, bổ sung, thì hồ sơ không còn giá trị.

Thời gian thẩm định hồ sơ tính từ thời điểm hồ sơ được nộp trên hệ thống dịch vụ công trực tuyến, hoặc theo dấu đến của cơ quan tiếp nhận.

Giấy chứng nhận hoặc văn bản nêu rõ lý do không cấp được trả tương ứng với hình thức nộp hồ sơ. Số lượng giấy chứng nhận được cấp theo yêu cầu của tổ chức, cá nhân xuất khẩu. Các thành phần hồ sơ phải còn hiệu lực pháp lý tại thời điểm nộp hồ sơ.

Nghệ An: Phát hiện cơ sở kinh doanh đang bày bán 204 sản phẩm các loại không rõ nguồn gốc, xuất xứ

Ngày 14/01/2025, Đội QLTT số 6 tiến hành kiểm tra đột xuất đối với Hộ kinh doanh Nguyễn Thị Lan có địa chỉ tại Xóm Vạn Lộc 2, xã Nghĩa Lộc, huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An phát hiện tại cơ sở kinh doanh đang bày bán 204 sản phẩm các loại không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Ngày 14/01/2025, Đội QLTT số 6 tiến hành kiểm tra đột xuất đối với Hộ kinh doanh Nguyễn Thị Lan  có địa chỉ tại Xóm Vạn Lộc 2, xã Nghĩa Lộc, huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An. Qua kiểm tra, Đoàn kiểm tra phát hiện tại cơ sở kinh doanh đang bày bán 204 sản phẩm các loại được bao gói sẵn gồm xúc xích loại 1 viên, loại 2 viên, thạch hộp… không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Hình ảnh kiểm tra tại cơ sở

Số thực phẩm này thường được bán cho trẻ em, học sinh trước cổng trường, nếu đưa vào sử dụng sẽ tiềm ẩn nguy cơ gây hại cho sức khỏe con người, gây tâm lý bức xúc cho các bậc phụ huynh và nhân dân trên địa bàn.

Giám sát tiêu hủy hàng hóa vi phạm

Đội QLTT số 6 đã ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Hộ kinh doanh nêu trên về hành vi kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ với số tiền 8 triệu đồng; đồng thời buộc tiêu hủy toàn bộ tang vật vi phạm giá trị 9.883.000 đồng. Tổng giá trị thu phạt của vụ việc là 17.883.000 đồng.

Sóc Trăng: Phát hiện 280 bao thuốc lá điếu nhập lậu

Bám sát vào kế hoạch công tác những tháng cuối năm của Cục Quản lý thị trường (QLTT), sáng ngày 11/11/2024, Đội QLTT số 2 đã phối hợp với lực lượng Công an địa phương kiểm tra đột xuất và phát hiện một Hộ kinh doanh tạp hóa trên địa bàn huyện Long Phú đang buôn bán 280 bao thuốc lá điếu nhập lậu

Triển khai thực hiện Kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả những tháng cuối năm 2024; dịp trước, trong và sau tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025 và Kế hoạch thực hiện thỏa thuận hợp tác giữa Cục Quản lý thị trường tỉnh Sóc Trăng với Văn phòng Đại diện British - American Tobacco Marketing (Singapore) Private Limited tại thành phố Hồ Chí Minh. Đội Quản lý thị trường số 2 đã tăng cường thực hiện các biện pháp nghiệp vụ, nắm thông tin về tình hình sản xuất, kinh doanh trên địa bàn quản lý, nhất là tình hình vận chuyển, buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu trong những tháng cuối năm.

Qua đó, sáng ngày 11/11/2024, Đội Quản lý thị trường số 2 đã phối hợp với lực lượng Công an địa phương tổ chức kiểm tra đột xuất Hộ kinh doanh T.C, có địa chỉ trên địa bàn Long Phú, tỉnh Sóc Trăng. Kết quả phát hiện tại hộ kinh doanh đang buôn bán hàng cấm là 280 bao thuốc lá điếu nhập lậu nhãn hiệu HERO.

Đội QLTT số 2 đã lập Biên bản vi phạm hành chính đối tượng vi phạm, tạm giữ, niêm phong toàn bộ số tang vật nêu trên để xử lý theo quy định./.

TP. Hồ Chí Minh: Đội QLTT số 5 tiêu hủy hơn 1.775 đơn vị sản phẩm hàng hóa

Thi hành 17 Quyết định xử phạt vi phạm hành chính, trong đó có biện pháp khắc phục hậu quả là buộc tiêu hủy hàng hóa vi phạm, trong hai đợt tiêu hủy hàng hóa ngày ngày 24/10 và 05/11 năm 2024 tại Chi nhánh Môi trường Đô thị Sài Gòn - Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Thành phố Hồ Chí Minh, Đội Quản lý thị trường số 5 đã thực hiện tiêu hủy hàng hóa đối với 1.775 đơn vị sản phẩm hàng hóa vi phạm, tổng trị giá lên đến 107.580.000 đồng

Hàng hóa vi phạm trong đợt tiêu hủy này gồm 1.775 đơn vị sản phẩm là cốc sạc điện thoại di động, vải, quần, áo, giày dép, đồ chơi trẻ em, đường cát, bánh kẹo, mỹ phẩm, dược liệu, trang sức các loại,... không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hóa giả mạo các thương hiệu nổi tiếng như: Chanel, Louis Vuitton, Nike đã được bảo hộ độc quyền tại Việt Nam.

Lực lượng chức năng đang giám sát việc tiêu hủy

Toàn bộ quá trình tiêu hủy hàng hóa được thực hiện dưới sự giám sát chặt chẽ của đại diện Cục Quản lý thị trường Thành phố Hồ Chí Minh, Đội Quản lý thị trường số 5 và Phòng Tài chính - Kế hoạch Quận 5 đảm bảo an toàn và vệ sinh môi trường. Phương pháp được tiêu hủy là: dùng búa đập nát, dùng kéo cắt, dùng máy cắt, chôn lấp… phù hợp với từng chủng loại hàng hóa phải tiêu hủy.

Xe cẩu xúc hàng cho hàng hóa buộc tiêu hủy vào máy nghiền

Việc tiêu hủy các hàng hóa này nhằm xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm, có tính giáo dục, răn đe các đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật, góp phần tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân và doanh nghiệp trong đấu tranh chống lại các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Đồ chơi trẻ em kém chất lượng buộc tiêu hủy

Trên đây là một trong những hoạt động thường xuyên của Đội Quản lý thị trường số 5 trong công tác đấu tranh phòng chống hàng giả, hàng lậu, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ và hàng kém chất lượng trên địa bàn Quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh./.

Quảng Bình: 10 trường hợp vi phạm trong kinh doanh xăng dầu bị xử phạt 113 triệu đồng

Ngày 13/9/2024, Ông Vũ Quang Thắng, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh cho biết, đơn vị đã hoàn thành 100% kế hoạch kiểm tra chuyên đề về hoạt động kinh doanh xăng dầu năm 2024.

Kết quả, lực lượng QLTT tỉnh đã kiểm tra 22/22 cơ sở; phát hiện, xử lý 10 trường hợp vi phạm với tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính 113 triệu đồng.

Lực lượng QLTT kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật của một cơ sở kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh.

Các hành vi vi phạm chủ yếu gồm: Không xây dựng, áp dụng và duy trì hiệu lực hệ thống quản lý chất lượng xăng dầu; không ghi thời gian bán hàng tại khu vực bán hàng; giảm thời gian bán hàng so với niêm yết mà không thông báo cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền; vi phạm quy định về biển hiệu;... 

Cục QLTT tỉnh sẽ tiếp tục tăng cường các biện pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với lĩnh vực xăng dầu.

Bên cạnh công tác kiểm tra, các Đội QLTT đã kết hợp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, vận động các chủ cơ sở kinh doanh xăng dầu thực hiện cam kết chấp hành quy định của pháp luật trong kinh doanh xăng dầu.

“Cục QLTT tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường công tác quản lý địa bàn để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong kinh doanh xăng dầu; bảo đảm sự tuân thủ pháp luật của các tổ chức kinh doanh xăng dầu; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với lĩnh vực kinh doanh xăng dầu”, Cục trưởng Cục QLTT tỉnh Vũ Quang Thắng cho biết thêm.

Hà Nội: Phát hiện một cơ sở san chiết LPG có dấu hiệu vi phạm

Ngày 3/8/2024, Đại diện Tổng Cục Quản lý thị trường cho biết lực lượng liên ngành vừa kiểm tra một cơ sở tại địa bàn huyện Thanh Trì (Hà Nội) đã phát hiện hai xe tải chứa bồn khí dầu mỏ hóa lỏng LPG, trong đó, một xe đang thực hiện hành vi san chiết nạp khí LPG vào bình.

Theo đó, ngày 2/8, Đội Quản lý thị trường số 7 (Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội) phối hợp với Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và chức vụ, Công an huyện Thanh Trì tiến hành kiểm tra khu vực nhà kho của bà T.T.V, tại xã Đông Mỹ, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội. Nhà kho này có chứa tang vật là các loại bình gas (LPG) và các phương tiện dùng để san chiết khí gas (khí dầu mỏ hóa lỏng LPG).

Lực lượng chức năng kiểm tra cơ sở san chiết gas trên địa bàn huyện Thanh Trì, Hà Nội.

Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng đã tạm giữ 02 chiếc xe tải trên xe có chứa đựng gas và phương tiện dùng để san chiết gas. Cụ thể, trên xe ôtô tải màu trắng biển kiểm soát 22C-02617, có trọng tải 2.325 tấn do bà T.T.V là lái xe, đoàn kiểm tra phát hiện trên thùng xe có chứa bồn kim loại, trong bồn có chứa khí dầu mỏ hóa lỏng LPG (chưa rõ dung tích bình). Bồn này được nối trực tiếp với 03 máy san chiết khí LPG; mỗi máy đang đấu nối trực tiếp với 01 bình LPG loại 12kg và đang trong quá trình thực hiện san chiết nạp khí LPG vào bình.

Hệ thông san chiết khí tại kho.

Tiếp tục kiểm tra xe ôtô biển kiểm soát 29H-06583, trọng tải xe 2,4 tấn do ông P.Q.T điều khiển, trên thùng xe có chứa 65 bình LPG đã được nạp khí LPG, trên van các bình LPG trên không có màng co niêm phong.

Ngoài ra, lực lượng chức năng còn phát hiện 553 vỏ bình LPG loại 12kg mang nhiều nhãn hiệu khác nhau dùng để chứa khí LPG và 12kg màng co bằng nilon chưa qua sử dụng mang các nhãn hiệu: VẠN LỘC GAS VÀ VENUS PETROL GAS đang được để trong khu vực nhà kho.

Lực lượng chức năng còn phát hiện 553 vỏ bình LPG loại 12kg mang nhiều nhãn hiệu khác nhau.

Đại diện lực lượng chức năng thông tin, khi kiểm tra, bà T.T.V chưa xuất trình bất cứ giấy tờ, hóa đơn chứng từ gì liên quan đến hoạt động san chiết gas của mình.

Đoàn kiểm tra của Đội QLTT số 7 và lực lượng phối hợp thống nhất lập biên bản tạm giữ toàn bộ hàng hóa, tang vật, phương tiện trên và yêu cầu bà Trịnh Thanh Vân tiếp tục làm việc với Cơ quan kiểm tra để xác minh làm rõ, xử lý vụ việc theo quy định của pháp luật.

Lai Châu: Xử phạt hộ kinh doanh vi phạm an toàn thực phẩm

Lực lượng quản lý thị trường tỉnh Lai Châu vừa xử phạt một cơ sở kinh doanh tại huyện Mường Tè vì vi phạm quy định về điều kiện an toàn thực phẩm.

Thông tin từ Cục Quản lý thị trường tỉnh Lai Châu cho biết, thực hiện Quyết định số 591/QĐ-QLTTLC ngày 20/12/2023 về việc ban hành Kế hoạch kiểm tra định kỳ năm 2024 của Cục Quản lý thị trường tỉnh Lai Châu. Vào hồi 14 giờ 15 phút ngày 17/7/2024, Đoàn kiểm tra của Đội Quản lý thị trường số (Cục Quản lý thị trưởng Lai Châu) 5 tiến hành kiểm tra hộ kinh doanh Chu Văn Truyền có địa chỉ tại Bản Gò Cứ, xã Mù Cả, huyện Mường Tè.

Qua kiểm tra phát hiện tại khu chứa thực phẩm của cơ sở kinh doanh một số sản phẩm thực phẩm như mỳ tôm và bánh kẹo…còn để dưới nền nhà không có giá kệ để số sản phẩm trên theo quy định của pháp luật.

Đoàn kiểm tra đã lập biên bản vi phạm hành chính, trình Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 5 ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Hộ kinh doanh Chu Văn Chuyền với mức xử phạt là 6 triệu đồng.

Thời gian qua, Cục Quản lý thị trường tỉnh Lai Châu tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, đặc biệt là các địa bàn vùng sâu, vùng xa, gắn với tuyên truyền về việc chấp hành các qui định pháp luật về kinh doanh hàng hóa đến các hộ kinh doanh…

Quảng Ninh: Phát hiện xe chở hơn 20.000 con vịt giống không rõ nguồn gốc, xuất xứ tại Móng Cái

Ngày 8/7,  Đội Quản lý thị trường số 1, Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Ninh thông tin cho biết đã chủ trì, phối hợp với Đội kiểm soát Hải quan số 2, Cục Hải quan tỉnh kiểm tra, thu giữ hơn 20.000 con vịt giống không rõ nguồn gốc, xuất xứ (khoảng 1-2 ngày tuổi).

Cụ thể, tại thành phố Móng Cái, Đội Quản lý thị trường số 1 chủ trì, phối hợp với Đội Kiểm soát Hải quan số 2 phát hiện xe ô tô BKS 34C-349.18 do ông B.X.T lái xe (chủ hàng), địa chỉ xã Ninh Hải, huyện Ninh Giang, Hải Dương vận chuyển 20.240 con vịt con giống (khoảng 1-2 ngày tuổi) không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Đội Quản lý thị trường số 1 tiến hành khám phương tiện vận tải biển kiểm soát 34C-349.18

Ông B.T.X khai nhận mua số vịt giống trên tại thành phố Móng Cái về bán kiếm lời, toàn bộ hàng hóa không có hóa đơn, chứng từ, giấy tờ hợp pháp chứng minh nguồn gốc, xuất xứ.

Xét thấy vụ việc có dấu hiệu hình sự, Đội Quản lý thị trường số 1 báo cáo Cục Quản lý thị trường tỉnh, bàn giao toàn bộ hồ sơ vụ việc cho cơ quan tố tụng để tiếp tục điều tra, xác minh, làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.

An Giang: Tạm giam 3 đối tượng vận chuyển hơn 530.000 USD trái phép qua biên giới

Ngày 21/6, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh An Giang cho biết, vừa ra Quyết định khởi tố vụ án và ra Lệnh tạm giam đối với 3 bị can cùng về tội "Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới".

Trước đó, qua công tác nghiệp vụ, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh An Giang phát hiện nhóm đối tượng có hành vi vận chuyển trái phép tiền USD qua biên giới nên xác lập chuyên án và phối hợp các đơn vị nghiệp vụ Công an tỉnh tiến hành đấu tranh, bắt giữ, xử lý nhóm đối tượng này. 

Các đối tượng bị khởi tố, tạm giam. 

Đến khoảng 4h15, ngày 12/6, Ban Chuyên án phát hiện bắt quả tang La Văn Thuận (SN 1982, trú tại xã Khánh An, huyện An Phú, tỉnh An Giang) đang vận chuyển 530.150 USD đến khu vực sông Bình Di, thuộc tổ 3, khóm Tân Khánh, thị trấn Long Bình, huyện An Phú, tỉnh An Giang để đưa sang Campuchia.

Tang vật là ngoại tệ bị thu giữ. 

Mở rộng điều tra, truy xét, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh An Giang tiến hành bắt giữ Huỳnh Văn Sinh (SN 1972) và Trần Thị Thảo (vợ Sinh, SN 1976, trú xã Khánh An, huyện An Phú, tỉnh An Giang) ngay sau đó.

Trong quá trình điều tra xác định, đường dây vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới trên do vợ chồng Sinh thiết lập để kiếm lời.

Phát hiện Công ty Cổ phần Bia Sài Gòn Hưng Yên sản xuất bia giả mạo thương hiệu Bia Sài Gòn

Ngày 6 tháng 6 năm 2024, Đoàn kiểm tra của Đội Quản lý thị trường số 1 phối hợp với Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và ma túy Công an TP Hưng Yên đã tiến hành kiểm tra đột xuất tại Công ty Cổ phần Bia Sài Gòn Hưng Yên, địa chỉ: Số 141, đường Bạch Đằng, phường Minh Khai, TP Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên.

Cơ quan chức năng kiểm tra sản phẩm vi phạm. Ảnh: Cục QLTT tỉnh Hưng Yên.

Kết quả kiểm tra, Đoàn kiểm tra phát hiện Công ty đang sản xuất và kinh doanh bia có nhãn hiệu "BIA HƠI SÀI GÒN 555" mà không có hợp đồng ủy quyền hay chứng minh được nguồn gốc xuất xứ từ Tổng Công ty cổ phần Bia - rượu - nước giải khát Sài Gòn (SABECO) - đơn vị đang sở hữu hợp pháp nhãn hiệu "BIA SAIGON".

Sản phẩm vi phạm bị thu giữ.

Cụ thể, Đoàn kiểm tra thu giữ 526 chai bia thành phẩm và 3.864 vỏ chai bia, đều dung tích 800 ml, có gắn nhãn hiệu "BIA HƠI SÀI GÒN 555". Toàn bộ số sản phẩm này có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu "BIA SAIGON" của SABECO.

Hiện, Đội Quản lý thị trường số 1 đã tạm giữ toàn bộ số tang vật vi phạm và đang phối hợp với các cơ quan chức năng để tiếp tục điều tra, xác minh làm rõ hành vi vi phạm của Công ty Cổ phần Bia Sài Gòn Hưng Yên.