Đăng nhập

Đồng Nai: Tạm giữ đối tượng tàng trữ 31 thùng pháo hoa trái phép

Ngày 21-12, Công an H.Trảng Bom cho biết đã tạm giữ hình sự đối tượng B.X.N.(19 tuổi, ngụ xã Bình Minh, H.Trảng Bom) để điều tra về hành vi tàng trữ hàng cấm.

Đối tượng B.X.N. cùng tang vật

Theo thông tin ban đầu xác định, ngày 18-12, Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế, ma túy Công an H.Trảng Bom phối hợp với Công an xã Bình Minh tiến hành kiểm tra hành chính căn nhà thuộc ấp Tân Bắc (xã Bình Minh) do N. làm chủ. Quá trình kiểm tra phát hiện N. đang cất giấu 31 khối hộp hình chữ nhật nghi chứa pháo hoa nổ.

Qua làm việc, N. khai nhận 31 hộp này là pháo hoa nổ được mua về để sử dụng. Công an huyện Trảng  Bom đã tiến hành lập biên bản bắt người phạm tội quả tang; tạm giữ, niêm phong toàn bộ các tang vật, phương tiện có liên quan để điều tra làm rõ theo quy định.

Bộ Y tế: Thông qua công tác thanh tra 309 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm đã đình chỉ, thu hồi 519 sản phẩm vi phạm chất lượng

Theo báo cáo của Bộ Y tế (Cục Quản lý Dược), tính từ năm 2012 đến hết 2022, Cục Quản lý Dược đã kiểm tra hậu mại 309 công ty sản xuất mỹ phẩm trong nước và kinh doanh mỹ phẩm nhập khẩu; theo đó tiến hành thu hồi 3.313 sản phẩm mỹ phẩm; đình chỉ lưu hành, thu hồi 519 sản phẩm mỹ phẩm vi phạm chất lượng.

Tính riêng lực lượng Quản lý thị trường đã kiểm tra 16.127 vụ, phát hiện xử lý 11.374 vụ vi phạm, với tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính là 65.009.287.033 đồng, giá trị hàng hóa vi phạm là 161.718.707.519 đồng; thực hiện 15 vụ thanh tra, phát hiện 02 vụ việc vi phạm, tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính là 50.439.000 đồng, giá trị hàng hóa vi phạm là 34.500.000 đồng.

Bên cạnh đó, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã cảnh báo, xử lý một số trường hợp vi phạm hành chính liên quan đến quảng cáo mỹ phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ.

Theo đánh giá của Bộ Y tế, trong quá trình tiến hành thanh tra còn gặp một số khó khăn như: Các cơ sở sản xuất mỹ phẩm có địa chỉ khó tìm, sản xuất theo thời vụ nên thường đóng cửa khi tiến hành thanh, kiểm tra đột xuất. Số lượng kinh doanh mỹ phẩm quá nhiều, không đủ nhân lực để thực hiện thanh tra thường xuyên. Đồng thời, công tác thanh kiểm tra hiện nay chủ yếu tập trung tại trụ sở công ty hay cơ sở sản xuất, lấy mẫu tại cơ sở sản xuất hay kho của doanh nghiệp mà chưa tập trung việc lấy mẫu thực tế lưu hành trên thị trường. Việc lấy mẫu trên thị trường sẽ thể hiện chính xác hơn hiện trạng sản phẩm mỹ phẩm đang lưu hành và từ đó sẽ quản lý được các sản phẩm thực sự tiếp cận với người tiêu dùng.

Lực lượng thanh tra đã được củng cố, kiện toàn song vẫn còn quá mỏng so với yêu cầu khối lượng công việc thực tế, đồng thời phát sinh các cuộc thanh, kiểm tra đột xuất theo đơn phản ánh, khiếu nại, tố cáo, thời gian đi xác minh, giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo tại các địa bàn xa, mất nhiều thời gian; phương tiện công tác chưa chủ động. Tại một số địa phương, công tác kiểm tra chưa thường xuyên còn mang tính vụ việc, xử lý vi phạm chưa kiên quyết, tuyến huyện chủ yếu nhắc nhở.

Cục QLTT tỉnh Hưng Yên tổ chức tiêu hủy tang vật vi phạm hành chính bị tịch thu năm 2023

Sáng ngày 29/11/2023, Cục Quản lý thị trường tỉnh Hưng Yên chủ trì phối hợp với Sở Tài chính tỉnh và các cơ quan truyền thông của tỉnh tổ chức thực hiện Quyết định số 903/QĐ-QLTTHY ngày 22/11/2023 của Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Hưng Yên về việc thành lập Hội đồng tổ chức tiêu hủy tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân.

Ngày 29/11/2023, Cục Quản lý thị trường tỉnh Hưng Yên chủ trì phối hợp với Sở Tài chính tỉnh và các cơ quan truyền thông của tỉnh đã tổ chức việc tiêu hủy tang vật vi phạm hành chính do Cục Quản lý thị trường tỉnh Hưng Yên tịch thu đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án xử lý bằng hình thức tiêu hủy tại 05 phương án xử lý tài sản.

Tang vật vi phạm hành chính bị tiêu hủy gồm 10 danh mục hàng hóa là 200 bao thuốc lá điếu hiệu 555, 2.500kg phân bón NPK, 7.980 lọ tinh dầu sả chanh diệt muỗi, 1.400 vỏ can bằng nhựa các loại, 3.100 vỏ thùng catton các loại, 64.48kg tem nhãn các loại và 20.930 chiếc bánh trung thu không đảm bảo chất lượng có trong 05 quyết định xử phạt vi phạm hành chính của lực lượng Quản lý thị trường tỉnh Hưng Yên với tổng giá trị gần 120 triệu đồng.

Hội đồng tiêu hủy căn cứ vào tính chất của hàng hóa phải tiêu hủy và yêu cầu phải đảm bảo vệ sinh môi trường đã thống nhất đề nghị Cục Quản lý thị trường tỉnh Hưng Yên ký hợp đồng thuê Công ty Cổ phẩn Môi trường Đô thị và Công nghiệp 11 - Urenco11 (địa chỉ: xã Đại Đồng, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên) thực hiện việc tiêu hủy. Quá trình tiêu hủy đã diễn ra công khai, minh bạch đúng quy định và đảm bảo vệ sinh môi trường, trước sự chứng kiến của đại diện Hội đồng tiêu hủy, đại diện cơ quan truyền thông và đại diện đơn vị có hàng hóa tổ chức tiêu hủy.

Bắc Giang: Ngăn chặn hàng giả, hàng nhái dịp cuối năm

Để ngăn tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả có xu hướng tăng dịp cuối năm, Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh đang tập trung thực hiện nhiều biện pháp, bảo đảm ổn định thị trường hàng hoá, tạo thuận lợi cho người dân mua sắm dịp Tết.

Phát hiện nhiều vi phạm

Theo Cục QLTT tỉnh, gần 11 tháng năm nay, lực lượng chức năng kiểm tra hơn 1 nghìn vụ; trong đó phát hiện, xử lý hơn 540 vụ vi phạm lĩnh vực quảng cáo; sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm; vận chuyển gia súc, gia cầm chết đi tiêu thụ... Tổng số tiền xử phạt hành chính và hàng hóa tịch thu khoảng 20 tỷ đồng. Riêng trong tháng 10 và 11, Cục QLTT tỉnh phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra gần 220 vụ, xử lý gần 100 vụ vi phạm, tổng số tiền xử phạt hơn 1,2 tỷ đồng.

Điển hình là vụ đơn vị phối hợp với lực lượng công an phát hiện, bắt giữ 2 hộ ở TP Bắc Giang kinh doanh số lượng lớn rượu ngoại nhiều nhãn hiệu và hàng nghìn bao thuốc, điếu xì gà nhập lậu; vụ Công ty TNHH Sản xuất và thương mại dịch vụ MTPD ở thôn Hàng Cơm, xã Việt Lập (Tân Yên) kinh doanh mỹ phẩm nhập lậu, không rõ nguồn gốc, giả mạo nhãn hiệu...

Cán bộ Đội QLTT số 3 phối hợp với lực lượng công an kiểm tra một cơ sở kinh doanh mỹ phẩm tại phường Ngô Quyền (TP Bắc Giang).

Tăng cường các giải pháp phòng ngừa

Xác định, người tiêu dùng đóng vai trò quan trọng trong cuộc chiến chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái, thời gian qua, Cục QLTT tỉnh đã chú trọng đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân nhận biết phương thức, thủ đoạn của các đối tượng vi phạm; cách phân biệt hàng giả, hàng nhái. Đồng thời thông tin số điện thoại đường dây nóng của Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tỉnh để khuyến khích người dân tham gia tố giác vi phạm...

Trong tháng 10 vừa qua, Cục QLTT tỉnh phối hợp với các đội trực thuộc bố trí nhiều điểm trưng bày hướng dẫn nhận biết hàng thật, hàng giả cho người dân tại các chợ trung tâm, nơi đông người qua lại thuộc địa bàn các huyện: Việt Yên, Lục Ngạn, Lục Nam, Yên Thế và TP Bắc Giang. 

Dịp cuối năm, nhu cầu mua sắm của người dân tăng mạnh, tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả cũng diễn biến phức tạp hơn. Trước thực tế này, Cục QLTT tỉnh sớm ban hành kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả các tháng cuối năm 2023; dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2024. Thời gian thực hiện từ ngày 20/11/2023 đến hết ngày 29/2/2024. Mục tiêu nhằm tăng cường kiểm tra, kiểm soát kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm mọi vi phạm để răn đe riêng và phòng ngừa chung.

Theo đó, lực lượng chức năng sẽ tăng cường nhân lực, đẩy mạnh kiểm tra việc sản xuất, vận chuyển và kinh doanh hàng hóa trên các lĩnh vực, tập trung vào các mặt hàng bị cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; các vi phạm trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, kinh doanh đa cấp, thương mại điện tử; vi phạm nguồn gốc, xuất xứ; các hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá trái pháp luật gây bất ổn thị trường…

Ông Phạm Trọng Toàn, Đội trưởng Đội QLTT số 3 (Cục QLTT tỉnh) cho hay: “Để góp phần ổn định thị trường dịp cuối năm, thời điểm này, đơn vị đã bố trí, phân công cán bộ trực 24/24 giờ; tăng cường trinh sát, nắm bắt thông tin các tổ chức, cá nhân có dấu hiệu vi phạm. Chủ động xây dựng kế hoạch, phối hợp kiểm tra việc vận chuyển hàng hóa phục vụ Tết (như bánh kẹo, rượu bia, thuốc lá, hàng điện tử, quần áo, pháo nổ&hellip😉 trên các tuyến quốc lộ và các trục giao thông giáp ranh để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý vi phạm”.

Để không mua phải hàng giả, kém chất lượng, Cục QLTT tỉnh khuyến cáo người tiêu dùng nên chọn mua hàng tại những cửa hàng, trung tâm thương mại uy tín, có địa chỉ rõ ràng. Khi mua, yêu cầu người bán cung cấp đầy đủ hóa đơn, phiếu bảo hành; xem kỹ nhãn mác hàng hóa, địa chỉ sản xuất, thành phần, lô hàng, ngày sản xuất, hạn sử dụng, mã vạch… 

Đối với hàng nhập khẩu, phải có nhãn phụ, phiếu bảo hành và hướng dẫn sử dụng bằng tiếng Việt, tem chống hàng giả (nếu có😉, đơn vị nhập khẩu. Khi có nghi vấn về nguồn gốc, chất lượng hàng hoá, cần báo ngay cho lực lượng QLTT theo đường dây nóng (0204.3559.389 hoặc 0981.027.389) để góp phần ngăn chặn các hành vi vi phạm, bảo vệ quyền lợi của chính mình.

Bến Tre: Bắt giữ gần 20.000 gói thuốc lá lậu

Ngày 31/10, Công an thành phố Bến Tre (tỉnh Bến Tre) cho biết, đang điều tra làm rõ vụ vận chuyển, tàng trữ gần 20.000 gói thuốc lá lậu.

Trước đó, khoảng 22 giờ ngày 30/10, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế Công an tỉnh Bến Tre phối hợp Đội Cảnh sát kinh tế Công an thành phố Bến Tre phát hiện nam thanh niên điều khiển xe ô tô BKS: 51G-529.96 di chuyển đến căn nhà số 214K đường số 2, khu phố 3, phường Phú Tân, thành phố Bến Tre do ông Nguyễn Tiến Dũng (sinh năm 1962) ngụ phường Phú Khương, thành phố Bến Tre thuê.

Đối tượng Thạch Nhân Quí cùng tang vật

Qua kiểm tra, phát hiện trên xe ô tô có chứa gần 10.000 gói thuốc lá nhập lậu các loại. Đồng thời, kiểm tra hành chính trong căn nhà trên phát hiện trên 9.000 gói thuốc lá nhập lậu khác.

Làm việc với công an, đối tượng khai tên Thạch Nhân Quí (sinh năm 2008) ở huyện Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng. Số thuốc lá trên Quí được một người lạ mặt thuê vận chuyển từ huyện Đức Huệ, tỉnh Long An về căn nhà nói trên để cất giấu.

Quảng Ninh:  Bắt giữ nhóm đối tượng vận chuyển 1,7 tấn trứng gà non nhập lậu

Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ninh đã phối hợp với Công an xã Hải Sơn (TP Móng Cái) để bắt giữ một nhóm đối tượng vận chuyển hơn 1,7 tấn trứng gà non đông lạnh từ Trung Quốc vào nội địa Việt Nam.

27 bao tải dứa màu xanh, bên trong đều chứa trứng gà non đông lạnh. Tổng số lượng trứng gà non đông lạnh thu giữ 1.720kg.

Ngày 23/10/2023, Đội đặc nhiệm Phòng chống ma túy và tội phạm (PCMT&TP) của Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ninh tiến hành tuần tra tại biên giới khu vực Mốc 1349/1(2) + 350m, thôn Lục Chắn, xã Hải Sơn, TP Móng Cái, đã phát hiện một mảng xốp không biển kiểm soát đang vận chuyển trứng gà non đông lạnh từ Trung Quốc vào Việt Nam. Khi tiếp cận, các đối tượng đã cố gắng bỏ trốn, nhưng một người đã bị bắt giữ.

Trứng gà non đông lạnh.

Người bị bắt giữ, Nình A Nhì, đã khai tên đồng bọn và chủ sở hữu nhà mái tôn tại thôn Lục Chắn. Tổ công tác đã tiến hành kiểm tra tại nhà của chủ sở hữu và tìm thấy thêm số hàng hóa. Tổng cộng có 1.720kg trứng gà non đông lạnh thu giữ.

Các đối tượng đã thừa nhận hành vi vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới và bị tạm giữ để xử lý theo quy định của pháp luật.

Thái Nguyên: Tiêu hủy 2 tấn tai lợn bôc mùi ôi thiu

Ngày 15.10, Đội Quản Lý Thị Trường số 2, thuộc Cục Quản Lý Thị Trường tỉnh Thái Nguyên, đã tiến hành tiêu hủy 2 tấn tai lợn không đảm bảo an toàn chất lượng.

Vào ngày 13.10, khoảng 11h30, Đội QLTT số 2 đã nhận được thông tin từ quần chúng về việc một chiếc xe tải mang nhãn hiệu HINO và biển kiểm soát 89C-243.66 đang vận chuyển hàng hóa đông lạnh với dấu hiệu vi phạm an toàn thực phẩm từ tỉnh Cao Bằng về Thái Nguyên.

Lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra, tiêu hủy 2 tấn tai lợn không đảm bảo an toàn chất lượng. Ảnh: Cục QLTT tỉnh Thái Nguyên

Đến 17h cùng ngày, Đội QLTT số 2 đã phối hợp với Đội tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc số 1, Phòng 8, Cục Cảnh Sát Giao Thông (Bộ Công An) để tiến hành kiểm tra xe tại khu vực bắt đầu lên cao tốc Thái Nguyên - Hà Nội, thuộc phường Tân Long, TP Thái Nguyên.

Qua kiểm tra, Đội tuần tra kiểm soát giao thông đã phát hiện hàng hóa trên xe là thực phẩm đông lạnh không rõ nguồn gốc xuất xứ, và không có hóa đơn chứng từ. Nên, số hàng hóa và xe đã được chuyển giao cho Đội QLTT số 2 để xử lý theo quy định pháp luật.

Lái xe Trần Văn Hoàng, sinh năm 1996, ngụ xã Cồn Thoi, huyện Kim Sơn (tỉnh Ninh Bình), đã cho biết rằng anh ta chở hàng theo yêu cầu của chủ xe và chỉ biết số điện thoại của chủ hàng. Sau khi chủ hàng nghe tin tổ chức kiểm tra và bắt giữ hàng hóa, chủ hàng đã tắt máy và không liên hệ được nữa.

Toàn bộ số hàng hóa trên xe là tai lợn, được đóng gói trong 80 bao tải dứa, mỗi bao có trọng lượng 29 kg sau khi bỏ phần đá để làm mát, trọng lượng thực của mỗi bao là 25 kg. Tất cả các tai lợn này đã biến đổi màu sắc và bốc mùi ôi thiu rất khó chịu.

Vào ngày 14.10, Hội Đồng Tiêu Hủy đã được thành lập và tiến hành tiêu hủy toàn bộ số hàng hóa này.

Đom Đóm: Ai biết từng này hàng về lại thành nộm tai, nem tai các kiểu...

Đà Nẵng: Bắt quả tang đối tượng vận chuyển, tàng trữ hơn 100 bình khí cười

Sáng 13-10, Công an quận Ngũ Hành Sơn cho biết, đang củng cố hồ sơ xử lý đối tượng dùng ô-tô vận chuyển hàng chục bình khí cười không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Trước đó, 15 giờ ngày 12-10, Đội Cảnh sát kinh tế - môi trường, Công an quận Ngũ Hành Sơn phối hợp Công an phường Khuê Mỹ mật phục bắt quả tang N.Q.A.V (SN 1988, trú phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn) đang điều khiển ô-tô tải vận chuyển 40 bình kim loại chứa khí N2O (khí cười).

Tang vật thu giữ.

Tiến hành khám xét 2 địa điểm khác trên địa bàn quận, Đội Cảnh sát kinh tế - môi trường phát hiện thêm 50 bình kim loại chứa khí N2O chưa qua sử dụng và 18 bình đã qua sử dụng. Tất cả số hàng hóa trên đều không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ.

Đội Cảnh sát kinh tế - môi trường, Công an quận Ngũ Hành Sơn lập biên bản, niêm phong và tạm giữ toàn bộ số hàng hóa trên để tiếp tục điều tra làm rõ.

Theo khai nhận bước đầu của V., số bình “khí cười” trên được đối tương đặt mua qua facebook, sau đó vận chuyển về cất giấu và bán lại cho khách hàng có nhu cầu để kiếm lời.

Lạng Sơn:  Phát hiện và thu giữ gần 5.000 con gà con giống không rõ nguồn gốc

Công an huyện Lộc Bình đã phối hợp với Đồn biên phòng Chi Ma, Hải quan Chi Ma và Đội Quản lý thị trường số 3 phát hiện và thu giữ gần 5.000 con gà con giống không rõ nguồn gốc trong một nhà kho tại xã Yên Khoái, huyện Lộc Bình. 

Khoảng 15 giờ 30 phút vào ngày 3/10, các lực lượng bao gồm Công an huyện Lộc Bình, Đồn biên phòng Chi Ma, Hải quan Chi Ma, và Đội Quản lý thị trường số 3 đã tiến hành kiểm tra tại nhà kho thuộc bà Trịnh Thị Nhớ (sinh năm 1971). Kết quả kiểm tra cho thấy có 32 lồng chứa tổng cộng 4.827 con gà con giống, và nguồn gốc của chúng không rõ ràng.

Lực lượng chức năng kiểm đếm số gia cầm không rõ nguồn gốc

Trong quá trình làm việc với cơ quan chức năng, bà Nhớ, người sở hữu nhà kho, cho biết rằng vào sáng cùng ngày, một số người dân mà bà không quen biết đã thuê kho hàng của bà để chứa gà con giống. Bà Nhớ đã cho thuê kho với giá 100.000 đồng/ngày.

Toàn bộ số gà con giống và hồ sơ liên quan đã được bàn giao cho Đồn biên phòng Chi Ma để xử lý theo quy định của pháp luật.

Hiện vụ việc đang được điều tra để làm rõ nguyên nhân và xử lý các đối tượng liên quan đến việc nhập lậu và chứa trái phép gà con giống này.

Nguyễn Thu Hà: không biết số phận chúng sẽ ra sao
Trọng Hải: gà con lại vào lò

Lực lượng Quản lý thị trường Thái Nguyên và Cao Bằng phát hiện gần 4 tấn thịt lợn không rõ nguồn gốc

Trong 2 ngày (22 và 23/9/2023), Lực lượng Quản lý thị trường tỉnh Thái Nguyên và Lực lượng Quản lý thị trường tỉnh Cao Bằng đã phát hiện gần 4 tấn thịt lợn không rõ nguồn gốc, không có dấu kiểm dịch đủ điều kiện đảo bảo an toàn thực phẩm trước khi lưu thông ra thị trường được bày bán công khai tại chợ và vận chuyển đi tiêu thụ.

Lực lượng Quản lý thị trường tỉnh Thái Nguyên tiến hành kiểm tra tiểu thương bán thịt lợn tại chợ Đồng Quang.

Sáng ngày 23/9, lực lượng Quản lý thị trường tỉnh Thái Nguyên tiến hành kiểm tra đột xuất địa điểm kinh doanh của một tiểu thương bán thịt tại chợ Đồng Quang, phường Quang Trung, thành phố Thái Nguyên. Tại hiện trường, Đoàn kiểm tra ghi nhận các sản phẩm từ thịt lợn được tiểu thương bày bán tại ki-ốt trong chợ Đồng Quang không có dấu kiểm dịch đủ điều kiện đảo bảo an toàn thực phẩm trước khi lưu thông ra thị trường. Tổng số lượng hàng hóa kiểm tra, phát hiện mà tiểu thương này đang lưu giữ để bán lên tới 03 tấn, bao gồm thịt lợn và các sản phẩm từ thịt lợn. Toàn bộ số hàng hóa trên được bảo quản trong các thùng xốp và các tủ bảo ôn để đông lạnh nhiều ngày, không thời hạn, đang có dấu hiệu ôi thiu, có mùi khó chịu, biến đổi màu sắc và hình dạng ban đầu. Qua quá trình đấu tranh tiểu thương cho biết, số hàng hóa trên được mua lại từ nhiều nguồn khác nhau để kinh doanh kiếm lời. Chủ hàng hóa không xuất trình và chứng minh được nguồn gốc hợp pháp của số hàng hóa nói trên.

Ngay trong ngày 23/9, toàn bộ hàng hóa vi phạm đã bị lực lượng chức năng thành phố Thái Nguyên tiến hành tiêu hủy và hoàn tất hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính đối với cơ sở vi phạm theo quy định của pháp luật.

* Trước đó, ngày 22/9/2023, tại xã Phúc Sen, huyện Quảng Hòa, tỉnh Cao Bằng, lực lượng Quản lý thị trường nhận được nguồn tin do quần chúng nhân dân cung cấp, đã được thẩm tra xác minh là có căn cứ để kiểm tra, xử lý. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, phát hiện xe ô tô biển kiểm soát 11C-0xx.xx do ông NVQ,  trú tại thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng là người điều khiển đang dừng đỗ tại ven đường.

Tại thời điểm kiểm tra xe ô tô 11C-0xx.xx có vận chuyển 0,8 tấn chân giò lợn không có hóa đơn chứng từ, không rõ nguồn gốc xuất xứ hàng hóa. Làm việc với cơ quan chức năng ông NVQ, khai nhận là chủ sở hữu của lô hàng trên; toàn bộ số hàng này ông NVQ mua của một số người không rõ tên, địa chỉ trên địa bàn tỉnh để vận chuyển vào địa bàn các huyện biên giới bán kiếm lời. 

Hiện, lực lượng Quản lý thị trường tỉnh Cao Bằng tạm giữ toàn bộ số hàng hóa vi phạm trên, tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính trong việc kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, đồng thời phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý vụ việc theo quy định của pháp luật.

Nguyễn Thùy Linh: Lợn hun khói , xúc xích gác bếp đặc sản đây mà
Trọng Hải: buôn bán tại chợ luôn rồi kìa
Thanh Tùng: tràn lan khắp chợ thế này thì mang bệnh vào thân