Đăng nhập

Phát hiện, xử lý phương tiện vận chuyển cát không rõ nguồn gốc

Vào lúc 23 giờ 20 phút, đêm 28-12, trên sông Đồng Nai, tổ công tác của Trạm Biên phòng cửa khẩu cảng Nhà Rồng thuộc Biên phòng cửa khẩu cảng TP Hồ Chí Minh (Bộ đội Biên phòng TP Hồ Chí Minh) phát hiện phương tiện ghe tải biển số Btr-1629 vận chuyển khoảng 25m3 cát sông nước ngọt, lẫn tạp chất.

Ghe tải biển số Btr-1629, do ông Trần Thanh Điền, sinh năm 1980, ngụ tại ấp Ông Rèn, xã Long Hựu Đông, huyện Cần Đước, tỉnh Long An điều khiển. Phương tiện vận chuyển khoảng 25m3 cát sông nước ngọt, lẫn tạp chất (theo lời khai của ông Điền).

Tại thời điểm kiểm tra, ông Trần Thanh Điền không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh tính hợp pháp của số cát có trên phương tiện; điều khiển phương tiện không có giấy chứng nhận chuyên môn thuyền trưởng, máy trưởng; sử dụng phương tiện không có giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường.

Cán bộ, chiến sĩ Biên phòng TP Hồ Chí Minh kiểm tra, đọc đạc lượng cát trên tàu. 

Tổ tuần tra đã áp giải phương tiện, tang vật về đơn vị để xác minh, làm rõ.

Theo Bộ đội Biên phòng TP Hồ Chí Minh, vào dịp cuối năm, hoạt động khai thác, vận chuyển khoáng sản trái phép thường diễn biến phức tạp, nhất là địa bàn giáp ranh. Lực lượng biên phòng Thành phố tích cực tổ chức tuần tra, kiểm soát để kịp thời phát hiện, ngăn chặn các phương tiện vi phạm pháp luật, giữ gìn an ninh trật tự khu vực sông, cảng biển.

Phát Hiện 450 Sản Phẩm Giả Mạo Nhãn Hiệu và Hàng Nhập Lậu ở Thanh Hóa

Ngày 18/12, Lực lượng Quản lý Thị trường tỉnh Thanh Hóa đã phát hiện 450 sản phẩm có dấu hiệu vi phạm hàng hóa giả mạo nhãn hiệu và hàng nhập lậu trong một đợt kiểm tra gần đây. Đội Quản lý Thị trường số 14 đã thực hiện kiểm tra xe ô tô biển kiểm soát 36C-420.51 do ông Lê Văn Dũng là lái xe kiêm chủ hàng điều khiển, đang dừng bán hàng tại chợ Neo, xã Bắc Lương, huyện Thọ Xuân.

Lực lượng Quản lý thị trường tỉnh Thanh Hóa kiểm tra hàng hóa có dấu hiệu vi phạm

Trong cuộc kiểm tra, đã phát hiện 450 sản phẩm vi phạm bao gồm 195 đôi dép, 165 đôi giầy giả mạo nhãn hiệu như Adidas, Nike, Gucci, Chanel, NY và 90 đôi giầy ngoại nhập không có hóa đơn chứng từ. Tổng trị giá của hàng hóa này vượt quá 40 triệu đồng.

Ông Lê Văn Dũng, chủ hàng, khi làm việc với đoàn kiểm tra, đã thừa nhận rằng toàn bộ hàng hóa được mua trên thị trường mà không có hóa đơn chứng từ chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa.

Lực lượng chức năng buộc tiêu hủy 360 đôi giầy, dép giả nhãn hiệu các loại

Căn cứ vào quy định của pháp luật, Cục Quản lý Thị trường tỉnh Thanh Hóa đã ra Quyết định xử phạt ông Lê Văn Dũng với số tiền là 30,5 triệu đồng về hai hành vi: buôn bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu và kinh doanh hàng hóa nhập lậu. Đồng thời, 90 đôi giầy nhập lậu đã bị tịch thu và 360 đôi giầy giả mạo nhãn hiệu sẽ được tiêu hủy.

Đội Quản lý Thị trường số 14 cho biết họ sẽ tiếp tục tăng cường công tác quản lý địa bàn, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để kiểm tra và xử lý các trường hợp vi phạm trên địa bàn. Đây là một phần của Kế hoạch đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024.

Hàng giả, hàng nhái vẫn lộng hành

Cuối năm là thời điểm nhu cầu hàng hóa phục vụ sản xuất, tiêu dùng tăng cao, kéo theo đó là nhiều loại hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc trà trộn vào thị trường.

Năm 2023, một vụ hàng hoá giả mạo thương hiệu đã được Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 1, Cục QLTT Hà Nội triệt phá thành công. Cơ quan này phối hợp với công an kiểm tra đột xuất và thu giữ gần 5 tấn thực phẩm chức năng (TPCN) có dấu hiệu giả mạo, trong đó có 1 tấn bao bì tem nhãn và hơn 2 tấn nguyên liệu thuốc, TPCN, tương đương hàng triệu viên dạng con nhộng. Toàn bộ hàng hóa đều không có hoá đơn chứng từ, chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Đối tượng khai nhận, đây là các loại thuốc lợi tiểu, đường tiêu hóa. Các sản phẩm này sau khi được gia công, đóng gói sẽ được bán qua nền tảng xã hội Facebook tên Kiều Anh Nguyễn (Elly San), chuyên quảng cáo bán thuốc giảm cân từ Thái Lan. Các đối tượng này rất tinh vi, thường xuyên xóa dấu vết tại các địa điểm tập kết hàng và thay đổi nơi cất giấu.

Cơ quan chức năng kiểm tra nguồn gốc xuất xứ các mặt hàng nước giải khát. 

Hồi tháng 5/2023, Cục QLTT TP Hà Nội cùng Công an huyện Chương Mỹ (Hà Nội) kiểm tra đột xuất một địa điểm tại thôn Cao Sơn, xã Tiên Phương, huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội, phát hiện gần 12.000 lọ/hộp TPCN giả mới "ra lò", đã được đóng gói thành phẩm với bao bì nhãn mác bắt mắt thể hiện có xuất xứ từ các nước như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc.

Không chỉ ở Hà Nội, hoạt động buôn bán hàng giả, hàng nhái cũng được phát hiện ở nhiều địa phương. Tại Hà Tĩnh, 11 tháng qua, các lực lượng chức năng đã phát hiện, bắt giữ 2.218 vụ buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, trị giá hàng vi phạm hơn 3,47 tỷ đồng.

Theo Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, từ đầu năm đến nay, số vụ vi phạm về hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ lên tới trên 4.000 vụ, tăng trên 126%, so với cùng kỳ năm 2022.

Ông Phan Thế Thắng - Ban bảo vệ người tiêu dùng, Ủy ban Cạnh tranh quốc gia (Bộ Công Thương) nhận định, nguyên nhân sâu xa của việc tồn tại và phát triển của hàng giả, hàng kém chất lượng liên quan đến những bất cập trong cơ chế quản lý, do sự vô tình “tiếp tay” của người tiêu dùng. Mặt khác còn có sự ngại động chạm đến kiện cáo của người tiêu dùng cũng như ý thức tự bảo vệ của doanh nghiệp với chính sản phẩm của mình chưa cao.

Ông Đặng Văn Dũng - Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia cũng nêu lên một số khó khăn trong công tác chống hàng lậu, hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ thời gian qua. Cụ thể, một số cơ chế, chính sách về chống buôn lậu, gian lận thương mại của Việt Nam còn bất cập, có kẽ hở chưa được sửa đổi, bổ sung kịp thời. Trong khi đó, số lượng biên chế của lực lượng chức năng còn mỏng, trang thiết bị máy móc hạ tầng chưa đạt yêu cầu trong tình hình mới. Hàng hóa trong nước chưa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và công tác tuyên truyền, vận động, phổ biến pháp luật cho người tiêu dùng còn nhiều hạn chế… Do đó, số vụ việc vi phạm bị phát hiện, xử lý trên môi trường thương mại điện tử thời gian qua vẫn còn hạn chế.

Hà Nội xử lý nhiều vụ buôn lậu, thu nộp ngân sách 318 tỷ đồng

Ngày 28/11. BCĐ 389 TP Hà Nội thông tin trong tháng 11, tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn Hà Nội còn nhiều diễn biến phức tạp. Các đường dây, ổ nhóm nhập lậu, vận chuyển, tập kết và buôn bán hàng nhập lậu vẫn tồn tại.

Nhằm ngăn chặn hoạt động buôn lậu, trong tháng 11/2023 lực lượng chức năng TP Hà Nội đã thanh, kiểm tra 2.925 vụ, xử lý 2.626 vụ  buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, thu nộp ngân sách hơn 361,318 tỷ  đồng. Các mặt hàng vi phạm chủ yếu là quần áo, giày dép, mỹ phẩm, thực phẩm, thực phẩm chức năng, đồ điện tử...

Quản lý thị trường bắt giữ hàng nhập lậu.

Trong đó Cục Quản lý thị trường Hà Nội kiểm tra 547 vụ, xử lý hành chính 510 vụ. Xử phạt hành chính 6,81 tỷ đồng,trị giá hàng vi phạm 6,784 tỷ đồng. Công an TP kiểm tra 94 vụ, xử lý 99 vụ, phạt hành chính 1,856 tỷ đồng. Trị giá hàng vi phạm 4,398 tỷ đồng, khởi tố 4 vụ, với 5 đối tượng. Cục Hải quan TP Hà Nội  phát hiện, bắt giữ, xử lý 112 vụ. Xử phạt hành chính 3,2  tỷ đồng. Truy thu thuế, thu hồi thuế 5,7 tỷ đồng. Trị giá hàng vi phạm 41,4 tỷ đồng. 

Các đối tượng vi phạm đã lợi dụng hoạt động thương mại điện tử, các trang mạng xã hội để quảng cáo, chào bán hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng không đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng, rồi gửi qua dịch vụ bưu chính chuyển phát, gây khó khăn trong công tác quản lý, kiểm tra.

Quản lý thị trường bắt giữ hàng nhập lậu. 

Đối với lĩnh vực gian lận thương mại, vi phạm chủ yếu là hàng hóa không ghi nhãn theo quy định, hàng hóa nhập khẩu, có nguồn gốc nước ngoài, nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam; Không niêm yết giá hàng hóa, cơ sở kinh doanh hàng hóa không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, Không có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, kinh doanh không đúng địa điểm...

Từ nay đến hết năm 2023 lực lượng chức năng TP Hà Nội đồng loạt triển khai Kế hoạch số 57/KH-BCĐ389/TP của BCĐ 389 TP Hà Nội về kiểm tra liên ngành chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trong dịp Tết Nguyên đán năm 2024 trên địa bàn Hà Nội.

Trong đó  tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ tại các tuyến, địa bàn, mặt hàng  trọng điểm. Đặc biệt chú trọng các kho hàng, bến bãi tập kết hàng hóa và các tuyến đường có địa bàn giáp ranh với các tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Hòa Bình...

Tăng cường công tác phối hợp, chia sẻ thông tin và trao đổi kinh nghiệm trong công tác đấu tranh, phát hiện và xử lý các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại giữa các lực lượng chức năng. Trong đó chú trọng tới những thông tin về hoạt động buôn lậu, vận chuyển hàng hóa trái phép qua Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng giả trong thị trường nội địa, hoạt động thương mại điện tử.

Ban Chỉ Đạo 389 Đà Nẵng Kiểm Tra và Xử Lý Hơn 3.000 Vụ Vi Phạm Trong 10 Tháng

Ban Chỉ đạo 389 thành phố Đà Nẵng thông báo về kết quả kiểm tra và xử lý vi phạm trong 10 tháng năm 2023, với hơn 3.000 vụ vi phạm được phát hiện và xử lý. Các hành động này không chỉ tăng cường sự tuân thủ pháp luật mà còn đóng góp vào ngân sách địa phương.

Ngày 16 tháng 11 năm 2023 - Ban Chỉ đạo 389 Đà Nẵng cho biết đã tiến hành kiểm tra và xử lý hơn 3.000 vụ vi phạm trong 10 tháng năm 2023, tăng 28,86% so với cùng kỳ năm 2022. Trong số này, các vụ vi phạm hàng cấm, hàng nhập lậu chiếm số lượng lớn, cùng với sự gia tăng đáng kể về vi phạm hàng giả và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

10 tháng năm 2023, Ban Chỉ đạo 389 Đà Nẵng đã kiểm tra, xử lý hơn 3.000 vụ vi phạm

Cụ thể, Ban Chỉ đạo đã xử lý 167 vụ vi phạm hàng cấm, hàng nhập lậu, 173 vụ vi phạm hàng giả và quyền sở hữu trí tuệ, cùng với 2.663 vụ gian lận thương mại. Số vụ vi phạm hàng giả và quyền sở hữu trí tuệ tăng đến 239% so với cùng kỳ năm 2022.

Các Thành Viên Của Ban Chỉ Đạo Đã Tiến Hành:

  • Kiểm tra tổng cộng 3.251 vụ.
  • Phát hiện và xử lý 3.003 vụ vi phạm.
  • Thu nộp ngân sách hơn 225,7 tỷ đồng.

Đặc biệt, thành viên Quản lý thị trường Đà Nẵng đã thực hiện 1.457 vụ kiểm tra, xử lý 1.180 vụ vi phạm với tổng tiền thu xử phạt và bán hàng tịch thu là hơn 3,88 tỷ đồng.

Các vụ vi phạm nổi bật bao gồm triệt phá đường dây buôn bán thuốc lá lậu ngoại nhập và xử lý vụ kinh doanh đường kính nhập lậu. Các hành động của Ban Chỉ đạo 389 đã góp phần quan trọng vào việc kiểm soát thị trường và bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.

 

Nghệ An: Bắt giữ 07 đối tượng mua bán, vận chuyển hơn 382 kg pháo nổ từ nước ngoài qua biên giới vào Việt Nam

Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Nghệ An cho biết, các đơn vị Công an tỉnh Nghệ An vừa phối hợp phát hiện, bắt giữ nhóm đối tượng mua bán, vận chuyển số lượng lớn pháo nổ có nguồn gốc từ nước ngoài về địa bàn tỉnh.

Tang vật 382,5 kg pháo nổ bị lực lượng chức năng tỉnh Nghệ An phát hiện, thu giữ.

Ngày 06/11/2023, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (Công an tỉnh Nghệ An) chủ trì, phối hợp Phòng Cảnh sát giao thông, Phòng Cảnh sát cơ động và Công an các xã Diễn Mỹ, Diễn Phong (Công an huyện Diễn Châu), xã Nghi Xuân (Công an huyện Nghi Lộc), Nghi Đức (Công an thành phố Vinh) tổ chức lực lượng đồng loạt khám xét đồng loạt 05 địa điểm, bắt giữ 07 đối tượng về hành vi mua bán, vận chuyển, tàng trữ pháo nổ.

Các đối tượng bị bắt giữ, gồm: Đối tượng cầm đầu Phan Văn Thơ (sinh năm 1976, thường trú tại xã Diễn Mỹ, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An), Đinh Văn Thanh (sinh năm 1999, thường trú tại xã Diễn Yên, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An), Phạm Thị Minh (sinh năm 1993, thường trú tại xã Nghi Đức, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An), Phạm Thanh Linh (sinh năm 1996, trú tại xã Diễn Phong, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An) và Đào Văn Lành (sinh năm 1982), Chu Quang Anh (sinh năm 1991), Trương Như Danh (sinh năm 1982), cùng thường trú tại xã Nghi Xuân, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An.

Đối tượng cầm đầu Phan Văn Thơ bị bắt giữ về hành vi mua bán, vận chuyển, tàng trữ pháo nổ.

Tang vật thu giữ tại các địa điểm, gồm: 382,5 kg pháo nổ các loại, 01 xe ô tô, 10 điện thoại di động và nhiều vật chứng liên quan khác.

Bước đầu, Phan Văn Thơ khai nhận: Toàn bộ số tang vật 382,5 kg pháo nổ trên có nguồn gốc từ nước ngoài là của đối tượng. Phan Văn Thơ là đối tượng cầm đầu nhóm đối tượng trên. Trước đó, từ đầu năm 2023 đến nay, với vỏ bọc buôn bán hàng hóa qua biên giới một số tỉnh Bắc Trung bộ, Phan Văn Thơ đã móc nối các đối tượng ở nước ngoài mua, vận chuyển trái phép pháo nổ về Việt Nam, bí mật tập kết tại khu vực biên giới. Sau đó, Phan Văn Thơ điều khiển xe ô tô bán tải vận chuyển pháo nổ từ các điểm tập kết về chia nhỏ, tàng trữ tại nhà riêng của các đối tượng nêu trên chờ đến dịp trước Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 đưa ra bán kiếm lời.

Hiện, vụ việc đang được Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (Công an tỉnh Nghệ An) chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

Lạng Sơn: Xử phạt 09 cơ sở kinh doanh vi phạm về an toàn thực phẩm trong dịp tết trung thu

Đoàn kiểm tra thị trường số 7 của tỉnh Lạng Sơn đã phát hiện và xử lý 9 cơ sở kinh doanh vi phạm về an toàn thực phẩm trong thời gian chuẩn bị cho tết Trung thu năm 2023 tại huyện Văn Lãng. Các vi phạm bao gồm không tuân thủ các quy định liên quan đến sản xuất, đóng gói, và giám sát thực phẩm.

Cục Quản lý thị trường tỉnh Lạng Sơn đã thực hiện Kế hoạch số 917/KH-QLTT ngày 05/9/2023 và Kế hoạch số 278/KH-BCĐ ngày 08/9/2023 để kiểm tra và kiểm soát thị trường, cũng như đảm bảo an toàn thực phẩm trong dịp tết Trung thu 2023. Đoàn kiểm tra thị trường số 7 đã được thành lập để tiến hành kiểm tra các cơ sở kinh doanh thực phẩm và đồ chơi trẻ em trong khu vực.

Từ ngày 6/9/2023 đến thời điểm hiện tại, Đoàn kiểm tra đã thực hiện kiểm tra 10 cơ sở kinh doanh, bao gồm cơ sở sản xuất bánh Trung thu, bánh ngọt, cơ sở kinh doanh thực phẩm bao gói sẵn và cơ sở kinh doanh đồ chơi trẻ em. Các cơ sở này đã được kiểm tra và chấp hành các quy định hành chính, đảm bảo nguồn gốc xuất xứ của nguyên liệu sản xuất, và có đầy đủ hồ sơ công bố tiêu chuẩn sản phẩm, ghi nhãn hàng hóa, thời hạn sử dụng thực phẩm, và niêm yết giá theo quy định.

Tuy nhiên, trong quá trình kiểm tra, Đoàn kiểm tra đã phát hiện 9 cơ sở kinh doanh vi phạm về an toàn thực phẩm. Các vi phạm này đã bị ghi nhận và đã được lập biên bản vi phạm hành chính, sau đó ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Tổng số tiền xử phạt đối với các cơ sở vi phạm là 23,250 triệu đồng. Ngoài việc xử phạt, các cơ sở này cũng bị buộc tiêu hủy hàng hóa vi phạm trị giá là 17,880 triệu đồng theo quy định của pháp luật.

Trong tương lai, Đoàn kiểm tra thị trường sẽ tiếp tục giám sát, kiểm tra, và tuyên truyền đối với các cơ sở sản xuất và kinh doanh hàng hóa phục vụ cho tết Trung thu trên địa bàn. Nếu phát hiện có dấu hiệu vi phạm, các biện pháp xử lý nghiêm túc theo quy định của pháp luật sẽ được áp dụng.

Nam Anh: Toàn làm ăn ẩu
Vương Minh: đồ hand made đấy T.T

Thị trường Tuyên Quang trong ngày hội, đảm bảo chất lượng và an toàn cho người tiêu dùng

Tuyên Quang, ngày 25 tháng 8 năm 2023 - Nhằm thực hiện kế hoạch của Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang về việc tổ chức Chương trình du lịch “Qua những miền di sản Việt Bắc” lần thứ XIV và Lễ hội Thành Tuyên năm 2023, Cục Quản lý thị trường tỉnh Tuyên Quang đã triển khai nhiều biện pháp quyết liệt để tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường trong dịp đặc biệt này.

Trong bối cảnh các sự kiện lớn như Lễ hội Thành Tuyên và Hội chợ thương mại và du lịch Tuyên Quang năm 2023 đang diễn ra, việc đảm bảo sự an toàn, chất lượng và minh bạch trên thị trường là nhiệm vụ quan trọng để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và thúc đẩy phát triển bền vững của địa phương.

Theo chỉ đạo của Cục Quản lý thị trường tỉnh Tuyên Quang, các đội quản lý thị trường địa phương đã tập trung vào việc kiểm tra, kiểm soát thị trường để ngăn chặn các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, và việc lưu thông hàng giả, hàng kém chất lượng. Đặc biệt, các mặt hàng lương thực, thực phẩm, đồ chơi trẻ em và dịch vụ như nhà nghỉ, quán ăn đã được tập trung kiểm tra để đảm bảo sự an toàn và chất lượng.

Trong quá trình triển khai, Đội Quản lý thị trường số 4 đã chủ động hợp tác với các cơ quan chức năng trên địa bàn huyện Na Hang và Lâm Bình để thực hiện các hoạt động kiểm tra chất lượng sản phẩm, điều kiện lưu thông, và tuân thủ quy định về giá cả. Nhờ những nỗ lực này, đã có 3 trường hợp kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ đã được phát hiện và xử lý, đồng thời, 20 nhà nghỉ và khách sạn trên địa bàn đã cam kết tuân thủ quy định về niêm yết giá và thu đúng giá niêm yết.

Trong suốt thời gian diễn ra Lễ hội, Cục Quản lý thị trường tỉnh Tuyên Quang tiếp tục chỉ đạo các đội quản lý thị trường tại địa phương tăng cường quản lý địa bàn, thu thập thông tin và tiến hành kiểm tra các tổ chức và cá nhân sản xuất, kinh doanh. Mục tiêu là đảm bảo việc tuân thủ các quy định về hàng giả, hàng kém chất lượng, công bố tiêu chuẩn chất lượng, và các tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia. Các mặt hàng như xăng dầu, đồ điện gia dụng, hàng tiêu dùng, đồ chơi trẻ em, và thực phẩm sẽ tiếp tục được kiểm tra nghiêm ngặt để đảm bảo sự an toàn cho người tiêu dùng.

Việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường trong dịp Lễ hội Thành Tuyên và Hội chợ thương mại và du lịch Tuyên Quang năm 2023 đã thể hiện sự quyết tâm của chính quyền địa phương trong việc bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh và bền vững, đồng thời góp phần thúc đẩy phát triển du lịch và thương mại cho địa phương.

Bộ Y tế thu hồi thuốc viên nén Clorocid TW3 và viên nang cứng H-inzole

Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) đã quyết định thu hồi thuốc viên nén Clorocid TW3 và viên nang cứng H-inzole do không đạt chất lượng.

Kết quả kiểm nghiệm của Trung tâm kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm tỉnh Thái Bình về thuốc viên nén Clorocid TW3 (Cloramphenicol 250mg) lấy tại quầy thuốc Hưng Hà (Khu Tràng 1, thị trấn Hưng Hà, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình), cho thấy không đạt tiêu chuẩn chất lượng.

Đây là sản phẩm mang nhãn mác của Công ty CP Dược phẩm TW 3. Nhưng, phản hồi về vấn đề này, Công ty CP Dược phẩm TW 3 khẳng định không sản xuất lô thuốc Clorocid TW3 (Cloramphenicol 250mg) có SĐK: VD-25305-16 như trên.

Chính vì vậy, các sản phẩm trên nhãn ghi viên nén Clorocid TW3 (Cloramphenicol 250mg) với số đăng ký và ngày sản xuất từ sau ngày 15/9/2019 đến nay là thuốc giả.

Để đảm bảo an toàn cho người sử dụng, Cục Quản lý Dược đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành, ngành thông báo tới các cơ sở kinh doanh, sử dụng thuốc và người dân biết để không buôn bán, sử dụng sản phẩm nói trên.

Bên cạnh đó, Cục Quản lý Dược yêu cầu các cơ quan, đơn vị kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp kinh doanh thuốc giả, thuốc không rõ nguồn gốc, thuốc nhập lậu, thuốc mua bán không có hóa đơn chứng từ hợp lệ; xây dựng kế hoạch và phối hợp với các cơ quan chức năng (Công an, Quản lý thị trường, Hải quan, Ban Chỉ đạo 389 của tỉnh, TP&hellip😉, tiến hành thanh tra, kiểm tra đấu tranh phòng chống thuốc giả, thuốc nhập lậu, thuốc không rõ nguồn gốc trên địa bàn và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm.

Cùng ngày, Cục Quản lý Dược cũng đã có văn bản gửi Sở Y tế các tỉnh, thành và Công ty CP Dược phẩm Hà Tây (Số 10A phố Quang Trung, phường Quang Trung, quận Hà Đông, Hà Nội) về việc thu hồi toàn quốc đối với thuốc Viên nang cứng H-inzole (Số GĐKLH: VN18555-14, Số lô: HT4-51, NSX: 18/10/2022, HSD: 17/10/2024) do Công ty Lark Laboratories (India) Ltd India sản xuất. Lý do thu hồi: không đạt tiêu chuẩn chất lượng, hành vi vi phạm chất lượng ở mức độ 3.

Cục Quản lý Dược yêu cầu Công ty CP Dược phẩm Hà Tây phối hợp với nhà cung cấp và phân phối thuốc trong thời hạn 2 ngày phải tiến hành thu hồi toàn bộ lô thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng nêu trên; đồng thời gửi báo cáo thu hồi về Cục Quản lý Dược trong vòng 33 ngày kể từ ngày ký công văn này.

Hồ sơ thu hồi bao gồm số lượng nhập khẩu, ngày nhập khẩu, số lượng thu hồi, các bằng chứng về việc thực hiện thu hồi tại các cơ sở bán buôn, bán lẻ, sử dụng đã mua thuốc theo quy định…

Hà Tĩnh: Bắt đối tượng vận chuyển 2 bánh heroin

Lực lượng Phòng chống ma tuý Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh vừa chủ trì phối hợp với Công an tỉnh Hà Tĩnh bắt giữ đối tượng vận chuyển 2 bánh heroin ở xã biên giới.

Theo đó, vào lúc 18h ngày 6.8, trên Quốc lộ 8A thuộc xã biên giới Sơn Kim 1 huyện Hương Sơn, lực lượng chức năng đã bắt quả tang đối tượng Nguyễn Toàn (sinh năm 1970, trú tại Phường Bắc Hồng, thị xã Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh) đang có hành vi vận chuyển trái phép chất ma tuý.

enter image description here Đối tượng Toàn bị bắt giữ cùng tang vật 2 bánh heroin.

Tang vật thu giữ gồm 2 bánh hêrôin, 1 ôtô 7 chỗ màu trắng hiệu Ford Everest biển kiểm soát 38A – 31059 và nhiều tang vật có liên quan.

Qua đấu tranh ban đầu, đối tượng Nguyễn Toàn khai nhận vận chuyển ma tuý từ huyện biên giới Hương Sơn về thị xã Hồng Lĩnh để lấy tiền công.

Hiện lực lượng Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh đang tiếp tục mở rộng chuyên án này để làm rõ, xử lý nghiêm theo quy định.