Đồng Nai: Phát hiện hơn 4 tấn thực phẩm bẩn ở Biên Hòa
Ngày 13/11, tin từ Công an TP.Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai) cho biết, lực lượng chức năng vừa phát hiện hơn 4 tấn lòng lợn và nhiều loại thực phẩm không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Cụ thể, vào ngày 12/11, Đội Cảnh sát Kinh tế Công an TP.Biên Hòa phối hợp với Công an phường Phước Tân tiến hành kiểm tra cơ sở chế biến mỡ lợn tại khu phố Tân Mai (phường Phước Tân, TP.Biên Hòa), nơi có nhiều dấu hiệu vi phạm về an toàn thực phẩm. Cơ sở này do bà Nguyễn Thị Dung (SN 1971, cư trú tại khu phố 8, phường Tân Biên) làm chủ.
Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng công an phát hiện tại cơ sở này có 10 nhân công đang sơ chế và chế biến lòng lợn phế phẩm, phát tán mùi hôi thối trên nền đất. Bên cạnh đó, có 4 lò nấu mỡ đang hoạt động, chiên lòng lợn thành dầu có màu đen và mùi hôi, cùng với 2 kho đông lạnh chứa đầy nội tạng lợn có dấu hiệu hôi thối.
Công nhân đang sơ chế lòng lợn tại một cơ sở vi phạm.
Ngoài ra, lực lượng chức năng còn phát hiện khoảng 800kg mỡ lợn được đựng trong các can nhựa. Bà Dung không xuất trình được bất kỳ hóa đơn, chứng từ nào để chứng minh nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa.
Số lòng lợn sau khi được sơ chế.
Mỡ sau khi sơ chế, chế biến được đựng vào các can nhựa rồi đưa đi bán cho các công ty nấu cám.
Làm việc với cơ quan chức năng, bà Dung cho biết toàn bộ số nội tạng (lòng lợn) trên được mua từ một số chợ trên địa bàn TP.Biên Hòa, sau đó được sơ chế, chế biến và nấu mỡ, rồi đựng vào can nhựa để bán cho các công ty chế biến cám.
Sau khi lập biên bản, cơ quan chức năng đã tạm giữ hơn 4 tấn lòng lợn để tiêu hủy theo quy định.
Phú Thọ: Xử phạt và tiêu hủy 140 kg sản phẩm động vật không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm
Ngày 09/10/2024, cơ quan chức năng đã phát hiện và xử lý một vụ vận chuyển trái phép 140kg nội tạng động vật không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, gây nguy hại cho sức khỏe người tiêu dùng.
Cụ thể, Đội Quản lý thị trường số 2 - Cục Quản lý thị trường tỉnh Phú Thọ phối hợp với Phòng Cảnh sát giao thông - Công an tỉnh Phú Thọ và Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Phù Ninh đã tiến hành kiểm tra phương tiện vận tải BKS: 30X - 3698 do ông P.T.T điều khiển.
Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện trên xe đang vận chuyển 03 thùng xốp chứa 140kg nội tạng trâu, bò, lợn trong tình trạng hết sức nghiêm trọng: rỉ nước, bốc mùi hôi thối, biến đổi màu sắc, hoàn toàn không đảm bảo các yêu cầu về vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm.
Ông P.T.T khai nhận đã mua gom số nội tạng này một cách trôi nổi trên thị trường với ý định bán cho các quán ăn, cửa hàng trên địa bàn. Tuy nhiên, người này không xuất trình được bất kỳ giấy tờ nào liên quan đến nguồn gốc, chất lượng của số hàng hóa trên.
Trước hành vi vi phạm nghiêm trọng này, Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 2 đã ban hành Quyết định xử phạt hành chính đối với ông P.T.T với số tiền 10.000.000 đồng và buộc tiêu hủy toàn bộ số nội tạng động vật đã thu giữ.
Bộ Y tế: Thu hồi thuốc viên nén Ubiheal 300 không đạt tiêu chuẩn chất lượng
Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) vừa có công văn thu hồi sản phẩm thuốc viên nén Ubiheal 300 (Thioctic acid 300 mg) của Công ty CP dược phẩm Nam Hà do không đạt tiêu chuẩn chất lượng.
Cụ thể, Cục Quản lý dược yêu cầu Công ty CP dược phẩm Nam Hà phối hợp với cơ quan kiểm tra chất lượng, cơ quan kiểm nghiệm thuốc Nhà nước tiến hành lấy 2 mẫu bổ sung và gửi mẫu đã lấy tới Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương hoặc Viện Kiểm nghiệm thuốc TP. Hồ Chí Minh để kiểm tra chất lượng đối với chỉ tiêu độ hòa tan, định lượng.
Trước đó, ngày 19/8/2024, Cục Quản lý dược nhận được Công văn số 663/VKNTTW-KHTH của Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương gửi kèm phiếu kiểm nghiệm số 54Gt42 ngày 15/8/2024 báo cáo kết quả lấy mẫu bổ sung đối với lô thuốc Viên nén Ubiheal 300 số lô: 22103; NSX: 17/11/2022; HD: 17/11/2025 nêu trên là không đạt tiêu chuẩn chất lượng về chỉ tiêu định lượng.
Như vậy lô thuốc viên nén Ubiheal 300 (Thioctic acid 300 mg), số GĐKLH: VD-27692-17, số lô: 22103; NSX: 17/11/2022; HD: 17/11/2025 nêu trên được xác định là vi phạm mức độ 2.
Ngoài thu hồi sản phẩm, Cục Quản lý dược yêu cầu Công ty CP dược phẩm Nam Hà phối hợp với nhà phân phối thuốc, trong thời hạn 2 ngày kể từ ngày ký công văn này phải gửi thông báo thu hồi tới các cơ sở bán buôn, bán lẻ tiến hành thu hồi toàn bộ lô thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng nêu trên.
Đồng thời, gửi báo cáo thu hồi về Cục Quản lý dược trong vòng 18 ngày kể từ ngày ký công văn này.
Cục Quản lý dược yêu cầu sở y tế các tỉnh, thành phố, y tế các ngành thông báo cho các cơ sở kinh doanh, sử dụng thuốc thu hồi lô thuốc không đạt chất lượng nêu trên.
Cùng với đó, công bố thông tin về quyết định thu hồi thuốc trên Trang thông tin điện tử của Sở, kiểm tra và giám sát các đơn vị thực hiện thông báo này; xử lý những đơn vị vi phạm theo quy định hiện hành; báo cáo về Cục Quản lý dược và cơ quan chức năng có liên quan./.
Quảng Ninh: Bắt quả tang đối tượng vận chuyển gần 1.600 bao thuốc lá nhập lậu
Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh vừa khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với đối tượng N.V.T. về hành vi vận chuyển trái phép số lượng lớn thuốc lá nhập lậu.
Ngày 14/8, thông tin từ Công an tỉnh Quảng Ninh cho biết, trong quá trình tuần tra kiểm soát, Tổ công tác Công an thị xã Đông Triều đã phát hiện và bắt quả tang đối tượng N.V.T. đang vận chuyển 3 thùng giấy chứa 1.550 bao thuốc lá các loại, trong đó có 1.350 bao thuốc lá nhãn hiệu 555 và 200 bao nhãn hiệu Zest YoGo. Toàn bộ số thuốc lá trên đều không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ hợp pháp.
Đối tượng N.V.T cùng tang vật
Tại cơ quan điều tra, đối tượng N.V.T. khai nhận đã nhận vận chuyển thuê số thuốc lá này cho một người lạ mặt qua mạng xã hội với giá 1.500.000 đồng. Tuy nhiên, đối tượng không biết rõ nguồn gốc và địa chỉ của người thuê.
Việc bắt giữ thành công vụ án này đã thể hiện sự quyết tâm của lực lượng chức năng trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, bảo vệ lợi ích của Nhà nước và người tiêu dùng.
Hà Nội: Bắt giữ số lượng lớn thiết bị PCCC nhập lậu
Ngày 31/7, Đội Quản lý thị trường số 7, Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội đã có một đợt kiểm tra đột xuất các địa điểm kinh doanh thiết bị phòng cháy chữa cháy (PCCC) trên địa bàn huyện Thanh Trì.
205 bình bột chữa cháy thu giữ tại hiện trường
Cụ thể, tại một cơ sở kinh doanh trên địa bàn xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, đoàn kiểm tra đã thu giữ 205 bình bột chữa cháy. Chủ cơ sở không xuất trình được bất kỳ hóa đơn, chứng từ nào liên quan đến nguồn gốc của số bình chữa cháy này. Thêm vào đó, các sản phẩm này đều không có tem, nhãn mác kiểm định chất lượng, gây nghi ngờ về chất lượng và độ an toàn.
Bên ngoài, các thiết bị phòng cháy chữa cháy này đều không có tem, nhãn mác kiểm định chất lượng
Việc phát hiện và thu giữ số lượng lớn thiết bị PCCC nhập lậu không chỉ là một vi phạm pháp luật mà còn tiềm ẩn nhiều nguy hiểm. Những thiết bị này có thể không đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng, gây ảnh hưởng đến hiệu quả phòng cháy chữa cháy và thậm chí gây nguy hiểm đến tính mạng và tài sản của người dân.
Phát hiện 45.000 lít dầu FO không rõ nguồn gốc tại vùng biển Hải Phòng
Trưa 6/7, đại diện Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) cho biết, lực lượng Cảnh sát đường thủy thuộc Phòng Hướng dẫn tuần tra kiểm soát và đấu tranh phòng, chống tội phạm trên đường thủy (Phòng 8), Cục Cảnh sát giao thông đã kiểm tra, bắt giữ tàu vận chuyển xăng dầu không có hóa đơn chứng từ hợp pháp trên khu vực ven biển thành phố Hải Phòng.
Cụ thể, hồi 20 giờ ngày 5/7, tại khu vực vùng biển gần đền Bà Đế (quận Đồ Sơn, Hải Phòng), Tổ công tác của Phòng 8, Cục Cảnh sát giao thông phối hợp với Đội Phòng ngừa đấu tranh chống tội phạm trên đường thủy (Phòng Cảnh sát giao thông Công an thành phố Hải Phòng) cùng các lực lượng chức năng đã tiến hành kiểm tra phương tiện tàu thủy có gắn số HP-00189-TS.
Lực lượng Cảnh sát giao thông thủy kiểm tra phương tiện tối ngày 5.7
Tại thời điểm kiểm tra, trên phương tiện HP-00189-TS có 2 người, gồm anh Đ.V.L. (sinh năm 1970, quê quán Hải Phòng) - là người điều khiển phương tiện và anh N.D.Q. (sinh năm 1966, quê quán Thanh Hóa).
Trên phương tiện có một số dụng cụ đánh cá và 2 khoang chứa dầu có dung tích khoảng 45m3 (theo trình bày của lái tàu, 2 khoang chứa 45.000 lít dầu loại FO). Dầu do anh Đ.V.L. mua của tàu chở hàng ngoài khu vực vùng biển giáp ranh Hải Phòng và Thái Bình.
Phương tiện thủy có chứa 45.000 lít dầu FO không rõ nguồn gốc
Tại thời điểm kiểm tra, những người trên không xuất trình được các loại giấy tờ tùy thân, giấy tờ liên quan đến phương tiện và hàng hóa (toàn bộ số dầu) trên phương tiện.
Tổ công tác tiến hành lập biên bản vụ việc, lấy lời khai ban đầu những người có liên quan, yêu cầu thủy thủ, thuyền viên không tự ý di chuyển phương tiện, tự bảo quản phương tiện, tài sản và hàng hóa trên phương tiện, phối hợp với lực lượng chức năng xác minh làm rõ.
Hiện vụ việc đang được Phòng 8, Cục Cảnh sát giao thông phối hợp với cơ quan chức năng điều tra, làm rõ.
Thái Nguyên: Phát hiện 1 tấn gia cầm không có giấy chứng nhận kiểm dịch
Lực lượng chức năng tỉnh Thái Nguyên vừa phát hiện vụ vận chuyển khoảng 1 tấn gia cầm không có giấy chứng nhận kiểm dịch.
Khoảng 10 giờ ngày 20-6, trên Quốc lộ 3 đoạn qua xóm Đường Goòng, xã Cổ Lũng (Phú Lương), Đoàn kiểm tra liên ngành cơ động của tỉnh Thái Nguyên phát hiện xe ô tô mang biển kiểm soát 90C - 092.91 do ông Mai Long Vân (trú tại tỉnh Hà Nam) điều khiển, cùng bà Nguyễn Thị Lệ Hằng (trú tại tỉnh Hà Nam) là chủ hàng, đang di chuyển theo hướng về TP. Thái Nguyên.
Xe tải chở gà không có giấy chứng nhận kiểm dịch động vật theo quy định.
Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện trên xe có 400 con gà lông màu (khoảng 1 tấn). Chủ hàng khai nhận, toàn bộ số hàng trên được mua tại một trang trại chăn nuôi thuộc xóm Làng Cọ, xã Phấn Mễ (Phú Lương), vận chuyển về TP. Phủ Lý, tỉnh Hà Nam, để tiêu thụ.
Lực lượng chức năng lập biên bản để xử lý theo quy định.
Khi được kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong quá trình vận chuyển động vật, chủ hàng không xuất trình được giấy chứng nhận kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật theo quy định. Đoàn kiểm tra đã tiến hành lập biên bản ghi nhận kết quả kiểm tra và biên bản vi phạm hành chính để trình cấp có thẩm quyền xử phạt theo quy định.
Vụ việc tiếp tục được các cơ quan chức năng điều tra làm rõ.
Long An: Tiêu hủy hơn 614.000 gói thuốc lá ngoại nhập lậu
Ngày 06/6, Hội đồng tiêu hủy thuốc lá huyện Đức Huệ, tỉnh Long An tiến hành tiêu hủy thuốc lá ngoại nhập lậu bị tịch thu tại bãi rác ở khu phố 4, thị trấn Đông Thành.
Đợt này, huyện Đức Huệ tiêu hủy 614.338 gói thuốc lá ngoại nhập lậu các loại bị lực lượng chức năng bắt giữ và tịch thu. Trong đó, thuốc lá hiệu Jet và Hero chiếm số lượng nhiều nhất.
Việc tiêu hủy số thuốc lá điếu ngoại nhập lậu vi phạm nhằm bảo đảm công tác xử lý tang vật theo đúng quy định của pháp luật; đồng thời, bảo vệ quyền lợi, sức khỏe người tiêu dùng, quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh.
Công an tham gia chứng kiến tiêu hủy thuốc lá
Trong thời gian tới, huyện Đức Huệ tiếp tục phối hợp các ngành chức năng trong tỉnh tăng cường công tác quản lý thị trường nội địa, thường xuyên kiểm tra các điểm bán buôn, bán lẻ thuốc lá nhập lậu để kịp thời phát hiện, xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm.
Thuốc lá ngoại nhập lậu bị tiêu hủy
Đồng thời, các cấp, các ngành ở huyện tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, vận động để răn đe, ngăn ngừa các đối tượng dễ bị lôi kéo vào việc vận chuyển, tàng trữ, mua bán trái phép thuốc lá ngoại nhập lậu. Từ đó, giúp thay đổi nhận thức, hành vi của người vi phạm, về lâu dài sẽ có những tác động tích cực hơn trong công tác phòng, chống vận chuyển, mua bán trái phép thuốc lá lậu, giảm thất thu ngân sách Nhà nước và đảm bảo an ninh, trật tự xã hội trên địa bàn huyện biên giới./.
Bắt giữ đối tượng vận chuyển hàng hóa trái phép tại An Giang
Sáng 13/5, Đồn Biên phòng Vĩnh Nguơn, Bộ đội Biên phòng tỉnh An Giang thông tin về việc bắt giữ một đối tượng vận chuyển số lượng lớn hàng hóa trái phép.
Theo thông tin từ đơn vị, vào lúc 3 giờ ngày 12/5, tổ công tác đã chủ trì, phối hợp với Đội Đặc nhiệm phòng, chống ma túy và tội phạm để tổ chức một cuộc chiến dịch chống buôn lậu tại khu vực rạch Cây Gáo, phường Vĩnh Ngươn, thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang.
Đối tượng Phạm Tấn Hỷ (đứng giữa) cùng toàn bộ tang vật.
Khoảng 3 giờ 30 phút cùng ngày, tổ công tác phát hiện một đối tượng đang điều khiển vỏ lãi chở hàng hóa đi dọc theo đường kênh 79 đến khu vực mương Thốt Nốt có dấu hiệu nghi vấn vận chuyển hàng hóa nhập lậu. Đối tượng này đã bị bắt giữ ngay sau đó và được xác định là Phạm Tấn Hỷ, sinh năm 1983, thường trú tại ấp Vĩnh Chánh, xã Mỹ Đức, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang.
Tang vật thu giữ bao gồm 1.250 bao thuốc lá điếu nhập lậu, 2 chiếc xe đạp trợ lực mini, 5 máy lọc không khí, 1 phương tiện vỏ lãi Composite và 1 máy chạy vỏ. Tổng giá trị hàng hóa khoảng 51 triệu đồng.
Đối tượng Phạm Tấn Hỷ đã khai nhận vận chuyển thuê số hàng hóa trên cho một người đàn ông không rõ danh tính với số tiền công là 150.000 đồng.
Hiện đơn vị đang tiếp tục điều tra để làm rõ vụ việc và xử lý đối tượng theo quy định của pháp luật.
Hải Dương: Xử phạt 35 triệu đồng buộc tiêu hủy 10.000 con vịt giống
Do yếu tố thời vụ, nhu cầu mua gà, vịt giống tăng cao, thời gian gần đây, QLTT tỉnh Hải Dương đã phát hiện, bắt giữ, xử lý nhiều vụ việc vi phạm kinh doanh gà, vịt giống không có xuất xứ, không thực hiện kiểm dịch theo quy định.
Chiều 25 tháng 4, Đội Quản lý thị trường số 5 Cục Quản lý thị trường tỉnh Hải Dương phối hợp với Đội 3 Phòng Cảnh sát Kinh tế, Công an huyện Ninh Giang và Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Hải Dương tổ chức giám sát việc tiêu hủy 10.000 con vịt giống không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Trước đó, qua triển khai các biện pháp nghiệp vụ, lực lượng chức năng đã phối hợp khám xe ô tô tải mang biển kiểm soát 14H - 010.68 do Nguyễn Văn Lợi là lái xe. Phát hiện trên xe vận chuyển 10.000 con vịt giống (01 ngày tuổi) đựng trong 100 lồng nhựa; nhiều con vịt có biểu hiện yếu, đầu cổ bị run; một số đã chết và bốc mùi.
Qua đấu tranh khai thác, xác định chủ hàng là bà Đào Thị Hảo (địa chỉ thường trú tại Thôn 2, xã Tân Hương, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương). Số vịt giống được bà Hảo mua của một người trong nhóm "Hội chăn nuôi vịt" trên mạng xã hội facebook; giao nhận hàng tại vực Cầu Hiệp thuộc địa phận xã Hưng Long, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương. Toàn bộ số vịt giống không có hóa đơn, chứng từ giấy tờ… kèm theo theo quy định của pháp luật.
Lực lượng chức năng giám sát tiêu hủy
Lực lượng chức năng đã lập biên bản, xử phạt hành chính với số tiền 35 triệu đồng, đồng thời buộc tiêu hủy toàn bộ số vịt giống không có xuất xứ.
Do yếu tố thời vụ, nhu cầu mua gà, vịt giống tăng cao, thời gian gần đây, lực lượng Quản lý thị trường tỉnh Hải Dương liên tiếp phát hiện, bắt giữ, xử lý nhiều vụ việc kinh doanh gà, vịt giống không có xuất xứ, không thực hiện kiểm dịch theo quy định.