Đăng nhập

Chính phủ giao Bộ Tài chính chỉ đạo lực lượng hải quan, thuế xử lý nghiêm các trường hợp buôn lậu, gian lận thương mại, trốn thuế, gian lận thuế

Bộ Tài chính chỉ đạo lực lượng hải quan, thuế, các đơn vị chức năng phối hợp chặt chẽ với các lực lượng liên quan để phát hiện, xử lý kịp thời các cá nhân, doanh nghiệp buôn lậu, gian lận thương mại, trốn thuế, gian lận thuế; kiểm soát chặt chẽ hàng hóa nhập khẩu, không để hàng giả, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, kém chất lượng vào Việt Nam, hàng hóa giả mạo xuất xứ Việt Nam xuất khẩu ra nước ngoài.

Theo Nghị quyết số 205/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6 năm 2025 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các địa phương tiếp tục rà soát, điều chỉnh các cơ chế, chính sách ưu đãi về thuế, tín dụng, tạo động lực trực tiếp cho các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trọng điểm ( điện tử, ô tô, máy móc, dệt may, da giày ) mở rộng đầu tư sản xuất, kinh doanh, tạo năng lực sản xuất mới, bảo đảm cung ứng hàng hóa đáp ứng yêu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu.

Triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại và phân phối hàng hóa qua nền tảng số, hỗ trợ cung cấp thông tin thị trường, tư vấn pháp lý cho doanh nghiệp để khơi thông thị trường trong nước; đẩy mạnh Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam". Thực hiện đầy đủ ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2025 và tổng kết đợt cao điểm đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; đặc biệt phải "tuyên chiến không khoan nhượng" với tình trạng thuốc giả, thực phẩm giả.

Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ cụ thể cho các Bộ, ngành như: Bộ Công an tập trung chỉ đạo lực lượng nghiệp vụ, công an các địa phương xác lập chuyên án, đấu tranh quyết liệt, xử lý nghiêm các hành vi phạm tội, buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, xâm phạm sở hữu trí tuệ…; kịp thời công khai kết quả trên các phương tiện thông tin đại chúng để răn đe, phòng ngừa chung; phối hợp các cơ quan tố tụng đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án. Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các địa phương chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường toàn quốc tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các cá nhân, doanh nghiệp kinh doanh hàng nhập lậu, sản xuất, buôn bán hàng giả (nhất là mặt hàng sữa, thuốc, thực phẩm), xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Các Bộ: Công Thương, Tài chính, Nông nghiệp và Môi trường, Y tế... theo chức năng, nhiệm vụ được giao thực hiện nghiêm quy định về an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, kiểm soát chất lượng hàng hóa đáp ứng các yêu cầu xuất khẩu; ưu tiên thông quan đối với hàng hóa xuất khẩu là nông sản vào thời điểm thu hoạch chính vụ; hài hòa hóa các quy định về hải quan, kiểm tra chuyên ngành; xử lý dứt điểm kiến nghị của doanh nghiệp, hiệp hội về điều kiện xuất nhập khẩu.

Theo dõi chặt chẽ diễn biến giá cả, thị trường, không để thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng, tăng giá đột biến, nhất là đối với lương thực, thực phẩm, vật liệu xây dựng, nhà ở, vật tư nông nghiệp, sách giáo khoa…; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giá, đầu cơ, găm hàng đội giá, thao túng giá.

Chủ kênh TikTok “Gia đình Hải Sen” bị bắt vì nghi buôn bán hàng giả

Chủ kênh TikTok "Gia đình Hải Sen" nổi tiếng ở Ninh Bình với hàng triệu lượt theo dõi vừa bị bắt để điều tra về hành vi buôn bán hàng giả, không rõ nguồn gốc.

Tối ngày 16/6, Công an tỉnh Ninh Bình xác nhận đã ra quyết định khởi tố, bắt tạm giam bị can Lê Văn Hải (SN 1995, trú tại xã Văn Phú, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình) để điều tra hành vi buôn bán hàng giả theo quy định tại Điều 192 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

Trước đó, lực lượng chức năng đã tiến hành khám xét nơi ở và nơi làm việc của Hải, thu giữ nhiều tang vật liên quan đến hoạt động kinh doanh các mặt hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ như mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, thuốc đông y… có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu, không đảm bảo chất lượng, chưa được cấp phép lưu hành.

Kênh TikTok 2,6 triệu lượt follow "Gia đình Hải Sen". 

Lê Văn Hải là thành viên của Công ty TNHH Hải Bé, đăng ký kinh doanh từ tháng 3/2022. Qua mạng xã hội TikTok, Facebook và website riêng, Hải đã đăng tải hàng trăm video livestream quảng cáo, bán sản phẩm với nhiều lời lẽ thiếu kiểm chứng nhằm thu hút người tiêu dùng.

Kênh tiktok “Gia đình Hải Sen” từng có hơn 2,6 triệu người theo dõi, tuy nhiên ngay sau khi sự việc bị phanh phui, toàn bộ nội dung đã bị ẩn hoặc xóa, kênh hiện chỉ còn vài trăm lượt theo dõi.

Ngoài làm chủ kênh TikTok "Gia đình Hải Sen", Lê Văn Hải còn sử dụng Facebook với tên gọi "Hải Sen Vlog", thường xuyên đăng tải các video quảng cáo, bán rất nhiều loại mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, như: xịt khử mùi hôi, sữa rửa mặt, kem tẩy lông, siro ăn ngon...

Hiện tài khoản Facebook “Hải Sen Vlog” và các nền tảng bán hàng khác cũng đồng loạt dừng hoạt động.

Hiện vụ việc đang tiếp tục được Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Ninh Bình mở rộng, làm rõ vai trò của các cá nhân liên quan và truy xuất nguồn gốc hàng hóa.

Hà Tĩnh: Phát hiện và thu giữ 186 thùng măng tẩm ướp gia vị không rõ nguồn gốc, xuất xứ 

Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) Công an tỉnh Hà Tĩnh vừa phát hiện và thu giữ 186 thùng chứa gần 112.000 gói măng tẩm ướp gia vị không rõ nguồn gốc, xuất xứ được vận chuyển trên xe khách.

Cụ thể, vào hồi 12 giờ 35 phút ngày 31/5, tại Km569 tuyến tránh thị xã Kỳ Anh (thuộc địa phận xã Kỳ Tân, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh), trong quá trình làm nhiệm vụ, tổ tuần tra kiểm soát Đội CSGT đường bộ Quốc lộ 1 đã tiến hành dừng và kiểm tra xe ô tô khách mang BKS 47B-027.61 do tài xế Nguyễn Xuân Thanh (Sn 1971, trú tại phường Nghĩa Lộ, TP. Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi) điều khiển.

CSGT Hà Tĩnh kiểm tra và phát hiện 186 thùng măng tẩm ướp gia vị không rõ nguồn gốc trên xe khách.

Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện trên xe đang vận chuyển 186 thùng hàng, mỗi thùng chứa 600 gói măng tẩm ướp gia vị. Toàn bộ số hàng hóa trên đều có bao bì in hoa văn và chữ nước ngoài. 

Lực lượng chức năng thu giữ toàn bộ số hàng để điều tra làm rõ xử lý theo quy định.

Tuy nhiên, tại thời điểm kiểm tra, tài xế không xuất trình được hóa đơn, chứng từ hợp pháp chứng minh nguồn gốc, xuất xứ của lô hàng.

Những gói măng được tẩm ướp gia vị có bao bì in hoa văn và chữ nước ngoài không có hóa đơn, chứng từ.

Tổ công tác đã lập biên bản vi phạm, đồng thời bàn giao toàn bộ hàng hóa và phương tiện cho Phòng Cảnh sát Kinh tế Công an tỉnh Hà Tĩnh để tiếp tục điều tra và xử lý theo quy định pháp luật.

Bộ tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 phát hiện, bắt giữ tàu cá vận chuyển trái phép khoảng 60.000 lít dầu DO trên biển

Ngày 21-5, Bộ tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 cho biết, đơn vị vừa phát hiện, bắt giữ tàu vận chuyển khoảng 60.000 lít dầu diesel (DO) trái phép trên vùng biển Tây Nam.

Cụ thể, vào lúc 22 giờ ngày 20-5, trong quá trình tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên vùng biển Tây Nam, lực lượng chức năng Bộ tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 phát hiện, kiểm tra tàu cá TG 91387 TS có dấu hiệu nghi vấn nên đề nghị dừng lại để kiểm tra. Tàu do ông Lê Văn Đức, sinh năm 1984, có địa chỉ thường trú tại khóm 5, Cái Đôi Vàm, Phú Tân, Cà Mau làm thuyền trưởng, trên tàu có 5 thuyền viên; chủ tàu là ông Hồ Ngọc Thanh, địa chỉ tại ấp Tân Tỉnh B, Tân Mỹ Chánh, Mỹ Tho, Tiền Giang.

Lực lượng chức năng Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 kiểm tra hàng hóa vi phạm trên tàu TG 91387 TS.

Tại thời điểm kiểm tra, ông Lê Văn Đức khai nhận trên tàu cá TG 91387 TS đang vận chuyển khoảng 60.000 lít dầu DO, không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của hàng hóa. Số dầu trên nếu trót lọt sẽ bán cho các tàu cá khai thác thủy sản trên biển.

Lực lượng chức năng của Bộ tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 đã tiến hành lập biên bản tạm giữ phương tiện, niêm phong hàng hóa và đang tổ chức dẫn giải phương tiện về cảng Hải đội 422/ Hải đoàn 42 tại phường An Thới, Phú Quốc, Kiên Giang để tiếp tục điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật. 

Lực lượng Quản lý thị trường các địa phương tăng cường kiểm tra về giá, nguồn gốc xuất xứ, chất lượng sản phẩm hàng hóa

Sở Công Thương chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường tăng cường công tác quản lý địa bàn, theo dõi, cập nhật tình hình diễn biến thị trường, áp dụng các biện pháp nghiệp vụ, chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan tổ chức thực hiện kiểm tra, kiểm soát thị trường, chú trọng nội dung kiểm tra về giá, nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, chất lượng sản phẩm hàng hóa,

Ngày 5/4/2025, Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước có công văn số 319/TTTN-NV gửi Sở Công Thương các địa phương về việc triển khai Chỉ thị số 08/CT-BCT của Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc thực hiện các giải pháp tiếp tục đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước, kích cầu tiêu dùng năm 2025, để đảm bảo hoạt động sản xuất, kinh doanh ổn định, góp phần bình ổn thị trường, phòng chống các hành vi vi phạm pháp luật, bảo vệ quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Đề nghị Sở Công Thương chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường tăng cường công tác quản lý địa bàn, theo dõi, cập nhật tình hình diễn biến thị trường, áp dụng các biện pháp nghiệp vụ, chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan tổ chức thực hiện kiểm tra, kiểm soát thị trường, chú trọng nội dung kiểm tra về giá, nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, chất lượng sản phẩm hàng hóa, các quy định về an toàn thực phẩm; phát hiện và kịp thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạmtheo quy định của pháp luật, đặc biệt là các hành vi về kinh doanh hàng lậu, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ; hành vi đầu cơ, găm hàng, nâng giá hàng hóa dịch vụ; hành vi vi phạm trong hoạt động xúc tiến thương mại, hành vi vi phạm về kinh doanh hàng hóa trên các nền tảng thương mại điện tử nhằm đảm bảo ổn định thị trường, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và tiêu dùng của người dân.

Sở Công Thương các địa phương chủ động thông tin, tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn việc thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật; đồng thời thực hiện công khai các hành vi vi phạm, kết quả xử lý vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng. 

Đà Nẵng: Phát hiện 1 cơ sở kinh doanh 2.250 sản phẩm quần áo Trung Quốc nhập lậu

Ngày 14/1/2025, thông tin từ Cục Quản lý thị trường (QLTT) TP. Đà Nẵng cho hay, Đội QLTT số 2 vừa phối hợp với lực lượng chức năng Thành phố kiểm tra đột xuất Hộ kinh doanh áo quần trên địa bàn quận Thanh Khê. Phát hiện và tạm giữ hơn 2.200 đơn vị sản phẩm là áo quần nhập lậu.

Cụ thể, ngày 10/01/2025 Đội QLTT số 2 phối hợp với Phòng An ninh kinh tế, Công an thành phố Đà Nẵng kiểm tra đột xuất đối với một Hộ kinh doanh áo quần trên địa bàn quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng.

Lực lượng chức năng kiểm tra cơ sở kinh doanh

Tại thời điểm kiểm tra, Đoàn kiểm tra phát hiện 2.250 đơn vị sản phẩm là áo, quần may mặc sẵn các loại (được chứa đựng trong 23 bao hàng hóa), do Trung Quốc sản xuất, không có hóa đơn chứng từ chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa. Tổng giá trị hàng hóa vi phạm là: 165.500.000 đồng.

Đoàn kiểm tra đã tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính về hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu; tạm giữ toàn bộ hàng hóa vi phạm, hoàn thiện hồ sơ vụ việc xử lý theo quy định pháp luật.

Thái Nguyên: Phát hiện và xử lý hai vụ việc vận chuyển thực phẩm không đảm bảo an toàn

Ngày 27/12/2024 Đội QLTT số 4 đã phối hợp với các ngành chức năng khám 02 xe ô tô tải, phát hiện nhiều hàng hoá là thực phẩm không đảm bảo an toàn trên địa bàn thành phố Phổ Yên và thành phố Sông Công.

Tại chợ Ba Hàng thành phố Phổ Yên, Đoàn kiểm tra đã tiến hành khám xe ô tô tải thùng kín nhãn hiệu KIA, do ông N.V.D trú tại xã Minh Đức, thị xã Việt Yên, Bắc Giang là chủ hàng kiêm người điều khiển phương tiện; phát hiện trong thùng xe có 12 bao tải chứa 600 kg lòng lợn đã bị biến đổi màu sắc, bốc mùi hôi thối, không đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm, không có hoá đơn, giấy tờ gì liên quan đến số hàng hoá nói trên.

Đoàn kiểm tra đã đề xuất người có thẩm quyền Quyết định xử phạt vi phạm hành chính với ông N.V.D số tiền 6.300.000 đồng, buộc tiêu hủy toàn bộ hàng hóa tang vật vi phạm nói trên theo quy định.

Thực hiện buộc tiêu huỷ 600kg lòng lợn theo quy định

Cùng ngày, tại tổ dân phố 3, phường Thắng Lợi, thành phố Sông Công, Đoàn kiểm tra tiến hành khám xe ô tô tải do ông N.V.M là lái xe kiêm chủ hàng, phát hiện trên xe có 20 hộp quả lê sữa do nước ngoài sản xuất trên nhãn có “MADE IN CHINA” là hàng hóa nhập lậu; một số quả có dấu hiệu bị dập, nát, chảy nước, không có dấu kiểm dịch thực vật, không đảm bảo an toàn sử dụng có nguy cơ gây hại cho sức khỏe người tiêu dùng. Tổng trị giá số hàng hóa trên là: 14.000.000 đồng, không có hoá đơn, chứng từ hợp pháp liên quan đến hàng hoá trên. 

Đoàn kiểm tra thực hiện kiểm tra hàng hóa

Đoàn kiểm tra đã đề xuất người có thẩm quyền Quyết định xử phạt vi phạm hành chính với ông N.V.M số tiền 10 triệu đồng, buộc tiêu hủy toàn bộ số hàng hoá vi phạm nói trên theo quy định.

An Giang: Bắt giữ đối tượng vận chuyển 1.500 bao thuốc lá ngoại nhập lậu

Sáng 18/12, Công an TP. Long Xuyên cho biết, vừa phát hiện và bắt giữ một đối tượng sử dụng xe gắn máy để vận chuyển 1.500 bao thuốc lá ngoại nhập lậu (tại phường Mỹ Hòa); đồng thời tiếp tục xác minh phương tiện, điều tra làm rõ vụ việc, xử lý theo quy định pháp luật.

Phương tiện cùng tang vật đối tượng bỏ lại hiện trường để thoát thân

Trước đó, khoảng 5 giờ ngày 17/12, Tổ công tác chống buôn lậu Công an TP. Long Xuyên tổ chức tuần tra, kiểm soát địa bàn. Khi đến khu vực tổ 19, khóm Tây Khánh 3 (phường Mỹ Hòa), thì phát hiện một nam thanh niên điều khiển xe gắn máy biển số 67B1-219.80 chở theo 2 giỏ xách có biểu hiện nghi vấn nên ra hiệu dừng xe để kiểm tra. Khi phát hiện lực lượng công an, đối tượng này lợi dụng trời tối bỏ lại phương tiện cùng hàng hóa để nhanh chóng thoát thân.

Lực lượng công an kiểm đếm số tang vật bị tạm giữ

Qua kiểm tra, phát hiện bên trong 2 giỏ xách bỏ lại có chứa 1.500 bao thuốc lá ngoại nhập lậu, nhãn hiệu Hero và Jet. Tổ công tác tiến hành lập biên bản tạm giữ phương tiện cùng tang vật.

Đồng Nai: Phát hiện hơn 4 tấn thực phẩm bẩn ở Biên Hòa

Ngày 13/11, tin từ Công an TP.Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai) cho biết, lực lượng chức năng vừa phát hiện hơn 4 tấn lòng lợn và nhiều loại thực phẩm không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Cụ thể, vào ngày 12/11, Đội Cảnh sát Kinh tế Công an TP.Biên Hòa phối hợp với Công an phường Phước Tân tiến hành kiểm tra cơ sở chế biến mỡ lợn tại khu phố Tân Mai (phường Phước Tân, TP.Biên Hòa), nơi có nhiều dấu hiệu vi phạm về an toàn thực phẩm. Cơ sở này do bà Nguyễn Thị Dung (SN 1971, cư trú tại khu phố 8, phường Tân Biên) làm chủ.

Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng công an phát hiện tại cơ sở này có 10 nhân công đang sơ chế và chế biến lòng lợn phế phẩm, phát tán mùi hôi thối trên nền đất. Bên cạnh đó, có 4 lò nấu mỡ đang hoạt động, chiên lòng lợn thành dầu có màu đen và mùi hôi, cùng với 2 kho đông lạnh chứa đầy nội tạng lợn có dấu hiệu hôi thối.

Công nhân đang sơ chế lòng lợn tại một cơ sở vi phạm.

Ngoài ra, lực lượng chức năng còn phát hiện khoảng 800kg mỡ lợn được đựng trong các can nhựa. Bà Dung không xuất trình được bất kỳ hóa đơn, chứng từ nào để chứng minh nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa.

Số lòng lợn sau khi được sơ chế.

Mỡ sau khi sơ chế, chế biến được đựng vào các can nhựa rồi đưa đi bán cho các công ty nấu cám. 

Làm việc với cơ quan chức năng, bà Dung cho biết toàn bộ số nội tạng (lòng lợn) trên được mua từ một số chợ trên địa bàn TP.Biên Hòa, sau đó được sơ chế, chế biến và nấu mỡ, rồi đựng vào can nhựa để bán cho các công ty chế biến cám.

Sau khi lập biên bản, cơ quan chức năng đã tạm giữ hơn 4 tấn lòng lợn để tiêu hủy theo quy định.

Phú Thọ: Xử phạt và tiêu hủy 140 kg sản phẩm động vật không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm

Ngày 09/10/2024, cơ quan chức năng đã phát hiện và xử lý một vụ vận chuyển trái phép 140kg nội tạng động vật không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, gây nguy hại cho sức khỏe người tiêu dùng.

Cụ thể, Đội Quản lý thị trường số 2 - Cục Quản lý thị trường tỉnh Phú Thọ phối hợp với Phòng Cảnh sát giao thông - Công an tỉnh Phú Thọ và Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Phù Ninh đã tiến hành kiểm tra phương tiện vận tải BKS: 30X - 3698 do ông P.T.T điều khiển.

Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện trên xe đang vận chuyển 03 thùng xốp chứa 140kg nội tạng trâu, bò, lợn trong tình trạng hết sức nghiêm trọng: rỉ nước, bốc mùi hôi thối, biến đổi màu sắc, hoàn toàn không đảm bảo các yêu cầu về vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm.

Ông P.T.T khai nhận đã mua gom số nội tạng này một cách trôi nổi trên thị trường với ý định bán cho các quán ăn, cửa hàng trên địa bàn. Tuy nhiên, người này không xuất trình được bất kỳ giấy tờ nào liên quan đến nguồn gốc, chất lượng của số hàng hóa trên.

Trước hành vi vi phạm nghiêm trọng này, Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 2 đã ban hành Quyết định xử phạt hành chính đối với ông P.T.T với số tiền 10.000.000 đồng và buộc tiêu hủy toàn bộ số nội tạng động vật đã thu giữ.