Ban Chỉ đạo 389 quốc gia: Thực hiện cao điểm, giải pháp kiểm tra, kiểm soát ngăn chặn, xử lý hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả
Ngày 14/4/2025, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia ký ban hành Báo cáo số 25/BC-BCĐ389 về kết quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả năm 2024, phương hướng nhiệm vụ năm 2025.
Theo đó, năm 2024, trên các tuyến biên giới, vùng biển, cửa khẩu, cảng biển, cảng hàng không và địa bàn nội địa, hoạt động mua bán, vận chuyển trái phép ma túy, pháo nổ, thuốc lá điếu, thuốc lá điện tử, động thực vật hoang dã, xăng dầu, khoáng sản, vàng, ngoại tệ, đường cát, rượu, bia, thực phẩm đông lạnh, gỗ quý, nông sản, trâu, bò, lợn, con giống, gia cầm, vật tư nông nghiệp, vật tư y tế, mỹ phẩm, hàng điện tử, điện lạnh, vải, quần áo, hàng gia dụng, hàng hoá có nguồn gốc nước ngoài đã qua sử dụng, hàng không rõ nguồn gốc… diễn biến phức tạp; gia tăng các vụ việc lợi dụng thương mại điện tử, môi trường mạng xã hội, dịch vụ bưu chính, chuyển phát để vận chuyển, kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng kém chất lượng, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Đáng chú ý, phát hiện nhiều vụ việc mua bán trái phép, xuất khống hóa đơn với số lượng lớn, lợi dụng chuyển trái phép tiền, ngoại tệ qua biên giới, chiếm đoạt tiền thuế… trong địa bàn nội địa.
Trước tình hình trên, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đã chỉ đạo, điều hành, kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành, địa phương quán triệt, thực hiện nghiêm các nghị quyết, chỉ thị, công điện, chuyên đề, kế hoạch, văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia; phối hợp nắm tình hình, triển khai giải pháp phát hiện, ngăn chặn, xử lý hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến pháp luật, thi đua, khen thưởng trong chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Kết quả năm 2024, các bộ, ngành, lực lượng chức năng, đơn vị, địa phương phát hiện, bắt giữ, xử lý 137.243 vụ vi phạm (giảm 5,09% so với cùng kỳ). Trong đó: mua bán, vận chuyển hàng cấm, hàng lậu 11.152 vụ (giảm 3,02% so với cùng kỳ); gian lận thương mại, gian lận về thuế 120.374 vụ (giảm 7,20% so với cùng kỳ); sản xuất, mua bán, vận chuyển hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ 5.717 vụ (tăng 4,63% so với cùng kỳ); thu nộp ngân sách nhà nước 14.740,066 tỷ đồng (giảm 0,84% so với cùng kỳ); khởi tố hình sự 3.093 vụ, 4.658 đối tượng.
Năm 2025, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia yêu cầu Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành, địa phương quán triệt, thực hiện hiệu quả các chuyên đề, kế hoạch, văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Chủ động nắm chắc, dự báo sát, đúng tình hình; xác định tuyến, địa bàn, đối tượng trọng điểm, mặt hàng, các hoạt động nổi lên; nhận diện phương thức, thủ đoạn hoạt động mới; đề ra các giải pháp phù hợp nhằm đấu tranh, ngăn chặn hiệu quả hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả thuộc lĩnh vực, địa bàn phụ trách, quản lý. Chỉ đạo, thanh tra, kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các ngành, lực lượng, đơn vị, địa phương các cấp nắm chắc tình hình; xây dựng, tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch, chuyên đề, cao điểm, giải pháp kiểm tra, kiểm soát, phát hiện, ngăn chặn, xử lý hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Tăng cường kiểm tra, phát hiện, ngặn chặn, xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm kỷ luật, pháp luật, bao che, tiếp tay, bảo kê hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Khẩn trương rà soát, kiện toàn Ban Chỉ đạo 389 của bộ, ngành và địa phương mình, đồng thời sửa đổi quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo sau khi sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy. Tiếp tục rà soát, tổng hợp khó khăn, vướng mắc mới phát sinh, kiến nghị đề xuất sửa đổi, hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan đến công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia tổng hợp tình hình, kết quả, tham mưu Ban Chỉ đạo 389 quốc gia ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc thực hiện nghiêm túc, hiệu quả chuyên đề, kế hoạch, văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Phối hợp Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành, địa phương kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các lực lượng, đơn vị thực hiện chuyên đề, kế hoạch, văn bản chỉ đạo của các cấp về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Theo dõi, phát hiện, tham mưu, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý kịp thời, nghiêm minh các vụ việc vi phạm phức tạp, nổi cộm về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Tiếp tục rà soát, tổng hợp khó khăn, vướng mắc liên quan công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, tham mưu kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý. Phối hợp cơ quan báo chí, truyền thông tuyên truyền tình hình, kết quả, những vụ việc phức tạp, nổi cộm về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; đổi mới hình thức, nội dung tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, Trang tin thông tin điện tử và Bản tin của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia. Theo dõi, hướng dẫn, thẩm định, tham mưu Ban Chỉ đạo 389 quốc gia quyết định khen thưởng định kỳ, đột xuất các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc, tiêu biểu trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Thành lập Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Bắc Kạn
Chiều 20/3, UBND tỉnh Bắc Kạn tổ chức công bố Quyết định thành lập Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Bắc Kạn trên cơ sở tiếp nhận nguyên trạng Cục QLTT tỉnh Bắc Kạn từ Bộ Công thương.
Đồng chí Đinh Quang Tuyên, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh dự.
Quang cảnh Hội nghị.
Theo Quyết định của UBND tỉnh, Chi cục QLTT là tổ chức hành chính thuộc Sở Công thương tỉnh Bắc Kạn, có chức năng tham mưu, giúp Sở Công thương quản lý nhà nước về lĩnh vực quản lý thị trường gồm: Tổ chức thực thi pháp luật về phòng, chống, xử lý các hành vi kinh doanh hàng hoá nhập lậu; sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ; hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; hành vi vi phạm pháp luật về chất lượng, đo lường, giá, an toàn thực phẩm; hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các hành vi gian lận thương mại theo quy định của pháp luật trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn.
Đồng chí Đinh Quang Tuyên, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh trao Quyết định thành lập Chi Cục QLTT tỉnh Bắc Kạn cho lãnh đạo Chi cục.
Về cơ cấu tổ chức, đơn vị có 01 Chi cục trưởng và các Phó Chi cục trưởng; các phòng, đội thuộc Chi cục, gồm: Phòng Tổ chức - Hành chính; Phòng Nghiệp vụ - Tổng hợp; Đội Quản lý thị trường số 1 (quản lý địa bàn thành phố Bắc Kạn, huyện Chợ Mới, huyện Bạch Thông); Đội Quản lý thị trường số 2 (quản lý địa bàn huyện Na Rì, huyện Ngân Sơn); Đội Quản lý thị trường số 3 (quản lý địa bàn huyện Ba Bể, huyện Pác Nặm); Đội Quản lý thị trường số 4 (quản lý địa bàn huyện Chợ Đồn).
Ông Hà Sỹ Thắng, Giám đốc Sở Công thương trao Quyết định bổ nhiệm Chi cục trưởng Chi cục QLTT cho ông Trần Văn Khánh và Quyết định bổ nhiệm Phó Chi cục trưởng cho bà Ngôn Thị Hiền.
Phát biểu giao nhiệm vụ, đồng chí Đinh Quang Tuyên, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đề nghị Chi cục QLTT tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết tập thể; tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, không để trống địa bàn; đảm bảo thực hiện công việc thông suốt, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả sau sắp xếp...
Hội nghị nghe công bố Quyết định bổ nhiệm lãnh đạo Chi cục QLTT. Theo đó, ông Trần Văn Khánh, được bổ nhiệm giữ chức vụ Chi cục trưởng Chi cục QLTT trực thuộc Sở Công thương; bà Ngôn Thị Hiền, được bổ nhiệm giữ chức Phó Chi cục trưởng Chi cục QLTT, thời hạn bổ nhiệm là 5 năm kể từ ngày ký.
Chi cục trưởng Chi cục QLTT, ông Trần Văn Khánh phát biểu nhận nhiệm vụ.
Phát biểu nhận nhiệm vụ, ông Trần Văn Khánh, Chi cục trưởng Chi cục QLTT hứa sẽ lãnh đạo tập thể đơn vị đoàn kết, đồng lòng, phát huy tinh thần trách nhiệm, chủ động trong công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật, góp phần tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, minh bạch và phát triển bền vững cho tỉnh nhà…/.
Đảm bảo cung ứng và kiểm soát giá thuốc điều trị bệnh cúm
Sở Y tế Hà Nội vừa có Công văn gửi các cơ sở khám, chữa bệnh trực thuộc Sở Y tế; phòng y tế, trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã; các cơ sở kinh doanh dược trên địa bàn Hà Nội về việc đảm bảo cung ứng và kiểm soát giá thuốc điều trị bệnh cúm, đặc biệt đối với các thuốc điều trị cúm A (thuốc Tamiflu và các thuốc chứa hoạt chất oseltamivir).
Cụ thể, Sở Y tế Hà Nội yêu cầu các cơ sở khám, chữa bệnh trực thuộc Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố, trung tâm y tế quận, huyện, thị xã chủ động bảo đảm cung ứng đầy đủ, kịp thời thuốc điều trị cúm mùa, đặc biệt thuốc điều trị cúm A, không để xảy ra tình trạng thiếu thuốc phục vụ công tác khám bệnh, chữa bệnh tại đơn vị. Thực hiện đúng các quy định về mua, bán thuốc và quản lý giá thuốc tại cơ sở bán lẻ trong khuôn viên cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Các cơ sở kinh doanh dược trên địa bàn thành phố chủ động kế hoạch dự trữ, cung ứng đủ thuốc, trong đó có các thuốc điều trị cúm mùa, đặc biệt đối với các thuốc điều trị cúm A (thuốc Tamiflu và các thuốc chứa hoạt chất oseltamivir) sẵn sàng cung ứng đủ thuốc theo đơn đặt hàng của các cơ sở khám, chữa bệnh theo kết quả trúng thầu đã ký kết.
Các cơ sở bán lẻ thuốc phải tuân thủ đúng quy định về bán thuốc theo đơn, có trách nhiệm hướng dẫn đầy đủ cho người dân về việc sử dụng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ và hướng dẫn sử dụng thuốc để bảo đảm an toàn, hiệu quả. Tuân thủ đầy đủ các quy định về quản lý giá thuốc, không được lợi dụng tình hình dịch bệnh để đầu cơ, găm hàng và đẩy giá thuốc tăng cao nhằm trục lợi.
Phòng y tế các quận, huyện, thị xã chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm trong kinh doanh các thuốc kháng virus dùng trong điều trị cúm mùa, các thuốc điều trị cúm A, đặc biệt là vi phạm các quy định về quản lý giá thuốc (thực hiện kê khai giá không đúng quy định, không thực hiện niêm yết giá thuốc, bán cao hơn giá niêm yết&hellip, các trường hợp kinh doanh thuốc không rõ nguồn gốc, bán thuốc kê đơn nhưng không có đơn của bác sĩ, lợi dụng dịch bệnh để tăng giá thuốc bất hợp lý.
Thái Nguyên: Thu giữ trên 700 sản phẩm thuốc lá điện tử
Ngày 23/1/2025, thông tin từ Công an tỉnh Thái Nguyên cho biết, đơn vị đang củng cố hồ sơ để xử lý một trường hợp có hành vi kinh doanh trên 700 sản phẩm thuốc lá điện tử không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp.
Trước đó, ngày 13/01/2025, Phòng An ninh kinh tế - Công an tỉnh Thái Nguyên phát hiện và phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành kiểm tra, xác minh phòng trọ trên địa bàn phường Quang Trung, thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên do N.X.Đ. (SN 1999, trú tại phường Quang Trung) thuê.
Tại thời điểm kiểm tra, tổ công tác phát hiện N.X.Đ. có hành vi kinh doanh hàng hóa là thuốc lá điện tử.
Các sản phẩm thuốc lá điện tử bị thu giữ.
Lượng hàng hoá bao gồm trên 700 sản phẩm là thiết bị nung nóng tinh dầu, phụ kiện, linh kiện thuốc lá điện tử; bên ngoài các sản phẩm đều có nhãn, mác ghi chữ nước ngoài, không có tem nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam.
Làm việc với Cơ quan Công an, N.X.Đ. khai nhận toàn bộ số hàng hóa trên là thuốc lá điện tử, phụ kiện thuốc lá điện tử và tinh dầu dùng cho thuốc lá điện tử do N.X.Đ. mua trên mạng xã hội về bán nhằm mục đích kiếm lời. Tại thời điểm kiểm tra, N.X.Đ. không cung cấp được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ hợp pháp của số hàng hóa trên.
Phòng An ninh kinh tế - Công an tinh Thái Nguyên đã tiến hành tạm giữ toàn bộ số hàng hóa trên để tiếp tục xác minh, làm rõ, xử lý theo quy định của pháp luật.
Hải Dương: Xử phạt 2 hộ kinh doanh hàng hóa nhập lậu
Ngày 4/1, theo thông tin từ Cục Quản lý thị trường tỉnh Hải Dương, đơn vị đã quyết định xử phạt đối với 2 hộ kinh doanh về các hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu và kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Trước đó, lực lượng liên ngành gồm Quản lý thị trường và Công an Hải Dương đã tiến hành kiểm tra hộ kinh doanh do bà Ngô Thị H. (sinh năm 1991, ở thôn My Khê, xã Vĩnh Hồng, huyện Bình Giang) làm chủ.
Theo đăng ký kinh doanh, hoạt động chính của hộ kinh doanh là bán lẻ theo đơn đặt hàng qua bưu điện, mạng Internet (hoạt động thương mại điện tử) thông qua tài khoản zalo cá nhân.
Hàng hóa vi phạm thu giữ tại hiện trường.
Kết quả kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện nhiều hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ gồm: 500 quả cầu lông bằng nhựa; 50 bộ vợt cầu lông; 500 đầu vòi giảm áp; 200 bộ loa mic cầm tay trẻ em; 30 cái ghế hơi; 50 cái bóng đèn tích điện, loại 320W; 75 cái bóng đèn tích điện, loại 100W; 98 camera ghi hình có tổng trị giá hàng hóa vi phạm là 60,1 triệu đồng.
Vụ việc thứ 2 là hộ kinh doanh do ông Phạm Văn H. (sinh năm 1993 ở tại thôn Hồ Liễn, xã Vĩnh Hưng, huyện Bình Giang) làm chủ.
Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện hộ kinh doanh này kinh doanh nhiều loại đồ chơi trẻ em dạng đồ dùng văn phòng phẩm, thiết bị điện thoại, thiết bị máy tính là hàng hóa nhập lậu có trị giá trên 65 triệu đồng.
Ngày 3/1/2025, Cục Quản lý thị trường tỉnh Hải Dương đã ban hành các quyết định xử phạt đối với 2 hộ kinh doanh về các hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu và kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ, với số tiền thu phạt là 25 triệu đồng/hộ; tổng trị giá hàng vi phạm bị tịch thu trên 125 triệu đồng.
Theo Cục Quản lý thị trường tỉnh Hải Dương, đây là 2 trong số nhiều vụ việc vi phạm bị phát hiện, xử lý trong đợt cao điểm kiểm tra trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ của lực lượng quản lý thị trường tỉnh.