Cần Thơ: Phát hiện 02 cơ sở buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu trên địa bàn Cái Răng
Ngày 20/11/2024, Cục QLTT TP Cần Thơ cho biết, Đội QLTT số 5 thuộc Cục Quản lý thị trường thành phố Cần Thơ đã phát hiện 02 cơ sở buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu.
Qua công tác quản lý địa bàn, công chức Đội Quản lý thị trường số 5 phát hiện hai hộ kinh doanh tại khu vực Thạnh Huề và khu vực Thạnh Mỹ, phường Thường Thạnh, quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ có dấu hiệu buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu. Công chức Đội Quản lý thị trường số 5 đề xuất Đội trưởng ban hành các phương án kiểm tra đối với 02 hộ kinh doanh này.
Sáng ngày 14/11/2024, Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 5 ban hành các Quyết định kiểm tra đối với hộ kinh doanh P, địa chỉ khu vực Thạnh Mỹ, phường Thường Thạnh, quận Cái Răng, Thành phố Cần Thơ và hộ kinh doanh tạp hóa T.T, địa chỉ khu vực Thạnh Huề, phường Thường Thạnh, quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ.
Qua kiểm tra, Đoàn kiểm tra đã phát hiện 02 hộ kinh doanh đang bày bán gần 200 bao thuốc lá điếu nhập lậu hiệu gồm Jet và Hero.
Đoàn kiểm tra đã lập biên bản tạm giữ, niêm phong toàn bộ tang vật vi phạm nêu trên để xử lý theo quy định.
Hà Tĩnh: Liên tiếp xử lý các đối tượng kinh doanh hàng hóa nhập lậu trên khâu lưu thông
Trong hai ngày 28/10/2024 và 29/10/2024, Đội QLTT số 6 đã tiến hành khám phương tiện vận tải phát hiện, xử lý các đối tượng kinh doanh hàng hóa nhập lậu, thu nộp ngân sách nhà nước hàng chục triệu đồng
Cụ thể, ngày 28/10/2024 và 29/10/2024 Đội QLTT số 6, Cục QLTT tỉnh Hà Tĩnh đã phối hợp Phòng CSGT, Công an tỉnh Hà Tĩnh tiến hành khám phương tiện vận tải XYZ do ông Nguyễn Minh X, địa chỉ thường trú tại tỉnh Hưng Yên, điều khiển theo hướng Nam - Bắc và xe 38F-005.YY do ông Nguyễn Văn T, thường trú tại huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh điều khiển vận chuyển hàng hóa từ huyện Đức Thọ về địa bàn Thành phố Hà Tĩnh để tiêu thụ.
Lực lượng chức năng kiểm tra hàng hóa
Qua quá trình khám, phát hiện trên xe XYZ vận chuyển 01 Máy phát điện động cơ Diesel nhãn hiệu SHINDAIWA DGM250MK (đã qua sử dụng) do Nhật Bản sản xuất không có bất kỳ hóa đơn, chứng từ kèm theo chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa. Qua đấu tranh, xác minh ông Nguyễn Minh X khai nhận hàng hóa trên được ông mua trôi nổi trên thị trường ở thành phố Hồ Chí Minh; sau đó vận chuyển ra các tỉnh phía Bắc để bán kiếm lời, không có bất cứ giấy tờ gì chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa. Đội QLTT số 6 đã tạm giữ tang vật để xác minh làm rõ các tình tiết có liên quan và lập hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính.
Lực lượng chức năng kiểm tra hàng hóa
Tại thời điểm khám phương tiện vận tải 38F-005.YY tổ kiểm tra phát hiện trên xe vận chuyển 40 nồi cơm điện nhãn hiệu SHARP KS-1800T chưa qua sử dụng, sản xuất tại Thái Lan, không có bất kỳ hóa đơn, chứng từ kèm theo chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa. Qua đấu tranh làm việc, ông Nguyễn Văn T khai nhận ông chỉ là người lái xe, chở thuê hàng lấy cước phí, số hàng hóa trên là chở cho ông Nguyên Văn N thường trú tại huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Đội QLTT số 6 đã tạm giữ tang vật vi phạm, xác minh các tình tiết có liên quan, mời ông Nguyễn Văn N đến làm việc và xác định số hàng hóa trên do ông Nguyễn Văn N mua trôi nổi trên thị trường về bán kiếm lời, không có bất cứ hóa đơn, chứng từ gì chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa.
Đội QLTT số 6 đã hoàn thiện hồ sơ, ban hành và trình cấp có thẩm quyền ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính với hành vi vi phạm kinh doanh hàng hóa nhập lậu đối với các đối tượng vi phạm với tổng số tiền phạt là 40 triệu đồng, đồng thời tịch thu toàn bộ tang vật vi phạm với trị giá gần 90.000.000 đồng.
Đà Nẵng: Xử phạt đối với 03 tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi trưng bày để bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu
Ngày 17/10/2024, Cục QLTT Đà Nẵng cho biết, Đội Quản lý thị trường số 4 đã phát hiện và xử phạt các cơ sở kinh doanh hàng giả mạo nhãn hiệu nổi tiếng. Tổng số tiền phạt lên đến 32 triệu đồng, cùng với việc tịch thu và tiêu hủy hàng loạt sản phẩm vi phạm.
Thực hiện kế hoạch đấu tranh chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, Đội QLTT số 4 đã tập trung kiểm tra các cửa hàng kinh doanh giày dép, túi xách trên địa bàn quận Sơn Trà. Tại đây, lực lượng chức năng đã phát hiện nhiều sản phẩm giả mạo các nhãn hiệu nổi tiếng như Nike, Adidas, Gucci... với số lượng lớn.
Các cơ sở vi phạm đã bị xử phạt hành chính và buộc tiêu hủy toàn bộ số hàng hóa giả mạo. Đây là một đòn giáng mạnh vào các đối tượng sản xuất và kinh doanh hàng giả, góp phần bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh cho thị trường.
Địa điểm kinh doanh trưng bày để bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu trên địa bàn quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng
Trước những diễn biến phức tạp của tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, Đội QLTT số 4 sẽ tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, xử lý, không để các đối tượng lợi dụng sơ hở để hoạt động.
Thành viên Đoàn kiểm tra thực hiện kiểm tra tại Hộ kinh doanh trên địa bàn
Người tiêu dùng được khuyến cáo nên lựa chọn những cửa hàng uy tín, có giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm để tránh mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng.
Đà Nẵng: Phát hiện xe tải chở nhiều hàng hóa nghi nhập lậu
Ngày 2/10/2024, Phòng Cảnh sát giao thông CATP Đà Nẵng cho biết trong quá trình tuần tra kiểm soát tình hình TTATGT trên địa bàn đã phát hiện 1 xe ô tô tải đang vận chuyển lượng lớn hàng hoá không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Cụ thể, vào ngày 30/9, tại tuyến đường Trường Chinh (đoạn đi qua phường Hoà Thọ Đông, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng), Tổ công tác của Phòng Cảnh sát giao thông CATP phát hiện xe ô tô tải biển kiểm soát 50H - 0091.37 do tài xế T (SN 1997, trú Điện Bàn, Quảng Nam) điều khiển chạy hướng từ Nam ra Bắc có biểu hiện nghi vấn nên dừng xe kiểm tra. Lực lượng công an sau đó phát hiện bên trong thùng xe có nhiều loại hàng hóa khổ lớn, xếp chồng lên nhau, không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ.
Tại buổi làm việc, tài xế khai nhận đã nhận vận chuyển số hàng hoá nói trên từ bến xe Miền Đông đi ra Huế. Tổ tuần tra phối hợp cùng Công an phường Hoà Thọ Đông và Đội Cảnh sát kinh tế, Công an quận Cẩm Lệ tiến hành kiểm tra thực tế hơn 50 kiện hàng trong thùng xe tải, có đến 10 kiện hàng gồm áo quần được may sẵn đều không có hoá đơn chứng từ, chứng minh nguồn gốc.
Vụ việc đã được lập biên bản, bàn giao cho Đội Cảnh sát kinh tế Công an quận Cẩm Lệ thụ lý, xác minh theo quy định.
Kiên Giang: Tạm giữ hơn 637 sản phẩm thuốc lá điện tử các loại
Sáng 18-9, Công an huyện An Minh (Kiên Giang) cho biết vừa bắt quả tang một cơ sở đang bán thuốc lá điện tử cho người dưới 18 tuổi. Công an đã thu giữ hơn 637 sản phẩm thuốc lá điện tử các loại.
Tổ công tác Công an huyện An Minh tiến hành kiểm tra đột xuất cơ sở kinh doanh thuốc lá điện tử Mekongvape.vn có địa chỉ tại khu phố 3, thị trấn Thứ Mười Một (An Minh) do C.C.H (19 tuổi), ngụ khu phố Lò Bom, thị trấn Kiên Lương, huyện Kiên Lương (Kiên Giang) quản lý.
C.C.H (áo đen) ký xác nhận biên bản nội dung vi phạm.
Tổ công tác phát hiện cơ sở này có hành vi bán thuốc lá điện tử cho người chưa đủ 18 tuổi và bày bán hàng hóa thuốc lá điện tử, gồm: 204 máy hút thuốc lá điện tử, 243 lọ tinh dầu, 190 sản phẩm phụ kiện đều do nước ngoài sản xuất.
Số hàng hóa được niêm phong thu giữ.
Cơ sở Mekongvape.vn không xuất trình được giấy tờ, hóa đơn liên quan đến nguồn gốc, xuất xứ số hàng hóa nói trên.
Tổ công tác đã tiến hành lập biên bản, đồng thời thu giữ toàn bộ hàng hóa trên để tiếp tục xác minh làm rõ.
Hà Nội: Phát hiện, thu giữ hàng trăm bánh trung thu không rõ nguồn gốc
Ngày 30/8/2024, Công an quận Tây Hồ cho biết, đang phối hợp với lực lượng chức năng lập hồ sơ xử lý vụ vận chuyển bánh trung thu và hoa quả nhập lậu số lượng lớn.
Trước đó, ngày 29/8, Đội Cảnh sát kinh tế - Công an quận Tây Hồ phối hợp với Đội Quản lý thị trường số 9 - Cục Quản lý thị trường Hà Nội kiểm tra, phát hiện tại khu vực phường Xuân La, quận Tây Hồ có xe mô tô do anh N.B.M (sinh năm 2002, hộ khẩu thường trú tại huyện Ứng Hoà, điều khiển đang chở 70 hộp bánh trung thu, loại 8 chiếc/hộp, tổng số 560 chiếc bánh trung thu nhãn hiệu Withyoung do nước ngoài sản xuất, không có hóa đơn chứng từ, là hàng hóa nhập lậu, đang được đưa đi tiêu thụ.
Hàng trăm chiếc bánh trung thu không rõ nguồn gốc được Công an quận Tây Hồ và Đội Quản lý thị trường số 9 phát hiện.
Tổ công tác đã lập biên bản thu giữ toàn bộ số bánh trên, tiêu hủy và xử lý về hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu đối với chủ hàng theo quy định tại Điều 15 Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Quảng Ninh: Bắt quả tang hàng loạt hàng giả, bánh trung thu nhập lậu
Ngày 21/8/2024, lực lượng Quản lý thị trường tỉnh Quảng Ninh cho biết, đã phát hiện một số lượng lớn hàng hóa giả mạo nhãn hiệu nổi tiếng và bánh trung thu nhập lậu tại một hộ kinh doanh trên địa bàn thành phố Hạ Long.
Cụ thể, vào ngày 20/8/2024, Đội Quản lý thị trường số 1 đã tiến hành kiểm tra hộ kinh doanh Lê Hoàng Anh, chủ tài khoản Facebook “Xiaohaha – Hòn Gai Hạ Long”. Tại đây, cơ quan chức năng đã thu giữ 229 sản phẩm thời trang như quần áo, ví, kính mắt... giả mạo các thương hiệu nổi tiếng thế giới như Adidas, Christian Dior, Gucci. Đồng thời, 270 chiếc bánh trung thu nhãn hiệu Bibizan xuất xứ Trung Quốc, không rõ nguồn gốc cũng bị tịch thu. Tổng giá trị lô hàng ước tính gần 70 triệu đồng.
Bánh trung thu nhập lậu bị lực lượng chức năng tạm giữ.
Trước hành vi vi phạm pháp luật trên, Đội Quản lý thị trường số 1 đang hoàn thiện hồ sơ để xử phạt hộ kinh doanh này với số tiền 55 triệu đồng và buộc tiêu hủy toàn bộ số hàng hóa vi phạm.
Bình Dương: Phát hiện cơ sở có dấu hiệu sản xuất, buôn bán hàng giả
Ngày 7/8, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, môi trường Công an tỉnh Bình Dương cho biết, đang củng cố hồ sơ xử lý vụ việc có dấu hiệu sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm xảy ra tại phường An Phú, thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương.
Trước đó, đơn vị này kiểm tra cửa hàng tạp hóa Hiếu Sa do bà Trương Thị Kim Thâm (SN 1977; ngụ phường An Phú, TP Thuận An, Bình Dương) làm chủ, bắt quả tang đối tượng Phạm Thị Lý (SN 1989; ngụ phường An Phú, TP Thuận An, Bình Dương) đang giao 150 gói bột ngọt giả nhãn hiệu cho bà Thâm.
Công an kiểm tra nơi sản xuất bột ngọt, bột nêm giả tại nhà bà Lý.
Qua kiểm tra tiệm tạp hóa, Công an còn phát hiện nhiều gói bột ngọt giả nhãn hiệu đang bày bán. Bà Thâm, bà Lý thừa nhận bột ngọt mà họ mua bán với nhau được làm giả các nhãn hiệu có tiếng trên thị trường. Mỗi gói bột ngọt bà Lý giao cho bà Thâm 18.500 đồng, bà Thâm bán lại 32.000 đồng/gói.
Đối tượng có dấu hiệu nghi vấn làm giả mạo nhãn hiệu bột ngọt .
Khám xét nơi ở của bà Phạm Thị Lý, Công an tạm giữ nhiều tang vật, phương tiện, máy móc, thiết bị để sản xuất, buôn bán hàng giả gồm: máy ép, máy hút chân không, hơn 45kg bao bì có in nhãn hiệu nổi tiếng cùng nhiều gói hàng hóa (bột ngọt, bột niêm, bột giặt&hellip giả nhãn hiệu được đóng gói thành phẩm chờ đem đi tiêu thụ.
Bột nêm có dấu hiệu làm giả.
Tại cơ quan Công an, Phạm Thị Lý khai, mình là người trực tiếp thu mua nguyên liệu là bột ngọt, bột niêm và bột giặt có chất lượng thấp hơn, sau đó sử dụng máy móc, thiết bị để đóng vào các bao bì mang nhãn hiệu nổi tiếng để bán ra thị trường.
Hà Nội: Bắt quả tang cơ sở kinh doanh bánh kẹo bán hàng nhập lậu gần trường học
Ngày 25/7, Thông tin từ Cục Quản lý thị trường TP. Hà Nội, lực lượng chức năng cho biết vừa tạm giữ hàng hóa vi phạm tại Hộ kinh doanh đại lý bánh kẹo Quang Chiến, huyện Hoài Đức.
Cụ thể, ngày 24/7/2024, Đoàn kiểm tra liên ngành 389 huyện Hoài Đức gồm Đội Quản lý thị trường số 24, Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và ma túy - Công an huyện Hoài Đức và Phòng Kinh tế huyện Hoài Đức tiến hành kiểm tra đối với Hộ kinh doanh Đại lý bánh kẹo Quang Chiến (địa chỉ: Số nhà 266, đường La Phù, thôn Minh Khai, xã La Phù, huyện Hoài Đức, TP. Hà Nội - Khu vực gần cổng Trường Tiểu học xã La Phù.
Tại thời điểm kiểm tra, Đoàn kiểm tra đã phát hiện tại cửa hàng đang bày bán hàng hóa là thực phẩm do nước ngoài sản xuất không có hóa đơn, chứng từ theo quy định của pháp luật là hàng hóa nhập lậu.
Lực lượng Quản lý thị trường kiểm tra tại Hộ kinh doanh Đại lý bánh kẹo Quang Chiến trên địa bàn huyện Hoài Đức.
Cụ thể hàng hóa vi phạm gồm: 30 hộp kẹo có nhãn bằng chữ nước ngoài Choco Necklace (30 cái/hộp, 360 gram/hộp); 40 hộp kẹo có nhãn bằng chữ nước ngoài Chocolate Jurassic (30 cái/hộp, 360 gram/hộp); 40 hộp kẹo hình kem đánh răng có nhãn bằng chữ nước ngoài (10 gram/cái, 30 cái/hộp); 30 hộp Kẹo hình cầu vồng có nhãn bằng chữ nước ngoài (11 gram/cái, 32 cái/hộp).
Đoàn kiểm tra đã tiến hành tạm giữ toàn bộ số hàng hóa vi phạm trên để xử lý theo quy định.
Nam Định: Hàng ngàn sản phẩm quần áo không rõ nguồn gốc xuất xứ bị thu giữ
Qua công tác kiểm tra, lực lượng chức năng TP Nam Định đã phát hiện và thu giữ hàng ngàn sản phẩm quần áo không rõ nguồn gốc xuất xứ trên một chiếc xe ô tô tải thường xuyên giao hàng tại địa bàn.
Chiếc xe ô tô tải BKS 29K - 080.XX do bà N.T.K.G điều khiển thường xuyên giao hàng tại TP Nam Định. Nhận thấy có dấu hiệu vi phạm, vào đêm ngày 4/7 rạng sáng 5/7, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 1 phối hợp với Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Nam Định và Công an phường Thống Nhất đã tiến hành kiểm tra phương tiện này.
Công bố quyết định khám phương tiện vận tải biển kiểm soát 29K - 080.XX.
Kết quả kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện trên xe vận chuyển 1.000 sản phẩm quần áo các loại. Đáng chú ý, trên nhãn hàng hóa không hề thể hiện thông tin về nguồn gốc, xuất xứ.
Tại thời điểm kiểm tra, bà N.T.K.G không xuất trình được hóa đơn, chứng từ hay bất kỳ giấy tờ nào liên quan đến số hàng hóa trên. Bà G khai nhận đã mua số quần áo này trôi nổi trên thị trường về để bán kiếm lời.
Với hành vi vi phạm hành chính về kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, Đội QLTT số 1 đã lập biên bản xử lý đối với bà N.T.K.G. Toàn bộ số hàng hóa vi phạm trị giá gần 40 triệu đồng đã bị thu giữ.
Vụ việc trên là lời cảnh báo cho các hành vi kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng và trật tự thị trường. Lực lượng chức năng TP Nam Định sẽ tiếp tục tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và đảm bảo an toàn thị trường.