Bộ Công Thương yêu cầu xử lý nghiêm các hành vi kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, nguyên liệu nhập lậu
Trước tình hình thương mại quốc tế phức tạp và nguy cơ gia tăng gian lận xuất xứ, Bộ Công Thương đã yêu cầu tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, nguyên liệu nhập lậu nhằm bảo vệ uy tín hàng hóa Việt Nam.
Ngày 15/4/2025, Bộ Công Thương vừa ban hành Chỉ thị 09/CT-BCT, yêu cầu Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các hành vi kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, đặc biệt là nguyên liệu nhập lậu dùng để sản xuất hàng xuất khẩu. Các trường hợp vi phạm nghiêm trọng sẽ được chuyển cơ quan chức năng xử lý theo pháp luật.
Chỉ thị cũng yêu cầu Sở Công Thương các tỉnh, thành phố chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường thường xuyên theo dõi, đấu tranh với các vi phạm thương mại liên quan đến sản xuất hàng xuất khẩu, đồng thời phối hợp chặt chẽ với Cục Xuất nhập khẩu trong việc kiểm tra, giám sát và xử lý các vấn đề về nguồn gốc xuất xứ.
Động thái này diễn ra trong bối cảnh tình hình thương mại quốc tế phức tạp, căng thẳng thương mại gia tăng dẫn đến nguy cơ gian lận xuất xứ hàng hóa ngày càng tinh vi. Bộ Công Thương nhấn mạnh sự cần thiết của việc chủ động thích ứng, thúc đẩy thương mại cân bằng, bền vững, bảo vệ lợi ích của doanh nghiệp Việt Nam và thực hiện các cam kết quốc tế.
Để đạt được mục tiêu này, Bộ Công Thương giao các đơn vị chức năng nghiên cứu, tham mưu sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật về xuất xứ hàng hóa; tăng cường kiểm tra Giấy chứng nhận xuất xứ (C/O), đặc biệt với hàng hóa xuất khẩu sử dụng nguyên liệu nhập khẩu; đề xuất biện pháp ngăn chặn chuyển tải bất hợp pháp và gian lận xuất xứ.
Bộ cũng sẽ phối hợp với Cục Hải quan tăng cường kiểm tra xuất xứ hàng hóa nhập khẩu, đặc biệt là nguyên liệu phục vụ sản xuất xuất khẩu, đồng thời xây dựng hệ thống dữ liệu để kiểm tra, xác minh xuất xứ hàng hóa. Bên cạnh đó, việc thông tin kịp thời về chính sách quản lý nhập khẩu của các nước cũng được chú trọng.
Thu giữ gần 5000 chai rượu ngoại nhập lậu
Ngày 23/1/2025, Cục Cảnh sát môi trường cho biết đã chủ trì, phối hợp cùng Công an quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội phát hiện, thu giữ gần 5000 chai rượu ngoại nhập lậu.
Cụ thể, tối ngày 19/1/2025, tổ công tác Cục Cảnh sát PCTP về môi trường chủ trì, phối hợp cùng Công an quận Hoàng Mai (Hà Nội) đã tiến hành kiểm tra đột xuất địa điểm kinh doanh dịch vụ kho bãi của Công ty TNHH đầu tư thương mại Phú Anh tại địa chỉ tổ 11, phường Thanh Trì, quận Hoàng Mai, Hà Nội.
Số rượu ngoại nhập lậu không rõ nguồn gốc được các đối tượng bốc dỡ từ xe tải tập kết vào kho bãi để chuẩn bị bán ra thị trường phục vụ Tết.
Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện xe ô tô tải BKS 77C-05669 do Võ Đại Hồng Anh (SN 1991, HKTT thôn Thuận Hóa, xã Lộc Bốn, huyện Phú Lộc, TP Thừa Thiên Huế) điều khiển và ô tô tải BKS 29H-61769 do Hoàng Minh Tiến (SN 1972, HKTT tại tổ 8, phường Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai, Hà Nội) điều khiển đang bốc xếp hàng hóa là các thùng rượu có nhãn mác ghi bằng tiếng nước ngoài, không có nhãn phụ tiếng Việt, không dán tem nhập khẩu.
Qua kiểm tra, lực lượng chức năng xác định số hàng hóa gồm gần 5.000 chai rượu “mác ngoại” Chivas, Hibilki, Macallan...
Lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra số rượu ngoại nhập lậu.
Lái xe không xuất trình được hoá đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa, số rượu ngoại trên cũng không dán tem rượu nhập khẩu theo quy định. Lái xe cho biết đã được một người thuê vận chuyển từ Quảng Trị ra Hà Nội để tiêu thụ.
Tổ công tác Cục Cảnh sát PCTP về môi trường đã phối hợp với các lực lượng chức năng tiến hành lập biên bản tạm giữ phương tiện và toàn bộ tang vật để tiếp tục xử lý theo quy định của pháp luật.
Thanh Hóa: Thu giữ, tiêu hủy gần 2 tấn thực phẩm bẩn
Đội Quản lý thị trường số 10, Cục QLTT tỉnh Thanh Hóa vừa phối hợp với Công an Thành phố Thanh Hóa tiến hành kiểm tra đột xuất 02 cơ sở kinh doanh thực phẩm đông lạnh trên địa bàn thành phố Thanh Hóa có dấu hiệu vi phạm về pháp luật an toàn thực phẩm…
Qua kiểm tra, 02 chủ cơ sở kinh doanh thực phẩm đã không xuất trình được hóa đơn chứng từ liên quan đến số thực phẩm đang kinh doanh, kinh doanh thực phẩm nhập lậu, quá hạn sử dụng, không có đăng ký thành lập hộ kinh doanh theo quy định.
Các cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý số thực phẩm bẩn
Lực lượng Công an và Quản lý thị trường đã thu giữ toàn bộ số hàng hóa vi phạm trên, bao gồm: gần một tấn chân gà, chân gà rút xương và ức gà, vịt; 898 gói xúc xích các loại, 32 gói chân giò ủ muối, chả sụn non… Tổng số thực phẩm bẩn thu giữ khoảng 2 tấn. Các cơ quan chức năng đã củng cố hồ sơ vụ việc và ra quyết định xử phạt vi phạt hành chính đối với hai cơ sở tiền với tổng số tiền 65.5 triệu đồng.
Sáng 06/01/2025, toàn bộ số hàng hóa là thực phẩm trên đã được tiêu hủy theo đúng quy định của pháp luật.