Thu hồi lô mỹ phẩm Bamboo Clearsing Foam Collagen không đạt chất lượng
Ngày 27/12, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) thông báo đình chỉ lưu hành, thu hồi lô sản phẩm mỹ phẩm Bamboo Clearsing Foam Collagen - Tuýp 150ml không đáp ứng yêu cầu chất lượng.
Cụ thể, lô sản phẩm Bamboo Clearsing Foam Collagen - Tuýp 150ml (trên nhãn ghi thông tin Số lô: 01; NSX: 03062022; HSD: 03062025).
Các sản phẩm mỹ phẩm Bamboo Clearsing Foam Collagen - Tuýp 150ml đang được chào bán trên thị trường.
Sản phẩm này do Công ty TNHH dược mỹ phẩm Nhật Hàn (địa chỉ tại số 366/11 Lê Văn Quới, khu phố 11, P. Bình Hưng Hòa A, Q. Bình Tân, TP. Hồ Chí Minh) sản xuất, được phân phối ra thị trường bởi Công ty TNHH sản xuất thương mại Ngọc Khải (địa chỉ tại A5-21F, Khu phức hợp căn hộ Hoàng Kim Thế Gia, số 31 Trương Phước Phan, P. Bình Trị Đông, Q. Bình Tân, TP. Hồ Chí Minh).
Theo Cục Quản lý dược, lý do thu hồi lô mỹ phẩm trên do mẫu thử không đáp ứng yêu cầu chất lượng về chỉ tiêu giới hạn vi sinh vật trong mỹ phẩm theo quy định.
Do vậy, Cục Quản lý dược đề nghị sở y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tiến hành thông báo cho các cơ sở kinh doanh, sử dụng mỹ phẩm trên địa bàn ngừng ngay việc kinh doanh, sử dụng lô sản phẩm Bamboo Clearsing Foam Collagen nêu trên và trả lại cơ sở cung ứng sản phẩm.
Đồng thời, các sở y tế tiến hành thu hồi và tiêu hủy lô sản phẩm vi phạm nêu trên; kiểm tra, giám sát các đơn vị thực hiện thông báo; xử lý các đơn vị vi phạm theo quy định hiện hành.
Yêu cầu Công ty TNHH sản xuất thương mại Ngọc Khải, Công ty TNHH dược mỹ phẩm Nhật Hàn phải gửi thông báo thu hồi tới những nơi phân phối, sử dụng lô sản phẩm Bamboo Clearsing Foam Collagen nêu trên.
Tiếp nhận sản phẩm trả lại từ các cơ sở kinh doanh, tiến hành thu hồi và tiêu hủy toàn bộ lô sản phẩm không đáp ứng quy định; gửi báo cáo thu hồi và tiêu hủy lô sản phẩm về Cục Quản lý dược trước ngày 31/1/2024.
TP.HCM: Tiêu hủy lô hàng giả trị giá gần 7 tỷ đồng
Ngày 15/12/2023, tại Trạm xử lý Công ty TNHH SX-TM-DV Môi trường Việt Xanh, địa chỉ: Lô H10E, Khu Công nghiệp Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh, TP.HCM, Đội QLTT số 3, Cục QLTT TP.HCM đã tiến hành phối hợp thực hiện việc giám sát tiêu hủy lô hàng hóa vi phạm thuộc 51 Quyết định xử phạt vi phạm hành chính do Cục trưởng Cục QLTT TP.HCM và Đội trưởng Đội QLTT số 3 ban hành.
Lô hàng hóa vi phạm bị buộc tiêu hủy trị giá 6.750.816.000 đồng, gồm 24.400 đơn vị sản phẩm là thuốc tân dược không rõ nguồn gốc xuất xứ, phụ tùng xe gắn máy quần áo, thực phẩm, mỹ phẩm, thuốc, túi xách, giày dép, … giả mạo các nhãn hiệu Gucci, Chanel, Adidas, Nike…
Toàn bộ số hàng được tiêu hủy bằng hình thức đốt hủy trực tiếp trong lò đốt hai cấp ở nhiệt độ cao trên 1.050 độ C, có hệ thống xử lý khói thải và hệ thống xử lý nước rửa khói đồng bộ, quá trình tiêu hủy hàng hóa đảm bảo yêu cầu kỹ thuật về môi trường, có sự giám sát chặt chẽ của lực lượng chức năng theo quy định.
Cùng với việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về thương mại, việc tiêu hủy hàng hóa vi phạm là công tác nằm trong kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả các tháng cuối năm 2023; dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024 của Cục Quản lý thị trường TP.HCM. Cục Quản lý thị trường TP.HCM chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường tiếp tục tăng cường, tập trung kiểm tra, kiểm soát thị trường và xử lý vi phạm hành chính đối với những mựt hàng có nhu cầu tiêu dùng cao trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán như bánh kẹo, đường cát, hoa quả, rượu, bia, thuốc lá, nước giải khát, hàng điện tử, điện lạnh, quần áo, giày dép, động vật và sản phẩm chế biến từ động vật, pháo nổ, pháo hoa các loại…; đặc biệt, tổ chức giám sát chặt chẽ hoạt động kinh doanh xăng dầu, khí mỏ hóa lỏng, không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý nhằm góp phần đảm bảo ổn định thị trường để phục vụ nhu cầu Tết cho nhân dân.
Gia Lai: Bắt giữ 2 đối tượng và 384 kg pháo lậu
Thực hiện kế hoạch mở đợt cao điểm đấu tranh phòng-chống tội phạm; chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trên tuyến biên giới tỉnh Gia Lai dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, Bộ đội Biên phòng tỉnh chủ trì, phối với các lực lượng tổ chức bắt giữ nhiều đối tượng vận chuyển pháo lậu từ Campuchia vào Việt Nam.
Đối tượng và tang vật vi phạm.
Lúc 20 giờ 30 phút ngày 8-12, tại khu vực lô cao su thuộc đội 9 (C9), thôn Ia Đao, xã Ia Nan (huyện Đức Cơ), đội đánh án thuộc Ban Chuyên án GL1223p phối hợp với Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh, Đồn Biên phòng Ia Nan và Công an huyện Đức Cơ tổ chức mật phục, phát hiện 3 đối tượng đang thực hiện giao dịch, mua bán pháo lậu.
Lực lượng thực hiện nhiệm vụ đã tiến hành bắt quả tang 2 đối tượng, gồm: Phùng Thị Thế (SN 1983, thường trú tại làng Bi, xã Ia Dom, huyện Đức Cơ) và Mai Quốc Vương (SN 1989; thường trú tại làng Ia Kăm, xã Ia Krêl, huyện Đức Cơ). Đối tượng còn lại lợi dụng đêm tối chạy trốn vào rừng.
Đối tượng Vương và Thế tại Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh.
Tang vật thu giữ gồm: 384 kg pháo được đựng trong 9 bao tải (trong đó: 370 kg pháo hộp được đựng trong 8 bao tải và 14 kg pháo bi được đựng trong 1 bao tải), 2 xe máy và 3 điện thoại di động.
Lực lượng thực hiện nhiệm vụ đã dẫn giải người, tang vật, phương tiện về Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh để tiến hành các thủ tục theo quy định của pháp luật.
Đối tượng Vương khai nhận, do nhu cầu mua pháo nổ để chơi Tết Nguyên đán nên nảy sinh ý định mua về bán kiếm lời. Vương đã gọi điện thoại nhờ bà Phùng Thị Thế giới thiệu người bán pháo và được bà Thế giới thiệu đối tượng tên Thắng là người bán pháo.
Các lực lượng chức năng thực nghiệm hiện trường.
Vương thỏa thuận mua của đối tượng Thắng 90 hộp pháo hoa nổ, loại “49”, với giá 420.000 đồng/1 hộp. Tối 8-12, theo sự hướng dẫn của đối tượng Thắng, Vương đã điều khiển xe máy đi vào khu vực thôn Ia Đao, xã Ia Nan để giao dịch mua pháo thì bị lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ. Đối tượng Thắng chạy vào rừng bỏ trốn.
Hiện đơn vị đang phối hợp với các lực lượng chức năng hoàn chỉnh hồ sơ, thủ tục ban đầu, theo quy định của pháp luật.
Vùng Cảnh sát biển 4 bắt tàu vận chuyển 80.000 lít dầu DO trái phép
Ngày 27-11, Vùng Cảnh sát biển 4 cho biết, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ trên biển, lực lượng chức năng đã phát hiện, kiểm tra và tạm giữ 1 tàu đang vận chuyển khoảng 80.000 lít dầu DO trái phép.
Lực lượng chức năng của Bộ tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 lập biên bản tàu vi phạm.
Cụ thể, vào lúc 12 giờ, ngày 26-11, lực lượng chức năng của Bộ tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 phát hiện, kiểm tra tàu BT 92009 TS.
Tại thời điểm kiểm tra, trên tàu BT 92009 TS có 4 thuyền viên, do ông Lê Hoàng Thi, sinh năm 1985, địa chỉ thường trú tại xã Tây Yên A, huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang làm thuyền trưởng. Theo lời khai ban đầu của thuyền trưởng, tàu đang vận chuyển khoảng 80.000 lít dầu DO không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp.
Lực lượng chức năng của Bộ tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 đã tiến hành lập biên bản, niêm phong hàng hóa vi phạm. Sau đó, dẫn giải phương tiện về cảng Hải đội 421 tại huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau để tiếp tục điều tra, xử lý đúng theo quy định của pháp luật.
Thanh Hóa: Phát hiện, xử lý cơ sở làm giả giấy vệ sinh
Theo Công an tỉnh Thanh Hóa, qua công tác nắm tình hình, Công an huyện Hoằng Hóa và Đội QLTT số 10, Cục QLTT tỉnh Thanh Hóa vừa phối hợp kiểm tra và phát hiện cơ sở sản xuất giấy Đạt Phát có địa chỉ ở xã Hoằng Phụ, huyện Hoằng Hóa do ông Nguyễn Trọng Hải làm chủ đã sản xuất giả mạo nhãn hiệu của các thương hiệu giấy vệ sinh đang bán trên thị trường….
Các lực lượng chức năng tiến hành lập biên bản niêm phong tạm giữ toàn bộ số hàng hóa có dấu hiệu vi phạm
Theo đó, ngày 13/11, qua kiểm tra lực lượng chức năng đã tạm giữ một lượng lớn nguyên liệu và giấy vệ sinh thành phẩm cùng nhiều loại bao bì có dấu hiệu hàng giả và hàng hóa giả mạo nhãn hiệu của các thương hiệu giấy vệ sinh đang bán trên thị trường gồm: HaNoi Silk, Napkin, Vietnam Arilines, Hai Hoa.
Qua làm việc, ông Hải khai nhận: Toàn bộ số giấy vệ sinh trên là do ông mua bao bì, túi đựng có in nhãn hiệu và thông tin trên bao bì, mua trôi nổi trên thị trường sau đó mang về tự đóng gói.
Đoàn kiểm tra đã tiến hành lập biên bản niêm phong tạm giữ toàn bộ số hàng hóa có dấu hiệu vi phạm nói trên gồm: 14.300 cuộn và 840 túi giấy vệ sinh Vietnam Arilines, HaNoi Silk, Hai Hoa; 720 túi khăn giấy Napkin; 110 kg bao bì đựng nhãn Vietnam Arilines và hàng không; 12 kg cuộn giấy trắng….
Hiện vụ việc đang tiếp tục được cơ quan chức năng điều tra, làm rõ.
Cao Bằng: Thu giữ 115kg giun đất đã sấy khô
Đội Quản lý thị trường số 1, Cục Quản lý thị trường tỉnh Cao Bằng vừa thu giữ 115kg giun đất đã sấy khô, không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Vào hồi 09 giờ 35 phút ngày 02/11/2023, tại Tổ 4 phường Sông Bằng, thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng, Đội Quản lý thị trường số 1 thực hiện công tác nắm tình hình địa bàn phát hiện xe ô tô 4 chỗ biển kiểm soát 11A-03X.XX đang dừng đỗ để trả hàng. Tổ công tác của Đội Quản lý thị trường số 1 đã yêu cầu người điều khiển đưa phương tiện và hàng hóa về trụ sở Đội để tiến hành khám phương tiện theo thủ tục hành chính.
Công chức Đội QLTT số 1 kiểm tra tang vật vi phạm
Tại thời điểm khám phương tiện vận tải trên xe ô tô 11A-03X.XX có vận chuyển 03 bao tải dứa giun đất sấy khô có tổng trọng lượng 115kg đã mốc và bốc mùi hôi thối, trên bao bì không có thông tin thể hiện nguồn gốc, xuất xứ của hàng hoá, không có tài liệu kèm theo hoặc bất cứ thông tin nào khác được thể hiện trên bao bì. Đội Quản lý thị trường số 1 tạm giữ phương tiện và hàng hóa để xác minh làm rõ chủ sở hữu để xử lý theo quy định của pháp luật.
Tang vật vi phạm là giun đất sấy khô không rõ nguồn gốc, xuất xứ bị Đội QLTT số 1 thu giữ
Quá trình thẩm tra xác minh, Đội Quản lý thị trường số 1 xác định ông NĐĐ, địa chỉ thường trú huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc lái xe đồng thời là chủ sở hữu của số hàng hóa trên không xuất trình được hóa đơn, chứng từ hay giấy tờ gì liên quan đến toàn bộ số hàng hóa trên.
Ngày 06 tháng 11 năm 2023, Đội Quản lý thị trường số 1 tiến hành lập biên bản đối với ông ông NĐĐ, địa chỉ thường trú huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc về hành vi vi phạm hành chính: Kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, trình cấp có thẩm quyền xử lý vụ việc theo quy định của pháp luật đồng thời phối hợp với các cơ quan chức năng tiêu hủy toàn bộ hàng hóa không đủ điều kiện lưu thông theo quy định của pháp luật.
Ngăn chặn vận chuyển hàng chục nghìn con gia cầm giống không rõ nguồn gốc tại Lạng Sơn
Vào ngày 29/9/2023, tại KM 24+300 đường tỉnh 234 thuộc xã Bắc Thủy, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn, Đội Quản lý thị trường số 4 đã phối hợp với Đội CSGT đường bộ số 1 và Đội Cảnh sát Kinh tế để kiểm tra một xe ô tô tải thương hiệu SUZUKY loại 7 tạ, do ông Quan Văn Bình là người điều khiển, có địa chỉ thôn Bò Cại, xã Gia Cát, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn.
Trong quá trình kiểm tra, lực lượng kiểm tra phát hiện trong thùng xe ô tô có cất giấu 132 lồng nhựa màu vàng, chứa đựng 19.800 con gia cầm giống (gà con giống loại từ 3 đến 5 ngày tuổi). Nhiều con trong số này đã chết, có biểu hiện yếu, đầu cổ bị run và bốc mùi hôi thối. Không có giấy tờ hoặc căn cứ xác định nguồn gốc hoặc xuất xứ của gia cầm giống này. Ông Quan Văn Bình cũng không xuất trình được bất kỳ hóa đơn, chứng từ hoặc giấy tờ liên quan đến số lượng gia cầm giống nêu trên.
Đội Quản lý thị trường số 4 đã tạm giữ phương tiện và toàn bộ hàng hóa để ngăn chặn việc vi phạm hành chính. Cơ quan chức năng đang tiến hành thẩm tra, xác minh tình tiết liên quan đến vụ việc và phối hợp với các cơ quan chuyên môn để tiến hành xử lý theo quy định của pháp luật.
Sự can thiệp kịp thời này là một phần của nỗ lực của tỉnh Lạng Sơn để ngăn chặn và xử lý các trường hợp vận chuyển trái phép gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc xuất xứ, nhằm bảo vệ sức khỏe của người tiêu dùng và đảm bảo an toàn thực phẩm trên thị trường.
Hải quan hỏa tốc yêu cầu ngăn chặn “con buôn” iPhone 15 lậu
Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan nhận thấy một số đối tượng đang tìm cách xách lậu iPhone 15 từ các thị trường mở bán sớm vào Việt Nam.
Ngày 22/9 tới đây, Apple chính thức mở bán Iphone 15 tại một số nước như Singapore, Thái Lan. Tại Việt Nam, dù được nâng hạng trên thị trường song thời gian mở bán vẫn chậm hơn 7 ngày.
Do nhu cầu của nhiều tín đồ yêu thích và mong muốn sở hữu iPhone 15 sớm, vì vậy, các dân buôn đã liên tục gom đơn và đặt hàng từ ngày 15/9, ngay khi Apple mở đặt cọc tại một số quốc gia.
Theo đó, Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan cho biết, đơn vị cũng vừa hoả tốc gửi văn bản yêu cầu Cục Hải quan một số địa phương tăng cường kiểm tra, kiểm soát mặt hàng thiết bị điện tử viễn thông, điện thoại iPhone nhập lậu trên tuyến hàng không.
Theo đó, qua công tác nghiệp vụ, Cục Điều tra chống buôn lậu nhận thấy một số đối tượng kinh doanh điện thoại đang tìm cách vận chuyển trái phép điện thoại iPhone 15 từ các thị trường mở bán sớm ngày 22/9/2023 như Singapore, Thái Lan về Việt Nam.
Để tăng cường công tác kiểm soát nhằm phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn kịp thời hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới đối với mặt hàng điện tử nói chung và mặt hàng điện thoại iPhone 15 nói riêng, Cục Điều tra chống buôn lậu đề nghị Cục Hải quan các địa phương TP. Hà Nội, Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh chỉ đạo lực lượng kiểm soát và các Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế trực thuộc chủ động nắm chắc tình hình, triển khai các biện pháp nghiệp vụ, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát.
Cục Điều tra chống buôn lậu đề nghị lực lượng kiểm soát trực thuộc Cục Hải quan tăng cường công tác nắm tình hình địa bàn, thu thập thông tin, rà soát, phát hiện đưa vào diện kiểm tra, giám sát trọng điểm đối với các đối tượng thuộc nhóm hành khách trên những chuyến bay Singapore, Thái Lan, Mỹ, Nhật, Hồng Kông (Trung Quốc) về Việt Nam tiềm ẩn nhiều rủi ro buôn lậu, vận chuyển trái phép qua biên giới mặt hàng thiết bị điện tử.
Tăng cường kiểm tra bánh và kẹo Tết Trung thu tại TP Vinh, Nghệ An
Đội Quản lý thị trường số 3 và Phòng Cảnh sát kinh tế tỉnh Nghệ An đã tiến hành kiểm tra hai cơ sở kinh doanh bánh và kẹo phục vụ Tết Trung thu tại TP Vinh. Kết quả là vi phạm hành chính đã được xử phạt và buộc tiêu hủy hàng hóa vi phạm, với tổng trị giá thu phạt gần 35 triệu đồng.
Trong bối cảnh chuẩn bị cho mùa Tết Trung thu và Tết Nguyên đán, Đội Quản lý thị trường số 3 đã thực hiện kiểm tra các cơ sở kinh doanh bánh và kẹo trên địa bàn TP Vinh, tỉnh Nghệ An. Quá trình kiểm tra đã phát hiện các vi phạm hành chính.
Tại cơ sở kinh doanh L.T.N trên đường Lý Tự Trọng, TP Vinh, cơ quan kiểm tra đã phát hiện 415 hộp bánh dẻo hoa quả và bánh hạt dẻ nướng, sản xuất bởi nước ngoài, nhưng không có hóa đơn chứng từ xác nhận nguồn gốc và xuất xứ của số bánh này. Cơ sở này đã bị xử phạt hành chính và buộc phải tiêu hủy hàng vi phạm, với tổng trị giá thu phạt gần 10 triệu đồng.
Kiểm tra tại Hộ kinh doanh L.T.N
Tại cửa hàng kinh doanh M.T trên đường Đề Thám, TP Vinh, kiểm tra đã phát hiện cửa hàng này kinh doanh hàng tạp hóa dưới hình thức Hộ kinh doanh mà không đăng ký đúng quy định. Đồng thời, cửa hàng cũng kinh doanh 960 bánh ngọt không rõ nguồn gốc và xuất xứ. Cửa hàng này đã bị xử phạt hành chính và buộc phải tiêu hủy hàng hóa vi phạm. Tổng tiền thu phạt là 25 triệu đồng.
Các biện pháp này nhằm đảm bảo chất lượng và nguồn gốc của các sản phẩm bánh và kẹo trong mùa Tết Trung thu, đồng thời bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Đội Quản lý thị trường số 3 cam kết tiếp tục kiểm tra hàng hóa kém chất lượng và không rõ nguồn gốc xuất xứ, đóng góp vào sự ổn định của thị trường.
Biên phòng Quảng Ninh thu giữ 1,6 tấn lòng lợn không rõ nguồn gốc vào lúc 0h sáng
Lúc 0h, ngày 24 tháng 8, tại tuyến Quốc lộ 18C, đoạn thuộc thôn Thán Phún, xã Hải Sơn, TP Móng Cái, đội tuần tra bảo vệ biên giới thuộc Đồn Biên phòng Pò Hèn đã phát hiện một chiếc xe ô tô tải mang biển kiểm soát 29C-560.xx đang di chuyển từ xã Hải Sơn đến xã Bắc Sơn (thuộc TP Móng Cái).
Nhận thấy phương tiện có biểu hiện nghi vấn, đội tuần tra đã tiến hành tín hiệu dừng xe để thực hiện kiểm tra. Lái xe là ông Phạm Minh Hiền, sinh năm 1993, có địa chỉ tại khu 4, phường Hải Hòa, TP Móng Cái. Cùng đi với ông Hiền là Nình A Lý, sinh năm 1982, trú tại thôn Thán Phún, xã Hải Sơn, TP Móng Cái.
Khi tiến hành kiểm tra phương tiện, lực lượng biên phòng đã phát hiện hơn 1,6 tấn lòng lợn đông lạnh được chứa trong thùng xe. Tuy nhiên, tại thời điểm này, ông Hiền và ông Lý không thể cung cấp giấy tờ chứng minh nguồn gốc của số hàng hóa này.
Hai người khai nhận vận chuyển thuê cho một người phụ nữ không rõ danh tính để lấy tiền công.
Đồn Biên phòng Pò Hèn đang hoàn tất hồ sơ xử lý vụ việc theo quy định của pháp luật.