Đăng nhập

Lai Châu: Xử phạt cơ sở kinh doanh vợt pickleball không rõ nguồn gốc xuất xứ

Ngày 8/10/2024, Cục QLTT tỉnh Lai Châu cho biết, Đội Quản lý thị trường số 1 phối hợp với Cảnh sát kinh tế kiểm tra, xử lý cơ sở kinh doanh thể thao bán vợt pickleball không rõ nguồn gốc, xuất xứ…

Cụ thể, vào hồi 09 giờ 45 phút ngày 07/10/2024 tại số nhà 043, đường Trần Phú, tổ 14, phường Tân Phong, thành phố Lai Châu, tỉnh Lai Châu, Đội Quản lý thị trường số 1 phối hợp với Phòng Cảnh sát kinh tế (PC03) - Công an tỉnh Lai Châu tiến hành kiểm tra đột xuất đối với Cửa hàng thể thao C&C Sport (Hộ kinh doanh C&C SPORT) do ông Khổng Văn Mạnh là chủ hộ kinh doanh. 

Lực lượng Quản lý thị trường kiểm tra Cửa hàng thể thao C&C Sport

Tại thời điểm kiểm tra, cơ sở đang bày bán vợt pickleball; thực hiện bán hàng online thông qua hình thức đăng bài trên mạng xã hội facebook bằng tài khoản “Mạnh Sports”… Đoàn kiểm tra phát hiện cơ sở đang bày bán vợt Pickleball, số lượng 18 cái, trị giá 9 triệu đồng. 

Toàn bộ hàng hoá được đựng trong các túi nilon trong suốt, thông tin trên nhãn hàng hoá không có căn cứ xác định được nguồn gốc nơi sản xuất hoặc xuất xứ của hàng hoá. Quá trình làm việc chủ cơ sở không xuất trình được hoá đơn, chứng từ, giấy tờ khác liên quan.

Cửa hàng thể thao C&C Sport và số vợt pickleball bày bán không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Đoàn kiểm tra đã tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính, trình Đội trưởng Đội quản lý thị trường số 1 ban hành quyết định xử phạt đối với ông Khổng Văn Mạnh số tiền 4 triệu đồng, đồng thời tịch thu toàn bộ số hàng hóa vi phạm để xử lý theo quy định.

Lạng Sơn: Tạm giữ hơn 17.000 sản phẩm có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu

Ngày 25/9/2024, Cục Quản lý thị trường Lạng Sơn thông tin, lực lượng chức năng vừa phối hợp kiểm tra đột xuất Công ty TNHH Sản xuất, thương mại và dịch vụ Newhome (địa chỉ thôn Khòn Pát, xã Mai Pha, thành phố Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn), do C.T.P, là người đại diện theo pháp luật.

Cụ thể, ngày 23/9/2024, Đội Quản lý thị trường số 6 phối hợp cùng Đội kiểm tra công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tỉnh Lạng Sơn (Đội 389 tỉnh Lạng Sơn) và phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế PC03 Công an tỉnh Lạng Sơn kiểm tra đột xuất Công ty TNHH sản xuất, thương mại và dịch vụ Newhome, phát hiện hơn 17 nghìn sản phẩm hàng hóa có dấu hiệu vi phạm giả mạo nhãn hiệu.

Lực lượng chức năng kiểm đếm hàng hóa vi phạm.

Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện bà C.T.P đang sản xuất, lắp ráp các loại bếp từ mang nhãn hiệu Panasonic, nhãn hiệu Philips và các linh kiện, dụng cụ, tem nhãn dùng để sản xuất, lắp ráp. Qua kiểm đếm số lượng hàng hóa có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu lên đến 17.013 đơn vị sản phẩm.

Căn cứ và kết quả kiểm tra, Đội Quản lý thị trường số 6 đã tiến hành tạm giữ đối với toàn bộ số hàng hóa nêu trên để xử lý theo quy định của pháp luật.

Ninh Bình: Phát hiện hơn 3.300 chiếc bánh trung thu không rõ nguồn gốc

Ngày 11/9/2024, Cục QLTT tỉnh Ninh Bình cho biết vừa phát hiện hàng nghìn chiếc bánh Trung thu không rõ nguồn gốc, xuất xứ tại một cửa hàng kinh doanh thực phẩm tại TP Ninh Bình.

Cụ thể, ngày 10/9, Đội Quản lý thị trường số 1 - Cục Quản lý thị trường tỉnh Ninh Bình phối hợp với Phòng Cảnh sát kinh tế - Công an tỉnh tiến hành kiểm tra đột xuất đối với Cửa hàng kinh doanh thực phẩm Chí Cường tại phường Tân Thành, thành phố Ninh Bình.

Lực lượng Cục Quản lý thị trường tỉnh phối hợp với Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh tiến hành kiểm tra tại Cửa hàng kinh doanh thực phẩm Chí Cường.

Tại thời điểm kiểm tra, Đoàn kiểm tra phát hiện cửa hàng đang kinh doanh hàng hóa là thực phẩm, gồm: 332 chiếc bánh Trung thu loại 500g/chiếc; 2.160 chiếc bánh Trung thu loại 40g/chiếc, 120 chiếc bánh Trung thu loại 66,5g/chiếc, 120 gói bánh trung thu loại 180g/gói (6 chiếc/gói).

Toàn bộ số hàng hóa trên không có nhãn hàng hóa, không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Chủ hộ kinh doanh là ông Mai Chí Cường không xuất trình được giấy tờ, hóa đơn chứng minh nguồn gốc xuất xứ hàng hóa theo quy định.

Lực lượng Quản lý thị trường tỉnh Ninh Bình đã ban hành Quyết định xử phạt hộ kinh doanh Mai Chí Cường về hành vi kinh doanh hàng hóa là thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ với số tiền 17 triệu đồng, đồng thời buộc tiêu hủy 3.332 chiếc bánh Trung thu các loại nói trên tại Nhà máy xử lý chất thải rắn Ninh Bình ở xã Đông Sơn, TP Tam Điệp.

Nghệ An: Tăng cường kiểm tra, kiểm soát các mặt hàng phục vụ Tết Trung thu năm 2024 trên địa bàn TP Vinh

Trong ngày 22/8/2024, Đội QLTT số 3 - Cục QLTT tỉnh Nghệ An đã kiểm tra, phát hiện 02 vụ việc vi phạm với tổng giá trị thu phạt đạt gần 77 triệu (trong đó tiền xử phạt là 24,5 triệu đồng, trị giá hàng vi phạm là 51,4 triệu đồng)

Bám sát chỉ đạo của Tổng cục Quản lý thị trường, Cục Quản lý thị trường Nghệ An về việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường trong dịp Tết trung thu và kiểm tra chất lượng sản phẩm hàng hóa đến hết năm 2024; Trong ngày 22/8/2024, Đội QLTT số 3 đã kiểm tra, phát hiện 02 vụ việc vi phạm với tổng giá trị thu phạt đạt gần 77 triệu.

Hình ảnh kiểm tra tại hộ kinh doanh

Sáng ngày 22/8/2024, Đội QLTT số 3 phát hiện hộ kinh doanh Phan Thị Giang có địa chỉ tại số 84 đường Lê Huân, phường Hồng Sơn, TP.Vinh đang kinh doanh 2.036 cái đồ chơi trẻ em các loại. Tại thời điểm kiểm tra, chủ hộ kinh doanh không xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của số đồ chơi nói trên. Đội QLTT số 3 đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính số tiền 12,5 triệu đồng, trị giá hàng hoá vi phạm là 36.648.000 đồng.

Đội QLTT số 3 phối hợp lực lượng chức năng kiểm tra hàng hóa vi phạm

Cũng trong ngày, Đội QLTT số 3 phối hợp với lực lượng chức năng tổ chức khám phương tiện vận tải, đồ vật đối với xe ô tô tải nhãn hiệu THACO mang biển kiểm soát 36H-004.87 do ông Hoàng Thanh Sơn điều khiển. Qua kiểm tra, đoàn kiểm tra phát hiện ông Hoàng Thanh Sơn đã thực hiện hành vi kinh doanh hàng hóa (thực phẩm) không rõ nguồn gốc xuất xứ. Ông Hoàng Thanh Sơn người điều khiển phương tiện đồng thời là chủ sở hữu lô hàng đã công nhận hành vi vi phạm. Tang vật vi phạm được phát hiện gồm 1.200 cái cánh gà, 100 gói kẹo vỉ và 3.500 gói xúc xích không rõ nguồn gốc xuất xứ với tổng trị giá 15,8 triệu đồng. Đội QLTT số 3 đã ra quyết định xử phạt 12 triệu đồng, buộc tiêu hủy toàn bộ số hàng hóa vi phạm.

TP.HCM: Tạm giữ gần 1.000 sản phẩm giả nhãn hiệu

Sáng 13/8, Cục Quản lý thị trường TPHCM cho hay vừa thu giữ 922 đơn vị sản phẩm không có hóa đơn chứng từ, có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu.

Cụ thể, ngày 9/8, Đội Quản lý thị trường số 12 (Cục Quản lý thị trường TPHCM) phối hợp với UBND phường 11, quận Gò Vấp kiểm tra hộ kinh doanh trên đường Quang Trung, phường 11, quận Gò Vấp.

Quản lý thị trường kiểm tra lượng lớn sản phẩm giả mạo nhãn hiệu nước ngoài.

Qua kiểm tra, đoàn phát hiện tại đây đang kinh doanh 922 đơn vị sản phẩm hàng hóa, không thực hiện ghi nhãn hàng hóa theo quy định, hàng hoá có nhãn hiệu được in trực tiếp trên sản phẩm, không thể bóc tách hoặc tháo rời, chưa qua sử dụng.

Hàng hóa vi phạm chủ yếu là nước hoa, túi xách, bóp ví,...

Theo Cục Quản lý thị trường, hàng hóa chủ yếu là nước hoa, túi xách, bóp ví, thắt lưng, đồng hồ, ốp lưng, tai nghe điện thoại di động, máy tăm nước, massage cơ cầm tay và gối massage có dấu hiệu giả mạo các nhãn hiệu nước ngoài.

Thống kê cho thấy, tổng trị giá hàng hóa vi phạm gần 100 triệu đồng.

Phú Yên:  Phát hiện hơn 13.500 mặt hàng không có phiếu tiếp nhận công bố chất lượng sản phẩm.

Ngày 1/8/2024, Phòng Cảnh sát Kinh tế, Công an tỉnh Phú Yên thông tin cho biết, vừa phát hiện hơn 13.500 mặt hàng kem dưỡng da, sữa tắm, sữa rửa mặt, kẹo giảm cân và mỹ phẩm các loại không có phiếu tiếp nhận công bố chất lượng sản phẩm tại Công ty TNHH K.N Beauty (phường 9, thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên).

Phòng Cảnh sát Kinh tế, Công an tỉnh Phú Yên phối hợp Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao và Công an thành phố Tuy Hòa vừa khám xét hành chính tại trụ sở Công ty TNHH K.N Beauty do Lê Thị Kim N. (sinh năm 1991) làm Giám đốc, qua đó phát hiện doanh nghiệp này đã xuất bán hơn 5.000 đơn hàng, thu về hàng tỷ đồng nhưng không kê khai, ghi chép sổ sách, xuất hóa đơn GTGT cho người mua nhằm trốn thuế.

Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng Công an phát hiện tại trụ sở của doanh nghiệp này có 14.631 sản phẩm kem dưỡng da, sữa tắm, sữa rửa mặt, kẹo giảm cân và mỹ phẩm các loại, trị giá 3,7 tỷ đồng, trong đó hơn 13.500 mặt hàng không có phiếu tiếp nhận công bố chất lượng sản phẩm.

Theo thông tin điều tra, Lê Thị Kim N., Giám đốc Công ty TNHH K.N Beauty, đã lợi dụng các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Zalo, Tiktok để quảng cáo và bán hàng trực tuyến. Từ tháng 3/2020 đến nay, doanh nghiệp này đã xuất bán hơn 5.000 đơn hàng, thu về hàng chục tỷ đồng nhưng lại cố tình chia nhỏ, “xé lẻ” các giao dịch để trốn thuế.

Lực lượng chức năng phát hiện hơn 13.500 mặt hàng không có phiếu tiếp nhận công bố chất lượng sản phẩm.

Cụ thể, Lê Thị Kim N. chỉ kê khai và nộp thuế với số tiền rất nhỏ, trong khi doanh thu thực tế của doanh nghiệp là rất lớn. Hành vi này không chỉ gây thất thu ngân sách nhà nước mà còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của người tiêu dùng khi sử dụng các sản phẩm mỹ phẩm không rõ nguồn gốc, có thể gây hại cho sức khỏe.

Hiện nay, các đơn vị nghiệp vụ Công an tỉnh Phú Yên đang tiếp tục điều tra làm rõ vụ việc và xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm theo quy định của pháp luật.

Quảng Bình: Phát hiện gần 2.000 cuốn sách, vở không rõ nguồn gốc xuất xứ

Ngày 4/7, Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh cho biết, đơn vị vừa chủ trì phối hợp với các lực lượng chức năng, gồm: Quản lý thị trường, Công an TP. Đồng Hới và Công an huyện Lệ Thủy đồng loạt kiểm tra tại một số cơ sở kinh doanh văn phòng phẩm trên địa bàn, phát hiện gần 2.000 cuốn sách, vở không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Theo đó, ngày 2/7, các lực lượng phối hợp tiến hành kiểm tra cơ sở kinh doanh văn phòng phẩm Thủy Tiên tại phường Đồng Hải, TP. Đồng Hới, phát hiện hơn 1.350 cuốn sách, vở các loại. Tất cả số sách, vở này đều không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp, có dấu hiệu giả mạo sách của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.

Lực lượng chức năng kiểm tra tại một cơ sở kinh doanh văn phòng phẩm.

Tại huyện Lệ Thủy, lực lượng chức năng kiểm tra tại cơ sở kinh doanh văn phòng phẩm Đăng Cường ở thị trấn Kiến Giang, phát hiện hơn 600 cuốn sách, vở các loại không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp, có dấu hiệu giả mạo sách của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam và Nhà xuất bản Đại học sư phạm TP. Hồ Chí Minh. 

Hiện cơ quan chức năng đã lập hồ sơ xử lý 2 cơ sở kinh doanh nói trên theo quy định pháp luật.

Lạng Sơn: Tiêu hủy 1,5 tấn xúc xích không có nguồn gốc xuất xứ

Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn đã ra quyết định xử phạt và buộc tiêu hủy 1,5 tấn xúc xích không có nguồn gốc xuất xứ, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm theo quy định pháp luật.

Cán bộ Phòng Cảnh sát kinh tế kiểm tra xe hàng chứa 1,5 tấn xúc xích không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ.

Ngày 9/5, thông tin từ Công an tỉnh Lạng Sơn cho biết, sau một cuộc kiểm tra tại xã Bính Xá, huyện Đình Lập, đơn vị đã phát hiện một xe ô tô tải không có giấy tờ vận chuyển hàng hóa đang đỗ tại lề đường Quốc lộ 31. Sau khi kiểm tra, lực lượng chức năng đã phát hiện 100 thùng xúc xích không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ, với tổng trọng lượng lên đến 1.500kg, được vận chuyển bởi bà Nông Thị Liên.

Phòng Cảnh sát kinh tế yêu cầu chủ hàng tiêu hủy toàn bộ 1,5 tấn xúc xích theo quy định

Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn đã ra quyết định xử phạt Nông Thị Liên với số tiền 50 triệu đồng và buộc tiêu hủy toàn bộ hàng hóa vi phạm để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm theo quy định pháp luật. Đây là một biện pháp quan trọng trong việc chống lại việc nhập lậu hàng hóa và bảo vệ sức khỏe của người tiêu dùng.

Quảng Ninh: Phát hiện 20 tấn cây dược liệu không rõ nguồn gốc

Đội Quản lý Thị trường số 8, Cục Quản lý Thị trường tỉnh Quảng Ninh đã bắt giữ hơn 20 tấn sản phẩm cây dược liệu không có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng tại khu vực Ba Chẽ.

Ngày 22/4/2024, trong khu vực Khu phố 6, thị trấn Ba Chẽ, Huyện Ba Chẽ, Tỉnh Quảng Ninh, Đội Quản lý Thị trường số 8, Cục Quản lý Thị trường tỉnh Quảng Ninh đã phát hiện và tiến hành khám phương tiện vận tải đầu kéo mang BKS 89H-006.45 và sơ mi rơ mooc 89R-014.95.

Sau khi khám và làm việc với các đối tượng liên quan, Đội QLTT số 8 đã xác định toàn bộ hàng hóa trên xe, bao gồm 11 tấn cẩu tích (lông cu li) thái lát sấy khô và 10 tấn bách bộ (củ ba mơi), thuộc sở hữu của Hộ kinh doanh TMĐ, địa chỉ tại Khu 6, Thị trấn Ba Chẽ, Huyện Ba Chẽ, Tỉnh Quảng Ninh. Ông TMĐ, chủ hộ kinh doanh, thừa nhận rằng toàn bộ số hàng hóa trên được mua trôi nổi trên thị trường mà không có bất kỳ hóa đơn, chứng từ, hoặc giấy tờ nào chứng minh nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa. Sản phẩm này đang được vận chuyển đi Lạng Sơn để tiêu thụ.

Cẩu tích (lông cu li) và Bách bộ (ông ba mơi) bị Đội QLTT số 8 bắt giữ

Hiện vụ việc đang được Đội Quản lý Thị trường số 8 hoàn thiện hồ sơ để xử lý theo quy định của pháp luật, nhằm bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn.

Kiên Giang: Xử phạt  03 cơ sở trưng bày để bán đồng hồ giả mạo nhãn hiệu

Đội Quản Lý Thị Trường số 4 tại Kiên Giang đã phát hiện và xử phạt 03 hộ kinh doanh vì vi phạm hành chính, trưng bày để bán đồng hồ giả mạo các nhãn hiệu nổi tiếng như Rolex, Omega.

Ngày 13/3/2024, Đội Quản Lý Thị Trường số 4 tại Kiên Giang đã thực hiện kiểm tra đột xuất tại 03 hộ kinh doanh thuộc khu vực khu phố 4, phường Dương Đông, thành phố Phú Quốc. Kết quả kiểm tra ban đầu đã phát hiện các hộ kinh doanh này trưng bày và dự định bán các sản phẩm đồng hồ đeo tay giả mạo nhãn hiệu Rolex và Omega, với tổng giá trị gần 20 triệu đồng. Toàn bộ hàng hóa này vừa được các hộ kinh doanh thu mua về, chưa tiêu thụ. Đội QLTT số 4 đã tạm giữ toàn bộ hàng hóa này để tiến hành xác minh và liên hệ với đại diện chủ thể quyền nhãn hiệu tại Việt Nam.

Hình ảnh tang vật là đồng hồ giả mạo nhãn hiệu  

Sau khi xác định hàng hóa là giả mạo nhãn hiệu Rolex và Omega, Đội QLTT số 4 đã lập biên bản vi phạm hành chính và trình Cục trưởng xử phạt. Ngày 05/4/2024, Cục trưởng Cục QLTT tỉnh Kiên Giang đã ban hành 03 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 03 hộ kinh doanh này, với tổng số tiền xử phạt là 32 triệu đồng. Các hộ kinh doanh này cũng bị buộc tiêu hủy toàn bộ hàng hóa là đồng hồ đeo tay giả mạo nhãn hiệu.

Hình ảnh tang vật là đồng hồ giả mạo nhãn hiệu  

Đội QLTT số 4 tiếp tục bám sát kế hoạch duy trì và thực hiện quy chế phối hợp với địa phương, nhằm ngăn chặn việc trưng bày và bán hàng hóa giả mạo, đồng thời thúc đẩy công tác tuyên truyền, vận động ký cam kết, kiểm tra và xử lý các vi phạm khác để đảm bảo an toàn và sạch sẽ trên thị trường.