Đăng nhập

Tiền Giang: Xử phạt 6 cơ sở sản xuất bánh trung thu vi phạm an toàn thực phẩm

Đội QLTT số 1, Cục QLTT tỉnh Tiền Giang vừa tiến hành kiểm tra, phát hiện 06 cơ sở sản xuất, kinh doanh bánh trung thu vi phạm, thu phạt gần 20.000.000 đồng.

Theo kế hoạch, từ ngày 19/8 đến ngày 14/9/2024, Đội đã chủ trì phối hợp với  Trung tâm Y tế thành phố Mỹ Tho tiến hành kiểm tra 12/12 cơ sở sản xuất, kinh doanh bánh trung thu, các mặt hàng thực phẩm được tiêu dùng nhiều trong dịp Tết trung thu năm nay như bia, nước giải khát, bánh, kẹo… trên địa bàn này.

Đoàn công tác kiểm tra điều kiện sản xuất bánh trung thu

Qua kiểm tra, phát hiện 06 cơ sở sử dụng người trực tiếp sản xuất bánh trung thu không có giấy xác nhận tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm; sử dụng người tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm mà không mang đầy đủ bảo hộ lao động (không đội mũ, đeo găng tay chuyên dùng và đeo khẩu trang)...

Đội trưởng Đội QLTT số 1 đã xử phạt các trường hợp vi phạm tổng số tiền gần 20.000.000 đồng. Đồng thời, tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về điều kiện sản xuất, kinh doanh, đảm bảo an toàn thực phẩm; khuyến cáo các cơ sở tuân thủ chặt chẽ quy định liên quan, góp phần ngăn chặn tình trạng ngộ độc thực phẩm, bảo vệ người tiêu dùng.

Tiền Giang xử lý nghiêm các cơ sở kinh doanh thức ăn chăn nuôi vi phạm

Ngày 20/8/2024, Đội Quản lý thị trường số 2 thuộc Cục Quản lý thị trường tỉnh Tiền Giang cho biết, đã phối hợp với Phòng Kinh tế thành phố Gò Công, đã phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong kinh doanh thức ăn chăn nuôi trên địa bàn.

Cụ thể, qua việc lấy mẫu và phân tích 10 mẫu thức ăn chăn nuôi, đoàn kiểm tra đã phát hiện nhiều mẫu hàng giả, không đảm bảo chất lượng, đặc biệt là các loại thức ăn bổ sung. Kết quả xét nghiệm cho thấy, nhiều mẫu công bố hàm lượng dinh dưỡng, vitamin cao nhưng thực tế lại không đạt hoặc đạt rất thấp so với tiêu chuẩn đã công bố. Điển hình, có mẫu vi phạm tới 6 chỉ tiêu quan trọng như chất béo, lysine, methionine, threonine, tryptophan và phốt pho.

Lực lượng chức năng kiểm tra,lấy mẫu

Trước những vi phạm nghiêm trọng trên, Đội QLTT số 2 đã tiến hành các thủ tục pháp lý, lập biên bản vi phạm hành chính và xử phạt 4 cơ sở kinh doanh với tổng số tiền gần 100 triệu đồng. Đến nay, các cơ sở này đã chấp hành xong quyết định xử phạt.

Song song với việc xử lý vi phạm, Đội QLTT số 2 cũng đã tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho các cơ sở kinh doanh thức ăn chăn nuôi. Qua đó, nâng cao nhận thức của người dân về việc sử dụng sản phẩm chất lượng, đảm bảo an toàn cho vật nuôi và nguồn thực phẩm.

Sơn La: Bắt giữ đối tượng mua bán trái phép hơn 6,5 kg nhựa thuốc phiện

Ngày 24/7, lực lượng chức năng tỉnh Sơn La đã bất ngờ ập vào và bắt giữ Mùa Thị Phùa khi đang vận chuyển một lượng lớn chất ma túy. Tang vật thu giữ tại hiện trường gồm hơn 6,5kg nhựa thuốc phiện, 2 điện thoại di động và 1 xe máy.

Đối tượng Mùa Thị Phùa cùng tang vật.

Vụ việc xảy ra vào hồi 12 giờ 45 phút, ngày 24/7, tại khu vực tiểu khu Hồi Dương, xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn. Các đơn vị phối hợp gồm Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh, Công an huyện Vân Hồ và Công an huyện Phù Yên đã tiến hành bao vây, bắt giữ đối tượng khi đang di chuyển trên xe máy.

Mùa Thị Phùa, trú tại bản Kéo Bó, xã Nà Bó, huyện Mai Sơn, hiện đang bị tạm giữ để điều tra làm rõ hành vi vận chuyển trái phép chất ma túy.

Vụ việc trên cho thấy sự quyết tâm của lực lượng chức năng trong công tác phòng chống tội phạm ma túy. Đồng thời, đây cũng là lời cảnh báo nghiêm khắc đối với những kẻ cố tình vi phạm pháp luật.

Tuyên Quang tiêu hủy gần 5 tấn chân gà đông lạnh không rõ nguồn gốc

Ngày 11/7/2024, lực lượng chức năng tỉnh Tuyên Quang đã tổ chức tiêu hủy 4.980 kg chân gà đông lạnh không có tem, nhãn hàng hóa ghi nguồn gốc xuất xứ.

Số chân gà này được phát hiện tại cơ sở sơ chế và kinh doanh thực phẩm đông lạnh thuộc hộ kinh doanh Nguyễn Doãn Thưởng ở thôn 13, xã Mỹ Bằng, huyện Yên Sơn.

Toàn bộ hàng hóa được chuyển về kho lạnh Cục Quản lý thị trường Tuyên Quang chờ hoàn thành các thủ tục để đem đi tiêu huỷ

Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện 4.610 kg chân gà rút xương và 370 kg chân gà chưa rút xương được đựng trong các hộp carton nhưng không có tem, nhãn hàng hóa, không có thông tin về nguồn gốc xuất xứ.

Hộ kinh doanh Nguyễn Doãn Thưởng khai nhận đã mua số hàng hóa trên từ một người không rõ lai lịch vào ngày 19/6/2024 với mục đích bán lại kiếm lời.

Toàn bộ gần 5 tấn chân gà đông lạnh không rõ nguồn gốc đã được mang đi tiêu hủy theo đúng quy định và đảm bảo vệ sinh môi trường

Do vi phạm hành vi kinh doanh thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, hộ kinh doanh Nguyễn Doãn Thưởng đã bị xử phạt vi phạm hành chính và toàn bộ số chân gà đông lạnh nói trên đã bị tiêu hủy theo quy định.

Việc tiêu hủy số chân gà này nhằm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho người tiêu dùng và phòng ngừa nguy cơ dịch bệnh.

Đây là bài học cảnh tỉnh cho các hộ kinh doanh cần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về an toàn vệ sinh thực phẩm, đồng thời người tiêu dùng cũng cần cẩn trọng khi mua thực phẩm, lựa chọn những cơ sở uy tín để đảm bảo sức khỏe cho bản thân và gia đình.

Long An: Tạm giữ 320 bao đường cát không rõ nguồn gốc xuất xứ  

Ngày 26/6, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 1, Cục QLTT Long An đang tạm giữ 320 bao đường cát nghi nhập lậu và xe tải là phương tiện vận chuyển để xác minh làm rõ.

Theo thông tin ban đầu, rạng sáng ngày 25/6/2024, Đoàn kiểm tra Đội QLTT số 1 đã tiến hành kiểm tra phương tiện ô tô tải mang biển kiểm soát 63H-018.74.

Lực lượng Quản lý thị trường tạm giữ số hàng

Kết quả, phát hiện trên ô tô tải có vận chuyển 320 bao đường cát trắng (50kg/bao) có nhãn ghi bằng tiếng Việt nhưng trên nhãn ghi không đủ các nội dung bắt buộc phải thể hiện trên nhãn hàng hóa.

320 bao đường cát bị tạm giữ

Qua làm việc, tài xế chưa xuất trình được các hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc của số lượng hàng hóa nêu trên. Ban đầu, tài xế cho biết, bản thân được một người đàn ông thuê chở số hàng này từ Long An về tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Đoàn kiểm tra Đội QLTT số 1 tiến hành lập biên bản và tạm giữ số lượng đường cát nêu trên để tiếp tục xác minh làm rõ./.

Tây Ninh: Kiểm tra và phát hiện trên 5.500 quyển sách giáo khoa có dấu hiệu giả mạo nhãn hàng hóa

Ngày 12/6/2024, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 4, Cục QLTT tỉnh Tây Ninh đã phát hiện và tạm giữ hơn 5.500 sách giáo khoa có dấu hiệu giả mạo nhãn hàng hóa của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.

Qua kiểm tra tại Nhà sách K.T trên đường Võ Thị Sáu, TP. Tây Ninh, Đội QLTT số 4 phát hiện nhà sách này đang buôn bán 5.547 quyển sách giáo khoa nhiều khối lớp học khác nhau có dấu hiệu giả mạo nhãn hàng hóa của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.

Hình ảnh kiểm tra của lực lượng Quản lý thị trường

Toàn bộ số sách giả mạo này đều có logo và tên Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, tem chống hàng giả nhưng khi kiểm tra bằng đèn chiếu, tem không hiển thị họa tiết phản quang "GD", không có họa tiết in nổi, phần phủ nhũ không cào được. Ngoài ra, sách cũng không được đóng trong thùng carton của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.

Đội QLTT số 4 đã tạm giữ và niêm phong toàn bộ số sách giả mạo trên để xác minh, điều tra làm rõ và xử lý theo quy định.

Tiền Giang: Xử phạt 02 trường hợp sử dụng tài khoản Facebook bán thực phẩm, mỹ phẩm nhập lậu

Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 5, Cục Quản lý thị trường tỉnh Tiền Giang đã ra quyết định xử phạt 02 đối tượng vi phạm tổng cộng 7.000.000 đồng sau khi kiểm tra thực tế tại cơ sở kinh doanh.

Theo đề nghị của các công chức thông qua việc theo dõi, thẩm tra và xác minh thông tin về 02 tài khoản Facebook đăng bài bán hàng có dấu hiệu là hàng nhập lậu, vào ngày 27/02 và 04/03/2024, Đội QLTT số 5 đã tiến hành kiểm tra đột xuất tại 02 địa điểm kinh doanh ở huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang.

Tại những địa điểm này, Đoàn kiểm tra phát hiện các cơ sở đang buôn bán các sản phẩm như bánh ăn dặm cho bé, hạt nêm cho bé, trà lúa mạch, mỹ phẩm như sữa rửa mặt, kem tẩy lông mà không xuất trình được hóa đơn chứng từ hợp pháp. Tổng trị giá của hàng hóa vi phạm là hơn 7.500.000 đồng.

Sau khi hoàn chỉnh hồ sơ vụ việc, vào ngày 01/03 và 07/03/2024, Đội trưởng Đội QLTT số 5 đã ban hành quyết định xử phạt 02 cơ sở về hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu với số tiền 7.000.000 đồng. Đồng thời, buộc tiêu hủy toàn bộ hàng hóa vi phạm nêu trên. Hiện nay, các cơ sở đã nộp tiền phạt và thực hiện xong biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định.

Đồng Nai: Bắt giữ 5 đối tượng cùng trên 700kg pháo nổ. 

Ngày 22/1, thông tin từ Công an TP Biên Hòa (Đồng Nai) cho biết, đơn vị này vừa triệt phá đường dây mua bán pháo nổ lớn nhất trên địa bàn Đồng Nai. Cơ quan chức năng đã bắt giữ 5 đối tượng, thu giữ 702 kg pháo nổ cùng nhiều tang vật khác.

Theo đó, chiều 20-1, Đội cảnh sát kinh tế Công an TP Biên Hòa bắt quả tang Nguyễn Tiến Khải (27 tuổi, ngụ phường Trảng Dài, TP Biên Hòa) lái xe ô tô tải vận chuyển 54 hộp pháo hoa nổ, có tổng trọng lượng khoảng 91 kg trên tuyến đường thuộc khu phố 4C (phường Trảng Dài).

Công an khám xét ô tô phát hiện nhiều thùng pháo nổ

Đến tối cùng ngày, công an bắt quả tang Nguyễn Văn Sang (50 tuổi, ngụ TP Thuận An, Bình Dương) đang lái xe ô tô chở 88 hộp pháo hoa nổ có tổng trọng lượng 138 kg đến giao cho Khải tại phường Trảng Dài.

Hai nghi can cùng hơn 700 kg pháo nổ bị bắt giữ

Mở rộng điều tra, công an tiến hành khám xét nơi cất giấu pháo của hai nghi can trên ở TP Biên Hòa, huyện Vĩnh Cửu và tại TP Thuận An, thu giữ thêm 473 kg pháo nổ, xác định ba người liên quan là khách hàng mua pháo của Khải.

Tang vật bị thu giữ

Tổng số tang vật thu giữ của nhóm này gồm 702 kg pháo hoa nổ và hai xe ôtô cùng nhiều tang vật khác.

Đây là lượng pháo nổ mua bán trái phép được cho là lớn nhất từ trước đến nay trên địa bàn tỉnh Đồng Nai mà công an phát hiện, bắt giữ.

Bình Định: Phát hiện và xử lý 217 kg sản phẩm thịt heo không có hóa đơn chứng từ 

Đội QLTT số 4, Cục QLTT tỉnh Bình Định, phối hợp với Công an thị xã An Nhơn và Trung tâm dịch vụ nông nghiệp thị xã An Nhơn, đã thực hiện kiểm tra đột xuất tại một hộ kinh doanh và tiêu hủy 217 kg thịt heo không có hóa đơn chứng từ, không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Vào lúc 09 giờ 30 phút ngày 03/01/2024, Đội QLTT số 4, Cục QLTT tỉnh Bình Định, phối hợp với Công an thị xã An Nhơn và Trung tâm dịch vụ nông nghiệp thị xã An Nhơn đã thực hiện kiểm tra đột xuất tại Hộ kinh doanh BÙI THANH LỊCH, địa chỉ: Thôn Quan Quang, xã Nhơn Khánh, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định.

Số hàng hóa là thịt heo chứa trong các thùng xốp bị lực lượng chức năng phát hiện

Kết quả kiểm tra cho thấy, hộ kinh doanh này đang bày bán 217 kg sản phẩm thịt heo, trong đó có 178 kg thịt heo và 39 kg chân giò heo, trị giá khoảng 18.945.000 đồng. Tuy nhiên, sản phẩm này không được hỗ trợ bởi hóa đơn chứng từ, và không rõ nguồn gốc xuất xứ. Không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định.

Lực lượng chức năng đã tiến hành tiêu hủy toàn bộ hàng hóa vi phạm

Sản phẩm thịt heo này được chứa trong các thùng xốp không có nhãn hàng hóa, thiếu dấu kiểm soát giết mổ, và đang trong quá trình phân hủy với mùi hôi thối không đảm bảo vệ sinh thú y. Hội đồng đánh giá hiện trạng hàng hóa đã tổ chức họp và quyết định tiến hành tiêu hủy ngay trong ngày tại Xí nghiệp Quản lý và chế biến rác thải, địa chỉ: thôn Thanh Long, xã Phước Mỹ, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, nhằm đảm bảo môi trường và sức khỏe con người.

Nam Định: Phát hiện cơ sở kinh doanh hàng hóa nhập lậu và không rõ nguồn gốc xuất xứ

Cục Quản lý thị trường tỉnh Nam Định vừa xử lý cơ sở kinh doanh Hằng Hải, phát hiện hàng hóa nhập lậu và không rõ nguồn gốc xuất xứ. Đối tượng vi phạm, ông Đinh Hữu Đạt, chủ hộ kinh doanh, chưa xuất trình được giấy tờ liên quan đến nguồn gốc hàng hóa. Hàng hóa vi phạm trị giá 25 triệu đồng.

Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Nam Định đã thông tin về việc xử lý một cơ sở kinh doanh tại phường Mỹ Xá, thành phố Nam Định. Đội QLTT số 1 đã thực hiện kiểm tra đột xuất vào cơ sở kinh doanh Hằng Hải do ông Đinh Hữu Đạt làm chủ hộ kinh doanh.

Đội QLTT số 1 - Cục QLTT tỉnh Nam Định kiểm tra hàng hóa.

Sau thời gian theo dõi và tin báo của người dân, lực lượng chức năng đã kiểm tra vào ngày 27.12. Tại thời điểm kiểm tra, phát hiện 700 đôi dép không có nhãn hàng hóa và 60 hộp bánh gấu, 120 gói mứt hoa quả do nước ngoài sản xuất. Hàng hóa này không có thông tin về nguồn gốc, xuất xứ, và trên bao bì có cụm từ "Made in China."

Chủ hộ kinh doanh, ông Đinh Hữu Đạt, chưa xuất trình được giấy tờ liên quan đến nguồn gốc, xuất xứ của hàng hóa trên. Trị giá hàng hóa vi phạm được ước tính là 25 triệu đồng. Do đó, đoàn kiểm tra đã niêm phong và tạm giữ toàn bộ số hàng hóa vi phạm để hoàn thiện hồ sơ và xử lý theo quy định của pháp luật. Công an tỉnh Nam Định đang tiếp tục điều tra vụ án để đưa ra quyết định xử lý.