Lạng Sơn: Phát hiện xe ô tô vận chuyển hơn 1,1 tấn xúc xích không rõ nguồn gốc xuất xứ
Phòng Cảnh sát giao thông phối hợp với Phòng Cảnh sát cơ động, Công an tỉnh Lạng Sơn phát hiện xe ô tô vận chuyển hơn 1,1 tấn xúc xích không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ.
Cụ thể, qua công tác tuần tra kiểm soát, khoảng 4 giờ 00 phút, ngày 17/11/2024, tại Km 23+500 quốc lộ 1, Phòng Cảnh sát giao thông phối hợp với Phòng Cảnh sát cơ động phát hiện xe ô tô BKS 29K-170.14 do Trần Văn Hưng (SN 1987, trú tại Lương Phong, Hiệp Hòa, Bắc Giang) điều khiển, trên xe chở hàng hóa thuộc nhóm hàng thực phẩm với số lượng 1.890 gói xúc xích, tổng trọng lượng hơn 1,1 tấn.
Tại thời điểm kiểm tra, Trần Văn Hưng là người điều khiển phương tiện không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ liên quan đến số hàng nêu trên.
Lực lượng công an đã bàn giao phương tiện và hàng hoá đến Cục Quản lý thị trường tỉnh Lạng Sơn để xử lý theo quy định của pháp luật.
Hà Nội: Phát hiện 2 cơ sở có dấu hiệu sản xuất hàng hóa giả mạo nhãn hiệu
Ngày 2/11/2024, Cục QLTT Hà Nội cho biết, vừa kiểm tra, phát hiện 2 cơ sở kinh doanh có dấu hiệu sản xuất hàng giả mạo nhãn hiệu.
Trước đó, ngày 30/10/2024, Đội Quản lý thị trường số 24 (Cục Quản lý thị trường Hà Nội) phối hợp Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế-ma túy Công an huyện Hoài Đức tiến hành kiểm tra tại địa chỉ số 27 ngõ 23 đường La Phù, thôn Chùa Tổng, xã La Phù, huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội.
Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng ghi nhận cơ sở trên có 1 lao động đang sử dụng máy gắn nhãn mác kí hiệu TUDOR TD-3730 để thực hiện việc dập nhãn mác các nhãn hiệu Adidas, Tommy Hilfiger, Uniqlo vào các sản phẩm tất chân, và 1 lao động đóng gói sản phẩm vào túi nilon.
Lô hàng hóa vi phạm bị tạm giữ
Tiếp tục kiểm tra cửa hàng kinh doanh địa chỉ số 21, ngõ 204 đường La Phù, thôn Chùa Tổng, xã La Phù, lực lượng chức năng phát hiện cơ sở có 150 đôi tất chân đang hoàn thiện thành phẩm, có in nhãn hiệu Adidas; 2.400 đôi tất chân nhãn hiệu ADIDAS; 2.900 đôi tất chân nhãn hiệu PUMA.
Toàn bộ số hàng hóa trên có chữ và hình mang các nhãn hiệu ADIDAS, PUMA được in trực tiếp vào sản phẩm.
Tại thời điểm kiểm tra, chủ cơ sở không xuất trình được hóa đơn, chứng từ có liên quan đến số hàng hóa trên.
Toàn bộ số hàng hóa nêu trên có dấu hiệu giả mạo các nhãn hiệu ADIDAS, PUMA.
Lực lượng chức năng đã lập biên bản, tạm giữ toàn bộ số hàng hóa vi phạm, để xác minh làm rõ, xử lý theo quy định của pháp luật.
Lạng Sơn: Phát hiện, ngăn chặn thực phẩm nhập lậu lưu thông trên thị trường
Qua công tác kiểm soát thị trường trên khâu lưu thông kịp thời phát hiện ô tô BKS 12A-005.09 đang vận chuyển hàng hóa nhập lậu là thực phẩm.
Cụ thể sáng ngày 11/10/2024, Đội Quản lý thị trường số 6 phối hợp với Đội 2 Đội Cảnh sát giao thông đường bộ - phòng cảnh sát giao thông tỉnh Lạng Sơn tiến hành kiểm tra xe ô tô BKS: 12A-005.09 tại đường 4B, khu vực thôn Bản Ngà, xã Gia Cát, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn. Người điều khiển phương tiện là ông N.V.T địa chỉ thường trú: xã Tân Mỹ, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn.
Qua kiểm tra phát hiện trong xe ô tô có vận chuyển hàng hóa là thực phẩm như chả cá, bò viên, đậu phụ... ước tính trị giá hơn 11 triệu đồng.
Toàn bộ hàng hóa là thực phẩm nhập khẩu không có hóa đơn, chứng từ, Đội Quản lý thị trường số 6 đã ban hành Quyết định xử phạt hành chính đối với ông N.V.T với mức tiền phạt là: 10.000.000 đồng.
Bình Thuận: Kiểm tra các cá nhân, hộ kinh doanh phân bón
Qua kiểm tra, Đội Quản lý thị trường số 4 (Đội 4) nhận thấy một số tổ chức, cá nhân buôn bán phân bón chưa nắm rõ các quy định của pháp luật về quyền và nghĩa vụ trong quá trình kinh doanh phân bón.
Thực hiện kế hoạch kiểm tra chuyên đề đối với mặt hàng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật năm 2024 của Cục Quản lý thị trường tỉnh Bình Thuận, Đội 4 đã tiến hành kiểm tra việc chấp hành pháp luật đối với 13 hộ kinh doanh phân bón trên địa bàn huyện Đức Linh, Tánh Linh.
Cán bộ Đội Quản lý thị trường số 4 kiểm tra mặt hàng phân bón.
Quá trình kiểm tra, Đội 4 phát hiện 1 hộ kinh doanh vi phạm với các hành vi: Buôn bán hàng hóa có nhãn ghi không đúng các nội dung bắt buộc phải thể hiện theo tính chất hàng hóa theo quy định pháp luật về nhãn hàng hóa; Kinh doanh hàng hóa trên nhãn có hình ảnh, chữ viết, huy chương và các thông tin khác không đúng bản chất, không đúng sự thật về hàng hóa đó; Không duy trì đầy đủ các điều kiện về buôn bán phân bón theo quy định tại khoản 2 Điều 42 Luật Trồng trọt năm 2018 trong quá trình hoạt động. Lực lượng chức năng đã ra quyết định xử phạt với tổng số tiền là 32,5 triệu đồng và tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón trong thời hạn 2 tháng 15 ngày.
Qua kiểm tra, Đội 4 cũng phát hiện một số tổ chức, cá nhân buôn bán phân bón chưa nắm rõ các quy định của pháp luật về quyền và nghĩa vụ trong quá trình kinh doanh phân bón. Để cá nhân, tổ chức buôn bán phân bón tuân thủ các quy định của pháp luật về quyền và nghĩa vụ trong quá trình kinh doanh, Đội 4 đã tuyên truyền cho các cá nhân, hộ kinh doanh nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật trong hoạt động kinh doanh, hạn chế vi phạm.
Gia Lai tiêu huỷ hơn 64.000 bao thuốc lá điếu nhập lậu
Sáng ngày 30 tháng 8 năm 2024, Hội đồng tiêu huỷ thuốc lá điếu nhập lậu của Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Gia Lai đã tiến hành họp và tiêu hủy toàn bộ 64.018 bao thuốc lá điếu nhập lậu là vật chứng và tang vật vi phạm hành chính do các lực lượng chống buôn lậu của tỉnh Gia Lai bắt giữ, tịch thu.
Tiếp tục thực hiện văn bản của Văn Phòng Chính phủ truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình về việc xử lý thuốc lá nhập lậu bị tịch thu thực hiện theo Quyết định số 2371/QĐ-TTg ngày 26/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện tiêu hủy thuốc lá nhập lậu bị tịch thu; Công văn số 537/VP-KTTH ngày 26/6/2015 của Văn phòng UBND tỉnh Gia Lai về việc thực hiện tiêu hủy thuốc lá nhập lậu bị tịch thu; Công văn số 2416/VP-KTTH ngày 21/7/2020 của Văn phòng UBND tỉnh Gia Lai về việc xử lý thuốc lá nhập lậu bị tịch thu của các lực lượng chức năng trên địa bàn.
Kiểm đếm thuốc lá điếu chuẩn bị tiêu hủy
Thực hiện Quyết định của Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Gia Lai về việc thành lập Hội đồng tiêu huỷ thuốc lá điếu nhập lậu; Kế hoạch của Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Gia Lai về việc tiêu hủy thuốc lá điếu nhập lậu là vật chứng và tang vật vi phạm hành chính bị tịch thu.
Ngày 30/8/2024, tại Khu vực nghĩa trang thành phố Pleiku, phường IaKring, thành Phố Pleiku, tỉnh Gia Lai, Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 389 tỉnh-Cục Quản lý thị trường tỉnh Gia Lai chủ trì phối với các lực lượng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả của tỉnh gồm: Công an, Biên phòng, Hải quan, Tài chính, Đài Phát thanh-Truyền hình và các đơn vị mời chứng kiến việc tiêu hủy như: Hiệp Hội thuốc lá Việt Nam, BAT Việt Nam (British American Tobacco); tang vật để tiêu hủy dịp này gồm 64.018 bao thuốc lá nhập lậu các loại là vật chứng và tang vật vi phạm hành chính bị tịch thu do các lực lượng chống buôn lậu của tỉnh bắt giữ, trong đó: thuốc lá hiệu Jet 36.858 bao, thuốc lá hiệu Esse 14.186 bao, thuốc lá hiệu 555 là 2.664 bao, thuốc lá hiệu Oscar 2.760 bao, thuốc lá hiệu Capri 1.441 bao và nhiều loại thuốc lá khác. Đây là tang vật do 04 đơn vị chức năng trên địa bàn tỉnh bắt giữ, xử lý, như: Công an, Hải quan, Biên phòng và Quản lý thị trường.
Việc tiêu hủy được các cơ quan thông tấn, báo chí ở Trung ương và địa phương đưa tin, để người dân biết nhằm tuyên truyền, răn đe đối với các tổ chức, cá nhân không vận chuyển, kinh doanh thuốc lá điếu nhập lậu, thuốc lá giả trên địa bàn.
Phú Yên: Phát hiện, tạm giữ 8,4 tấn quần áo không rõ nguồn gốc, xuất xứ
Ngày 19/8/2024, Lực lượng Quản lý thị trường tỉnh Phú Yên thông tin, vừa phát hiện, ngăn chặn 8,4 tấn quần áo các loại đã qua sử dụng, do nước ngoài sản xuất, không có hóa đơn, chứng từ hợp pháp kèm theo đang trên đường vận chuyển từ Bắc vào Nam tiêu thụ.
Trước đó, ngày 18-8, Đội QLTT số 1, Cục QLTT tỉnh Phú Yên phối hợp Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Phú Yên tiến hành dừng và khám phương tiện xe ôtô đầu kéo mang biển kiểm soát 36H-029.XX rơmoóc 36R-029.XX lưu hành theo hướng Bắc - Nam.
Lực lượng Quản lý thị trường tỉnh Phú Yên kiểm tra hàng hóa vi phạm.
Phương tiện do ông B.Đ.P, địa chỉ thôn Ngoại 1, xã Nga Giáp, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa là người điều khiển cũng là người quản lý hàng hóa.
Kết quả khám phương tiện vận tải, Đội QLTT số 1 phát hiện trên xe vận chuyển tổng cộng 8,4 tấn quần, áo các loại đã qua sử dụng do nước ngoài sản xuất.
Lô quần áo cũ được vận chuyển từ Bắc vào Nam tiêu thụ
Tại thời điểm khám phương tiện vận tải, lái xe cũng là người quản lý hàng hóa không cung cấp được hóa đơn, chứng từ hợp pháp kèm theo.
Đội QLTT số 1 tiến hành tạm giữ số hàng trên để tiếp tục làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.
TP.HCM tiêu hủy hàng loạt thuốc lá lậu, bảo vệ thị trường trong nước
Ngày 5/8, các cơ quan chức năng TP.HCM đã tiến hành tiêu hủy hơn 20.000 bao thuốc lá lậu các loại, một con số kỷ lục trong những tháng gần đây. Hành động này nhằm bảo vệ thị trường trong nước, ngăn chặn tình trạng buôn lậu thuốc lá và đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng.
Trong một động thái quyết liệt nhằm chống lại tình trạng buôn lậu thuốc lá, Cơ quan thường trực Ban chỉ đạo 389 TP.HCM cùng với Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam và các đơn vị liên quan đã tiến hành tiêu hủy một lượng lớn thuốc lá nhập lậu.
Hơn 20.000 bao thuốc lá nhập lâu được tiêu hủy
Cụ thể, số lượng thuốc lá bị tiêu hủy lên đến 20.810 bao, thuộc nhiều nhãn hiệu nổi tiếng như 555, Jet, Hero, Marlboro, Zouk... Toàn bộ số thuốc lá này đều được lực lượng chức năng bắt giữ trong các cuộc đấu tranh chống buôn lậu trong thời gian qua.
Việc tiêu hủy thuốc lá lậu được thực hiện một cách công khai, minh bạch dưới sự giám sát của các cơ quan chức năng và các tổ chức liên quan. Đây là một thông điệp mạnh mẽ gửi đến các đối tượng buôn lậu, cho thấy quyết tâm của thành phố trong việc bảo vệ thị trường trong nước.
Thanh Hóa: Tạm giữ hơn 2.800 sản phẩm giả mạo nhãn hiệu Nike và Adidas
Ngày 24/7, Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Thanh Hóa cho biết, lực lượng QLTT tỉnh Thanh Hóa đã phối hợp với Phòng PC03 Công an tỉnh Thanh Hóa, kiểm tra 2 cơ sở kinh doanh và phát hiện 2.811 sản phẩm gồm quần áo thể thao và giầy thể thao có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu Nike và Adidas.
Cụ thể, vào ngày 19/7/2024, Đội QLTT số 10 phối hợp với phòng PC03 Công an tỉnh Thanh Hóa đã tiến hành kiểm tra cửa hàng kinh doanh Lê Thị Minh, số 134 -136 Lê Quý Đôn, phường Ba Đình, TP. Thanh Hóa, do bà Lê Thị Minh làm chủ. Đoàn kiểm tra phát hiện 1.461 sản phẩm, gồm quần áo thể thao, giày thể thao có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu Nike và Adidas. Toàn bộ số hàng hóa trên đã bị tạm giữ.
Đoàn kiểm tra đã thu giữ toàn bộ số hàng hóa có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Tiếp đó, vào ngày 22/7/2024, Đội QLTT số 10 tiếp tục phối hợp với Phòng PC03 Công an tỉnh Thanh Hóa kiểm tra cửa hàng kinh doanh Bùi Thị Thu Hương, số 44 Lê Quý Đôn, phường Ba Đình, TP. Thanh Hóa, do bà Bùi Thị Thu Hương làm chủ. Tại thời điểm kiểm tra, Đoàn kiểm tra phát hiện 1.350 sản phẩm gồm giày thể thao, quần áo thể thao có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu Nike và Adidas. Đoàn kiểm tra đã tiến hành tạm giữ toàn bộ hàng hóa để xử lý theo quy định.
Hiện nay, vụ việc đang được tiếp tục điều tra làm rõ. Việc mua bán sản phẩm giả mạo nhãn hiệu là hành vi vi phạm pháp luật, gây thiệt hại cho quyền lợi người tiêu dùng và ảnh hưởng đến uy tín của các thương hiệu nổi tiếng. Do đó, người tiêu dùng cần cẩn thận khi mua sắm, lựa chọn cửa hàng uy tín để tránh mua phải hàng giả, hàng nhái.
An Giang: Bắt giữ đối tượng vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới
Ngày 11-7, Phòng Phòng, chống ma túy và tội phạm, Bộ đội Biên phòng tỉnh An Giang cho biết, Đội đặc nhiệm vừa chủ trì, phối hợp với Đồn Biên phòng Vĩnh Nguơn bắt giữ đối tượng vận chuyển trái phép số lượng lớn hàng hóa qua biên giới.
Cụ thể, vào lúc 1 giờ ngày 11-7, tại khu vực bờ kênh 79 cách mốc 266 khoảng 50m (thuộc khóm Vĩnh Chánh 3, phường Vĩnh Nguơn, thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang). Đội đặc nhiệm chủ trì phối hợp với Đồn Biên phòng Vĩnh Nguơn tổ chức mật phục chống buôn lậu, qua đó phát hiện có nhiều đối tượng đang đai vác hàng hóa từ hướng biên giới Campuchia về Việt Nam có biểu hiện nghi vấn.
Đối tượng Nguyễn Văn Ngọc Phú (đứng bên trái) cùng tang vật.
Tổ công tác tiến hành truy đuổi thì bắt giữ được 1 đối tượng tên Nguyễn Văn Ngọc Phú, sinh năm 1996, thường trú tại khóm Vĩnh Chánh 3, phường Vĩnh Nguơn, thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang, đang vác 3 máy lọc không khí, các đối tượng khác ném hàng hóa lại, lợi dụng đêm tối bỏ trốn. Tiến hành kiểm tra xung quanh phát hiện 4 đai hàng do các đối tượng bỏ lại, gồm: 1.250 bao thuốc lá các loại, 2 xe đạp và 2 máy lọc không khí.
Tất cả tang vật bị thu giữ gồm: 1.250 bao thuốc lá (1.100 bao thuốc lá hiệu Jet; 150 bao thuốc lá hiệu Hero); 1 xe đạp hiệu ENACLE; 1 xe đạp hiệu TREK và 5 máy lọc không khí hiệu Sharp đều đã qua sử dụng. Tổng trị giá tang vật khoảng 30 triệu đồng.
Hiện, vụ việc được bàn giao Đồn Biên phòng Vĩnh Nguơn tiếp tục điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.
Bà Rịa – Vũng Tàu: Shop Tú Uyên livestream bán hàng lậu, bị tạm giữ hơn 1.700 sản phẩm
Ngày 25/6/2024, lực lượng chức năng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã kiểm tra kho hàng của Shop Tú Uyên (Facebook) và phát hiện 1.720 sản phẩm hàng hóa nhập lậu.
Theo thông tin từ Cục Quản lý thị trường tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, qua theo dõi hoạt động kinh doanh trên mạng xã hội, lực lượng chức năng đã phát hiện Shop Tú Uyên có dấu hiệu vi phạm. Cụ thể, Shop này thường xuyên sử dụng Facebook để livestream bán hàng thời trang (quần áo, giày dép, túi xách) không rõ nguồn gốc xuất xứ, nhãn hiệu.
Ngày 21/6/2024, Đội Quản lý thị trường số 4 phối hợp với Công an xã Hoà Hiệp đã kiểm tra kho hàng của Shop Tú Uyên tại địa chỉ tổ 10, ấp Phú Bình, xã Hoà Hiệp, huyện Xuyên Mộc.
Hộ kinh doanh Thông Uyên bán hàng bằng hình thức livestream qua tài khoản Facebook Shop Tú Uyên
Tại đây, lực lượng chức năng phát hiện 1.720 sản phẩm hàng hóa các loại do nước ngoài sản xuất, trên nhãn hàng hóa ghi bằng tiếng nước ngoài nhưng không ghi nguồn gốc xuất xứ, nhãn hiệu. Chủ cơ sở cũng không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp cho số hàng hóa này. Tổng giá trị hàng hóa vi phạm là hơn 139 triệu đồng.
Hiện, toàn bộ số hàng hóa vi phạm đã bị tạm giữ để xử lý theo quy định của pháp luật.
Vụ việc trên là lời cảnh tỉnh cho các chủ shop online cần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, đảm bảo nguồn gốc xuất xứ và chất lượng sản phẩm khi kinh doanh. Người tiêu dùng cũng cần cẩn trọng khi mua sắm online, lựa chọn những shop uy tín, có đầy đủ thông tin sản phẩm và hóa đơn, chứng từ đi kèm.