Đăng nhập

Thái Nguyên: Kiểm tra, phát hiện gần 1.600 đơn vị sản phẩm hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ

Ngày 16/10/2024, Đoàn kiểm tra thuộc Đội Quản lý thị trường số 1 tiến hành kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong sản xuất, kinh doanh đối với Hộ kinh doanh L.V.H do ông L.V.H làm chủ, có địa chỉ tại phường Trung Thành, thành phố Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên, phát hiện gần 1.600 đơn vị sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Đoàn kiểm tra thực hiện kiểm tra hàng hóa

Tại thời điểm kiểm tra Đoàn kiểm tra phát hiện tại hộ kinh doanh đang bày bán 228 chiếc dây cấp nước máy giặt (loại 1,5m), 1.275 bộ dây cấp nước (loại 02 dây/bộ) và 80 chiếc bình áp đều không có tên cá nhân, tổ chức chịu trách nhiệm về hàng hóa, không có thông tin, căn cứ xác định được nguồn gốc nơi sản xuất hoặc xuất xứ hàng hóa.

Hình ảnh hàng hóa vi phạm

Chủ hộ kinh doanh không xuất trình được hóa đơn, chứng từ cũng như giấy tờ gì để chứng minh nguồn gốc, xuất xứ và tính hợp pháp đối với toàn bộ số hàng nêu trên. Đoàn kiểm tra xác định toàn bộ số hàng hóa trên là hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Đoàn kiểm tra đã tiến hành tạm giữ toàn bộ số hàng hóa nêu trên để tiếp tục xử lý theo quy định pháp luật./.

Điện Biên: Bắt đối tượng mua bán trái phép 5 bánh heroin

Ngày 1/10, Công an huyện Điện Biên (tỉnh Điện Biên) cho biết, vừa phá thành công chuyên án, bắt giữ 1 đối tượng có hành vi mua bán trái phép chất ma túy, tang vật thu giữ 5 bánh heroin.

Theo thông tin, chiều ngày 30/9, tại khu vực bản Nghịu, xã Pá Khoang, TP Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên), Công an huyện Điện Biên chủ trì, phối hợp với các đơn vị Công an tỉnh phá thành công chuyên án, bắt quả tang đối tượng Giàng A Tính (SN 1981, trú tại: bản Lọng Luông 2, xã Mường Phăng, TP Điện Biên Phủ) về hành Mua bán trái phép chất ma túy.

Đối tượng Giàng A Tính cùng tang vật bị thu giữ.

Vật chứng thu giữ: 5 bánh heroin (khối lượng khoảng 1,7kg), 1 xe máy và một số đồ vật có liên quan.

Tại cơ quan Công an Giàng A Tính khai nhận số ma túy trên đối tượng mua tại khu vực biên giới, đang vận chuyển đi tiêu thụ thì bị lực lượng Công an bắt giữ.

Vụ án đang được cơ quan Công an tiếp tục được đấu tranh mở rộng.

TP. Hồ Chí Minh: Phát hiện nhiều điểm kinh doanh vàng không rõ nguồn gốc

Ngày 30/8, đại diện Cục Quản lý thị trường (QLTT) TP. Hồ Chí Minh cho biết, đã tổ chức kiểm tra đồng loạt các doanh nghiệp kinh doanh vàng trên địa bàn quận 5; qua đó phát hiện nhiều sản phẩm hàng hóa không có hóa đơn chứng từ, không rõ nguồn gốc xuất xứ, với tổng trị giá hàng vi phạm hơn 130 triệu đồng.

Cụ thể, trong hai ngày vừa qua, Đội QLTT số 5, thuộc Cục Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh đã thành lập 4 đoàn kiểm tra, thực hiện kiểm tra đột xuất 4 doanh nghiệp kinh doanh vàng trên địa bàn quận 5.

Đoàn kiểm tra đã phát hiện 11 đơn vị sản phẩm là dây chuyền không có hóa đơn chứng từ, không rõ nguồn gốc. 

Qua kiểm tra, các doanh nghiệp xuất trình giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh theo quy định. Bước đầu, đoàn kiểm tra đã phát hiện 11 đơn vị sản phẩm là dây chuyền không có hóa đơn chứng từ, không rõ nguồn gốc xuất xứ, với tổng trị giá hàng vi phạm hơn 130 triệu đồng.

Đoàn đã lập biên bản làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật. Trong thời gian tới, Đội QLTT số 5 sẽ tiếp tục đồng loạt kiểm tra các doanh nghiệp kinh doanh mua bán vàng trên địa bàn quận để góp phần bình ổn thị trường vàng trong bối cảnh giá vàng đang tăng cao.

Cần Thơ: Xử phạt Công ty C.L. vì tàng trữ truyện tranh không rõ nguồn gốc

Ngày 20/8, Đội Quản lý thị trường số 1 thuộc Cục Quản lý thị trường TP. Cần Thơ phối hợp với Công an TP. Cần Thơ đã tiến hành kiểm tra và xử phạt Công ty TNHH Hỗ trợ phát triển giáo dục C.L. do vi phạm các quy định về kinh doanh xuất bản phẩm.

Cán bộ Công an và Quản lý thị trường giám sát việc tiêu hủy bản xuất bản phẩm vi phạm.

Cụ thể, qua quá trình kiểm tra, đoàn kiểm tra đã phát hiện tại các cơ sở kinh doanh của công ty này có đến 829 bản truyện tranh không xuất trình được hóa đơn, chứng từ, tài liệu chứng minh nguồn gốc hợp pháp.

Trước hành vi vi phạm này, cơ quan chức năng đã quyết định xử phạt công ty C.L. số tiền 140,5 triệu đồng và buộc tiêu hủy toàn bộ số truyện tranh trên. Ngoài ra, công ty còn bị xử phạt vì không gắn biển hiệu đúng quy định tại các địa điểm kinh doanh.

Thu hồi và tiêu hủy loạt mỹ phẩm vi phạm pháp

Trong một đợt thanh tra đột xuất, cơ quan chức năng TP.HCM đã phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm của một số doanh nghiệp trên địa bàn.

Cụ thể, Công ty TNHH Dược mỹ phẩm Hành Tinh Xanh bị phạt 100 triệu đồng và buộc thu hồi, tiêu hủy toàn bộ sản phẩm mỹ phẩm Whitening Skin Body Cream nhãn hàng FACEPLUS+ và Kem nám - Tàn nhang - Mờ sạm thâm - Giúp ngừa lão hóa da nhãn hàng PTBERT do không đảm bảo các điều kiện sau khi đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất mỹ phẩm.

Sản phẩm Whitening Skin Body Cream nhãn hàng FACEPLUS+ bị cơ quan chức năng yêu cầu thu hồi và tiêu hủy.

Tương tự, Công ty TNHH Dermamed cũng bị xử phạt 140 triệu đồng và buộc nộp lại số tiền gần 234 triệu đồng do vi phạm các quy định về quảng cáo, nhãn mác sản phẩm. Ngoài ra, công ty này còn bị tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề trong vòng 2 tháng.

Sản phẩm của Công ty TNHH Dermamed đang được quảng cáo, bán ngoài thị trường.

Công ty TNHH XNK Khang Thịnh cũng không nằm ngoài danh sách các doanh nghiệp bị xử phạt. Với hành vi vi phạm quy định về công bố sản phẩm mỹ phẩm, công ty này bị phạt 90 triệu đồng và buộc thu hồi, tiêu hủy sản phẩm Collagen Esence Mask.

Đồng Nai: Hai cơ sở giết mổ gia súc trái phép bị phạt hơn 20 triệu đồng

Ngày 25/7, Đội quản lý thị trường số 2, Cục Quản lý thị trường thành phố Biên Hòa cho biết mới đây đã xử phạt vi phạm hành chính đối với hai cơ sở giết mổ động vật trái phép tại phường Phước Tân với tổng số tiền 20,5 triệu đồng, buộc xử lý nhiệt chuyển đổi mục đích sử dụng đối với tang vật là 130 kg thịt heo.

Đoàn kiểm tra xử lý vụ việc. 

Cụ thể, sáng 18/7, đoàn kiểm tra liên ngành 389 thành phố Biên Hòa đã kiểm tra, phát hiện 2 cơ sở giết mổ heo tại phường Phước Tân có các hành vi vi phạm là: Giết mổ động vật ở những địa điểm không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép; Không lập sổ sách, ghi chép, lưu giữ thông tin để truy xuất nguồn gốc động vật, sản phẩm động vật; Người trực tiếp tham gia giết mổ động vật không đảm bảo tiêu chuẩn về sức khỏe và vệ sinh thú y trong quá trình thực hiện.

Hình ảnh thịt heo trong cơ sở giết mổ vi phạm.

Đoàn đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm trên, đồng thời chuyển hồ sơ cho đội quản lý thị trường số 2 ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

Ngày 22/7, Đội trưởng đội quản lý thị trường số 2 đã quyết định xử phạt vi phạm hành chính 2 cơ sở trên với tổng số tiền 20,5 triệu đồng, buộc xử lý nhiệt chuyển đổi mục đích sử dụng đối với tang vật là 130 kg thịt heo.

Trong thời gian tới, Đđi quản lý thị trường số 2 sẽ tiếp tục phối hợp với các lực lượng chức năng và chính quyền địa phương thường xuyên kiểm tra, xử lý các cơ sở giết mổ động vật trái phép trên địa bàn quản lý. 

Bộ Y tế: Cảnh báo thuốc "Nhức Khớp Tê Bại Hoàn" là giả

Ngày 11/7, Cục quản lý Y, Dược cổ truyền (Bộ Y tế) có thông báo về việc phát hiện một loại thuốc điều trị bệnh khớp có tên Viên hoàn cứng Nhức Khớp Tê Bại Hoàn là thuốc giả.

Cụ thể, theo mẫu do Trung tâm Kiểm nghiệm tỉnh Bình Dương lấy tại một số cơ sở bán lẻ thuốc đông y – thuốc từ dược liệu tại tỉnh Bình Dương. Viên hoàn cứng Nhức Khớp Tê Bại Hoàn, số đăng ký: VD-93312-13 do cơ sở Đông Nam Dược Đại An (địa chỉ: 40 Trần Phú, Ba Đình, Hà Nội) sản xuất chưa được cấp Giấy đăng ký lưu hành; thuốc có trộn với Paracetamol và Diclofenac natri. Căn cứ quy định tại khoản 33 Điều 2 Luật dược số 105/2016/QH13, Viên hoàn cứng Nhức Khớp Tê Bại Hoàn nêu trên là thuốc giả.

Hình ảnh về thuốc giả viên hoàn cứng Nhức Khớp Tê Bại Hoàn.

Để đảm bảo an toàn cho người sử dụng, Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Y tế các ngành:

Thông báo trên Trang thông tin điện tử của Sở Y tế và các cơ sở kinh doanh, sử dụng thuốc về thuốc giả có tên: Viên hoàn cứng Nhức Khớp Tê Bại Hoàn, Số đăng ký: VD-93312-13 do cơ sở Đông Nam Dược Đại An, Địa chỉ: 40 Trần Phú, Ba Đình, Hà Nội sản xuất.

Phối hợp với các cơ quan truyền thông, thông tin tới các cơ sở kinh doanh, sử dụng thuốc và người dân biết để không buôn bán, sử dụng sản phẩm nêu trên.

Phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan tiến hành kiểm tra các cơ sở kinh doanh thuốc trên địa bàn, xác minh thông tin và truy tìm nguồn gốc về sản phẩm thuốc giả Nhức Khớp Tê Bại Hoàn, xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm theo quy định hiện hành; kịp thời phát hiện và ngăn chặn việc sản xuất, buôn bán và sử dụng thuốc giả nêu trên.

Thanh Hóa tiêu hủy 230kg chân gà và ruốc không rõ nguồn gốc

230kg chân gà và ruốc không rõ nguồn gốc, xuất xứ đã bị tiêu hủy tại Thanh Hóa do vi phạm hành vi kinh doanh thực phẩm không đảm bảo an toàn.

Ngày 26/6/2024, Đội Quản lý thị trường số 10, Thanh Hóa đã phối hợp với các lực lượng chức năng tiến hành tiêu hủy 230kg thực phẩm gồm chân gà và ruốc không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Trước đó, vào ngày 21/6/2024, Đội Quản lý thị trường số 10 phối hợp với Phòng PC03, Công an tỉnh Thanh Hóa đã kiểm tra tại hộ kinh doanh Trần Văn Tiến (địa chỉ: 109 Sơn Vạn, phường Đông Hải, TP. Thanh Hóa). Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện 165kg chân gà và 65kg ruốc không có bất kỳ giấy tờ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ nào. Tổng giá trị số hàng hóa vi phạm là 26 triệu đồng.

Lực lượng Quản lý thị trường Thanh Hóa phát hiện lượng lớn chân gà không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Đoàn kiểm tra đã lập biên bản tạm giữ toàn bộ số hàng hóa trên và tiến hành xác minh làm rõ. Sau khi hoàn tất hồ sơ, vào ngày 25/6/2024, Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 10 đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với hộ kinh doanh Trần Văn Tiến về hành vi kinh doanh thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ với số tiền 17 triệu đồng và buộc tiêu hủy toàn bộ số hàng hóa vi phạm.

Ruốc không rõ nguồn gốc xuất xứ được bán với giá 250 nghìn đồng/kg.

Sáng ngày 26/6/2024, Đội Quản lý thị trường số 10 đã phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành tiêu hủy toàn bộ số thực phẩm vi phạm theo đúng quy định của pháp luật.

Tiêu hủy 230kg thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Việc tiêu hủy 230kg chân gà và ruốc không rõ nguồn gốc, xuất xứ là nhằm bảo vệ sức khỏe cho người tiêu dùng và ngăn chặn các hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm trên thị trường.

Bình Thuận: Bắt giữ đối tượng tàng trữ trái phép chất ma túy

Đội Đặc nhiệm Phòng chống Ma túy và Tội phạm, BĐBP tỉnh Bình Thuận vừa phối hợp Đồn Biên phòng Thanh Hải và Công an phường Lạc Đạo, thành phố Phan Thiết bắt giữ 1 đối tượng có hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy.

Đối tượng Quang cùng tang vật bị bắt giữ.

Cụ thể, lúc 12 giờ 00 phút ngày 12/6, trong quá trình tuần tra, kiểm soát bảo vệ an ninh trật tự địa bàn tại khu vực thuộc Khu phố 5, phường Lạc Đạo, tổ tuần tra phát hiện đối tượng Phạm Duy Quang (SN 1996), trú tại khu phố 5, phường Lạc Đạo, TP Phan Thiết có biểu hiện nghi vấn sử dụng trái phép chất ma túy; kiểm tra phát hiện có 4 túi nilon lớn và 14 túi nilon nhỏ hàn kín, bên trong chứa tinh thể rắn màu trắng, khối lượng khoảng 300 gram.

Khai thác nhanh, đối tượng khai nhận số tinh thể trong túi nilon mà lực lượng chức năng thu giữ là ma túy dạng đá. Ngoài số ma tuý trên còn thu giữ một số tang vật gồm: 1 điện thoại di động, 1 cân tiểu ly, 1 dụng cụ sử dụng ma túy tự chế.

Hiện vụ việc đang được Đồn Biên phòng Thanh Hải tiếp tục điều tra, xử lý theo luật định.

Đồng Tháp: Giám sát tiêu hủy lô vàng trang sức vi phạm về nhãn hiệu

Lực lượng Quản lý Thị trường tỉnh Đồng Tháp vừa phối hợp với cơ quan chức năng tiến hành giám sát và tiêu hủy lô hàng vàng trang sức vi phạm nhãn hiệu tại TP. Sa Đéc, với tổng trị giá 66 triệu đồng.

Ngày 29/5/2024, Cục Quản lý Thị trường tỉnh Đồng Tháp thông báo, Đội Quản lý Thị trường số 1 đã phối hợp với Thanh tra Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Đồng Tháp tiến hành giám sát tiêu hủy tang vật vi phạm hành chính của Doanh nghiệp tư nhân TV HH kinh doanh mua bán vàng tại phường 2, TP. Sa Đéc.

Lực lượng chức năng giám sát việc tiêu hủy sản phẩm vàng vi phạm

Đây là hoạt động nhằm thực hiện quyết định xử lý vi phạm hành chính do Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp ban hành trước đó. Tang vật bị tiêu hủy bao gồm 22 sản phẩm trang sức giả mạo nhãn hiệu "Chanel" - nhãn hiệu đăng ký quốc tế và được bảo hộ tại Việt Nam. Tổng trị giá của lô hàng bị tiêu hủy lên tới 66 triệu đồng.

Hình thức tiêu hủy được áp dụng là đốt hoàn toàn bằng nhiệt. Phương tiện máy khè kim loại được sử dụng để đốt tan chảy tang vật, đảm bảo chúng không còn nguyên vẹn hình dáng ban đầu và không thể sử dụng được nữa.

Toàn bộ quá trình tiêu hủy tang vật vi phạm hành chính diễn ra dưới sự giám sát chặt chẽ của Đội Quản lý Thị trường số 1 và Thanh tra Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Đồng Tháp, đảm bảo tuân thủ đúng các quy định pháp luật.