Đăng nhập

Nam Định: Phát hiện, thu giữ 200 áo phao không rõ nguồn gốc trên Tiktok Shop

Ngày 19/11/2024, Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Nam Định cho biết, trong vòng hơn 1 tháng theo dõi, Đội QLTT số 4 đã phát hiện đối tượng có kho hàng hóa kinh doanh tại xóm Sơn Hồng, xã Giao Hà, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định.

Trước đó, ngày 13/11/2024, Đội QLTT số 4 phối hợp với Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế, ma túy Công an huyện Giao Thủy đã tiến hành kiểm tra kho hàng có địa chỉ tại xóm Sơn Hồng.

Thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện 200 sản phẩm áo phao không rõ nguồn gốc, xuất xứ; trị giá ước tính 25 triệu đồng.

Lực lượng chức năng công bố Quyết định kiểm tra đối với cơ sở kinh doanh

Làm việc với đoàn kiểm tra, ông P.Q.Đ (chủ hộ kinh doanh) cho biết, cơ sở kinh doanh của ông đang sử dụng sàn thương mại điện tử Tiktok Shop để đăng tải hình ảnh, nhận đặt hàng để bán các sản phẩm hàng hóa có dấu hiệu không có nguồn gốc xuất xứ nói trên.

Nhiều sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ được phát hiện tại cơ sở này

Số lượng sản phẩm được mua từ nhiều địa chỉ khác nhau trên địa bàn tỉnh Nam Định không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, không có hợp đồng, hóa đơn mua bán, tờ khai hải quan, giấy tờ chứng minh quyền sở hữu hợp pháp đối với hàng hóa theo quy định của pháp luật.

Đội QLTT số 4 đã tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính, tạm giữ các sản phẩm áo phao không rõ nguồn gốc, xuất xứ nói trên và báo cáo xử lý vụ việc theo quy định của pháp luật.

Lai Châu: Phát hiện hộ kinh doanh, kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ

Ngày 11/11/2024 - Cục QLTT tỉnh Lai Châu cho biết, Đội QLTT số 1 vừa phát hiện và xử phạt bà Tăng Thị Liên, chủ hộ kinh doanh "Lai Châu Sport", do kinh doanh 70 bộ quần áo trẻ em không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Cụ thể, ngày 8/11/2024, Đội Quản lý thị trường số 1 đã tiến hành kiểm tra đột xuất hộ kinh doanh Tăng Thị Liên, chủ tài khoản Facebook "Lai Châu Sport" tại số nhà 267, đường Trần Hưng Đạo, phường Đoàn Kết, thành phố Lai Châu.

Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện bà Liên đang bày bán 70 bộ quần áo trẻ em trị giá 3,85 triệu đồng. Tuy nhiên, thông tin trên nhãn hàng hóa không hề có bất kỳ thông tin nào về nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm. Thêm vào đó, bà Liên cũng không xuất trình được bất kỳ hóa đơn, chứng từ nào để chứng minh nguồn gốc hợp pháp của lô hàng này.

Đội Quản lý thị trường số 1 đã lập biên bản vi phạm hành chính và tiến hành xử phạt bà Tăng Thị Liên 2 triệu đồng. Đồng thời, toàn bộ số quần áo trẻ em không rõ nguồn gốc đã bị tịch thu để xử lý theo quy định của pháp luật.

Hải Phòng: Xử phạt cửa hàng thời trang bán quần áo giả mạo nhãn hiệu

Ngày 25/10/2024, Đội QLTT số 7, Cục QLTT thành phố Hải Phòng cho biết, đã phối hợp với Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và ma túy- Công an quận Ngô Quyền tiến hành kiểm tra đột xuất đối với hộ kinh doanh Lê Văn Tùng, có địa chỉ tại phường Lê Lợi, quận Ngô Quyền, thành phố Hải Phòng.

Cụ thể, ngày 18/10/2024, Đội QLTT số 7, Cục QLTT thành phố Hải Phòng đã phối hợp với Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và ma túy- Công an quận Ngô Quyền tiến hành kiểm tra đột xuất đối với hộ kinh doanh Lê Văn Tùng, có địa chỉ tại phường Lê Lợi, quận Ngô Quyền, thành phố Hải Phòng.

Lực lượng QLTT kiểm tra cơ sở bán hàng hóa nghi giả mạo nhãn hiệu

Tại thời điểm kiểm tra, Hộ kinh doanh này có thực hiện việc đăng tải hình ảnh, giới thiệu về sản phẩm có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu Dolce&Gabbana (D&G), Dior, Louis Vuitton (LV)... trên trang facebook mang tên Tùng Gucci (Lê Văn Tùng) tại địa chỉ: "http://www.facebook.com/tung.gucci.927/".

Quá trình kiểm tra, đoàn kiểm tra đã phát hiện và tạm giữ hơn 700 sản phẩm thời trang gồm quần áo, giày dép, thắt lưng, túi, ví nam các loại mang nhãn hiệu Dolce&Gabbana (D&G), Gucci, Burberry, Dior, Louis Vuitton (LV), Hermes, Nike, Adidas không xuất trình được hoá đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp và là hàng hóa có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu. Tổng trị giá hàng hóa vi phạm hơn 460 triệu đồng.

Đội QLTT số 7 đã gửi Công văn đến đại diện theo ủy quyền của các nhãn hiệu nổi tiếng nêu trên chờ xử lý theo quy định./.

Thanh Hóa: Bắt giữ đối tượng tàng trữ 370 viên ma túy tổng hợp

Ngày 7/10, Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Na Mèo, BĐBP Thanh Hóa đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy; hoàn chỉnh hồ sơ, bàn giao 1 đối tượng và tang vật cho Công an huyện Quan Sơn xử lý theo quy định của pháp luật.

lúc 6 giờ 25 phút ngày 5/10, tổ công tác do Đội Đặc nhiệm phòng chống ma túy và tội phạm (BĐBP Thanh Hóa) chủ trì, phối hợp với Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Na Mèo và Đồn Biên phòng Mường Mìn tổ chức kiểm tra, kiểm soát tại khu vực đường liên bản Son - Ché Lầu, thuộc địa phận bản Ché Lầu, xã Na Mèo, huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa, phát hiện 1 người đàn ông đi bộ từ hướng bản Ché Lầu xuống bản Son, xã Na Mèo có dấu hiệu khả nghi, nên yêu cầu dừng lại để kiểm tra.

Đối tượng Sung Văn Lênh.

Qua kiểm tra, phát hiện đối tượng cất giấu trong túi áo 370 viên ma túy tổng hợp.

Tại cơ quan điều tra, đối tượng khai tên là Sung Văn Lênh, sinh năm 1993, ở bản Mùa Xuân, xã Sơn Thủy, huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Sung Văn Lênh khai nhận số tang vật trên là hồng phiến. Do bị nghiện, nên Lênh đã tìm mua số ma túy trên mang về cất giấu để sử dụng.

Sau khi hoàn tất hồ sơ, đơn vị đã tiến hành bàn giao đối tượng cùng toàn bộ tang vật cho lực lượng Công an tiếp tục điều tra, thụ lý theo quy định của pháp luật.

Nam Định: Bắt giữ 2 đối tượng, thu giữ 1,2kg ma túy đá

Ngày 24/9, Công an tỉnh Nam Định cho biết, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy vừa triệt phá đường dây mua bán trái phép chất ma túy với số lượng lớn từ Bắc Ninh về Nam Định tiêu thụ.

Theo đó, lực lượng chức năng đã bắt 02 đối tượng, khám xét thu giữ: 1,2 kg ma túy tổng hợp dạng “đá”, 01 cân điện tử, 01 ô tô và một số vật chứng khác có liên quan.

Tang vật lực lượng chức năng thu giữ. 

Hai đối tượng bị bắt gồm: Nguyễn Thế Dũng, sinh năm 1981 (trú tại 182 Mỹ Xá, phường Mỹ Xá, TP Nam Định) và Nguyễn Thùy Linh, sinh năm 1978 (trú tại 44 phố Bắc Ninh, phường Nguyễn Du, TP Nam Định) về hành vi Mua bán, tàng trữ trái phép chất ma túy.

Hai đối tượng Nguyễn Thế Dũng và Nguyễn Thùy Linh.

Hiện vụ việc đang được lực lượng chức năng tiếp tục đấu tranh, củng cố hồ sơ xử lý theo quy định của pháp luật.

Hà Nội: Phát hiện hơn 13 nghìn sản phẩm bánh trung thu nhập lậu 

Ngày 10/9/2024, Thông tin từ Phòng Cảnh Cảnh sát kinh tế - Công an TP Hà Nội cho biết, đơn vị vừa phát hiện, xử lý cơ sở kinh doanh nhập lậu số lượng lớn bánh trung thu do nước ngoài sản xuất.

Theo đó, ngày 6/9/2024, Phòng Cảnh sát Kinh tế đã phối hợp với Đội Quản lý Thị trường số 17, Cục Quản lý Thị trường Hà Nội tiến hành kiểm tra cơ sở kinh doanh có địa chỉ số 60 Louis 12, KĐT Louis City, quận Hoàng Mai, Hà Nội, phát hiện, tạm giữ 13.330 sản phẩm là bánh trung thu, bánh các loại do nước ngoài sản xuất, không có hoá đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, trị giá hàng hoá khoảng 69 triệu đồng...

Sản phẩm bánh trung thu nhập lậu bị thu giữ.

Chủ cơ sở, bà Nguyễn Bích H (sinh năm 1986, trú tại quận Hoàng Mai, Hà Nội), đã thừa nhận toàn bộ số hàng trên đều được nhập khẩu mà không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp. Việc này vi phạm nghiêm trọng các quy định về an toàn thực phẩm và nguồn gốc hàng hóa. Đây là một ví dụ điển hình về tình trạng nhập lậu các loại thực phẩm có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng, nhất là trong dịp lễ Trung thu khi nhu cầu tiêu thụ các loại bánh này tăng cao.

Ngay sau khi làm việc với chủ cơ sở, lực lượng chức năng đã lập biên bản xử phạt hành chính với mức tiền phạt lên đến 57,5 triệu đồng. Đồng thời, toàn bộ số hàng hóa vi phạm đã bị tiêu hủy theo quy định của pháp luật.

Quảng Ninh: Phát hiện hàng loạt hàng giả, hàng cấm trên thương mại điện tử

Ngày 23/8/2024, Cục Quản lý thị trường Quảng Ninh thông tin việc xử phạt 3 vụ kinh doanh hàng giả mạo nhãn hiệu và bánh trung thu nhập lậu trên thương mại điện tử.

Qua công tác rà soát, nắm thông tin của các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử (facebook), trong 2 ngày 21 - 22/8/2024, Đội Quản lý thị trường số 1 và Đội Quản lý thị trường số 3 đã tiến hành kiểm tra và phát hiện nhiều vi phạm nghiêm trọng.

Đội Quản lý thị trường số 1 kiểm tra Hộ kinh doanh Bùi Văn Đại.

Cụ thể, tại Hộ kinh doanh Bùi Văn Đại (xã Quảng Chính, huyện Hải Hà, lực lượng chức năng đã thu giữ 23 chiếc bao bì pin năng lượng mặt trời giả mạo nhãn hiệu Seplos, trị giá lên đến 67.000.000 đồng. Tiếp đó, tại cửa hàng kính mắt X.T (phường Quang Trung, thành phố Uông Bí, 95 chiếc kính mắt giả mạo các thương hiệu nổi tiếng như Chanel và Gucci đã bị tịch thu. Tổng giá trị lô hàng này ước tính khoảng 91.939.000 đồng.

Đội Quản lý thị trường số 3 giám sát buộc tiêu hủy bánh trung thu nhập lậu.

Đồng thời, tại thành phố Cẩm Phả, Đội Quản lý thị trường số 3 đã phát hiện và tạm giữ 120 chiếc bánh dẻo nhãn hiệu Mochi nhập lậu, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng.

Toàn bộ số hàng hóa vi phạm đã bị tạm giữ để phục vụ công tác điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật. Các cơ sở kinh doanh có hành vi vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính nghiêm khắc và buộc tiêu hủy toàn bộ số hàng hóa trên.

Hải Phòng: Tạm giữ tàu vận chuyển 1.000 m3 cát không rõ nguồn gốc

Sáng 12/8, Cảnh sát biển và lực lượng chức năng đã tổ chức dẫn giải tàu vận chuyển 1.000 m3 cát không rõ nguồn gốc về khu vực chân cầu Bạch Đằng (Hải Phòng) để canh giữ đảm bảo an toàn và tiến hành các biện pháp điều tra, xác minh và xử lý theo quy định của pháp luật.

Trước đó, ngày 11/8, tại khu vực vùng nước cảng biển Hải Phòng, tổ công tác Hải đoàn 11, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 1 và Đội Quản lý thị trường, Cục Quản lý thị trường thành phố Hải Phòng đã kiểm tra tàu vận tải mang số hiệu NĐ-4237 đang hành trình có biểu hiện nghi vấn.

Tàu chở 1.000 m3 cát bị lực lượng chức năng tạm giữ.

Tàu NĐ-4237 có 3 thuyền viên, do ông Trần Văn Ngọc, 39 tuổi, trú tại xã Xuân Trung, huyện Xuân Trường (Nam Định) làm thuyền trưởng. Tại thời điểm kiểm tra, tàu NĐ-4237 đang vận chuyển khoảng 1.000 m3 cát san lấp (theo lời khai). Thuyền trưởng và các thuyền viên không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của số cát đang vận chuyển trên tàu.

Theo khai báo, số cát trên được mua trôi nổi, không có hóa đơn chứng từ, khi đang trên đường vận chuyển tìm mối tiêu thụ thì bị lực lượng chức năng phát hiện, tạm giữ.

Thanh Hóa: Bắt quả tang đối tượng vận chuyển trái phép chất ma túy qua biên giới

Với thủ đoạn tinh vi, giấu ma túy tổng hợp trong ruột quả dứa, một đối tượng người Lào đã bị lực lượng chức năng tỉnh Thanh Hóa bắt quả tang khi đang vận chuyển trái phép chất ma túy qua biên giới.

Vào lúc 18 giờ 30 phút ngày 28/7, tại khu vực Mốc 294 thuộc bản Na Hin, xã Mường Chanh, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa, Đồn Biên phòng Quang Chiểu phối hợp với Công an xã Mường Chanh đã phát hiện và bắt giữ một đối tượng vận chuyển trái phép chất ma túy.

Đối tượng Thạo Chắp cùng tang vật bị bắt giữ.

Theo thông tin ban đầu, trong quá trình tuần tra kiểm soát, lực lượng chức năng phát hiện một người đàn ông có biểu hiện nghi vấn đang di chuyển từ Lào về Việt Nam. Qua kiểm tra, người này không xuất trình được giấy tờ tùy thân và trong túi xách của đối tượng, lực lượng chức năng phát hiện 5 quả dứa gai.

Tiến hành kiểm tra kỹ càng, lực lượng chức năng phát hiện bên trong ruột của một quả dứa có chứa 1 bọc nilon màu trắng bên trong đựng 378 viên nén nghi là ma túy tổng hợp. Đối tượng khai nhận, đây là ma túy loại WY và AY1, trong đó có 374 viên màu hồng và 4 viên màu xanh.

Đối tượng đã khoét rỗng ruột quả dứa gai rồi ngụy trang ma túy vào bên trong.

Tại cơ quan điều tra, đối tượng khai nhận tên là Thạo Chắp (sinh năm 1993), trú tại bản Cang Mông, cụm Mường Cáng, huyện Viêng Xay, tỉnh Hủa Phăn, Lào. Do nghiện ma túy lâu năm, để có tiền mua ma túy sử dụng, Thạo Chắp đã nhận vận chuyển thuê số ma túy trên từ một đối tượng không quen biết ở Lào về Việt Nam với giá 3 triệu đồng.

Để tránh sự phát hiện của lực lượng chức năng, Thạo Chắp đã nghĩ ra cách ngụy trang ma túy bằng cách khoét rỗng ruột quả dứa, cất giấu ma túy vào bên trong rồi gắn lại như bình thường. Tuy nhiên, hành vi tinh vi của đối tượng đã không qua mắt được lực lượng chức năng.

Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo Đồn Biên phòng Quang Chiểu phối hợp với các lực lượng chức năng tiếp tục điều tra làm rõ vụ án, xử lý đối tượng theo quy định của pháp luật.

Bình Phước: Xử phạt 1 cơ sở phát hành kinh doanh sách lậu

Vừa qua, Phòng An ninh chính trị nội bộ Công an tỉnh Bình Phước phối hợp với Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông, Cục Quản lý thị trưởng tỉnh Bình Phước và Nhà xuất bản Giáo dục tại TP. Hồ Chí Minh kiểm tra các cơ sở phát hành xuất bản phẩm trên địa bàn tỉnh.

Trong quá trình kiểm tra, đoàn đã phát hiện và tạm giữ 18 đầu sách với tổng số 142 cuốn có dấu hiệu in lậu tại 1 cơ sở phát hành trên địa bàn huyện Lộc Ninh. Qua làm việc với Nhà xuất bản Giáo dục tại TP. Hồ Chí Minh bằng hình thức soi chiếu qua công cụ chuyên dụng là bút tia cực tím thì các tem không hiện logo “GD”. Ngoài ra, chất lượng của các tem, nhãn không đạt sắc nét, không có độ nhám, nổi như tem thật; lớp nhũ trên tem không thể cạo ra bằng cách thông thường như tem thật; chất lượng giấy, mực in, hình ảnh không đồng nhất, xác định số sách trên không phải do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam in ấn.

Đoàn tiến hành kiểm tra tại một nhà sách

Lực lượng chức năng đã lập biên bản và xử phạt vi phạm hành chính bà Đ.T.H số tiền 21 triệu đồng và tịch thu, tiêu hủy số xuất bản phẩm vi phạm không có hóa đơn, chứng từ thể hiện nguồn gốc hợp pháp quy định tại điểm c, khoản 1, Điều 29, Nghị định số 119/2020/NĐ-CP ngày 7-10-2020 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản.

Để bảo vệ quyền lợi của các cơ sở kinh doanh phát hành xuất bản phẩm, đoàn kiểm tra khuyến cáo các tổ chức, người dân cần nâng cao nhận thức, không ham sách rẻ, chiết khấu cao vô tình tiếp tay cho hoạt động buôn lậu, in lậu và vi phạm bản quyền; đồng thời, nếu phát hiện cơ sở nào có dấu hiệu vi phạm báo ngay cho lực lượng chức năng gần nhất để kiểm tra, xử lý.