Hà Nội: Tăng cường hậu kiểm an toàn vệ sinh thực phẩm
Hoạt động hậu kiểm ATVSTP trên địa bàn thành phố sẽ diễn ra thường xuyên, xử lý nghiêm vi phạm, công khai trên truyền thông, đảm bảo tính khách quan, minh bạch.
Ngày 1/4, Văn phòng UBND thành phố đã ban hành thông báo Kết luận của Phó Chủ tịch UBND thành phố Vũ Thu Hà tại cuộc họp nghe báo cáo tổng hợp kết quả thực hiện Kế hoạch số 210 của UBND Thành phố về “Tăng cường kiểm soát an toàn thực phẩm trong và xung quanh cổng trường học trên địa bàn thành phố Hà Nội” và các nội dung liên quan phục vụ cuộc họp Ban chỉ đạo công tác an toàn thực phẩm thành phố Hà Nội.
Ban Chỉ đạo Công tác An toàn Thực phẩm thành phố Hà Nội vừa ban hành kế hoạch triển khai công tác hậu kiểm năm 2025. Mục tiêu bao gồm kiểm soát các cơ sở sản xuất, kinh doanh, quảng cáo thực phẩm; đánh giá tuân thủ pháp luật; tuyên truyền chính sách và ngăn chặn thực phẩm không an toàn.
Công tác hậu kiểm tập trung vào các nhóm sản phẩm tự công bố, nhập khẩu, OCOP, thực phẩm bổ sung, dịch vụ ăn uống (đặc biệt là bếp ăn tập thể, trường học, lễ hội) và quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe. Các đợt kiểm tra liên ngành được tổ chức vào dịp Tết Nguyên đán, Tháng hành động vì an toàn thực phẩm và Tết Trung thu.
Hoạt động hậu kiểm sẽ diễn ra thường xuyên, xử lý nghiêm vi phạm, công khai trên truyền thông, tránh chồng chéo và đảm bảo tính khách quan, minh bạch. Kế hoạch nhấn mạnh kiểm soát chất lượng thực phẩm từ nguyên liệu, sản xuất đến lưu thông; lấy mẫu kiểm nghiệm các nhóm thực phẩm nguy cơ cao; hậu kiểm giấy chứng nhận an toàn thực phẩm, quảng cáo và truy xuất nguồn gốc, nhằm bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.
Bộ đội Biên phòng An Giang phát hiện 2.000 bao thuốc lá lậu
Ngày 3/3/2025, Bộ đội Biên phòng tỉnh An Giang thông tin, Đội Đặc nhiệm phòng, chống ma túy và tội phạm phối hợp với Đồn Biên phòng Vĩnh Nguơn thu giữ 2.000 bao thuốc lá lậu.
Cụ thể, vào lúc 10 giờ 40 ngày 27/2, Đội Đặc nhiệm phòng, chống ma túy và tội phạm phối hợp với Đồn Biên phòng Vĩnh Nguơn (Bộ đội Biên phòng tỉnh An Giang) mật phục chống buôn lậu tại khu vực mương Thốt Nốt (thuộc khóm Vĩnh Chánh 3, phường Vĩnh Nguơn, TP.Châu Đốc).
Thời điểm này, tổ công tác phát hiện Trần Văn Tiền (SN 2005, ngụ khóm Châu Thới 1, phường Châu Phú B, TP.Châu Đốc, tỉnh An Giang) điều khiển xe gắn máy đi từ hướng biên giới về kênh Vĩnh Tế, trên xe chở nhiều bọc nylon màu đen.
Trần Văn Tiền cùng tang vật thuốc lá lậu
Tổ công tác yêu cầu Tiền dừng xe để kiểm tra. Qua kiểm tra, tổ công tác phát hiện trên xe gắn máy của Tiền chở 4 bọc bọc nylon màu đen, bên trong có chứa 1.000 bao thuốc lá (400 bao thuốc lá hiệu JET, 600 bao thuốc lá hiệu Hero). Tiền khai nhận vận chuyển thuê 1.000 bao thuốc lá với tiền công là 80.000 đồng.
Tổ công tác đã đưa Tiền cùng tang vật có liên quan về Đồn Biên phòng Vĩnh Nguơn để tiếp tục điều tra, xác minh, xử lý theo quy định pháp luật.
Xe gắn máy và tang vật bị bỏ lại hiện trường
Cũng trong sáng 27.2, Đội Đặc nhiệm phòng, chống ma túy và tội phạm phối hợp với Đồn Biên phòng Vĩnh Nguơn tuần tra kiểm soát chống buôn lậu trên địa bàn phường Vĩnh Nguơn (TP.Châu Đốc), khi đến khu vực mương Thốt Nốt phát hiện một người đàn ông điều khiển xe gắn máy đi từ hướng biên giới về kênh Vĩnh Tế, trên xe chở nhiều bọc nylon màu đen.
Phát hiện tổ công tác, người đàn ông bỏ lại xe gắn máy và các bọc nylon rồi nhảy xuống kênh Vĩnh Tế bỏ trốn. Tiến hành kiểm tra các bọc nylon, tổ công tác phát hiện có 1.000 bao thuốc lá (500 bao thuốc lá hiệu JET, 500 bao thuốc lá hiệu Hero).
Thái Nguyên: Phát hiện cơ sở kinh doanh hàng hoá giả mạo nhãn hiệu, không rõ nguồn gốc xuất xứ
Ngày 08/01/2025 Đoàn kiểm tra của Đội Quản lý thị trường số 3 đã tiến hành kiểm tra đột xuất đối với của hàng kinh doanh mũ bảo hiểm thuộc Hộ kinh doanh B.T.T có địa chỉ tại xã La Hiên, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên. Qua kiểm tra đã phát hiện và xử lý hơn 760 đơn vị sản phẩm hàng hóa là hàng hoá giả mạo nhãn hiệu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Tại thời điểm kiểm tra, Đoàn kiểm tra phát hiện 610 sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ gồm: 250 chiếc mũ cối, 360 mũ thể thao và 150 chiếc mũ thể thao là hàng hoá giả mạo nhãn hiệu Adidas có tổng trị giá hàng hóa vi phạm là gần 38 triệu đồng. Chủ hộ kinh doanh là bà B.T.T khai nhận số hàng hóa vi phạm bà mới mua về để kinh doanh trong dịp Tết Nguyên đán và không có bất cứ giấy tờ, hoá đơn, chứng từ gì liên quan đến nguồn gốc, xuất xứ.
Đoàn kiểm tra đã lập Biên bản vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm của Hộ kinh doanh B.T.T và đề xuất Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 3 ban hành quyết định xử phạt với số tiền phạt là 22.500.000 đồng; tịch thu 610 sản phẩm hàng hoá không rõ nguồn gốc, xuất xứ và buộc tiêu hủy 150 chiếc mũ thể thao là hàng hoá giả mạo nhãn hiệu Adidas.
Trong thời gian tới, Đội Quản lý thị trường số 3 sẽ tiếp tục tăng cường công tác quản lý địa bàn, nắm bắt thông tin về các hoạt động vận chuyển, buôn bán hàng giả, hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ,...đặc biệt là hoạt động kinh doanh hàng hóa qua hình thức thương mại điện tử và qua mạng xã hội Zalo, Facebook, TikTok,... trên địa bàn quản lý nhằm kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định pháp luật./.