Hà Nội: Tăng cường hậu kiểm an toàn vệ sinh thực phẩm
Hoạt động hậu kiểm ATVSTP trên địa bàn thành phố sẽ diễn ra thường xuyên, xử lý nghiêm vi phạm, công khai trên truyền thông, đảm bảo tính khách quan, minh bạch.
Ngày 1/4, Văn phòng UBND thành phố đã ban hành thông báo Kết luận của Phó Chủ tịch UBND thành phố Vũ Thu Hà tại cuộc họp nghe báo cáo tổng hợp kết quả thực hiện Kế hoạch số 210 của UBND Thành phố về “Tăng cường kiểm soát an toàn thực phẩm trong và xung quanh cổng trường học trên địa bàn thành phố Hà Nội” và các nội dung liên quan phục vụ cuộc họp Ban chỉ đạo công tác an toàn thực phẩm thành phố Hà Nội.
Ban Chỉ đạo Công tác An toàn Thực phẩm thành phố Hà Nội vừa ban hành kế hoạch triển khai công tác hậu kiểm năm 2025. Mục tiêu bao gồm kiểm soát các cơ sở sản xuất, kinh doanh, quảng cáo thực phẩm; đánh giá tuân thủ pháp luật; tuyên truyền chính sách và ngăn chặn thực phẩm không an toàn.
Công tác hậu kiểm tập trung vào các nhóm sản phẩm tự công bố, nhập khẩu, OCOP, thực phẩm bổ sung, dịch vụ ăn uống (đặc biệt là bếp ăn tập thể, trường học, lễ hội) và quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe. Các đợt kiểm tra liên ngành được tổ chức vào dịp Tết Nguyên đán, Tháng hành động vì an toàn thực phẩm và Tết Trung thu.
Hoạt động hậu kiểm sẽ diễn ra thường xuyên, xử lý nghiêm vi phạm, công khai trên truyền thông, tránh chồng chéo và đảm bảo tính khách quan, minh bạch. Kế hoạch nhấn mạnh kiểm soát chất lượng thực phẩm từ nguyên liệu, sản xuất đến lưu thông; lấy mẫu kiểm nghiệm các nhóm thực phẩm nguy cơ cao; hậu kiểm giấy chứng nhận an toàn thực phẩm, quảng cáo và truy xuất nguồn gốc, nhằm bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.
Bộ đội Biên phòng An Giang phát hiện 2.000 bao thuốc lá lậu
Ngày 3/3/2025, Bộ đội Biên phòng tỉnh An Giang thông tin, Đội Đặc nhiệm phòng, chống ma túy và tội phạm phối hợp với Đồn Biên phòng Vĩnh Nguơn thu giữ 2.000 bao thuốc lá lậu.
Cụ thể, vào lúc 10 giờ 40 ngày 27/2, Đội Đặc nhiệm phòng, chống ma túy và tội phạm phối hợp với Đồn Biên phòng Vĩnh Nguơn (Bộ đội Biên phòng tỉnh An Giang) mật phục chống buôn lậu tại khu vực mương Thốt Nốt (thuộc khóm Vĩnh Chánh 3, phường Vĩnh Nguơn, TP.Châu Đốc).
Thời điểm này, tổ công tác phát hiện Trần Văn Tiền (SN 2005, ngụ khóm Châu Thới 1, phường Châu Phú B, TP.Châu Đốc, tỉnh An Giang) điều khiển xe gắn máy đi từ hướng biên giới về kênh Vĩnh Tế, trên xe chở nhiều bọc nylon màu đen.
Trần Văn Tiền cùng tang vật thuốc lá lậu
Tổ công tác yêu cầu Tiền dừng xe để kiểm tra. Qua kiểm tra, tổ công tác phát hiện trên xe gắn máy của Tiền chở 4 bọc bọc nylon màu đen, bên trong có chứa 1.000 bao thuốc lá (400 bao thuốc lá hiệu JET, 600 bao thuốc lá hiệu Hero). Tiền khai nhận vận chuyển thuê 1.000 bao thuốc lá với tiền công là 80.000 đồng.
Tổ công tác đã đưa Tiền cùng tang vật có liên quan về Đồn Biên phòng Vĩnh Nguơn để tiếp tục điều tra, xác minh, xử lý theo quy định pháp luật.
Xe gắn máy và tang vật bị bỏ lại hiện trường
Cũng trong sáng 27.2, Đội Đặc nhiệm phòng, chống ma túy và tội phạm phối hợp với Đồn Biên phòng Vĩnh Nguơn tuần tra kiểm soát chống buôn lậu trên địa bàn phường Vĩnh Nguơn (TP.Châu Đốc), khi đến khu vực mương Thốt Nốt phát hiện một người đàn ông điều khiển xe gắn máy đi từ hướng biên giới về kênh Vĩnh Tế, trên xe chở nhiều bọc nylon màu đen.
Phát hiện tổ công tác, người đàn ông bỏ lại xe gắn máy và các bọc nylon rồi nhảy xuống kênh Vĩnh Tế bỏ trốn. Tiến hành kiểm tra các bọc nylon, tổ công tác phát hiện có 1.000 bao thuốc lá (500 bao thuốc lá hiệu JET, 500 bao thuốc lá hiệu Hero).
Thái Nguyên: Phát hiện cơ sở kinh doanh hàng hoá giả mạo nhãn hiệu, không rõ nguồn gốc xuất xứ
Ngày 08/01/2025 Đoàn kiểm tra của Đội Quản lý thị trường số 3 đã tiến hành kiểm tra đột xuất đối với của hàng kinh doanh mũ bảo hiểm thuộc Hộ kinh doanh B.T.T có địa chỉ tại xã La Hiên, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên. Qua kiểm tra đã phát hiện và xử lý hơn 760 đơn vị sản phẩm hàng hóa là hàng hoá giả mạo nhãn hiệu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Tại thời điểm kiểm tra, Đoàn kiểm tra phát hiện 610 sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ gồm: 250 chiếc mũ cối, 360 mũ thể thao và 150 chiếc mũ thể thao là hàng hoá giả mạo nhãn hiệu Adidas có tổng trị giá hàng hóa vi phạm là gần 38 triệu đồng. Chủ hộ kinh doanh là bà B.T.T khai nhận số hàng hóa vi phạm bà mới mua về để kinh doanh trong dịp Tết Nguyên đán và không có bất cứ giấy tờ, hoá đơn, chứng từ gì liên quan đến nguồn gốc, xuất xứ.
Đoàn kiểm tra đã lập Biên bản vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm của Hộ kinh doanh B.T.T và đề xuất Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 3 ban hành quyết định xử phạt với số tiền phạt là 22.500.000 đồng; tịch thu 610 sản phẩm hàng hoá không rõ nguồn gốc, xuất xứ và buộc tiêu hủy 150 chiếc mũ thể thao là hàng hoá giả mạo nhãn hiệu Adidas.
Trong thời gian tới, Đội Quản lý thị trường số 3 sẽ tiếp tục tăng cường công tác quản lý địa bàn, nắm bắt thông tin về các hoạt động vận chuyển, buôn bán hàng giả, hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ,...đặc biệt là hoạt động kinh doanh hàng hóa qua hình thức thương mại điện tử và qua mạng xã hội Zalo, Facebook, TikTok,... trên địa bàn quản lý nhằm kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định pháp luật./.
Bắt các đối tượng mua bán trái phép chất ma túy
Các lực lượng chức năng tỉnh Sơn La vừa phát hiện, bắt quả tang các đối tượng về hành vi mua bán trái phép chất ma túy.
Ngày 26/12, thông tin từ Công an tỉnh Sơn La cho biết, hồi 19 giờ ngày 24/12, tại bản Pa Kha, xã Lóng Luông (huyện Vân Hồ, Sơn La), Công an huyện Vân Hồ chủ trì, phối hợp với Công an huyện Mộc Châu, Đội Cảnh sát giao thông đường bộ số 1 thuộc Phòng Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh) phát hiện, bắt quả tang hai đối tượng về hành vi mua bán trái phép chất ma túy.
Các đối tượng của vụ án cùng tang vật.
Hai đối tượng bị bắt là: Trần Đình Toàn (sinh năm 1979) và Hứa Thị Yến (sinh năm 1993) cùng trú tại huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam.
Tang vật thu giữ gồm: 4 bánh heroin (có trọng lượng 1.093,66 gam), 38 viên ma túy tổng hợp, 1 xe ô tô, 3 điện thoại di động và một số vật chứng liên quan khác.
Tang vật thu giữ.
Mở rộng điều tra, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an huyện Vân Hồ đã ra lệnh giữ người, bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp đối với Tráng A Chứ (sinh năm 1978, trú xã Lóng Luông, huyện Vân Hồ) về hành vi mua bán trái phép chất ma túy.
Tiếp đó, ngày 25/12, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an huyện Vân Hồ phối hợp với Công an huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam tiến hành khám xét khẩn cấp chỗ ở của các đối tượng Trần Đình Toàn, Hứa Thị Yến và thu giữ một túi nylon bên trong chứa chất bột nghi là ma túy tại nhà Hứa Thị Yến.
Đối tượng Hứa Thị Nhung.
Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an huyện Vân Hồ đã ra lệnh giữ người, bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp đối với Hứa Thị Nhung (vợ của Toàn, là đồng phạm trong vụ án) để tiếp tục điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.
Thái Bình: Bắt giữ xe ô tô vận chuyển hàng hóa không có hóa đơn, chứng từ
Ngày 17/12/2024, Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Thái Bình cho biết đã phát hiện, bắt giữ 2 vụ vận chuyển hàng hóa không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ.
Trước đó, ngày 15/12, trên quốc lộ 39, tổ công tác Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Thái Bình kiểm tra xe ô tô tải BKS 17C - 19737 do lái xe H.D.S (SN 1980, trú tại xã Liên Giang, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình) điều khiển và phát hiện 43 bịch quần áo các loại trọng lượng 710kg, 19 cuộn vải trọng lượng 706kg.
Tại thời điểm kiểm tra, toàn bộ số hàng trên đều không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ.
Cùng ngày, trên đường tỉnh lộ 396B, quá trình kiểm tra xe ô tô bán tải BKS 14D - 016.76 do lái xe T.V.B (SN 1976, trú tại xã Hoà An, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình) điều khiển, tổ công tác thuộc Đội Cảnh sát giao thông đường bộ, Phòng Cảnh sát giao thông phát hiện trên xe vận chuyển trên 40 bịch quần áo các loại có trọng lượng 855kg.
Lực lượng Cảnh sát giao thông kiểm tra, thu giữ số hàng hóa không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc.
Tại thời điểm kiểm tra, toàn bộ số hàng trên đều không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc. Hiện, Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh đã bàn giao toàn bộ số hàng trên cho Chi cục Quản lý thị trường tỉnh xử lý theo thẩm quyền.
Đồng Tháp: Xử phạt gần 50 triệu đồng về hành vi buôn bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu và không rõ nguồn gốc xuất xứ
Ngày 29/11/2024, Cục trưởng Cục QLTT tỉnh Đồng Tháp vừa ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Hộ kinh doanh quần áo, giày dép về hành vi buôn bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu và kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ, với tổng số tiền 48,75 triệu đồng, buộc tiêu hủy hàng hóa giả mạo nhãn hiệu và tịch thu hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Trước đó, nhận được nguồn tin báo từ quần chúng nhân dân, vào ngày 11 tháng 11 năm 2024, Đội QLTT số 4 trực thuộc Cục QLTT tỉnh Đồng Tháp chủ trì, phối hợp Đội QLTT số 2 kiểm tra đột xuất Hộ kinh doanh quần áo, giày dép, địa chỉ: Phường 6, thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp do bà Nguyễn Thị Hoàng Yến làm chủ.
Tại thời điểm kiểm tra, Đội QLTT số 4 phát hiện hộ kinh doanh đang bày bán 65 đôi giày thể thao mang nhãn hiệu adidas có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu “adidas và Hình” đang được bảo hộ tại Việt Nam, trị giá hàng hóa trên 29 triệu đồng và 320 sản phẩm quần áo may sẵn không rõ nguồn gốc xuất xứ, trị giá hàng hóa vi phạm trên 42 triệu đồng.
Đội QLTT số 4 đã gửi Công văn đề nghị Công ty Luật TNHH Phạm và Liên Danh, địa chỉ: Số 8 Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội là đại diện sở hữu công nghiệp theo ủy quyền của Công ty Adidas AG, địa chỉ: Adi-Dassler-Strasse 1, 91074 Herzogenaurach, Germany và Công ty Adidas International Marketing B.V, địa chỉ: Hoogoorddreef 9a, NL-1101 BA Amsterdam Zuidoost, Netherlands xác định 65 đôi giày trên có giả mạo nhãn hiệu “adidas và Hình” được bảo hộ tại Việt Nam không. Kết quả: 65 sản phẩm giày thể thao nêu trên là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu “adidas và Hình” đang được bảo hộ tại Việt Nam, trị giá tang vật trên 29 triệu đồng.
Cục trưởng Cục QLTT tỉnh Đồng Tháp đã ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với hộ kinh doanh nêu trên về các hành vi vi phạm hành chính là buôn bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu và kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ, với tổng số tiền là 48,75 triệu đồng, tịch thu 320 sản phẩm quần áo không rõ nguồn gốc, xuất xứ và buộc tiêu hủy 65 đôi giày adidas giả mạo nhãn hiệu theo quy định.
Lạng Sơn: Phát hiện và tạm giữ một số lượng lớn giày thể thao giả mạo nhãn hiệu NIKE
Ngày 21/10/2024, Đội QLTT số 3 đã tiến hành kiểm tra đột xuất Hộ kinh doanh P.V.K có địa chỉ thị trấn Lộc Bình, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn.
Qua kiểm tra, Đoàn kiểm tra phát hiện Hộ kinh doanh P.V.K đang trưng bày để bán hàng hóa là 05 đôi giày thể thao nam người lớn NIKE có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu NIKE đã được đăng ký bảo hộ tại Việt Nam, giá niên yết trên sản phẩm tại thời điểm kiểm tra có tổng giá trị 1.500.000 đồng.
Đoàn kiểm tra đã tiến hành lập Hồ sơ vụ việc, tạm giữ, niêm phong hàng hóa có dấu hiệu vi phạm, để tiếp tục thẩm tra xác minh, củng cố hồ sơ xử lý vụ việc theo quy định của pháp luật.
Thu hồi thuốc Alphatrypa DT không đạt tiêu chuẩn chất lượng
Sở Y tế TP. Hà Nội vừa thông báo thu hồi toàn bộ lô thuốc Alphatrypa DT không đạt chuẩn chất lượng về chỉ tiêu định lượng.
Cụ thể, Sở Y tế TP. Hà Nội - thành viên Ban chỉ đạo 389 thành phố vừa có thông báo về việc thu hồi toàn bộ lô thuốc Alphatrypa DT (Chymotrypsin 4,2mg) trên địa bàn thành phố, do Công ty TNHH quốc tế Nhật Thành Pharma cung cấp và được sản xuất bởi Công ty CP Dược phẩm Trung ương I - Pharbaco; lô số 84324, ngày sản xuất 25/5/2024; hạn sử dụng đến 25/5/2026; SĐK: VN-26281-17. Lô thuốc trên không đạt tiêu chuẩn chất lượng, vi phạm chỉ tiêu Định lượng mức độ 2.
Thu hồi thuốc Alphatrypa DT không đạt tiêu chuẩn chất lượng
Sở Y tế TP. Hà Nội yêu cầu Công ty CP Dược phẩm Trung ương I - Pharbaco và Công ty TNHH quốc tế Nhật Thành Pharma tiến hành thu hồi triệt để lô thuốc Alphatrypa DT vi phạm trên; gửi báo cáo thu hồi và hồ sơ liên quan, tuân thủ theo quy định tại Công văn 3288/QLD-CL của Cục Quản lý Dược.
Sở Y tế TP. Hà Nội cũng yêu cầu các cơ sở y tế, nhà thuốc bán buôn và bán lẻ trên địa bàn rà soát và thu hồi lô thuốc Alphatrypa DT không đạt chuẩn trên; loại bỏ thuốc ra khỏi danh mục bán hàng và tuân thủ quy định trong việc thu hồi; Phòng Y tế tại các quận, huyện, thị xã thông báo rộng rãi đến các cơ sở hành nghề y tế trên địa bàn quản lý; đồng thời phối hợp chặt chẽ để kiểm tra, giám sát quá trình thu hồi lô thuốc vi phạm.
Thuốc Alphatrypa DT chứa hoạt chất Chymotrypsin, thường được sử dụng trong điều trị viêm và phù nề sau chấn thương, phẫu thuật, hoặc trong các trường hợp viêm nhiễm nghiêm trọng. Tuy nhiên, khi không đạt tiêu chuẩn chất lượng, thuốc không chỉ giảm hiệu quả điều trị mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với người sử dụng, nhất là những bệnh nhân đang điều trị các bệnh lý nghiêm trọng cần đến tác dụng chống viêm và giảm phù nề.
Đồng Tháp: Phạt tiền, tịch thu, buộc tiêu hủy tang vật trị giá gần 1.750 triệu đồng trong lĩnh vực TMĐT
9 tháng đầu năm 2024, Cục Quản lý thị trường tỉnh Đồng Tháp đã kiểm tra phát hiện 49 vụ vi phạm kinh doanh thông qua trang mạng xã hội, đã xử lý phạt tiền, tịch thu và buộc tiêu hủy tang vật gần 1.750 triệu đồng lĩnh vực thương mại điện tử
Thực hiện Đề án chống hàng giả và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong thương mại điện tử đến năm 2025 tại Quyết định số 319/QĐ-TTG ngày 29/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ; Kết luận của Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường tại Hội nghị tập huấn nghiệp vụ phòng, chống vi phạm trong thương mại điện tử theo Thông báo số 145/TB-TCQLTT ngày 05/7/2024.
Chín tháng đầu năm 2024, Cục Quản lý thị trường tỉnh Đồng Tháp đã kiểm tra phát hiện 49 vụ vi phạm kinh doanh thông qua trang mạng xã hội (Zalo, Facebook, TikTok, website thương mại điện tử của các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên địa bàn Tỉnh, với các hành vi vi phạm hành chính như không thông báo website thương mại điện tử bán hàng với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định trước khi bán hàng đến người tiêu dùng; không công bố hoặc công bố không đầy đủ, không chính xác trên website thương mại điện tử bán hàng hoặc ứng dụng bán hàng thông tin về chủ sở hữu website hoặc ứng dụng bán hàng; thông tin hàng hóa, dịch vụ; thông tin về số giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh đối với hàng hóa, dịch vụ phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh theo quy định của pháp luật; sử dụng biểu tượng đã thông báo để gắn lên website thương mại điện tử bán hàng hoặc ứng dụng bán hàng khi chưa được duyệt hoặc xác nhận thông báo của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định; không đăng ký thành lập hộ kinh doanh trong những trường hợp phải đăng ký theo quy định; buôn bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu; kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ; kinh doanh hàng hóa nhập lậu v.v..
Xử lý: Phạt tiền 47 vụ, với tổng số tiền gần 950 triệu đồng, trị giá tang vật tịch thu trên 450 triệu đồng; trị giá tang vật tiêu hủy gần 320 triệu đồng. Tang vật vi phạm chủ yếu gồm: Máy đốt nóng tinh dầu, thực phẩm các loại, mỹ phẩm các loại, quần, áo may sẵn, điện thoại di động đã qua sử dụng v.v..
Trong thời gian tới, Cục Quản lý thị trường tỉnh Đồng Tháp tiếp tục chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường công tác tuyên truyền pháp luật, theo dõi, nắm tình hình, tổ chức kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật./.
Khánh Hòa: Tăng cường kiểm tra, xử lý hành vi buôn bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu đang được bảo hộ tại Việt Nam
Trong 02 ngày 22/8/2024 và 28/8/2024, Đội QLTT số 2, Cục QLTT tỉnh Khánh Hòa đã tiến hành kiểm tra đột xuất 02 Hộ kinh doanh Giày, dép trên địa bàn thị xã Ninh Hoà; tạm giữ 36 đôi giày, dép Adidas và Nike với tổng trị giá trên 12 triệu đồng.
Qua thời gian giám sát, nắm bắt tình hình địa bàn, trong 02 ngày 22/8/2024 và 28/8/2024 theo đề xuất của kiểm soát viên, Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 2 đã xây dựng Phương án và tiến hành kiểm tra đột xuất 02 Hộ kinh doanh Giày, dép trên địa bàn thị xã Ninh Hoà.
Đoàn kiểm tra phát hiện tại Hộ kinh doanh Quỳnh Ý, số 83 Trần Quý Cáp, phường Ninh Hiệp và Hộ kinh doanh Hồng Liên, 133 Trần Quý Cáp, phường Ninh Hiệp, thị xã Ninh Hòa đang kinh doanh giày, dép có dấu hiệu vi phạm hành chính: Buôn bán hàng hoá giả mạo nhãn hiệu Adidas, Nike đang được bảo hộ tại Việt Nam. Đoàn kiểm tra đã lập biên tạm giữ 36 đôi giày, dép Adidas và Nike với tổng trị giá 12.200.000 triệu đồng đồng thời báo cáo, đề xuất Đội trưởng ban hành Quyết định thẩm tra, xác minh để xử lý theo quy định của phát luật. Kết quả, qua thẩm tra, xác minh/làm việc và căn cứ các hồ sơ, tài liệu liên quan xác định 02 Hộ kinh doanh trên có hành vi vi phạm hành chính: Buôn bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu Adidas, Nike đang được bảo hộ tại Việt Nam đồng thời trình Đội trưởng xử phạt 02 hộ trên với số tiền 16.000.000 đồng và buộc tiêu hủy toàn bộ 36 đôi giày, dép giả mạo nhãn hiệu Adidas, Nike.
Trong thời gian tới Đội tiếp tục tăng cường thực hiện Kế hoạch 888 trên nhiều lĩnh vực, tăng cường hơn nữa công tác giám sát, quản lý địa bàn đồng thời xử lý nghiêm các hành vi mua bán, hàng hóa nhập lậu, hàng cấm, hàng giả, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ./.