Đăng nhập

TP.HCM: Tiêu hủy hơn 14.000 đơn vị sản phẩm hàng hóa nhập lậu

Lực lượng Quản lý thị trường TP HCM vừa tiến hành giám sát tiêu hủy 14.114 đơn vị sản phẩm hàng hóa nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, giả mạo nhãn hiệu.

Việc tiêu huỷ diễn ra tại Nhà máy Công ty CP Môi Trường Việt Úc (KCN Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh, TP. HCM).

Lô hàng có tổng trị giá 653.754.000 đồng, thuộc 43 quyết định xử phạt vi phạm hành chính do Chủ tịch UBND TP. HCM, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường TP HCM và Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 12 ban hành.

Cơ quan chức năng giám sát tiêu huỷ hơn 14.000 đơn vị sản phẩm hàng hóa nhập lậu.

Hàng hóa vi phạm trong đợt tiêu hủy này bao gồm: Quần áo, vớ, giày, bóp, ví, nón, mắt kính, đồng hồ, mỹ phẩm (dầu gội, sơn móng tay, nhuộm tóc, nước hoa&hellip, thiết bị y tế nhập lậu (máy tăm nước, súng massage cơ cầm tay); hàng hóa vi phạm không rõ nguồn gốc xuất xứ, giả mạo nhãn hiệu được đăng ký bảo hộ tại thị trường Việt Nam như: Louis Vuitton, Chanel, Apple, Adidas, Nike, Gucci, Coach, Lacoste, Hermes, Patek Philippe, Porsche Design, New York Yankees, Cartier, Montblanc…

Đồng Tháp: Phát hiện 3,5 tấn phân bón vi phạm nhãn hàng hóa

Ngày 25/9/2024, Đội QLTT số 4, Cục QLTT tỉnh Đồng Tháp tiến hành kiểm tra đột xuất tại Địa điểm kinh doanh của Hộ kinh doanh N.T do ông N.Đ.Q làm chủ, địa chỉ địa điểm kinh doanh: Xã Phú Cường, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp.

Tại thời điểm kiểm tra, Đội QLTT số 4 phát hiện tại Hộ kinh doanh N.T đang buôn bán 3,5 tấn phân bón KALI 61%, sản phẩm của Công ty TNHH Phân bón H.P MK, địa chỉ: tỉnh LA có nhãn không ghi đủ các nội dung bắt buộc phải thể hiện theo tính chất hàng hóa theo quy định pháp luật về nhãn hàng hóa; tổng trị giá hàng hóa vi phạm hơn 38 triệu đồng.

Đội QLTT số 4 kiểm tra hàng hóa tại cửa hàng

Đội QLTT số 4 đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với Hộ kinh doanh N.T về hành vi vi phạm nêu trên và đang hoàn chỉnh vụ việc, trình Cục trưởng Cục QLTT tỉnh Đồng Tháp ban hành Quyết định xử phạt vi vi phạm hành chính theo quy định pháp luật./.

Bắc Giang: Tạm giữ 600 chiếc bánh trung thu và hàng nghìn sản phẩm thực phẩm nhập lậu

Ngày 29/8/2024, theo thông tin từ, Cục Quản lý thị trường tỉnh Bắc Giang, Đội Quản lý thị trường số 1 vừa phát hiện và tạm giữ 600 bánh trung thu và hơn 2.000 gói thực phẩm nhập lậu tại Hộ kinh doanh Nguyễn Duy Vương (có địa chỉ tại số 14, đường Hoàng Văn Thụ, phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang).

Cụ thể, ngày 28/8/2024, Đội Quản lý thị trường số 1 phối hợp với Công an thành phố Bắc Giang kiểm tra Hộ kinh doanh Nguyễn Duy Vương có địa chỉ tại số 14, đường Hoàng Văn Thụ, phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang.

Lực lượng chức năng kiểm tra hàng hóa vi phạm

Tại thời điểm kiểm tra, phát hiện hộ kinh doanh đang bày bán hàng hóa do nước ngoài sản xuất, không có hóa đơn, chứng từ chứng minh, có dấu hiệu là hàng nhập lậu, bao gồm: 600 cái bánh trung thu mini; 240 cái bánh bông lan ruốc chà bông; 190 gói bim bim; 2.080 gói hạt mix và 50 cái cánh gà loại 35g/cái.

Đội Quản lý thị trường số 1 đã tiến hành tạm giữ toàn bộ số hàng hóa có dấu hiệu vi phạm nêu trên để tiếp tục thẩm tra, xác minh làm rõ và xử lý theo quy định pháp luật.

Bắc Giang: Xử phạt doanh nghiệp kinh doanh thiết bị phòng cháy, chữa cháy không rõ nguồn gốc

Một doanh nghiệp tại Bắc Giang vừa bị phạt nặng vì hành vi kinh doanh thiết bị phòng cháy chữa cháy (PCCC) không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Đây là một đòn giáng mạnh vào các đối tượng lợi dụng nhu cầu về PCCC để trục lợi, gây nguy hiểm cho cộng đồng.

Ngày 15/8, Đội Quản lý thị trường số 1 (Cục QLTT tỉnh Bắc Giang) đã tiến hành kiểm tra đột xuất Công ty TNHH Thương mại dịch vụ H.V.N và phát hiện doanh nghiệp này đang kinh doanh trái phép 14 bình chữa cháy, 9 đèn báo thoát hiểm và 7 bình tạo khói không có hóa đơn, chứng từ hợp pháp.

Lực lượng chức năng kiểm tra Công ty TNHH Thương mại dịch vụ H.V.N

Toàn bộ số hàng trên đều là hàng nhập khẩu nhưng không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ. Điều này đồng nghĩa với việc chất lượng của các sản phẩm này không được đảm bảo, có thể gây nguy hiểm cho người sử dụng trong trường hợp xảy ra cháy nổ.

Đội QLTT số 1 đã quyết định xử phạt hành chính Công ty TNHH Thương mại dịch vụ H.V.N số tiền 6 triệu đồng và tịch thu toàn bộ số hàng hóa vi phạm.

Thanh Hóa: Tiêu hủy 249 lô hàng bị thu giữ vi phạm hành chính trị giá hơn 1,3 tỷ đồng

Sáng 5/8, Cục Quản lý thị trường tỉnh phối hợp với các ngành chức năng tổ chức tiêu hủy hàng hóa là tang vật vi phạm hành chính bị thu giữ trong các đợt kiểm tra trước đó.

Theo Hội đồng tiêu hủy tang vật vi phạm hành chính, Cục Quản lý thị trường Thanh Hóa, tổng giá trị của 249 lô hàng tiêu hủy lần này có giá trị hơn 1,3 tỷ đồng.

Hội đồng tiêu hủy giám sát các lực lượng thực hiện công việc tiêu hủy.

Các loại mặt hàng bị tiêu hủy gồm: giày, dép, túi xách, mũ, áo khoác, tất, khăn lau, quần áo, đồ chơi, các loại gia dụng, mỹ phẩm, thực phẩm. Trong đó, một số lô hàng có số lượng, giá trị lớn như: quần áo, giày, chăn lông hóa học, ô tô đồ chơi...

Toàn bộ hàng hóa trên đều là những loại hàng cấm, hàng nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không công bố tiêu chuẩn chất lượng... bị phát hiện, bắt giữ qua các đợt kiểm tra, kiểm soát của các lực lượng chức năng từ trước đến nay.

Trước sự chứng kiến của Hội đồng tiêu hủy tang vật vi phạm hành chính, lực lượng chức năng đã tiêu hủy các loại hàng hóa kể trên bằng biện pháp cơ học như cắt, đập nát, cho xe nghiền các mặt hàng đến khi không còn giá trị sử dụng.

Sau đó, toàn bộ hàng hóa vi phạm trên được vận chuyển tới khu vực xử lý đốt tại khu vực bãi rác Ecotech xã Hoằng Đức (Hoằng Hóa) đảm bảo vệ sinh môi trường.

Hải đoàn Biên phòng 28 bắt giữ tàu chở hơn 10.000 lít dầu không rõ nguồn gốc

Vào sáng ngày 22/7, Hải đoàn Biên phòng 28 cho biết đơn vị đang tiến hành điều tra, làm rõ về hành vi vận chuyển dầu DO không rõ nguồn gốc đối với thuyền trưởng tàu TG93917TS.

Sự việc xảy ra vào khoảng 3 giờ sáng ngày 21/7, khi Biên đội B24 - Hải đoàn Biên phòng 28 đang tổ chức tuần tra, kiểm soát trên biển. Lực lượng chức năng phát hiện tàu cá TG 93917 TS do ông Huỳnh Văn Hải (sinh năm 1977, trú tại xã Mỹ Trung, huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang) làm thuyền trưởng có dấu hiệu nghi vấn nên đã yêu cầu dừng tàu để kiểm tra.

Tàu TG 93917 TS bị bắt giữ cùng tang vật. 

Tại hiện trường, tàu cá TG 93917 TS đang chở khoảng 10.500 lít chất lỏng nghi là dầu DO. Tuy nhiên, thuyền trưởng tàu không thể xuất trình được bất kỳ giấy tờ, hóa đơn, chứng từ nào chứng minh nguồn gốc hợp pháp của số dầu này.

Do vi phạm hành vi vận chuyển dầu DO không rõ nguồn gốc, tàu cá TG 93917 TS đã bị lực lượng chức năng tạm giữ và lai dắt về cảng Hải đoàn Biên phòng 28. Hiện vụ việc đang được tiếp tục điều tra, làm rõ theo quy định của pháp luật.

Thái Nguyên: Thu giữ hơn 15.200 sản phẩm hàng hóa nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ

Ngày 9/7, Thông tin từ Lực lượng quản lý thị trường tỉnh Thái Nguyên cho biết vừa kiểm tra cơ sở kinh doanh P.T.T, địa chỉ phường Quang Trung, thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên, do bà P.T.T làm chủ, phát hiện, tạm giữ 15.234 sản phẩm hàng hóa các loại nhập lậu và không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Đ/c Chu Quốc Khánh – Phó Cục trưởng Cục QLTT tỉnh, Trưởng đoàn kiểm tra liên ngành (bên trái) chỉ đạo kiểm tra hàng hóa đang bày bán tại cửa hàng

Cụ thể, ngày 08/7/2024, Đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh phối hợp với Đội QLTT số 1 kiểm tra HKD P.T.T có địa chỉ tại phường Quang Trung, thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên do bà P.T.T làm chủ.

Tại thời điểm kiểm tra, Đoàn kiểm tra phát hiện cửa hàng đang bày bán 201 sản phẩm là mặt hàng đồ chơi tình dục các loại và 471 sản phẩm mỹ phẩm (sữa tắm trắng, sữa tắm, mặt nạ dưỡng da) do nước ngoài sản xuất, có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam là hàng hóa nhập lậu.

Lực lượng chức năng kiểm tra sản phẩm mặt hàng đồ chơi tình dục

Đồng thời, Đoàn kiểm tra phát hiện 103 sản phẩm mặt hàng đồ chơi tình dục, 14.400 viên kẹo ngậm trái tim, 59 hộp bột ca cao không có nhãn hàng hóa, không có tên, địa chỉ của cá nhân nhập khẩu, phân phối và chịu trách nhiệm về hàng hóa, không có căn cứ xác định được nguồn gốc nơi sản xuất hoặc xuất xứ của hàng hóa, là hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Tại thời điểm kiểm tra, bà T không xuất trình được bất cứ hóa đơn, chứng từ giấy tờ chứng minh nguồn gốc của hàng hóa. Bà T cho biết toàn bộ số hàng trên bà mua trôi nổi trên thị trường, của người không quen biết, không biết tên, địa chỉ, không có hóa đơn chứng từ. Tổng giá trị toàn bộ hàng hóa tính trên theo giá niêm yết tại cửa hàng gần 270 triệu đồng.

Hình ảnh hàng hóa vi phạm

Đoàn kiểm tra đã tiến hành tạm giữ toàn bộ số hàng hóa nêu trên để tiếp tục xử lý theo quy định của pháp luật.

Vụ việc trên là lời cảnh báo cho các hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên về việc buôn bán hàng hóa nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Cục Quản lý thị trường tỉnh Thái Nguyên sẽ tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, xử lý vi phạm, bảo vệ thị trường, đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng.

Sóc Trăng: Bắt giữ 2 đối tượng đang vận chuyển hơn 7.400 bao thuốc lá điếu nhập lậu

Hơn 7.400 bao thuốc lá không rõ nguồn gốc được vận chuyền từ Cần Thơ về Sóc Trăng thì bị Phòng CSKT Công an tỉnh Sóc Trăng phối hợp Công an huyện Thạnh Trị bắt bắt giữ.

Vào khoảng 2 giờ 50 phút ngày 23/6, tại tuyến đường thuộc ấp Trà Do, xã Lâm Kiết, huyện Thạnh Trị, tỉnh Sóc Trăng, Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Sóc Trăng phối hợp với Công an huyện Thạnh Trị bắt quả tang 2 đối tượng đang vận chuyển khối lượng lớn thuốc lá điếu nhập lậu.

Đối tượng Trần Hiếu Trung ( áo sọc) cùng tang vật.

Đối tượng bị bắt giữ là Lê Thành Phát (sinh năm 2004) và Trần Hiếu Trung (sinh năm 2003), cả 2 cùng trú tại xã Vị Bình, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang. 

Theo Công an tỉnh Sóc Trăng, vào thời điểm trên, lực lượng Công an phát hiện xe ô tô mang biển kiểm soát 65A-330.02 đi trên tuyến đường thuộc địa bàn ấp Trà Do, xã Lâm Kiết, huyện Thạnh Trị có biểu hiện nghi vấn, nên tiến hành dừng phương tiện kiểm tra.

Đối tượng Lê Thành Phát (áo thun xanh) cùng tang vật;

Tại hiện trường, lực lượng chức năng phát hiện Lê Thành Phát là người điều khiển xe chở theo Trần Hiếu Trung có hành vi vận chuyển thuốc lá điếu nhập lậu. Bên trong xe ô tô, lực lượng chức năng phát hiện và lập biên bản tạm giữ 7.450 bao thuốc lá điếu nhập lậu, trong đó gồm: 2.980 bao nhãn hiệu JET, 2.980 bao nhãn hiệu HERO và 1.490 bao nhãn hiệu SCOTT.

Qua làm việc ban đầu, 2 đối tượng khai nhận, số thuốc lá trên được các đối tượng nhận chở thuê từ thành phố Cần Thơ về tỉnh Sóc Trăng để tiêu thụ, khi đến địa điểm trên thì bị lực lượng Công an bắt giữ.

Hiện vụ việc đang được cơ quan chức năng tiếp tục điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

Ninh Thuận: Tạm giữ 4 xe máy giả mạo nhãn hiệu SIRIUS, phạt 66 triệu đồng

Ngày 10/6, Cục QLTT tỉnh Ninh Thuận cho biết Đội QLTT số 1 vừa phối hợp với Phòng PCSGT- Công an tỉnh Ninh Thuận khám phương tiện vận tải, khám phương tiện vận tải phát hiện 04 xe máy giả mạo nhãn hiệu SIRIUS của Công ty Yamaha Nhật Bản.

Đội QLTT số 1, Cục QLTT tỉnh Ninh Thuận vừa phối hợp với Phòng CSGT- Công an tỉnh Ninh Thuận khám phương tiện vận tải, khám phương tiện vận tải biển kiểm soát 89C-040.xx đang lưu hành theo hướng Bắc - Nam do ông L. V. T, địa chỉ: xã Liêu Xá, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên là người trực tiếp điều khiển phương tiện cũng là người quản lý hàng hóa.

Qua khám phương tiện, đoàn kiểm tra phát hiện trên xe vận chuyển 4 xe máy do Công ty cổ phần V-K. (tên đã được viết tắt) sản xuất có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu SIRIUS của Công ty Yamaha Nhật Bản.

Xe máy giả mạo nhãn hiệu SIRIUS bị tạm giữ

Đoàn kiểm tra đã phối hợp với Công ty Luật TNHH Phạm và Liên danh để xác nhận dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu SIRIUS của Công ty Yamaha Nhật Bản đồng thời lập biên bản vi phạm hành hành vi sản xuất hàng hoá giả mạo nhãn hiệu chính trình Cục trưởng xử phạt 66 triệu đồng và buộc tiêu huỷ tang vật vi phạm hành chính.

Quảng Ngãi: Tiêu hủy 400 quần thun ngắn giả mạo nhãn hiệu "adidas" 

Lực lượng chức năng tỉnh Quảng Ngãi vừa kiểm tra, phát hiện và tiêu hủy 400 quần thun ngắn giả mạo nhãn hiệu "adidas" trên khâu lưu thông, xử phạt chủ hàng 27,5 triệu đồng.

Ngày 24/5/2024, Đội Quản lý Thị trường (QLTT) số 4 tỉnh Quảng Ngãi phối hợp với Phòng Cảnh sát Giao thông - Công an tỉnh Quảng Ngãi tiến hành dừng và khám xe ô tô tải biển kiểm soát 75H-015.31 dựa trên nguồn tin từ cơ sở cung cấp.

Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện trên xe đang vận chuyển 400 quần thun ngắn có gắn chữ "adidas" kèm theo hình ảnh ba sọc, toàn bộ số hàng hóa này có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu "adidas" đang được bảo hộ tại Việt Nam.

Bằng các biện pháp nghiệp vụ, Đội QLTT số 4 xác định lô hàng này thuộc sở hữu của ông P.T.K và là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu. Đội QLTT số 4 đã lập biên bản vi phạm hành chính về hành vi buôn bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, trình Cục trưởng ban hành quyết định xử phạt 27.500.000 đồng. Đồng thời, toàn bộ tang vật vi phạm, bao gồm 400 quần thun ngắn, đã bị buộc tiêu hủy theo quy định.