Đăng nhập

Lào Cai: Phát hiện, xử lý 03 vụ việc vi phạm trong kinh doanh

Tiếp tục triển khai thực hiện Kế hoạch số 03/KH-QLTTLCA ngày 07/3/2024 của Cục Quản lý thị trường tỉnh Lào Cai về công tác đấu tranh, phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hoá xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ năm 2024. Từ ngày 02/10 đến 08/10/2024, Đội QLTT số 5 phát hiện, xử lý 03 vụ việc vi phạm trong kinh doanh trên địa bàn thành phố Lào Cai.

Vào hồi 14 giờ 00 phút ngày 02/10/2024, Đoàn kiểm tra tiến hành kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đối với hộ kinh doanh Phạm Thị Cúc, địa chỉ: phường Cốc Lếu, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai. Kết quả kiểm tra Hộ kinh doanh Phạm Thị Cúc đang trưng bày để bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu đang được bảo hộ tại Việt Nam gồm: 15 đôi dép lê nữ đế cứng HERMES. Toàn bộ hàng hoá không có hóa đơn, chứng từ, giấy tờ, tài liệu kèm theo. Tổng giá trị hàng hóa theo giá niêm yết: 5.250.000 đồng. Xử phạt VPHC: 10.000.000 đồng.

Tang vật vi phạm là dép đế cứng giả nhãn hiệu HERMES

Ngày 08/10/2024, Đoàn kiểm tra của Đội QLTT số 5 tiến hành kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đối với hộ kinh doanh Vũ Hoài Dương, địa chỉ: Tổ 3, phường Cốc Lếu, thành phố Lào Cai. Tại thời điểm kiểm tra Hộ kinh doanh Vũ Hoài Dương đang trưng bày để bán hàng hóa gồm: 10 đôi dép lê nam đế cứng HERMES, toàn bộ hàng hóa có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu, trị giá hàng hoá vi phạm: 6.000.000 đồng. 

Tang vật vi phạm là dép đế cứng giả nhãn hiệu HERMES

Cùng ngày, Đoàn kiểm tra tiến hành kiểm tra đối với hộ kinh doanh Nguyễn Thị Thanh Tâm, địa chỉ: Đường Hồng Hà, tổ 3, phường Cốc Lếu, thành phố Lào Cai. Qua kiểm tra, phát hiện hộ kinh doanh đang trưng bày để bán 05 đôi dép lê ADIDAS, toàn bộ hàng hóa có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu ADIDAS được bảo hộ tại Việt Nam, trị hàng hóa theo giá niêm yết: 1.750.000 đồng. 

Đội QLTT số 5 đã tiến hành tạm giữ hàng hoá vi phạm và xử lý theo quy định của pháp luật./.

Vĩnh Phúc: Phát hiện và tạm giữ gần 6000 sản phẩm nhập lậu, kinh doanh tràn lan trên mạng xã hội

Ngày 27/9/2024, Cục Quản lý thị trường Vĩnh Phúc cho biết vừa kiểm tra Hộ kinh doanh Phạm Văn Định (huyện Vĩnh Tường), tạm giữ gần 6.000 sản phẩm nhập lậu.

Cụ thể, ngày 26/9/2024, Đội QLTT số 5, Cục QLTT tỉnh Vĩnh Phúc đã phối hợp với Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng kinh tế, buôn lậu, môi trường Công an tỉnh Vĩnh Phúc tiến hành kiểm tra đối với Hộ kinh doanh Phạm Văn Định, địa chỉ thôn Xuân Húc, xã Vân Xuân, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc.

Lực lượng chức năng kiểm tra hàng hóa tại hộ kinh doanh. 

Tại thời điểm kiểm tra, Hộ kinh doanh Phạm Văn Định đang kinh doanh, bày bán hàng hoá tại Cửa hàng Định Oanh và thực hiện đăng bài bán hàng sản phẩm màn hình điện thoại di động trên trang Facebook của ông Phạm Văn Định (Facebook Định &hellip. Hàng hóa đang kinh doanh và lưu kho gồm 6.000 chiếc ốp điện thoại di động nhãn hiệu HOCO; 1.810 chiếc màn hình điện thoại; 3.750 chiếc kính điện thoại di động MADE IN CHINA. Tổng trị giá hàng hóa gần 150 triệu đồng. Toàn bộ số hàng hóa trên do nước ngoài sản xuất (trên sản phẩm in dòng chữ Made in China), có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam. Chủ hộ kinh doanh không xuất trình được hoá đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ hàng hóa.

Đội QLTT số 5 đã lập Biên bản vi phạm hành chính và tạm giữ toàn bộ hàng hóa vi phạm. Vụ việc hiện đang hoàn tất thủ tục trình Cục trưởng Cục QLTT tỉnh Vĩnh Phúc xem xét, ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo quy định.

Bộ Y tế: Thu hồi, tiêu hủy trên toàn quốc nước hoa NICE GIRL vì không an toàn

Ngày 16-9, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) có Công văn số 3103/QLD-MP thông báo thu hồi, tiêu hủy trên toàn quốc nước hoa NICE GIRL nhãn hàng B&B Perfume vì không an toàn cho người sử dụng.

Cụ thể, Cục Quản lý Dược thông báo thu hồi, tiêu hủy trên toàn quốc sản phẩm nước hoa NICE GIRL nhãn hàng B&B Perfume; sản phẩm của Công ty TNHH Ân Thiên Vĩ (địa chỉ: 32/13 đường Thạnh Lộc 12, tổ 13, khu phố 1, phường Thạnh Lộc, quận 12, TP. Hồ Chí Minh); số công bố: 71/22/CBMP-TG. Lý do thu hồi là sản phẩm không rõ nguồn gốc (Công ty TNHH Ân Thiên Vĩ không còn hoạt động tại địa chỉ kê khai trên phiếu công bố), không an toàn cho người sử dụng.

Công văn số 3103/QLD-MP ngày 16-9-2024 của Cục Quản lý Dược

Cục Quản lý Dược đề nghị sở y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thông báo cho các cơ sở kinh doanh, sử dụng mỹ phẩm trên địa bàn ngừng ngay việc kinh doanh, sử dụng sản phẩm nước hoa NICE GIRL nhãn hàng B&B Perfume; tiến hành thu hồi và tiêu hủy toàn bộ sản phẩm vi phạm nêu trên; kiểm tra, giám sát các đơn vị thực hiện thông báo này; xử lý các đơn vị vi phạm theo quy định hiện hành.

Phối hợp với các cơ quan truyền thông thông tin tới các cơ sở buôn bán, sử dụng mỹ phẩm và người dân biết để không buôn bán, sử dụng sản phẩm nước hoa NICE GIRL nhãn hàng B&B Perfume nêu trên.

Yên Bái: Xử phạt hộ kinh doanh bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu

Ngày 28/8/2024, Đội Quản lý thị trường số 3 đã ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với hộ kinh doanh nêu trên với tổng số tiền xử phạt là 16.000.000 đồng; đồng thời buộc tiêu hủy đối với toàn bộ tang vật vi phạm hành chính nêu trên theo quy định.

Cụ thể, cơ sở kinh doanh Lương Hồng Vân, tọa lạc tại tổ 1, phường Đồng Tâm, thành phố Yên Bái đã bị phát hiện đang bày bán nhiều sản phẩm giả mạo các thương hiệu quốc tế như Adidas, Nike, Gucci, D&G và Lacoste.

Theo thông tin từ cơ quan chức năng, qua quá trình điều tra và kiểm tra, lực lượng chức năng đã thu giữ tại cơ sở này một số lượng lớn hàng hóa giả mạo, bao gồm áo phông, quần dài, tất, dây thắt lưng, quần sịp... với tổng trị giá lên đến 19.710.000 đồng.

Lực lượng chức năng kiểm tra đột xuất địa điểm kinh doanh.

Trước hành vi vi phạm pháp luật rõ ràng này, Đội Quản lý thị trường số 3 đã quyết định xử phạt hành chính đối với chủ cơ sở kinh doanh Lương Hồng Vân số tiền 16.000.000 đồng và buộc tiêu hủy toàn bộ số hàng hóa giả mạo đã thu giữ.

Thái Nguyên: Bắt giữ gần 2.000 sản phẩm nhập lậu, trị giá hơn 17 triệu đồng

Ngày 04/8/2024, Đội QLTT số 4 thuộc Cục QLTT tỉnh Thái Nguyên kịp thời phát hiện, ngăn chặn gần 2.000 đơn vị sản phẩm kẹo, mỹ phẩm nhập lậu có tổng trị giá hơn 17 triệu đồng trên địa bàn quản lý.

Đoàn kiểm tra thực hiện việc khám phương tiện vận tải

Cụ thể, ngày 04/8/2024, trong quá trình kiểm tra hai xe ô tô tải, lực lượng chức năng đã phát hiện và thu giữ tổng cộng gần 2.000 sản phẩm kẹo và mỹ phẩm nhập lậu. Toàn bộ số hàng hóa này đều không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ hợp pháp và tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với sức khỏe người tiêu dùng.

Tang vật vi phạm hành chính

Các sản phẩm vi phạm chủ yếu là kẹo dẻo, kẹo mút, kem ủ tóc, dầu gội đầu và tẩy tế bào chết, đều do nước ngoài sản xuất và không có nhãn phụ bằng tiếng Việt. Tổng trị giá của lô hàng ước tính khoảng 17 triệu đồng.

Giám sát đối tượng vi phạm hành chính tự tiêu hủy tang vật vi phạm hành chính theo quy định

Trước hành vi vi phạm pháp luật, Đội Quản lý thị trường số 4 đã quyết định xử phạt hành chính đối với hai chủ xe với tổng số tiền 16 triệu đồng và buộc tiêu hủy toàn bộ số hàng hóa vi phạm.

Hà Nội: Tạm giữ 54 bình khí N2O và 5.450 bóng cười không rõ nguồn gốc

Ngày 22/7, Thông tin từ Lực lượng quản lý thị trường Hà Nội cho biết vừa kiểm tra, tạm giữ 54 bình khí cười (N2O) và 5.450 bóng cười không rõ nguồn gốc xuất xứ trên địa bàn huyện Thanh Trì.

Cụ thể, vào hồi 11h00 ngày 18/7/2024, Đội Quản lý thị trường số 7, Cục Quản lý thị trường Hà Nội vừa phối hợp Công an xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, Hà Nội tiến hành kiểm tra hàng hóa tại địa chỉ bãi đất cuối đường Chiến Thắng, xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, Hà Nội.

Lô hàng hóa vi phạm bị tạm giữ

Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện và tạm giữ 54 bình kim loại có chứa khí hóa chất N2O và 5.450 bóng cười không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Qua xác minh, lực lượng chức năng xác định, số hàng hóa trên do ông H.D.C, thường trú tại tổ 11, thị trấn Lâm, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định là chủ sở hữu.

Cơ quan chức năng đã tiến hành tạm giữ toàn bộ số hàng hóa vi phạm.

Tại thời điểm kiểm tra, chủ hàng không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa.

Lực lượng chức năng đã tiến hành lập biên bản, tạm giữ toàn bộ số hàng hóa vi phạm, để xác minh, xử lý theo quy định pháp luật.

An Giang: Bắt giữ đối tượng vận chuyển 290 bao thuốc lá trái phép

Ngày 22/6, Đồn Biên phòng Nhơn Hội, Bộ đội Biên phòng tỉnh An Giang đã bắt giữ một phụ nữ vận chuyển 290 bao thuốc lá trái phép tại khu vực xã Nhơn Hội, huyện An Phú.

Đối tượng Huỳnh Thị Huyền (đứng giữa) cùng số tang vật

Danh tính đối tượng được xác định là Huỳnh Thị Huyền, sinh năm 1992, ngụ tại ấp Tắc Trúc, xã Nhơn Hội.

Kiểm tra chiếc giỏ màu xanh lam, phát hiện bên trong có chứa 3 bọc nilon màu đen: Trong đó 1 bọc chứa 100 bao thuốc lá hiệu HERO, 1 bọc chứa 90 bao thuốc lá hiệu JET, 01 bọc chứa 70 bao thuốc lá hiệu SUNDAYS ORIGINALS và 30 bao thuốc lá hiệu Ram; tổng số thuốc lá là 290 bao thuốc lá điếu các loại. Trị giá hàng hóa khoảng 4.000.000đ (Bốn triệu đồng).

Qua khai nhận ban đầu, Huyền do hoàn cảnh khó khăn nên đã nhận lời vận chuyển thuốc lá cho một người đàn ông không rõ danh tính với số tiền công 100.000 đồng/lần.

Hiện, vụ việc đang được tiếp tục điều tra làm rõ.

Lai Châu: Bắt giữ đối tượng mua bán trái phép 3 bánh heroin

Ngày 10/6,  Công an tỉnh Lai Châu cho biết, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy vừa bắt giữ đối tượng Lù A Mang, 44 tuổi, trú xã Nậm Sỏ, huyện Tân Uyên (Lai Châu) khi đang vận chuyển 3 bánh heroin.

Vào trưa hôm qua (9/6), tại bản Cung Mu Phìn, xã Lản Nhì Thàng, huyện Phong Thổ, tổ công tác Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Công an tỉnh Lai Châu đã bắt quả tang Lù A Mang về hành vi mua bán chất ma túy. Tang vật thu giữ gồm 3 bánh heroin, có trọng lượng 1.046 gam, 2 điện thoại di động và 1 xe máy.

Lù A Mang tại cơ quan công an.

Đấu tranh tại chỗ, Lù A Mang khai nhận đã mua 3 bánh heroin của một người quen cũ, dân tộc Mông, quốc tịch Myanmar với giá 80 triệu đồng/bánh. Mục đích của Mang là vận chuyển về Việt Nam bán lại với giá 120 triệu đồng/bánh nhưng chưa kịp giao dịch thì bị công an bắt giữ.

Theo lực lượng Công an Lai Châu, đối tượng Lù A Mang khá nổi tiếng tại địa phương với cái tên “Tồng Mang” nghĩa là cứng rắn. Mang có tài ăn nói khéo léo, dễ thuyết phục người dân và hay đi nhận phát cỏ thuê cho các chủ rừng rồi tổ chức cho dân bản cùng làm, cùng hưởng lợi và rất có tính cộng đồng, lương thiện.

Trong quá khứ, Mang đã từng xuất cảnh sang Myanmar làm ăn. Thời gian gần đây, sau khi trở về địa phương, Mang có biểu hiện liên hệ với người quen cũ ở nước ngoài và có dấu hiệu nghi vấn hoạt động phạm tội về ma túy.

Hiện cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Lai Châu đã ra quyết định tạm giữ hình sự đối với Lù A Mang để tiếp tục điều tra mở rộng vụ án.

Ngăn chặn tình trạng giống vật nuôi nhập lậu tràn qua biên giới vào Việt Nam

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thời gian qua, tình trạng buôn bán giống vật nuôi, sản phẩm giống vật nuôi không rõ nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng kém, nhập lậu từ nước ngoài vào Việt Nam vẫn còn tiếp diễn.

Ngày 27-5, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến ký 3 công văn gửi chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai, Quảng Ninh, Lạng Sơn về việc chỉ đạo ngăn chặn, phát hiện, xử lý các trường hợp vận chuyển, buôn bán giống vật nuôi, sản phẩm giống vật nuôi nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Lực lượng chức năng kiểm tra, thu giữ một lô giống gia cầm nhập lậu

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong thời gian qua, tình trạng buôn bán giống vật nuôi, sản phẩm giống vật nuôi không rõ nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng kém, nhập lậu từ nước ngoài vào Việt Nam vẫn còn tiếp diễn.

Điều này đã ảnh hưởng đến công tác phát triển đàn vật nuôi và kiểm soát dịch bệnh trong chăn nuôi.

Để khẩn trương chấm dứt tình trạng nêu trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị chủ tịch UBND các tỉnh Lào Cai, Quảng Ninh, Lạng Sơn tiếp tục chỉ đạo, triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả chỉ đạo của Thủ tướng về ngăn chặn, phát hiện, xử lý các trường hợp vận chuyển, buôn bán giống vật nuôi, sản phẩm giống vật nuôi nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, ngăn chặn các trường hợp vận chuyển trái phép, nhập lậu giống vật nuôi, sản phẩm giống vật nuôi qua biên giới vào Việt Nam. 

Đặc biệt tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền về những trường hợp vi phạm cần phải xử lý hình sự theo quy định của pháp luật.

Đồng thời giao lực lượng công an chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tăng cường các biện pháp kiểm soát lưu thông, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp buôn lậu trái phép.

Cục Quản lý Dược đình chỉ lưu hành, thu hồi toàn quốc sữa rửa mặt Innisfree do không đạt chất lượng

Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) thông báo đình chỉ lưu hàng và thu hồi sản phẩm Innisfree Bija Trouble Facial Foam trên toàn quốc do không đạt chất lượng, gây lo ngại cho người tiêu dùng.

Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) đã ra thông báo về việc đình chỉ lưu hàng và thu hồi sản phẩm Innisfree Bija Trouble Facial Foam trên toàn quốc vào ngày 11/4. Sản phẩm này, là sữa rửa mặt dành cho da mụn, đã không đạt tiêu chuẩn chất lượng theo kiểm tra của Viện Kiểm nghiệm thuốc TP Hồ Chí Minh.

Mẫu mỹ phẩm này (dạng tuýp 150g, Số lô: K50689, HD: 03102026) đã bị kiểm tra và phát hiện chứa Acid salicylic không có trong thành phần công thức sản phẩm đã được cấp số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm.

Sản phẩm Innisfree Bija Trouble Facial Foam

Sản phẩm này được Công ty TNHH Amorepacific Việt Nam chịu trách nhiệm đưa ra thị trường và được sản xuất bởi Công ty Cosvision Co., Ltd – Korea.

Cục Quản lý Dược đề nghị các Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thông báo cho các cơ sở kinh doanh và người tiêu dùng ngừng ngay việc sử dụng và kinh doanh sản phẩm Innisfree Bija Trouble Facial Foam nêu trên. Đồng thời, tiến hành thu hồi và tiêu hủy sản phẩm vi phạm và xử lý các đơn vị vi phạm theo quy định hiện hành.

Công ty TNHH Amorepacific Việt Nam cũng phải tiến hành gửi thông báo thu hồi sản phẩm tới những nơi phân phối và sử dụng sản phẩm, tiếp nhận sản phẩm trả lại và tiến hành thu hồi, tiêu hủy toàn bộ sản phẩm không đáp ứng quy định trước ngày 30/4/2024.