Đăng nhập

Tây Ninh: Phát hiện cơ sở kinh doanh 80 bao thuốc lá điếu nhập lậu

Đội Quản lý thị trường số 2 thuộc Cục Quản lý thị trường tỉnh Tây Ninh ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền là 4.000.000 đồng đối với Hộ kinh doanh N.T.H vì đã có hành vi vi phạm hành chính: Buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu.

Qua công tác quản lý địa bàn tại thành phố Tây Ninh và huyện Châu Thành tỉnh Tây Ninh, Đội QLTT số 2 đã phát hiện Hộ kinh doanh N.T.H có dấu hiệu kinh doanh thuốc lá điếu nhập lậu. Ngày 13/11/2024, Đoàn kiểm tra của Đội Quản lý thị trường số 2 tiến hành kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đối với: Hộ kinh doanh N.T.H, địa chỉ: ấp Thanh Hòa, xã Thanh Điền, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh.

Hình ảnh kiểm tra tại Hộ kinh doanh N.T.H

Tại thời điểm kiểm tra, Đoàn kiểm tra phát hiện Hộ kinh doanh N.T.H đang bán: 80 (Tám mươi) bao thuốc lá điếu nhập lậu các loại (gồm: 20 bao nhãn hiệu HERO, 60 bao nhãn hiệu JET), loại 20 điếu/bao do nước ngoài sản xuất, trên nhãn hàng hóa ghi toàn bộ bằng tiếng nước ngoài. Tổng trị giá hàng hóa vi phạm là: 1.560.000 đồng (Một triệu năm trăm sáu mươi nghìn đồng).

Qua kết quả kiểm tra, Đội QLTT số 2 xác định Hộ kinh doanh N.T.H đã có hành vi vi phạm hành chính: Buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu.

Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 2 thuộc Cục Quản lý thị trường tỉnh Tây Ninh đã ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Hộ kinh doanh nêu trên với tổng số tiền phạt là: 4.000.000 đồng (Bốn triệu đồng), đồng thời buộc tiêu hủy tang vật vi phạm là 80 bao thuốc lá điếu nhập lậu theo quy định của pháp luật. Hộ kinh doanh đã chấp hành xong Quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

Đà Nẵng: Xử phạt 02 cửa hàng kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu

Ngày 4/11/2024, Cục QLTT TP Đà Nẵng cho biết, Đội QLTT số 4 vừa phát hiện, xử phạt hai cửa hàng kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu tại quận Sơn Trà.

Theo đó, bằng các biện pháp nghiệp vụ, Đội QLTT số 4 phát hiện hai cửa hàng kinh doanh túi xách, giày dép trên đường Vương Thừa Vũ và Trần Nhân Tông có dấu hiệu bày bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu Hermes, Chanel, Gucci, Adidas…

Liên tiếp các cửa hàng bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu tại Đà Nẵng bị xử phạt.

Đội QLTT số 4 đã tổ chức kiểm tra đột xuất tại các địa điểm kinh doanh này. Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng QLTT phát hiện cửa hàng trên đường Vương Thừa Vũ có trưng bày để bán túi xách có gắn dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu Hermes, Chanel, Gucci...

Lực lượng QLTT đã tiến hành tạm giữ toàn bộ hàng hóa có dấu hiệu vi phạm và phối hợp với đơn vị đại diện chủ sở hữu các nhãn hiệu trên tại Việt Nam để xác nhận hàng thật - hàng giả nhằm đảm bảo tính pháp lý, xử lý vi phạm hành chính theo quy định.

Phát hiện hàng hóa có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu tại địa điểm kiểm tra.

Đồng thời, đoàn kiểm tra của Đội QLTT số 4 cũng đã phát hiện địa điểm kinh doanh trên đường Trần Nhân Tông đang trưng bày để bán hàng hóa là giày dép có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu Adidas.

Đội QLTT số 4 đã tạm giữ 20 đôi dép gắn dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu Adidas và phối hợp với đơn vị đại diện chủ sở hữu nhãn hiệu để xác định hành vi vi phạm.

Qua thời gian xác minh và hoàn thiện hồ sơ vụ việc, đội QLTT số 4 đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với hai hộ kinh doanh nêu trên, tổng số tiền 24 triệu đồng; buộc tiêu hủy đối với toàn bộ tang vật vi phạm hành chính đang được tạm giữ.

Quảng Ninh: Bắt vụ vận chuyển hơn 16.000 con gà giống không rõ nguồn gốc

Ngày 2/10/2024, Đồn Biên phòng Pò Hèn, BĐBP Quảng Ninh cho biết, đơn vị vừa bắt vụ vận chuyển gà giống không rõ nguồn gốc với số lượng lớn.

Lúc 7 giờ 30 phút, ngày 1/10, tại xóm 3, thôn Thán Phún, xã Hải Sơn, thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh, trong khi làm nhiệm vụ, tổ tuần tra của Đồn Biên phòng Pò Hèn đã phát hiện một số đối tượng đang có biểu hiện cất giấu hàng hóa tại khu vực ruộng lúa và đồi keo. Thấy tổ tuần tra các đối tượng đã bỏ chạy. Tổ tuần tra của đơn vị đã triển khai đội hình truy bắt các đối tượng.

Số gà giống các đối tượng giấu ở ruộng lúa tại thôn Thán Phún.

Tại hiện trường, tổ công tác thu giữ 136 khay nhựa màu đen bên trong mỗi khay đựng 120 con gà giống (dưới 28 ngày tuổi), tổng cộng 16.320 con gà giống không rõ nguồn gốc.

Hiện vụ việc đang được đơn vị điều tra, xác minh, xử lý theo quy định của pháp luật.

Trước đó, trong tháng 9, Đồn Biên phòng Pò Hèn cũng đã bắt 2 vụ, 2 đối tượng gồm: Lê Văn Hữu (sinh năm 2001) và Bùi Văn Thắng (sinh năm 1992), cùng trú tại Bắc Sơn, thành phố Móng Cái về hành vi vận chuyển gần 22.000 con gà giống.

Qua điều tra xác minh ban đầu, các đối tượng khai nhận mua số gà giống trên từ Trung Quốc về Việt Nam để bán kiếm lời.

Hà Tĩnh: Bắt giữ lô hàng quần áo, dép trẻ em và balo học sinh không rõ nguồn gốc

Ngày 21/8/2024, lực lượng chức năng Hà Tĩnh cho biết, đã phát hiện và tạm giữ một lượng lớn hàng hóa không rõ nguồn gốc trên xe ô tô khách mang biển kiểm soát 47B-023.06.

Cụ thể, vào đêm 19/8/2024, Đội Quản lý thị trường số 6, Cục Quản lý thị trường tỉnh Hà Tĩnh, phối hợp với lực lượng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Hà Tĩnh đã tiến hành dừng xe và kiểm tra chiếc xe ô tô khách do ông Lê Minh Trọng (trú tại tỉnh Đắk Lắk) điều khiển.

Kết quả kiểm tra cho thấy, trên xe chở 1.720 sản phẩm gồm quần áo, dép trẻ em và balo học sinh. Tuy nhiên, lái xe không xuất trình được bất kỳ hóa đơn, chứng từ nào chứng minh nguồn gốc hợp pháp của số hàng hóa này.

Trước những vi phạm trên, Đội Quản lý thị trường số 6 đã quyết định tạm giữ toàn bộ số hàng hóa để phục vụ công tác điều tra, làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.

Tây Ninh: Xử phạt Công ty kinh doanh khí LPG  vì vi phạm quy định

Một doanh nghiệp kinh doanh khí hóa lỏng (LPG) tại Tây Ninh vừa bị cơ quan chức năng xử phạt hơn 50 triệu đồng do bán LPG cho các đơn vị không đủ điều kiện kinh doanh khí. Đây là một lời cảnh báo nghiêm khắc đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này.

Ngày 05/8/2024, Cục Quản lý thị trường tỉnh Tây Ninh đã chính thức xử phạt Công ty TNHH Thương Mại Khí Hóa Lỏng H.D số tiền 50.126.000 đồng. Lý do là công ty này đã vi phạm quy định khi bán LPG chai cho các thương nhân kinh doanh khí không đáp ứng đủ điều kiện theo quy định của pháp luật.

Trước đó, qua quá trình kiểm tra đột xuất, Đội Quản lý thị trường số 2 đã phát hiện hành vi vi phạm của Công ty H.D. Cụ thể, công ty này đã cung cấp LPG cho các đơn vị không đủ điều kiện kinh doanh khí, hành vi này đã vi phạm Nghị định số 87/2018/NĐ-CP và Nghị định số 17/2020/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh khí.

Việc xử phạt nghiêm khắc đối với Công ty H.D là một tín hiệu đáng mừng, cho thấy cơ quan chức năng đang tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh khí LPG. Đây cũng là một lời cảnh báo đối với các doanh nghiệp khác, cần tuân thủ nghiêm túc các quy định của pháp luật để đảm bảo an toàn cho cộng đồng.

Lai Châu: Phát hiện và xử phạt hộ kinh doanh hàng hóa nhập lậu

Ngày 22/7/2024, Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 2 đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Hộ kinh doanh Nguyễn Thu Trang (địa chỉ tại tổ 3, phường Đoàn Kết, thành phố Lai Châu) về hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu.

Cụ thể, ngày 19/7/2024, Đội Quản lý thị trường số 2 - Cục Quản lý thị trường tỉnh Lai Châu đã phát hiện và xử lý nghiêm trọng hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu của hộ kinh doanh Nguyễn Thu Trang, tại tổ 3, phường Đoàn Kết, thành phố Lai Châu.

Lực lượng chức năng kiểm tra đột xuất tại Cửa hàng kinh doanh

Trước đó, qua công tác nắm tình hình, lực lượng chức năng phát hiện bà Trang sử dụng mạng xã hội Facebook với tên tài khoản "Like Pet Lai Châu - Phòng khám thú y - spa thú cưng" để quảng cáo và bán các loại thức ăn chăn nuôi. Nghi vấn về nguồn gốc xuất xứ của các sản phẩm này đã nhanh chóng được đưa vào tầm ngắm.

Trang Facebook đăng tải bán hàng hóa vi phạm.

Tại thời điểm kiểm tra, cơ quan chức năng đã thu giữ tại cửa hàng của bà Trang một số lượng lớn thức ăn chăn nuôi các nhãn hiệu vigor và Kua Pet Food. Tổng trị giá số hàng hóa vi phạm lên đến 4,9 triệu đồng. Tuy nhiên, bà Trang không xuất trình được bất kỳ hóa đơn, chứng từ nào chứng minh nguồn gốc hợp pháp của các sản phẩm này. Thậm chí, nhiều sản phẩm còn có dấu hiệu bị rách, ẩm mốc, gây ảnh hưởng đến chất lượng.

Đội Quản lý thị trường số 2 đã lập biên bản, trình Đội trưởng ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Hộ kinh doanh Nguyễn Thu Trang về hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu với mức xử phạt 3 triệu đồng và buộc tiêu hủy toàn bộ số hàng hóa vi phạm theo quy định.

Thu hồi và tiêu hủy lô sản phẩm kem chống nắng nhập khẩu từ Hàn Quốc

Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) vừa ra thông báo đình chỉ lưu hành, thu hồi và tiêu hủy lô mỹ phẩm kem chống nắng Cindellux Advanced Whitening UV Defense Essence do có công thức không đúng với hồ sơ công bố sản phẩm mỹ phẩm.

Sản phẩm Cindellux Advanced Whitening UV Defense Essence bị đình chỉ, thu hồi

Cục Quản lý Dược vừa có Công văn số 2378/QLD-MP về việc đình chỉ lưu hành, thu hồi và tiêu hủy mỹ phẩm đối với lô sản phẩm kem chống nắng Cindellux Advanced Whitening UV Defense Essence. Nguyên nhân, căn cứ Công văn số 6353/SYT-TTra ngày 5-7-2024 của Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh về việc buộc nộp lại số tiếp nhận phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm, gửi kèm Quyết định số 257/QĐ-XPHC ngày 24-6-2024 về xử phạt vi phạm hành chính Công ty TNHH xuất nhập khẩu Cindel Tox (địa chỉ: 156 Bùi Thị Xuân, phường Phạm Ngũ Lão, quận 1, TP. Hồ Chí Minh) về hành vi vi phạm hành chính: Kinh doanh mỹ phẩm có công thức không đúng với hồ sơ công bố sản phẩm mỹ phẩm (ghi thiếu Cyclopentasiloxane, thừa Cyclotetrasiloxane) đối với sản phẩm Cindellux Advanced Whitening UV Defense Essence, Số phiếu công bố: 226256/24/CBMPQLD; công ty chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường: Công ty TNHH xuất nhập khẩu Cindel Tox (địa chỉ: 156 Bùi Thị Xuân, phường Phạm Ngũ Lão, quận 1,TP. Hồ Chí Minh); nhà sản xuất: Aria Cosmetics Co.,Ltd-Korea.

Công văn số 2378/QLD-MP về việc đình chỉ lưu hành, thu hồi và tiêu hủy mỹ phẩm

 

Cục Quản lý Dược đề nghị sở y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thông báo cho các cơ sở kinh doanh, sử dụng mỹ phẩm trên địa bàn ngừng ngay việc kinh doanh, sử dụng sản phẩm Cindellux Advanced Whitening UV Defense Essence nêu trên và trả lại cơ sở cung ứng sản phẩm. Đồng thời, tiến hành thu hồi và tiêu hủy sản phẩm vi phạm nêu trên; kiểm tra, giám sát các đơn vị thực hiện thông báo này; xử lý các đơn vị vi phạm theo quy định hiện hành.

Quảng Ninh: Bắt 1 tàu chở 63 tấn hàu giống không rõ nguồn gốc

Sau khi bắt được một tàu chở tới 63 tấn hàu giống có giá trị khoảng 1,5 tỷ đồng nhưng không rõ lai lịch, xuất xứ, lực lượng quản lý thị trường đã chuyển giao hồ sơ vụ việc có dấu hiệu tội phạm cho Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Quảng Ninh để tiếp tục xác minh, làm rõ.

Thông tin từ Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Ninh, ngày 26/6, lực lượng Quản lý thị trường tỉnh Quảng Ninh vừa chuyển giao hồ sơ vụ việc có dấu hiệu tội phạm về việc kinh doanh giống thủy sản không rõ nguồn gốc xuất xứ cho Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Quảng Ninh tiếp tục xác minh, làm rõ hành vi vi phạm.

Cơ quan chức năng kiểm đếm tàu chở 63 tấn hàu. 

Theo Tổng cục QLTT, trước đó vào ngày 23-6, Đội QLTT số 1 (Cục QLTT tỉnh Quảng Ninh) đã chủ trì phối hợp với lực lượng hải quan, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Ninh tiến hành khám một tàu do ông Lê Đức Chi điều khiển.

Trên tàu này, lực lượng chức năng phát hiện 350.000 dây hàu (con hàu biển được đóng thành dây để vận chuyển) với tổng khối lượng khoảng 63 tấn hàu giống. Chủ sở hữu của lô hàu giống này là ông N.V.H. sinh năm 1969, địa chỉ ở khu 9, phường Quảng Yên, thị xã Quảng Yên (Quảng Ninh). Mặc dù toàn bộ số hàu giống trị giá hơn 1,5 tỷ đồng nhưng lại không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ, đang được nghi là hàng lậu.

Xét thấy vụ việc có dấu hiệu tội phạm, Đội QLTT số 1 đã bàn giao toàn bộ hồ sơ vụ việc cho cơ quan công an để xử lý theo thẩm quyền.

Lạng Sơn: Tiêu hủy hơn 11 tấn thực phẩm đông lạnh không rõ nguồn gốc

Ngày 7/6/2024, tại Lạng Sơn, hơn 11 tấn thực phẩm đông lạnh không rõ nguồn gốc xuất xứ đã bị tiêu hủy do vi phạm quy định về an toàn thực phẩm.

Số thực phẩm bị tiêu hủy bao gồm thịt cá ngừ cắt khúc, chân gà rút xương, móng giò lợn được bảo quản đông lạnh trong tình trạng có mùi hôi, biến đổi màu sắc, màu thâm đen, chảy nước, tiềm ẩn nguy cơ gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng và môi trường. Tổng giá trị của số thực phẩm này lên đến 389 triệu đồng.

Việc tiêu hủy được thực hiện tại bãi xử lý rác thải huyện Lộc Bình theo quy định về bảo vệ môi trường. Lực lượng chức năng đã dùng máy cuốc đào hố sâu, chôn lấp tang vật vi phạm, sau đó lấp đất, khử trùng và dầm chặt.

Đây là đợt tiêu hủy thực phẩm đông lạnh không rõ nguồn gốc lớn nhất từ đầu năm đến nay tại Lạng Sơn. Đội Quản lý thị trường số 6 cho biết, trong thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc lưu thông hàng hóa trên địa bàn, đặc biệt là các mặt hàng thực phẩm có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.

Quảng Nam: Phát hiện hộ kinh doanh 2.000 kg đường cát trắng nhập lậu

Ngày 30/05/2024, Cục Quản lý Thị trường tỉnh Quảng Nam đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính và tịch thu 2.000 kg đường cát trắng nhập lậu của một hộ kinh doanh tại thị xã Điện Bàn với tổng giá trị hàng hóa vi phạm lên đến 40 triệu đồng.

Cụ thể, Ngày 16/5/2024, Đội Quản lý Thị trường số 6 tỉnh Quảng Nam đã tiến hành kiểm tra đột xuất hộ kinh doanh N.T.T tại thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam do bà N.T.T làm đại diện. Qua kiểm tra, đoàn kiểm tra phát hiện hộ kinh doanh này đang bày bán 2.000 kg đường cát trắng nhãn hiệu MITR PHOL do Thái Lan sản xuất, với tổng trị giá 40 triệu đồng.

Tại thời điểm kiểm tra, bà N.T.T không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh tính hợp pháp của lô hàng trên. Đoàn kiểm tra đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với hành vi "kinh doanh hàng hóa nhập lậu" và trình Cục trưởng Cục Quản lý Thị trường tỉnh Quảng Nam ban hành quyết định xử phạt theo thẩm quyền.

Kết quả, Cục Quản lý Thị trường tỉnh Quảng Nam đã ban hành quyết định xử phạt hộ kinh doanh N.T.T với số tiền 30 triệu đồng, đồng thời tịch thu toàn bộ 2.000 kg đường cát trắng vi phạm. Tổng trị giá hàng hóa bị tịch thu là 40 triệu đồng.

Việc xử phạt và tịch thu hàng hóa vi phạm là một phần trong nỗ lực của cơ quan chức năng nhằm kiểm soát và ngăn chặn hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và duy trì trật tự thị trường.