Đăng nhập

Lạng Sơn: Phát hiện vi phạm kinh doanh vật tư nông nghiệp, xử phạt và tiêu hủy hàng hóa

Thực hiện Quyết định số 754/QĐ-UBND của UBND huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn về việc thành lập đoàn kiểm tra liên ngành hoạt động kinh doanh vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm, cơ quan chức năng huyện Cao Lộc đã tiến hành kiểm tra trên địa bàn.

Đoàn kiểm tra liên ngành, với sự tham gia của Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện, Đội Quản lý thị trường số 2, Công an xã, thị trấn, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện và UBND các xã, thị trấn, đã tiến hành tuyên truyền và kiểm tra các cơ sở kinh doanh phân bón, giống cây trồng, thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn huyện.

Lực lượng chức năng kiểm tra cơ sở kinh doanh.

Qua kiểm tra, đoàn đánh giá phần lớn các cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp phục vụ vụ đông xuân đều hoạt động theo thời vụ, cơ bản chấp hành các thủ tục hành chính và điều kiện kinh doanh. Hàng hóa có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, có hóa đơn đầy đủ theo quy định.

Tuy nhiên, từ ngày 18/3/2025 đến ngày 29/3/2025, đoàn kiểm tra đã phát hiện 2 cơ sở vi phạm trong số 28 cơ sở được kiểm tra. Đoàn đã lập biên bản và ra quyết định xử phạt hành chính với tổng số tiền 3.500.000 đồng, đồng thời tiêu hủy hàng hóa trị giá 750.000 đồng.

Trong thời gian tới, Đội Quản lý thị trường số 2 sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng trên địa bàn để tăng cường giám sát và kiểm tra các cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp. Nếu phát hiện vi phạm, sẽ tiến hành kiểm tra và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Kiểm tra hơn 1.400 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm

Dịp Tết Nguyên đán và mùa Lễ hội xuân 2025, Ban Quản lý An toàn thực phẩm tỉnh phối hợp với các ngành chức năng tăng cường các biện pháp đảm bảo an toàn thực phẩm, phục vụ Nhân dân đón Tết, vui Xuân an toàn, lành mạnh.

Toàn tỉnh thành lập 133 đoàn kiểm tra, trong đó có 2 đoàn tuyến tỉnh, 9 đoàn tuyến huyện, 122 đoàn tuyến xã. Tính đến hết ngày 20/2, toàn tỉnh kiểm tra 1.427 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, trong đó 1.317 cơ sở đạt (chiếm 92,3%); nhắc nhở 110 cơ sở, tiến hành xử phạt 2 cơ sở với số tiền 6 triệu đồng.

Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra an toàn thực phẩm tại siêu thị Dabaco Từ Sơn.

Qua kiểm tra thực tế tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, về cơ bản các mặt hàng thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, cơ sở lưu trữ đầy đủ hồ sơ giấy tờ pháp lý liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh: giấy phép đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm/bản cam kết cơ sở đảm bảo an toàn thực phẩm, hồ sơ chứng minh nguồn gốc nguyên liệu thực phẩm, bản tự công bố sản phẩm, …đồng thời đáp ứng các điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ và con người trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Nhận thức, ý thức thực hành của người tham gia sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống và người tiêu dùng trong việc tuân thủ quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh ngày càng được nâng cao.

Trong quá trình kiểm tra, các đoàn kết hợp tuyên truyền Luật An toàn thực phẩm để người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm hiểu và làm đúng theo Luật An toàn thực phẩm, đặc biệt là các sản phẩm được sử dụng nhiều trong dịp Tết giúp người tiêu dùng sáng suốt lựa chọn các sản phẩm thực phẩm đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm.

Đăng Khôi: các anh cứ kiểm tra chặt chẽ giúp em

Bà Rịa – Vũng Tàu: Xử phạt một cơ sở kinh doanh mỹ phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Ngày 08/01/2024, Đội QLTT số 2 thuộc Cục Quản lý thị trường tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã tiến hành kiểm tra đột xuất đối với Cửa hàng Bách hóa Taobao, địa chỉ: Số 787C đường 30/4, phường 11, thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu

Tại thời điểm kiểm tra Cửa hàng Bách hóa Taobao hoạt động dưới hình thức Hộ kinh doanh do bà Đinh Thị Bích Nga làm chủ hộ. Qua kiểm tra, Đoàn kiểm tra phát hiện có 1.312 sản phẩm mỹ phẩm, có tổng trị giá là: 18.720.000 đồng. Trên toàn bộ sản phẩm không có căn cứ xác định nguồn gốc nơi sản xuất, xuất xứ hàng hóa, không có hóa đơn, chứng từ chứng minh tính hợp pháp. Đoàn kiểm tra đã tạm giữ và niêm phong toàn bộ tang vật để xử lý theo quy định.

Ngày 09/01/2024, Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 2 đã ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Hộ kinh doanh nêu trên, phạt tiền: 12.000.000 đồng, tịch thu toàn bộ tang vật vi phạm.

Đà Nẵng: Phát hiện “kho” thuốc lá điện tử nhập lậu lớn nhất từ trước đến nay

Phòng Cảnh sát kinh tế Công an TP. Đà Nẵng vừa phát hiện, tạm giữ số lượng thuốc lá điện tử và phụ kiện, tinh dầu đi kèm được xem là lớn nhất từ trước đến nay trên địa bàn.

Ngày 15/12, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an TP. Đà Nẵng cho biết, đơn vị vừa phát hiện, tạm giữ số lượng lớn thuốc lá điện tử và phụ kiện, tinh dầu các loại không rõ nguồn gốc.

Tạm giữ 13.672 sản phẩm thuốc lá điện tử, phụ kiện thuốc lá điện tử, tinh dầu các loại.

Theo đó, sau thời gian theo dõi, xác minh, ngày 12/12, Tổ công tác của Phòng Cảnh sát kinh tế Công an TP. Đà Nẵng phối hợp với Công an phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà, TP. Đà Nẵng tiến hành kiểm tra đột xuất kho hàng của một công ty nằm trong Khu công nghiệp An Đồn (phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà. Quá trình kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện 13.672 sản phẩm thuốc lá điện tử, phụ kiện thuốc lá điện tử, tinh dầu các loại, ước tổng giá trị lô hàng khoảng 1 tỷ đồng.

Kho hàng chứa số lượng lớn thuốc lá điện tử và các phụ kiện, tinh dầu đi kèm

Qua làm việc được biết, số thuốc lá điện tử nói trên thuộc sở hữu của bà P.T.T.H (SN 1991, trú phường Thạc Gián, quận Thanh Khê, TP. Đà Nẵng). Vào thời điểm kiểm tra, bà H. không xuất trình được bất cứ giấy tờ nào chứng minh nguồn gốc xuất xứ của số hàng hóa trên.

Phòng Cảnh sát kinh tế Công an TP. Đà Nẵng đã lập biên bản, tạm giữ toàn bộ số hàng hóa thuốc lá điện tử để xác minh và xử lý theo quy định của pháp luật.

Tây Ninh: Tiêu hủy hơn 62.000 bao thuốc lá

Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tỉnh Tây Ninh (BCĐ 389 Tây Ninh) vừa tiến hành tổ chức tiêu hủy 62.118 gói thuốc lá. Đây là tang vật vi phạm đã bị lực lượng chức năng tỉnh phát hiện và thu giữ trước đó.

Cụ thể, ngày 27/11/2024, BCĐ 389 tỉnh Tây Ninh do cơ quan thường trực (Cục Quản lý thị trường) chủ trì tổ chức tiêu hủy thuốc lá nhập lậu bị tịch thu năm 2024 với số lượng 62.118 gói thuốc lá các loại tại Công ty cổ phần Công nghệ môi trường Tây Ninh, ấp Tân Lợi, xã Tân Hưng, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh với sự giám sát của Hội đồng tiêu hủy.

Số thuốc lá bị tiêu hủy lần này là tang vật vi phạm bị lực lượng chức năng phát hiện và thu giữ trước đó

Số thuốc lá ngoại nhập lậu tiêu hủy lần này là do lực lượng Biên phòng, Công an, Hải quan, Quản lý thị trường và Ban Chỉ đạo 389 các huyện, thị xã, thành phố của tỉnh Tây Ninh bắt giữ từ ngày 1/10/2023 đến ngày 30/9/2024.

Hầu hết các loại thuốc lá điếu mang nhãn hiệu Hero, Jet, 555, Esse, Marlboro, Camel, Ram, Cowboy, Bayon… được nhập lậu qua đường biên giới Việt Nam - Campuchia qua huyện Tân Biên, Gò Dầu, Bến Cầu, Châu Thành, Tân Châu và thị xã Trảng Bàng. Quá trình tiêu hủy có sự giám sát của Hội đồng tiêu hủy thuốc lá gồm: Ban Chỉ đạo 389 tỉnh, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Tây Ninh, đại diện Hiệp hội thuốc lá Việt Nam và các lực lượng chức năng của tỉnh Tây Ninh.

Việc tiêu huỷ thuốc lá nhập lậu được tiến hành đúng quy trình, thủ tục và được công khai góp phần nâng cao công tác tuyên truyền, giáo dục, răn đe đối với người có hành vi vi phạm pháp luật, nhằm bảo vệ lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh và quyền lợi người tiêu dùng.

Lạng Sơn: Tiêu hủy lượng lớn móng giò lợn không rõ nguồn gốc xuất xứ

Lực lượng Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Lạng Sơn vừa tổ chức giám sát, tiêu hủy lượng lớn móng giò lợn không rõ nguồn gốc xuất xứ đã bị lực lượng chức năng phát hiện trước đó.

Theo đó, ngày 5/11/2024 Đội QLTT số 6 phối hợp phòng Thanh tra pháp chế, Cục QLTT tỉnh Lạng Sơn đã tiến hành cùng giám sát ông N.T.C là cá nhân vi phạm hành vi kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, tang vật vi phạm là 2.000 kg móng giò lợn.

Lực lượng QLTT tỉnh Lạng Sơn giám sát chặt chẽ việc tiêu hủy 2.000 kg móng giò lợn không rõ nguồn gốc xuất xứ

Quá trình tiêu hủy được tiến hành dưới sự giám sát chặt chẽ của đại diện các bên với hình thức tiêu hủy là dùng máy cuốc đào hố sâu để chôn lấp tang vật vi phạm hành chính gồm 2.000 kg móng giò lợn, đã qua sơ chế không rõ nguồn gốc, xuất xứ, gây hại cho sức khỏe con người vật nuôi, cây trồng và môi trường.

Công tác tiêu hủy phải được đảm bảo tất cả tang vật vi phạm hành chính không còn giá trị, công dụng sử dụng, đảm bảo vệ sinh môi trường theo quy định.

Việc tiêu hủy các hàng hóa nhằm xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm, có tính giáo dục, răn đe các đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật.

Thu hồi toàn quốc kem thoa mặt IQ Vitamin E Whitening Melasma không đạt chất lượng

Ngày 23/10/2024, Cục Quản lý Dược có công văn thông báo yêu cầu đình chỉ lưu hành, thu hồi trên toàn quốc lô mỹ phẩm kem thoa mặt IQ Vitamin E Whitening Melasma chứa thành phần không có trong công thức sản xuất.

Cụ thể, ngày 23/10/2024, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) ban hành Công văn 3524/QLD-MP thông báo đình chỉ lưu hành, thu hồi trên toàn quốc kem thoa mặt IQ Vitamin E Whitening Melasma-hộp 1 lọ 8g. Trên nhãn hộp ghi số lô: 112022; NSX: 2-11-2022; HSD: 2-11-2025; sản xuất theo TCCB: 004755/18/CBMP-HCM; số đăng ký: 0052/01/QLD-CL; sản xuất tại: Công ty TNHH Vương Kim Long (địa chỉ: 267 Khuông Việt, phường Phú Trung, quận Tân Phú. Trên nhãn lọ: không thể hiện số lô sản xuất.

Lý do thu hồi: Mẫu kiểm nghiệm không đạt tiêu chuẩn chất lượng do chứa Acid salicylic không có trong thành phần công thức sản phẩm đã được cấp số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm: 004755/18/CBMP-HCM; lô sản phẩm mỹ phẩm sản xuất sau ngày hết hạn của số tiếp nhận phiếu công bố; tên sản phẩm ghi trên nhãn không thống nhất với tên sản phẩm trên phiếu công bố “Kem thoa mặt IQ”; tên tổ chức chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường, sản xuất không thống nhất với phiếu công bố “Công ty TNHH sản xuất và thương mại Vương Kim Long”; mẫu nhãn sản phẩm lưu thông không đáp ứng quy định về nhãn sản phẩm theo Thông tư số 06/2011/TT-BYT.

Công văn 3524/QLD-MP của Cục Quản lý Dược

Cục Quản lý Dược yêu cầu sở y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thông báo cho các cơ sở kinh doanh, sử dụng mỹ phẩm trên địa bàn ngừng ngay việc kinh doanh, sử dụng lô sản phẩm kem thoa mặt IQ Vitamin E Whitening Melasma nêu trên; tiến hành thu hồi, tiêu hủy; kiểm tra, giám sát và xử lý các đơn vị vi phạm theo quy định hiện hành.

Kem thoa mặt IQ Vitamin E Whitening Melasma-hộp 1 lọ 8g là dòng kem dưỡng trắng da, xóa tàn nhang, nếp nhăn, mụn nám, đồi mồi.

TP.HCM: Phát hiện nhiều bình dùng chứa “khí cười” trong chung cư

Ngày 7/10/2024, Công an phường Thủ Thiêm, TP Thủ Đức phát hiện và thu giữ nhiều vỏ bình chứa khí dùng để bơm “bóng cười” không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Cụ thể, qua kiểm tra hành chính tòa nhà Tilia thuộc khu chung cư Empire City nằm trên đường D11, khu phố 1, phường Thủ Thiêm, thành phố Thủ Đức, cơ quan công an phát hiện 16 vỏ bình kim loại màu xanh kích thước 60x12 cm thường được sử dụng chứa khí N2O để bơm “bóng cười”.

Tang vật bị cơ quan công an thu giữ

Thời điểm phát hiện, các bình khí này đã qua sử dụng, không rõ chất lượng sử dụng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, trong bình hiện không chứa khí.

Trước đó cũng tại chung cư này, Công an phường Thủ Thiêm cũng phát hiện và thu giữ 2 bình kim loại tương tự. Theo cơ quan công an, loại bình này có thể chứa 4,2kg khí có trọng lượng 14kg.

Nghệ An: Bắt giữ 3 đối tượng mua bán trái phép chất ma túy

Ngày 24/9/2024, Công an huyện Tương Dương (tỉnh Nghệ An) cho biết vừa bắt giữ 3 đối tượng lên khu vực biên giới mua ma túy về tiêu thụ.

Các đối tượng gồm: Huỳnh Văn Phương (SN 1993), Lê Văn Quyền (SN 1995), đều trú tại huyện Diễn Châu và Ngân Thị Phôm (SN 1972), trú tại xã Lượng Minh, huyện Tương Dương.

Trước đó, qua công tác nắm tình hình, Công an huyện Tương Dương phát hiện một số đối tượng ngoài huyện lên khu vực biên giới huyện Tương Dương mua ma túy về tiêu thụ. Trong quá trình hoạt động, các đối tượng thường mang theo hung khí, sẵn sàng chống trả lực lượng chức năng nếu bị phát hiện, truy bắt.

Hai đối tượng Huỳnh Văn Phương và Lê Văn Quyền cùng số ma túy bị thu giữ.

Sau nhiều nhiều ngày kiên trì theo dõi, sử dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, vào lúc 3h18 ngày 18/9/2024, tại bản Pột, xã Nga My, Công an huyện Tương Dương  phối hợp với các lực lượng chức năng bắt quả tang 2 đối tượng: Huỳnh Văn Phương và Lê Văn Quyền, khi các đối tượng vừa di chuyển ra khỏi địa bàn huyện bằng xe máy. Tại hiện trường, cơ quan chức năng thu giữ 3.400 viên ma túy tổng hợp, 2 con dao, 2 xe máy.

Quá trình mở rộng điều tra, Công an huyện Tương Dương xác minh và bắt giữ đối tượng Ngân Thị Phôm – người đã bán số ma túy nói trên cho Phương và Quyền.

Hiện, vụ án đang được tiếp tục mở rộng điều tra, để xử lý các đối tượng theo đúng quy định của pháp luật.

Lạng Sơn: Tiêu hủy gần 150 máy tính bảng, điện thoại di động nhập lậu

Ngày 9/9, thông tin từ Cục Quản lý thị trường tỉnh Lạng Sơn cho biết, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Lạng Sơn vừa ban hành Quyết định xử phạt hành chính số 15000065/QĐ-XPHC ngày 29/8/2024, xử phạt vi phạm hành chính ông Nguyễn Đình Hiền (nơi ở hiện tại: Thôn Đồi Chè, xã Hoàng Đồng, thành phố Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn).

Ông Nguyễn Đình Hiền bị xử phạt hành vi Kinh doanh hàng hóa nhập lậu số tiền xử phạt 35 triệu đồng và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc tiêu hủy tang vật vi phạm gồm: 147 chiếc máy tính bảng, điện thoại di động nhập lậu, đã qua sử dụng, không đảm bảo an toàn sử dụng có trị giá 87.600.000 đồng.

Chiều ngày 5/9/2024, thực hiện theo Quyết định nêu trên, tại trụ sở Đội Quản lý thị trường số 4, địa chỉ: Khu Tham Muội thị trấn Đồng Mỏ huyện Chi Lăng tỉnh Lạng Sơn, Đội Quản lý thị trường số 4 phối hợp với phòng Thanh tra – Pháp chế tiến hành giám sát việc tiêu hủy 147 chiếc máy tính bảng, điện thoại di động nhập lậu, đã qua sử dụng không đảm bảo an toàn sử dụng.

Lực lượng chức năng giám sát việc tiêu hủy hàng hóa vi phạm.

Ông Nguyễn Đình Hiền buộc phải tiêu hủy toàn bộ tang vật vi phạm hành chính gồm: 60 chiếc điện thoại di động Iphone 6S Plus, dung lượng 64GB nhãn hiệu Apple, đã qua sử dụng và 87 chiếc máy tính bảng Ipad dung lượng 32GB nhãn hiệu Apple, đã qua sử dụng, không đảm bảo an toàn sử dụng, bằng phương pháp dùng búa đập vỡ các sản phẩm làm mất hình dạng, tính năng sau đó gom các mảnh nhựa để đưa đi tái chế trước sự giám sát của Đoàn giám sát và cùng sự chứng kiến của người dân.

Việc tiêu hủy được kiểm soát chặt chẽ, bảo đảm 100% mặt hàng được tiêu hủy bằng hình thức phù hợp, đúng quy định và bảo đảm vệ sinh môi trường.