Đăng nhập

Hà Nội: Phát hiện và thu giữ hàng nghìn sản phẩm và vật phẩm có dấu hiệu giả mạo các nhãn hiệu ô tô nổi tiếng

Đoàn kiểm tra liên ngành do Ban chỉ đạo 389 Thành phố thành lập, giao Cục QLTT Hà Nội chủ trì chủ trì, phối hợp với các đơn vị thành viên Ban chỉ đạo. Đoàn triển khai liên ngành được triển khai trong thời gian ngắn đã liên tiếp phát hiện các vụ việc kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu trên địa bàn, cụ thể:

Ngày 11/11/2024, Đoàn kiểm tra liên ngành số 1 (Ban chỉ đạo 389 Thành phố) do Đội QLTT số 1 (Cục QLTT Hà Nội) là Trưởng đoàn đã kiểm tra, phát hiện và thu giữ hàng nghìn sản phẩm và vật phẩm có dấu hiệu giả mạo các nhãn hiệu ô tô nổi tiếng tại huyện Hoài Đức.

Tại thời điểm kiểm tra, Đoàn kiểm tra phát hiện tại cơ sở đang sử dụng máy may công nghiệp để may các vật phẩm có dấu hiệu giả mạo các nhãn hiệu nổi tiếng như: BMW, Mercedes, Audi, Lexus, Toyota, Honda, Nissan, Suzuki, Hyundai, Kia, Mazda...lên các phụ kiện ô tô.

Đoàn kiểm tra liên ngành số 1 đã tạm giữ 1.851 thành phẩm và vật phẩm có dấu hiệu giả mạo các nhãn hiệu nổi tiếng. Vụ việc đang tiếp tục được xác minh làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật. 

Cao Bằng: Xử phạt 02 cửa hàng kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ trên TMĐT

Ngày 31/10/2024, Cục QLTT tỉnh Cao Bằng cho biết,  vừa tiến hành kiểm tra và xử phạt hành chính đối với hai cửa hàng kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ trên nền tảng thương mại điện tử.

Cụ thể, tại cửa hàng Pixie giày dép, túi xách Nữ và thời trang trẻ em, cơ quan chức năng đã phát hiện và lập biên bản vi phạm đối với hộ kinh doanh bà N.T.H.V về hành vi kinh doanh 05 loại mặt hàng như váy trẻ em, túi xách nữ, ba lô học sinh, giày dép không rõ nguồn gốc. Tổng giá trị hàng hóa vi phạm ước tính 6.620.000 đồng.

Đội QLTT số 5 kiểm tra hộ kinh doanh N.T.H.V

Đối với hộ kinh doanh L.T.P, chủ cửa hàng quần áo CitimodeKenvaCaobang, cơ quan chức năng cũng phát hiện và lập biên bản vi phạm về hành vi kinh doanh 03 loại mặt hàng là quần Baggy nữ, đầm nữ, áo sơ mi nữ không rõ nguồn gốc. Tổng giá trị hàng hóa vi phạm ước tính 11.290.000 đồng.

Đội Quản lý thị trường số 5 đã quyết định xử phạt hành chính đối với hộ kinh doanh bà N.T.H.V số tiền 4.000.000 đồng và hộ kinh doanh bà L.T.P số tiền 6.000.000 đồng. Đồng thời, toàn bộ số hàng hóa vi phạm của cả hai hộ kinh doanh đều bị tịch thu để xử lý theo quy định.

Bình Thuận: Phát hiện 1.450 bao thuốc lá điếu nhập lậu

Ngày 14/10/2024, Cục Quản lý thị trường tỉnh vừa có tờ trình đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận xem xét, xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền đối với hộ kinh doanh N.T.H vì đã có hành vi vi phạm hành chính buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu có số lượng từ 1.200 bao đến dưới 1.500 bao.

Trước đó, ngày 11/10/2024, Đoàn kiểm tra của Đội Quản lý thị trường số 5 thuộc Cục Quản lý thị trường tỉnh đã tiến hành kiểm tra đối với hộ kinh doanh N.T.H ở thị trấn Chợ Lầu, huyện Bắc Bình. Tại đây, lực lượng chức năng đã phát hiện hộ bà H đang kinh doanh lô hàng 1.450 bao thuốc lá điếu gồm: 750 bao thuốc nhãn hiệu Scott, 90 bao thuốc nhãn hiệu Hero, 40 bao thuốc nhãn hiệu 555, 570 bao thuốc nhãn hiệu Jet. Số thuốc lá này không dán tem thuốc lá điếu nhập khẩu trên bao gói, không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ hợp pháp của hàng hóa. Tổng giá trị lô hàng được tính theo giá niêm yết tại hộ kinh doanh là 24.890.000 đồng.

Số thuốc lá lực lượng Quản lý thị trường phát hiện tại hộ kinh doanh của bà N.T.H

Tại thời điểm kiểm tra, bà N.T.H thừa nhận toàn bộ lô hàng 1.450 bao thuốc lá điếu nhập lậu nêu trên được bà mua từ một người đàn ông lạ mặt, không rõ lai lịch và không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp. Sau khi mua số thuốc trên, bà H chưa kịp bán ra thị trường thì đã bị Đoàn kiểm tra Đội Quản lý thị trường số 5 kiểm tra, tạm giữ.

Căn cứ vào các quy định của pháp luật, Cục Quản lý thị trường Bình Thuận đã có tờ trình vụ đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, xử phạt vi phạm hành chính đối với hộ kinh doanh N.T.H đã có hành vi vi phạm hành chính, buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu có số lượng từ 1.200 bao đến dưới 1.500 bao, quy định tại điểm b, khoản 7, Điều 8 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP ngày 26/8/2020 của Chính phủ (được sửa đổi, bổ sung một số điều tại Nghị định số 17/2022/NĐ-CP ngày 31/1/2022 của Chính phủ) với mức phạt tiền là 80 triệu đồng, buộc tiêu hủy 1.450 bao thuốc lá điếu nhập lậu các loại.

Lai Châu: Xử phạt hộ kinh doanh lạp xưởng không rõ nguồn gốc

Ngày 27/9/2024, Đội Quản lý thị trường số 3 cho biết, đã kiểm tra đột xuất hộ kinh doanh Hà Văn Biên tại thị trấn Than Uyên phát hiện kinh doanh lạp xưởng không rõ nguồn gốc...

Qua nắm bắt thu thập xác minh thông tin trên nền tảng mạng xã hội phát hiện một cá nhân thực hiện bán hàng online thông qua hình thức đăng bài trên mạng xã hội bằng tài khoản trang cá nhân "Nguyễn Thị Tươi (Hải sản Biên Tươi)" có dấu hiệu kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Triển khai công tác kiểm tra, vào hồi 17 giờ 30 phút, ngày 26/9, đoàn kiểm tra của Đội Quản lý thị trường số 3 tiến hành kiểm tra đột xuất đối với Hộ kinh doanh Hà Văn Biên, có địa chỉ tại: Đường 15/10, thị trấn Than Uyên, huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu…

Đội Quản lý thị trường số 3 (Lai Châu) tiến hành kiểm tra tại hộ kinh doanh

Tại thời điểm kiểm tra phát hiện ông Biên đang bày bán hàng hóa gồm 50 gói lạp xưởng, có trị giá hàng hóa được tính theo giá niêm yết trên sản phẩm là 4,5 triệu đồng. Thông tin được thể hiện trên nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa không có căn cứ xác định được nguồn gốc nơi sản xuất hoặc xuất xứ của hàng hóa. Quá trình làm việc chủ cơ sở kinh doanh không xuất trình được hóa đơn, chứng từ, giấy tờ gì để chứng minh nguồn gốc, xuất xứ của số hàng lạp xưởng nói trên.

50 gói lạp xưởng không rõ nguồn gốc bày bán tại hộ kinh doanh Hà Văn Biên, thị trấn Than Uyên

Đoàn kiểm tra Đội Quản lý thị trường số 3 tra đã lập biên bản vi phạm hành chính, Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 3 ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 4 triệu đồng, cùng với đó buộc tiêu hủy toàn bộ số hàng hóa vi phạm không đảm bảo điều kiện lưu thông trên thị trường theo quy định.

Đồng Nai: Phát hiện một điểm bán hơn 16,5 ngàn sản phẩm quần áo không rõ nguồn gốc xuất xứ 

Thông tin từ Cục Quản lý thị trường (QLTT) Đồng Nai, Đội QLTT số 4 (Cục QLTT Đồng Nai) vừa kiểm tra và phát hiện một điểm tập kết, kinh doanh hơn 16,5 ngàn sản phẩm quần áo các loại không rõ nguồn gốc xuất xứ tại xã Bình An, huyện Long Thành.

Đội QLTT số 4 thực hiện kiểm tra tại điểm tập kết hàng do ông V.M.Đ làm chủ tại xã Bình An, huyện Long Thành.

Theo đó, vào đầu tháng 9, khi tiến hành kiểm tra đột xuất đối với điểm tập kết hàng hóa (quần áo) do ông V.M.Đ làm chủ (ngụ xã Bình An, huyện Long Thành), lực lượng chức năng phát hiện tại điểm tập kết này đang kinh doanh mặt hàng quần áo may sẵn và không đăng ký thành lập hộ kinh doanh trong những trường hợp phải đăng ký theo quy định; kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ với số lượng hơn 16,5 ngàn sản phẩm quần áo các loại.

Lực lượng QLTT tiến hành niêm phong, xử lý hàng hóa vi phạm theo quy định. 

Tổng giá trị hàng hóa vi phạm khoảng 134 triệu đồng.

Đội QLTT số 4 đã thực hiện tạm giữ toàn bộ số hàng hóa trên và báo cáo Cục QLTT Đồng Nai xử lý theo quy định.

Kiên Giang: Bắt giữ gần 700kg tôm chứa chất cấm, không rõ nguồn gốc

Ngày 28/8/2024, Lực lượng Quản lý thị trường tỉnh Kiên Giang cho biết, đã liên tiếp phát hiện các vụ vận chuyển, tàng trữ trái phép tôm nguyên liệu chứa chất cấm agar.

Cụ thể, vào tối ngày 27/8/2024, Đội Quản lý thị trường số 2 đã tiến hành khám đồ vật tại khu vực cầu Hè Thu 2, phường Vĩnh Hiệp, thành phố Rạch Giá. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện 536kg tôm sú, tôm thẻ không rõ nguồn gốc, không có hóa đơn chứng từ đi kèm. Kết quả kiểm nghiệm cho thấy, lô hàng này chứa chất cấm agar.

Trước đó, vào ngày 23/8, tại khu vực đường Mạc Cửu, phường Vĩnh Quang, thành phố Rạch Giá, đội đã thu giữ thêm 111kg tôm sú chứa chất cấm agar, được cất giấu trong các thùng xốp.

Đội QLTT số 2 khám, phát hiện tang vật là tôm nguyên liệu chứa tạp chất

Với tổng số lượng gần 700kg tôm bị tạm giữ, đây là một con số đáng báo động, cho thấy tình trạng buôn bán, vận chuyển thủy sản không đảm bảo chất lượng đang diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh Kiên Giang.

Việc sử dụng chất cấm agar trong nuôi trồng thủy sản là hành vi vi phạm nghiêm trọng các quy định về an toàn thực phẩm. Chất này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng mà còn gây ra cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường.

Hiện nay, Đội Quản lý thị trường số 2 đang tiếp tục điều tra làm rõ vụ việc, truy tìm nguồn gốc của số tôm trên và xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm theo quy định của pháp luật.

Kon Tum: Liên tiếp phát hiện, xử lý hành vi kinh doanh sản phẩm giả mạo nhãn hiệu nổi tiếng 

Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 2, Cục QLTT tỉnh Kon Tum vừa tiến hành kiểm tra, phát hiện và xử lý 8 vụ vi phạm trong kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, tạm giữ trên 300 sản phẩm có dấu hiệu vi phạm trị giá gần 100 triệu đồng.

Ngày 16/8/2024, Đội QLTT số 2, Cục QLTT tỉnh Kon Tum cho biết, vừa giám sát tiêu hủy toàn bộ lô sản phẩm giả mạo nhãn hiệu nổi tiếng trưng bày để bán trong các cửa hàng trên địa bàn 2 huyện Đăk Hà, Đăk Tô.

Lực lượng chức năng giám sát tiêu hủy sản phẩm vi phạm

Theo thông tin từ Đội QLTT số 2, các sản phẩm giả mạo này chủ yếu là hàng thời trang, phụ kiện, được bày bán tràn lan tại các cửa hàng trên địa bàn. Điều đáng chú ý là nhiều sản phẩm giả mạo được làm rất tinh vi, khó phân biệt với hàng chính hãng, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng.

Trước hành vi vi phạm nghiêm trọng này, lực lượng chức năng đã quyết liệt xử lý. Cụ thể, 5 vụ vi phạm đã bị lập biên bản và phạt hành chính với tổng số tiền gần 97 triệu đồng. Đồng thời, toàn bộ số hàng hóa giả mạo đã bị tiêu hủy để đảm bảo không còn lưu thông trên thị trường.

Lãnh đạo Đội QLTT số 2 cho biết, đây là một trong những vụ việc điển hình cho thấy quyết tâm của lực lượng chức năng trong việc bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và đấu tranh chống hàng giả. Thông qua các hoạt động kiểm tra, xử lý, lực lượng chức năng không chỉ ngăn chặn tình trạng buôn bán hàng giả mà còn răn đe các đối tượng vi phạm pháp luật.

Để nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh chống hàng giả, Đội QLTT số 2 đã và đang triển khai nhiều biện pháp như tăng cường kiểm tra, giám sát thị trường, phối hợp với các cơ quan chức năng khác, đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho người dân.

Quảng Ninh: Bắt giữ 2 đối tượng kinh doanh thuốc lá điện tử không rõ nguồn gốc, xuất xứ

Ngày 5/8/2024, Cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ninh cho biết, vừa bắt giữ 2 đối tượng kinh doanh sản phẩm thuốc lá điện tử không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Vào khoảng 10h15 ngày 2/8/2024, tại đường Trần Nhật Duật thuộc khu 7, phường Hải Yên, TP Móng Cái, Phòng Cảnh sát kinh tế chủ trì phối hợp với Công an TP Móng Cái và Đội Quản lý thị trường số 4, Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Ninh phát hiện, bắt giữ Phùng Thanh Bình (SN 1983, trú tại khu 4, phường Ka Long, TP Móng Cái) có hành vi kinh doanh 100 sản phẩm thuốc lá điện tử dùng một lần, nhãn hiệu LIW COKE CAN không rõ nguồn gốc, xuất xứ, trị giá hàng hóa khoảng 22 triệu đồng.

Thu giữ thuốc lá điện tử không rõ nguồn gốc của đối tượng Phạm Văn Hải.

Trước đó, hồi 15h15 ngày 26/7/2024, tại khu 2, phường Ka Long, TP  Móng Cái, Phòng Cảnh sát kinh tế chủ trì phối hợp với các đơn vị chức phát hiện, bắt giữ Phạm Văn Hải (SN 1980, trú tại thôn 10, xã Tam Cường, huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng) có hành vi kinh doanh 200 sản phẩm thuốc lá điện tử dùng một lần, nhãn hiệu LIW COKE CAN không rõ nguồn gốc, xuất xứ, trị giá hàng hoá khoảng 44 triệu đồng.

Tổ công tác đã lập biên bản kiểm tra ban đầu, bàn giao toàn bộ hồ sơ 2 vụ việc trên và tang vật vi phạm đến Đội Quản lý thị trường số 4, Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Ninh tiếp tục hoàn thiện hồ sơ xử lý theo quy định của pháp luật.

Xử phạt Công ty TNHH xuất nhập khẩu KAVR do vi phạm trong kinh doanh mỹ phẩm

Thanh tra Bộ Y tế mới ký ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế đối với Công ty TNHH xuất nhập khẩu KAVR. Lý do xử phạt là Công ty vi phạm trong kinh doanh mỹ phẩm có công thức không đúng với hồ sơ công bố đã được phê duyệt.

Theo quyết định của Thanh tra Bộ Y tế, Công ty TNHH xuất nhập khẩu KAVR ở địa chỉ 30/9C Đường số 19, Khu phố 9, Phường Bình Hưng Hoà A, Quận Bình Tân, TP. Hồ Chí Minh; hành vi trên là vi phạm quy định tại Điểm c Khoản 3, Điều 71 của Nghị định số 117/2020/NĐ- CP ngày 28/9/2020 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.

Ảnh minh họa

Theo Thanh tra Bộ Y tế, tình tiết tăng nặng trong lần xử phạt này là công ty có 8 sản phẩm mỹ phẩm vi phạm thuộc cùng một hành vi vi phạm và được phát hiện trong cùng một lần kiểm tra.

Ngoài phạt tiền, Thanh tra Bộ Y tế cũng áp dụng hình thức xử phạt bổ sung đối với Công ty TNHH xuất nhập khẩu KAVR là thu hồi số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm đối với 8 sản phẩm mỹ phẩm, đồng thời buộc thu hồi và tiêu hủy sản phẩm mỹ phẩm.

8 sản phẩm mỹ phẩm bị thu hồi của của Công ty TNHH xuất nhập khẩu KAVR gồm: Roja Parfums Amber Aoud Parfum; Roja Parfums Diaghilev Parfum; Histoies De Parfums Ceci Nest Pas Un Flacon Bleu - This Is Not A Blue Bottle 1/.6 Eau De Parfum; Histoies De Parfums 1740 Eau de Parfum; Histoies De Parfums 1804 Eau de Parfum; Liquides Imaginaires Navis Eau De Parfum; Liquides Imaginaires Bello Rabelo Eau de Parfum; Liquides Imaginaires Ile Pourpre Eau de Parfum.

Thanh tra yêu cầu Công ty TNHH XNK KAVR phải nghiêm chỉnh chấp hành quyết định xử phạt. Nếu quá thời hạn mà Công ty không nguyện chấp hành thì sẽ bị cưỡng chế thi hành theo quy định của pháp luật.

Hai doanh nghiệp kinh doanh vàng ở Long An bị xử phạt gần 140 triệu đồng vì vi phạm quy định về nhãn hàng hóa

Ngày 31/5/2024, Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Long An đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 2 doanh nghiệp kinh doanh vàng trên địa bàn thành phố Tân An do vi phạm quy định về nhãn hàng hóa. Tổng số tiền phạt cho hai doanh nghiệp này là 139,7 triệu đồng.

Cụ thể, hai doanh nghiệp vi phạm đều có hành vi sản xuất hàng hóa có nhãn không ghi đủ các nội dung bắt buộc theo quy định pháp luật về nhãn hàng hóa. Ngoài ra, một trong hai doanh nghiệp còn vi phạm thêm về hành vi sản xuất, thiết kế, chế tạo hàng hóa mang nhãn hiệu giả mạo.

Đội QLTT số kiểm tra một DN kinh doanh vàng trên địa bàn thành phố Tân An

Doanh nghiệp vi phạm đã bị xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền 139,7 triệu đồng và buộc nộp lại số tiền bằng trị giá hàng hóa vi phạm đã tiêu thụ trái quy định pháp luật là 565,1 triệu đồng. Đồng thời, một doanh nghiệp còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động sản xuất mặt dây chuyền vàng trang sức trong 2 tháng.

Hai vụ việc vi phạm do Đội QLTT số 3, Cục QLTT Long An kiểm tra phát hiện vào ngày 14 và 15/5/2024.

Việc xử phạt hai doanh nghiệp kinh doanh vàng vi phạm này nhằm mục đích chấn chỉnh hoạt động kinh doanh vàng trên địa bàn, đảm bảo bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.