Đăng nhập

Hà Nội: Cảnh báo xuất hiện thuốc kháng sinh Zinnat không rõ nguồn gốc trên thị trường

Sở Y tế Hà Nội vừa có văn bản thông báo đến các cơ sở y tế, cơ sở kinh doanh dược trên địa bàn, phòng y tế 30 quận, huyện, thị xã về thuốc Zinnat tablets 500mg nghi ngờ không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Trước đó, Sở Y tế nhận được công văn số của Cục Quản lý Dược thông báo việc xuất hiện thuốc Zinnat tablets 500mg nghi ngờ không rõ nguồn gốc xuất xứ, cụ thể trên nhãn ghi: Zinnat tablets 500mg; nhãn bao bì ngoài của thuốc không tuân thủ các quy định về ghi nhãn thuốc, nguyên liệu làm thuốc và tờ hướng dẫn sử dụng thuốc. 

Hình ảnh thuốc Zinnat tablets 500mg được nhập khẩu chính thức và sản phẩm nghi ngờ không rõ nguồn gốc, xuất xứ. 

Cụ thể, những nội dung bắt buộc thể hiện trên nhãn thuốc không được ghi bằng tiếng Việt; không có thông tin nhà nhập khẩu; không có số giấy đăng ký lưu hành hoặc số giấy phép nhập khẩu. 

Các mẫu thuốc này được phát hiện tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh (các nhà thuốc xung quanh khu vực Bệnh viện Chợ Rẫy), TP Cần Thơ, tỉnh Lạng Sơn, tỉnh Tiền Giang.

Để đảm bảo hiệu quả điều trị và an toàn cho người sử dụng, Sở Y tế Hà Nội yêu cầu các cơ sở y tế, các cơ sở bán buôn, bán lẻ thuốc trên địa bàn không kinh doanh, phân phối, sử dụng thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ; rà soát hoạt động của cơ sở, nếu phát hiện thấy thuốc Zinnat tablets 500mg có thông tin như đã nêu, khẩn trương thông báo về Sở Y tế (Thanh tra Sở) để có biện pháp xử lý.

Phòng y tế quận, huyện, thị xã thông báo đến các cơ sở hành nghề trên địa bàn quản lý không kinh doanh, phân phối, sử dụng các thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ; tiếp nhận thông tin từ cơ sở, phối hợp với các phòng ban liên quan tiến hành kiểm tra các cơ sở kinh doanh thuốc trên địa bàn. Đồng thời, xác minh thông tin và truy tìm nguồn gốc thuốc Zinnat tablets 500mg nêu trên, xử lý vi phạm theo thẩm quyền.

Sở Y tế Hà Nội cũng yêu cầu Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm Hà Nội rà soát thuốc nêu trên trong quá trình đi lấy mẫu; tăng cường lấy mẫu kiểm tra chất lượng thuốc đối với các thuốc có nguy cơ bị làm giả hoặc kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ, báo cáo về Sở Y tế để có biện pháp xử lý.

Sở Y tế phối hợp với các cơ quan truyền thông, thông tin tới các cơ sở kinh doanh, sử dụng thuốc và người dân biết để không buôn bán, sử dụng các thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ. Khuyến cáo người dân thông tin đến đường dây nóng của Sở về thuốc giả, thuốc nhập lậu, thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ ngay khi phát hiện.

Bạc Liêu: Kiểm tra một hộ kinh doanh nhưng không đăng ký thành lập hộ kinh doanh theo quy định.

Đội QLTT số 1 tiến hành kiểm tra đột xuất một hộ kinh doanh tạp hoá đóng trên địa bàn thành phố Bạc Liêu, có hành vi vi phạm không đăng ký thành lập hộ kinh doanh trong những trường hợp phải đăng ký theo quy định.

Qua công tác quản lý địa bàn, ngày 24 tháng 9 năm 2024, Đội QLTT số 1thực hiện kiểm tra đột xuất việc chấp hành pháp luật trong sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ đối với hộ kinh doanh tạp hoá H.P do bà N.T.H.P làm chủ, có địa chỉ phường 1, thành phố Bạc Liêu.

Tại thời điểm kiểm tra hộ kinh doanh tạp hoá H.P có hành vi vi phạm không đăng ký thành lập hộ kinh doanh trong những trường hợp phải đăng ký theo quy định. Đoàn kiểm tra đã lập biên bản và xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi nêu trên với số tiền phạt là 7.500.000 đồng. Đồng thời buộc đăng ký thành lập hộ kinh doanh theo quy định./.

Quảng Ninh quyết liệt bình ổn thị trường sau bão, ngăn chặn tăng giá bất hợp lý

Theo thông tin từ Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Ninh, tính đến sáng 13/9, tình hình thị trường, giá cả hàng hóa trên địa bàn vẫn cơ bản ổn định. Tuy nhiên, một số mặt hàng thiết yếu như rau xanh, máy phát điện, vật liệu xây dựng... có xu hướng tăng giá do nguồn cung hạn chế.

Trước tình hình này, Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo các đội nghiệp vụ tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh tại các siêu thị, chợ truyền thống, cơ sở kinh doanh vật liệu xây dựng, đồ điện gia dụng... Đặc biệt chú trọng vào các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân sau bão.

Lực lượng QLTT tỉnh Quảng Ninh kiểm tra các cơ sở kinh doanh nhằm ngăn chặn, xử lý tình trạng tăng giá bất hợp lý sau bão.

Cụ thể, các đơn vị đã thành lập các tổ công tác thường trực 24/24 giờ để kịp thời xử lý các thông tin phản ánh về tình trạng tăng giá bất hợp lý. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng khác để kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giá, đầu cơ tích trữ.

Mới đây, Đội Quản lý thị trường số 5 đã phối hợp với Công an thành phố Hạ Long kiểm tra và xử phạt một hộ kinh doanh điện máy vi phạm quy định về niêm yết giá và buôn bán hàng hóa nhập khẩu không rõ nguồn gốc.

Trong thời gian tới, Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Ninh sẽ tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm, đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân và doanh nghiệp về các quy định của pháp luật về quản lý thị trường.

Bình Thuận: Bắt quả tang cơ sở tái chế gần 20.000 lít dầu nhớt các loại

Ngày 27/8/2024, Công an huyện Hàm Thuận Bắc, Bình Thuận cho biết vừa bắt quả tang cơ sở tái chế nhớt thải trái phép trên địa bàn với hàng chục ngàn lít dầu nhớt các loại.

Cụ thể, vào lúc 11 giờ ngày 24/8, Tổ công tác Công an huyện Hàm Thuận Bắc tiến hành kiểm tra tại khu vực đất trống thuộc thôn 2, xã Hàm Liêm, huyện Hàm Thuận Bắc. Tại đây, lực lượng chức năng đã phát hiện 4 người đang tái chế nhớt thải trái phép.

Cơ sở tái chế nhớt thải, có 2 xưởng, nằm sát bìa rừng.

Qua kiểm tra, Công an huyện Hàm Thuận Bắc đã thu giữ tại xưởng số 1 số lượng 11.000 lít dầu nhớt vừa được tái chế xong. Tại khu vực xưởng số 2, lực lượng chức năng đã thu giữ 500 lít nhớt thải, 7.500 lít nhớt thành phẩm, một số máy móc xử lý nhớt và hóa chất các loại phục vụ cho quá trình xử lý tái chế nhớt.

Các thùng chứa nhớt thải.

Để tránh sự phát hiện của lực lượng chức năng, các đối tượng đã đặt xưởng tái chế nhớt thải trái phép ở khu vực đất trống nằm sát bìa rừng, xa khu dân cư, xung quanh nhà xưởng được dựng tôn đắp đất làm vòng thành che chắn. Trong khuôn viên gồm 2 xưởng tái chế nhớt cách nhau 200m. Nhớt thải được thu gom, mua lại từ các garage ô tô, trung tâm bảo dưỡng với giá 4.000-5.000 đồng/lít, sau khi sử dụng các hóa chất để tái chế lại trở thành nhớt được bán ra thị trường với giá 12.000 đồng/lít.

Khu vực xưởng tái chế nhớt thải được dựng tôn và che chắn.

Vụ việc hiện đang được Công an huyện Hàm Thuận Bắc tiếp tục xác minh, làm rõ để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Đồng Tháp: Xử phạt cơ sở kinh doanh mỹ phẩm nhập lậu

Ngày 14/8/2024, Cục Quản lý thị trường tỉnh Đồng Tháp thông tin cho biết, vừa quyết định xử phạt một cơ sở kinh doanh mỹ phẩm nhập lậu với số tiền 30 triệu đồng và buộc tiêu hủy toàn bộ số hàng hóa vi phạm.

Trước đó, Đội Quản lý thị trường số 4 thuộc Cục Quản lý thị trường tỉnh Đồng Tháp đã phát hiện tại hộ kinh doanh phụ liệu tóc V.K, do ông V.V.T làm chủ, địa chỉ tại xã Mỹ Hội, huyện Cao Lãnh, một số lượng lớn mỹ phẩm không rõ nguồn gốc.

Cụ thể, lực lượng chức năng đã thu giữ được 350 sản phẩm mỹ phẩm các loại, bao gồm gel tẩy tế bào chết, nước sơn móng tay,... Tất cả các sản phẩm này đều có nguồn gốc từ nước ngoài nhưng chủ cơ sở không xuất trình được bất kỳ hóa đơn, chứng từ nào chứng minh nguồn gốc hợp pháp của hàng hóa.

Trước hành vi vi phạm nghiêm trọng này, Cục Quản lý thị trường tỉnh Đồng Tháp đã quyết định xử phạt hành chính đối với hộ kinh doanh V.K với số tiền 30 triệu đồng. Đồng thời, toàn bộ số mỹ phẩm nhập lậu trên sẽ bị tiêu hủy để đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng.

Ninh Bình: Xử phạt đối tượng kinh doanh hàng lậu

Cơ quan chức năng tỉnh Ninh Bình vừa xử phạt 15 triệu đồng và tịch thu số lượng lớn nồi chiên không dầu nhập lậu của bà Lê Thị Hà Phương tại phường Yên Bình.

Theo thông tin từ Cục Quản lý thị trường Ninh Bình, ngày 30/7, Đội trưởng Quản lý thị trường số 2 đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với bà Lê Thị Hà Phương về hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu. Toàn bộ số nồi chiên không dầu có tổng trị giá trên 33 triệu đồng đã bị tịch thu.  

Đội Quản lý thị trường số 2 thu giữ hàng hóa vi phạm. 

Cụ thể, qua quá trình kiểm tra tại địa điểm kinh doanh của bà Phương, lực lượng chức năng phát hiện 16 chiếc nồi chiên không dầu không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Đây là hành vi vi phạm nghiêm trọng các quy định của pháp luật về kinh doanh.

Việc kinh doanh hàng hóa nhập lậu không chỉ gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước mà còn tiềm ẩn nhiều rủi ro cho người tiêu dùng. Các sản phẩm này có thể không đảm bảo chất lượng, thậm chí có thể gây hại cho sức khỏe.

Trước tình hình này, các cơ quan chức năng tỉnh Ninh Bình đang tăng cường công tác kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực kinh doanh. Đồng thời, người dân cần nâng cao cảnh giác, chỉ mua hàng hóa tại các địa điểm uy tín, có đầy đủ hóa đơn, chứng từ.

Buôn bán, vận chuyển thuốc lá lậu: Ba đối tượng ở Tây Ninh bị bắt giữ

Ba đối tượng Phan Minh Vủ, Lê Kim Mỹ và Lê Văn Thành cùng ngụ xã Thành Long, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh đã bị Công an huyện Châu Thành tạm giữ hình sự để điều tra về hành vi buôn bán, vận chuyển hàng cấm.

Theo thông tin từ cơ quan chức năng, vào lúc 15 giờ 30 ngày 4/7, Công an huyện Châu Thành đã bắt quả tang đối tượng Phan Minh Vủ đang điều khiển xe mô tô không gắn biển số chở theo 2.990 bao thuốc lá lậu các loại.

Các đối tượng vận chuyển, mua bán số lượng lớn thuốc lá điếu nhập lậu bị bắt giữ cùng tang vật.

Qua khai thác, Vủ khai nhận số thuốc lá trên là của mình và đang cùng Lê Thanh Tú vận chuyển đến khu vực ấp Nam Bến Sỏi, xã Thành Long để bán cho Lê Kim Mỹ và Lê Văn Thành. Tuy nhiên, khi thấy lực lượng chức năng, Tú đã bỏ chạy và bỏ lại xe cùng tang vật.

Mở rộng điều tra, Công an huyện Châu Thành đã bắt khẩn cấp hai vợ chồng Lê Kim Mỹ và Lê Văn Thành. Khám xét nơi ở của các đối tượng, lực lượng công an thu giữ thêm 240 bao thuốc lá lậu, 38 thùng bia hiệu Crow và Angkor cùng một số tang vật khác có liên quan.

Tại cơ quan công an, bước đầu các đối tượng khai nhận do sinh sống gần khu vực biên giới nên đã móc nối với các đối tượng bên Campuchia để đặt mua thuốc lá lậu. Sau đó, lợi dụng các đường tiểu ngạch, các đối tượng vận chuyển thuốc lá lậu vào nội địa để tiêu thụ.

Được biết, từ tháng 1/2024 đến thời điểm bị bắt, các đối tượng đã thực hiện trót lọt 130 vụ vận chuyển thuốc lá lậu với tổng số lượng trên 250.000 bao.

Hiện, Công an huyện Châu Thành đang tiếp tục điều tra làm rõ vụ việc, đồng thời truy bắt đối tượng Lê Thanh Tú còn đang bỏ trốn.

Cao Bằng: Khởi tố đối tượng vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới

Công an tỉnh Cao Bằng vừa có Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và Lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Dương Minh Hợp về tội Vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.

Công an tỉnh Cao Bằng vừa có Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và Lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Dương Minh Hợp (SN 1968; trú tại tổ dân phố 2, thị trấn Trà Lĩnh, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng) về tội Vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.

Cơ quan Công an tống đạt Quyết định khởi tố với đối tượng Dương Minh Hợp

Trước đó, vào ngày 13/6, Phòng Cảnh sát kinh tế chủ trì, phối hợp với Đồn biên phòng cửa khẩu Trà Lĩnh, Công an xã Quang Hán, huyện Trùng Khánh đã phát hiện Dương Minh Hợp điều khiển xe ô tô tải (BKS 20C-174.98) vận chuyển 8,5 tấn chân lợn đông lạnh trị giá gần 260 triệu đồng lên khu vực Mốc 730 biên giới Việt Nam - Trung Quốc.

Lực lượng chức năng đã kịp thời bắt giữ Hợp khi đang trong quá trình bốc dỡ hàng hóa xuống xe để đưa sang Trung Quốc. Hiện vụ việc đang được tiếp tục điều tra, làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.

Hà Nội: Phát hiện kho hàng "khủng" chứa máy tính bảng, iPhone không rõ nguồn gốc

Ngày 6/6, Theo Tổng cục Quản lý thị trường, Quản lý thị trường Hà Nội đã kiểm tra đột xuất kho hàng của Công ty TNHH Thương mại và Quản lý chuỗi cung ứng quốc tế tại Sóc Sơn và phát hiện số lượng lớn iPhone không rõ nguồn gốc.

Ngày 05/6/2024, Đội QLTT số 10 phối hợp với Đội Cảnh sát Kinh tế - Công an huyện Sóc Sơn tiến hành kiểm tra đột xuất Địa điểm kinh doanh của Công ty TNHH Thương mại và Quản lý chuỗi cung ứng quốc tế, tại địa chỉ số 4, Kho Lăng, Quốc lộ 2, thôn Đoài, xã Phù Lỗ, huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội (trước đây là số 4 dốc Tân Thượng, xã Phù Lỗ, huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội). Địa điểm kinh doanh trên do ông Nguyễn Ngọc Cương làm Giám đốc.

Hàng hóa có dấu hiệu vi phạm phát hiện tại hiện trường

Bước đầu kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện tại địa điểm kinh doanh của Công ty TNHH Thương mại và Quản lý chuỗi cung ứng quốc tế chứa trữ lượng lớn hàng hóa thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau như điện tử, thời trang, đồ gia dụng. Nhận định sơ bộ tại hiện trường, Đoàn kiểm tra ghi nhận khoảng 2.000 chiếc máy tính bảng, điện thoại iphone và các loại mặt hàng khác như thiết bị điện tử, đồ gia dụng, quần áo,… do nước ngoài sản xuất, có dấu hiệu không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ, không có nhãn phụ bằng Tiếng Việt theo quy định.

Hàng hóa phát hiện trong kho là thiết bị điện thoại là iphone, ipad mang thương hiệu của Apple cùng các thương hiệu khác có nhiều dấu hiệu vi phạm

Với khối lượng hàng hóa lớn, đến chiều ngày 06/6/2024, Đoàn kiểm tra của Đội QLTT số 10 vẫn đang tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành kiểm tra, phân loại hàng hóa có dấu hiệu vi phạm để làm cơ sở xử lý theo quy định.

Bị deadline Dí: Quá ghê ghớm
Bảo Nam: Các bác quản lý thị trường quá đỉnh rồi
Phương Anh Minh: Vẫn chưa kiểm đếm xong, dã man thật

Chuyển công an điều tra vụ vận chuyển, sản xuất cà phê giả tại An Giang

Cục Quản lý thị trường tỉnh An Giang đã chuyển hồ sơ của một vụ việc liên quan đến vận chuyển và sản xuất cà phê giả sang Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an huyện An Phú để tiếp tục điều tra.

Vào ngày 13/5/2024, Cục Quản lý thị trường tỉnh An Giang đã thông báo về việc chuyển hồ sơ của vụ việc đến Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an huyện An Phú để tiếp tục điều tra. Vụ việc này liên quan đến việc sản xuất và vận chuyển cà phê giả trên địa bàn.

Đoàn kiểm tra khám phương tiện vận tải 

Vào ngày 4/4/2023, thông qua nguồn tin cơ sở báo, Đội Quản lý thị trường số 1 tỉnh An Giang đã phát hiện ông Phạm Th. Đ., chủ hộ kinh doanh tại địa chỉ số 5376 tổ 1, khóm Hà Bao 1, thị trấn Đa Phước, huyện An Phú, tỉnh An Giang, điều khiển phương tiện ô tô tải mang biển số 51C-230.46 nên đã tiến hành kiểm tra. Trong quá trình kiểm tra, Đoàn kiểm tra đã phát hiện hàng hóa trên xe bao gồm 1.900 gói cà phê bột nhãn hiệu Phạm Phong Phú, với giá trị lên đến 81,7 triệu đồng. Tuy nhiên, hàng hóa này không đáp ứng các quy định về nhãn hàng hóa và không đạt chất lượng, và ông Đ. cũng chưa xuất trình được các chứng từ liên quan.

Lực lượng chức năng thu giữ 1.900 gói cà phê nhãn hiệu Phạm Phong Phú nhưng không phát hiện hàm lượng cafein trong sản phẩm.

Đồng thời, sau khi kiểm tra tại nhà xưởng của ông Đ., đoàn kiểm tra đã phát hiện thêm 103 gói cà phê bột cùng nhãn hiệu, không đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng. Do đó, hành vi sản xuất và buôn bán cà phê giả đã được xác định và đưa ra quyết định chuyển hồ sơ cho cơ quan công an để tiếp tục điều tra và xử lý theo quy định pháp luật.