Đăng nhập

Trà Vinh: Siết chặt quản lý hóa đơn điện tử trong kinh doanh xăng dầu

Nhằm thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Bộ Công Thương và Sở Công thương tỉnh, Chi cục Quản lý thị trường Trà Vinh đã ban hành công văn tăng cường kiểm tra, giám sát việc phát hành hóa đơn điện tử theo từng lần bán đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu trên toàn tỉnh.

Ngày 10 tháng 4 năm 2025, Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Trà Vinh đã ban hành công văn số 30/CCQLTT-NVTH, triển khai các biện pháp mạnh mẽ để đảm bảo các cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn thực hiện nghiêm quy định về hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng.

Theo đó, Chi cục đã chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng và chính quyền địa phương xây dựng kế hoạch kiểm tra thường xuyên và đột xuất. Mục tiêu là kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong kinh doanh xăng dầu, đặc biệt là tình trạng đầu cơ, găm hàng.

Điểm đáng chú ý trong chỉ đạo lần này là sự phối hợp chặt chẽ với cơ quan Thuế để kiểm tra, giám sát và xử lý dứt điểm các hành vi vi phạm về phát hành hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng. Đồng thời, Chi cục cũng chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về kinh doanh xăng dầu đến người dân, khuyến khích người tiêu dùng nâng cao ý thức yêu cầu xuất hóa đơn khi mua xăng dầu.

Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Trà Vinh yêu cầu các đơn vị trực thuộc báo cáo kết quả thực hiện về Chi cục theo quy định, nhằm đảm bảo việc triển khai được đồng bộ và hiệu quả trên toàn tỉnh.

Tuyên Quang: Thu giữ 153kg cần sa trong đường dây mua bán ma túy xuyên quốc gia

Ngày 13/3/2025, Công an tỉnh Tuyên Quang cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra (Công an tỉnh) vừa phá thành công chuyên án; khởi tố 7 đối tượng để điều tra, làm rõ về hành vi mua bán trái phép chất ma túy; thu giữ hơn 153kg ma túy cần sa, 2 lít dầu cần sa và nhiều tang vật liên quan.

Trước đó, qua nắm tình hình, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Công an tỉnh Tuyên Quang) đã phát hiện, bắt giữ 2 đối tượng (đều trú tại thành phố Tuyên Quang) có hành vi mua bán trái phép chất ma túy. Quá trình điều tra, 2 đối tượng khai nhận mua cần sa trên mạng xã hội để về bán kiếm lời.

Một phần tang vật vụ án

Căn cứ vào tài liệu điều tra lực lượng chức năng xác định, vụ án liên quan đến hoạt động mua, bán trái phép chất ma túy trên không gian mạng, có quy mô rất lớn, xuyên quốc gia (từ Thái Lan về tiêu thụ tại Việt Nam); đồng thời liên quan đến nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước.

Ngày 11-1-2025, lãnh đạo Công an tỉnh Tuyên Quang đã chỉ đạo Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy xác lập chuyên án, phối hợp với Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm công nghệ cao, Phòng Kỹ thuật nghiệp vụ tập trung lực lượng, phương tiện đấu tranh, triệt xóa đường dây này.

Với tinh thần quyết liệt, mưu trí, sáng tạo, trách nhiệm, lực lượng đấu tranh chuyên án và các đơn vị phối hợp đã bắt giữ 7 đối tượng; thu giữ hơn 153kg cần sa, 2 lít dầu cần sa và nhiều tang vật liên quan. Đường dây mua bán trái phép chất ma túy này có quy mô hoạt động lớn trên không gian mạng, được tổ chức chặt chẽ, khép kín, mua cần sa từ nước ngoài về bán trên toàn quốc; đối tượng chủ mưu, cầm đầu ở nước ngoài. Số lượng ma túy do Công an tỉnh Tuyên Quang thu giữ ở nhiều địa phương được xem như lớn nhất từ trước đến nay.

Đắk Lắk: Khởi tố 4 đối tượng sản xuất hơn 1.000 tấn phân bón giả

Sáng ngày 3/2/2025, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Đắk Lắk cho biết đã ra quyết định khởi tố bị can, lệnh tạm giam 4 đối tượng để điều tra về hành vi sản xuất hơn 1.000 tấn phân bón giả.

Các đối tượng gồm: Bùi Minh Chánh (43 tuổi) và vợ là Nguyễn Thị Cẩm My (41 tuổi) cùng trú tại TP.Hồ Chí Minh là Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần thương mại phân bón Nam Dương có địa chỉ tại Khu Công nghiệp Nhơn Hòa, tỉnh Bình Định và Công ty cổ phần tập đoàn phân bón Quốc tế Hoa Kỳ - VINA có địa chỉ tại Khu công nghiệp Vĩnh Lộc 2, tỉnh Long An, cùng 2 kế toán Công ty là Võ Thị Hồng Nhung (33 tuổi) và Nguyễn Dương Thịnh (36 tuổi) đều trú tại tỉnh Bình Định.

Đối tượng Nguyễn Thị Cẩm My (nữ) khai nhận hành vi sản xuất phân bón giả.

Theo kết quả điều tra ban đầu, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Đắk Lắk phát hiện trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk nói riêng, các tỉnh Tây Nguyên và vùng phụ cận nói chung xuất hiện tình trạng sản xuất phân bón giả nhằm thu lợi bất chính, gây ảnh hưởng xấu đến năng suất cây trồng của người nông dân nên đã báo cáo lãnh đạo Công an tỉnh Đắk Lắk xác lập chuyên án đấu tranh. Sau gần 1 năm tích cực vào cuộc xác minh, thu thập chứng cứ, bằng rất nhiều biện pháp nghiệp vụ sắc bén, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Đắk Lắk xác định loại phân bón giả mang nhãn hiệu NPK được sản xuất tại Công ty Cổ phần thương mại phân bón Nam Dương có địa chỉ tại Khu Công nghiệp Nhơn Hòa, tỉnh Bình Định và Công ty cổ phần tập đoàn phân bón Quốc tế Hoa Kỳ - VINA có địa chỉ tại Khu công nghiệp Vĩnh Lộc 2, tỉnh Long An, do vợ chồng Bùi Minh Chánh và Nguyễn Thị Cẩm My làm Tổng Giám đốc. Ngoài ra, vợ chồng Chánh, My còn đứng ra thành lập 7 công ty thành viên nhằm thuận tiện cho việc quảng cáo, buôn bán nhiều mặt hàng sản phẩm phân bón ra thị trường ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước.

Hai vợ chồng này khai nhận, trong quá trình hoạt động kinh doanh sản xuất phân bón, do giá nguyên liệu kali tăng cao, khan hiếm vì phải nhập khẩu từ nước ngoài, để giảm chi phí sản xuất phân, cạnh tranh giá bán trên thị trường và tăng thêm lợi nhuận nên vợ chồng My đã ban hành công thức sản xuất phân bón cụ thể đối với từng mã sản phẩm phân bón NPK. Trong đó, có những loại phân bón NPK có hàm lượng Kali thấp và những loại phân bón NPK không có hàm lượng kali. Từ đó chỉ đạo 2 nhân viên kế toán của Công ty là Nhung và Thịnh triển khai thực hiện.

Lực lượng chức năng khám xét, thu giữ hàng ngàn bao phân giả tại 2 Công ty.

Khám xét khẩn cấp trụ sở và kho sản xuất của 2 Công ty do vợ chồng My làm Tổng Giám đốc, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Đắk Lắk đã thu giữ 10.264 bao ghi nhãn hiệu bên ngoài là các loại phân bón NPK khác nhau với tổng trọng lượng hơn 513 tấn, hơn 4.000 tấn nguyên liệu sản xuất phân bón cùng nhiều giấy tờ, tài liệu, sổ sách có liên quan.

Quá trình mở rộng điều tra, các Tổ chuyên án đã tiến hành làm việc với 32 đại lý phân bón trên địa bàn các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai và Kon Tum, tạm giữ 848,3 tấn các sản phẩm phân bón mà Công ty Nam Dương và Công ty Hoa Kỳ - VINA đã sản xuất bán ra thị trường.

Kết quả giám định toàn bộ số lượng phân bón thu giữ được là phân bón giả.

Hiện Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Đắk Lắk đang điều tra mở rộng để xử lý các đối tượng về hành vi “Sản xuất, buôn bán hàng giả là phân bón”.

Kiên Giang: Phát hiện hơn 1 tấn tôm bơm tạp chất

Ngày 15-1, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, môi trường (Công an tỉnh Kiên Giang) cho biết, vừa phát hiện, bắt quả tang 2 tài xế điều khiển 2 ô tô tải đang vận chuyển 1.130 kg tôm có bơm tạp chất.

Trước đó, Tổ công tác dừng 2 ô tô có biểu hiện nghi vấn khi phương tiện đang di chuyển qua địa phận phường Vĩnh Thanh TP Rạch Giá. Tiến hành kiểm tra, Tổ công tác phát hiện xe tải BKS 68H-016.XX do tài xế Đ.H.Q. (sinh năm 1977) vận chuyển 480 kg tôm bơm tạp chất và xe tải BKS 65C-178.XX do tài xế Đ.V.T. (sinh năm 1989) vận chuyển 650 kg tôm bơm tạp chất.

Lực lượng chức năng thu giữ tang vật

Qua làm việc, các tài xế cho biết được một người không rõ lai lịch thuê vận chuyển từ huyện An Minh đến TP Hà Tiên, hoàn toàn không biết tôm bị bơm tạp chất. Khi đang di chuyển thì bị công an bắt giữ.

Hiện lực lượng Công an đã đã bàn giao vụ việc cho Cục Quản lý thị trường tỉnh Kiên Giang xử lý theo quy định.