Đăng nhập

Quảng Bình: Thu giữ 21 động cơ Diesel nhập lậu, trị giá gần 200 triệu đồng

Sáng ngày 15/10/2024, Cục QLTT tỉnh Quảng Bình cho biết, Đội QLTT số 1 đã phát hiện và bắt giữ một chiếc xe tải vận chuyển trái phép 21 động cơ Diesel đã qua sử dụng, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Toàn bộ số hàng hóa trên có tổng trị giá ước tính hơn 190 triệu đồng.

Cụ thể, vào sáng ngày 10/10/2024, Đội QLTT số 1 thuộc Cục QLTT tỉnh Quảng Bình phối hợp với Phòng Cảnh sát giao thông - Công an tỉnh Quảng Bình đã tiến hành kiểm tra xe ô tô tải mang biển kiểm soát số 34H-005.86 do ông Vũ Mạnh Tuyên điều khiển.

Chiếc xe này đang di chuyển trên tuyến đường Bắc-Nam khi bị lực lượng chức năng dừng lại để kiểm tra. Qua quá trình kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện trên xe đang vận chuyển 21 động cơ Diesel đã qua sử dụng của các hãng nổi tiếng như YANMAR, ISUZU, Kubota,… Tuy nhiên, người điều khiển xe không xuất trình được bất kỳ hóa đơn, chứng từ nào chứng minh nguồn gốc hợp pháp của số hàng hóa này.

Đội QLTT số 1 tiến hành kiểm tra hàng hóa được vận chuyển trên xe

Đội Quản lý thị trường số 1 đã quyết định tạm giữ toàn bộ số động cơ Diesel trên để phục vụ công tác điều tra, làm rõ. Ước tính tổng giá trị của số hàng hóa vi phạm lên đến hơn 190 triệu đồng.

Ngày 14/10/2024, Đội Quản lý thị trường số 1 đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với ông Vũ Mạnh Tuyên về hành vi vận chuyển hàng hóa nhập lậu. Đồng thời, toàn bộ hồ sơ vụ việc đã được chuyển lên Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Bình để xem xét và đưa ra quyết định xử phạt theo quy định của pháp luật.

Hà Nam: Kiểm tra, xử lý cơ sở kinh doanh thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ

Đội QLTT số 2, Cục QLTT tỉnh Hà Nam vừa phối hợp với Đội 4, Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Hà Nam tiến hành kiểm tra cơ sở kinh doanh thực phẩm trên địa bàn phường Đồng Văn, thị xã Duy Tiên.

Theo đó, ngày 27/8/2024, Đội QLTT số 2 phối hợp với Đội 4 - Phòng cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Hà Nam tiến hành kiểm tra Hộ kinh doanh do ông D.V.H làm chủ, địa chỉ: Tổ dân phố Nguyễn Hữu Tiến, phường Đồng Văn, thị xã Duy Tiên, tỉnh Hà Nam. Ông D.V.H - chủ hộ kinh doanh có mặt và trực tiếp làm việc với Đoàn kiểm tra.

Tại thời điểm kiểm tra, Đoàn kiểm tra phát hiện hộ kinh doanh đang bày bán mặt hàng thực phẩm gồm: Bánh nướng, bánh dẻo, bánh quy, bánh Pò, bánh mỳ, kẹo ngô là hàng hóa không có căn cứ xác định được nguồn gốc nơi sản xuất hoặc xuất xứ hàng hóa, cụ thể: không có thông tin nguồn gốc xuất xứ trên nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa, tài liệu kèm theo hàng hóa, không có hoá đơn mua bán, tờ khai hải quan, chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa, hợp đồng, giấy tờ, tài liệu kèm theo số hàng hóa là thực phẩm nêu trên. Số hàng thực phẩm trên xuất hiện đốm xanh, đốm vàng đã bị đổi mầu và bốc mùi ôi thiu. Tổng trị giá hàng hóa vi phạm tính theo giá niêm yết tại hộ kinh doanh là: 9.530.000 đồng.

Đội Quản lý thị trường số 2 - Cục Quản lý thị trường tỉnh Hà Nam đã tiến hành lập biên bản, xử phạt vi phạm hành chính đối với hộ kinh doanh vi phạm về hành vi: Kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, tổng số tiền xử phạt: 8.000.000 đồng, đồng thời buộc chủ cơ sở tiêu hủy toàn bộ hàng hóa vi phạm bằng hình thức phù hợp theo quy định của pháp luật.

Quảng Trị; Phát hiện, tạm giữ gần 29 tấn đường cát không có hóa đơn chứng từ hợp lệ

Ngày 6/8, đại diện Tổng cục Quản lý thị trường cho biết cơ quan chức năng vừa phát hiện và tạm giữ gần 30 tấn đường cát Thái Lan có dấu hiệu vi phạm.

Lực lượng chức năng tỉnh Quảng Trị kiểm tra đường cát có dấu hiệu vi phạm. 

Theo đó, nhận được tin báo từ cơ sở và qua thẩm tra xác minh thông tin, ngày 30/7, Đội Quản lý thị trường số 1 (Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Trị) phối hợp với lực lượng Công an đã tiến hành khám phương tiện ôtô tải mang biển kiểm soát 49C-xxx.90 do lái xe N.Đ.H điều khiển.

Đại diện cơ quan chức năng thông tin, thời điểm khám xe, lái xe không xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh tính hợp pháp của lô hàng nêu trên.

Đội Quản lý thị trường số 1 đã tiến hành tạm giữ toàn bộ tang vật vi phạm để xác minh, xử lý theo quy định của pháp luật./.

Thừa Thiên Huế: Bắt giữ xe tải chở xăng dầu trái phép

Ngày 23/7/2024, tại khu vực Quốc lộ 49B thuộc thôn 5, xã Vinh Thanh, huyện Phú Vang, Đội đặc nhiệm, Phòng Phòng chống ma túy và tội phạm BĐBP Thừa Thiên Huế phối hợp với Đồn Biên phòng Vinh Xuân và Đội quản lý thị trường số 3 đã bắt giữ một xe tải vận chuyển xăng dầu trái phép.

Vụ việc diễn ra vào lúc 8 giờ 15 phút sáng ngày 23/7. Tổ công tác phát hiện xe ô tô tải mang biển kiểm soát 75C-01623 có nhiều biểu hiện nghi vấn nên tiến hành kiểm tra. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện trên xe chở 36 can nhựa chứa chất lỏng có khối lượng khoảng 880 lít, được xác định là dầu Do và xăng E5.

Phương tiện và hàng hóa bị lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ. 

Tại thời điểm kiểm tra, tài xế xe tải là ông Phạm Văn Duệ (sinh năm 1981, trú tại thôn Hà Úc 2, xã Vinh An, huyện Phú Vang) không thể xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hàng hóa. Ông Duệ cũng khai nhận hành vi vận chuyển xăng dầu mà không sử dụng xe chuyên dụng, vi phạm quy định về an toàn phòng chống cháy nổ và pháp luật liên quan.

Hành vi vi phạm của ông Duệ tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao, có thể gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Việc vận chuyển xăng dầu trái phép còn ảnh hưởng đến trật tự an ninh, kinh tế, gây thất thu thuế cho nhà nước.

Hiện, tổ công tác đã tiến hành lập biên bản, hoàn chỉnh hồ sơ ban đầu, tạm giữ tang vật và yêu cầu ông Duệ đưa phương tiện đến Đồn Biên phòng Vinh Xuân để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

Quảng Trị: Bắt giữ 3 đối tượng trong đường dây ‘pháo lậu’

Ngày 11/7, Công an huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị cho biết đơn vị vừa phá thành công chuyên án mua bán, vận chuyển, tiêu thụ trái phép pháo nổ, thu giữ gần 200 kg pháo nổ.

Trước đó, vào ngày 8/7, Công an huyện Cam Lộ (tỉnh Quảng Trị) phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ đấu tranh thành công chuyên án, bắt quả tang Nguyễn Hữu  Toàn (SN 1988, trú tại thôn Ba Thung, xã Cam Tuyền, huyện Cam Lộ) khi đối tượng đang thực hiện hành vi buôn bán hàng cấm tại thôn Ba Thung, xã Cam Tuyền, huyện Cam Lộ. Tang vật thu giữ tại hiện trường là 38 hộp pháo nổ.

Đối tượng Nguyễn Đức Thuận cùng tang vật.

Mở rộng điều tra, lực lượng công an đã khám xét khẩn cấp chỗ ở, giữ người trong trường hợp khẩn cấp đối với Nguyễn Đức Thuận (SN 1990, trú tại thôn Phú Hậu, xã Thanh An, huyện Cam Lộ), phát hiện và thu giữ 31 hộp pháo nổ. Khám xét khẩn cấp chỗ ở, giữ người trong trường hợp khẩn cấp đối với Nguyễn Khắc Đại (SN 1994, trú tại khóm Tân Kim, thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa), phát hiện và thu giữ 39 hộp pháo nổ. Tổng số tang vật thu giữ được trong chuyên án là 108 hộp pháo nổ với khối lượng gần 200kg.

Đối tượng Nguyễn Khắc Đại cùng tang vật.

Được biết, Nguyễn Khắc Đại là đầu mối cung cấp pháo nổ trái phép cho Nguyễn Hữu  Toàn sau đó  Toàn cung cấp lại cho Nguyễn Đức Thuận để tiêu thụ.

Hiện, 3 đối tượng trong đường dây này đã bị bắt giữ.

Lạng Sơn: Tiêu hủy 1.380 kg măng không rõ nguồn gốc, xuất xứ

Đội QLTT số 4, Cục QLTT tỉnh Lạng Sơn phối hợp với phòng Thanh tra – Pháp chế đã tiến hành đôn đốc, giám sát tiêu hủy 1.380 kg măng khô và tươi không rõ nguồn gốc xuất xứ, trị giá trên 46.000.000 đồng.

Chiều, ngày 27/5/2024, tại khu xử lý rác thải của Công ty TNHH MTV Tâm Đức LS- Địa chỉ: đường Hoàng Đình Kinh, khu Tân Mỹ II, thị trấn Hữu Lũng, huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn,  Đội Quản lý thị trường số 4 phối hợp với Văn Phòng HĐND-UBND huyện Hữu Lũng- tỉnh Lạng Sơn, Công an huyện Hữu Lũng- tỉnh Lạng Sơn, phòng Thanh tra – Pháp chế  Cục Quản lý thị trường tỉnh Lạng Sơn tiến hành giám sát, chứng kiến Phan Thị Lợi thuê nhân công nhúng nước toàn bộ tang vật vi phạm hành chính nêu trên rồi ép cùng rác hữu cơ nhằm làm mất công dụng, giá trị sử dụng để Công ty TNHH MTV Tâm Đức LS mang đi xử lý rác theo quy định pháp luật.

Tiêu hủy hàng hóa vi phạm

Để ngăn chặn kịp thời không để thực phẩm không đảm bảo về vệ sinh an toàn thực phẩm bầy bán, lưu thông trên thị trường nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và sức khỏe của con người. Tổ QLĐB huyện Hữu Lũng, thuộc Đội QLTT số 4 tiếp tục tăng cường công tác nắm tình hình địa bàn, kiên quyết ngăn chặn không để thực phẩm không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm tiêu thụ trên thị trường, bảo vệ quyền lợi chính đáng của các tổ chức, cá nhân kinh doanh thương mại và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên địa bàn.

Điện Biên: Bắt giữ đối tượng mua bán trái phép 12.000 viên ma túy tổng hợp

Công an huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên đã bắt giữ đối tượng Hờ A Của, người dân tộc HMông, về hành vi mua bán trái phép 12.000 viên ma túy tổng hợp.

Sáng 16/5, Công an tỉnh Điện Biên thông báo rằng Công an huyện Mường Nhé đã bắt giữ Hờ A Của (sinh năm 1994), trú tại xã Na Cô Sa, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên, về hành vi mua bán trái phép ma túy.

Hờ A Của cùng tang vật khi bị bắt giữ.

Vào lúc 7 giờ 15 phút sáng ngày 15/5, tại bản Dền Thàng, xã Quảng Lâm, huyện Mường Nhé, lực lượng Công an huyện Mường Nhé đã bắt quả tang Hờ A Của đang sử dụng xe máy để mua bán trái phép ma túy.

Tại hiện trường, công an thu giữ 12.000 viên ma túy tổng hợp, một xe máy, một điện thoại di động, cùng nhiều vật dụng liên quan khác.

Hiện nay, Công an tỉnh Điện Biên đang tiếp tục điều tra, khai thác và mở rộng vụ án; đồng thời, củng cố hồ sơ để xử lý đối tượng Hờ A Của theo quy định của pháp luật.

Quảng Ninh: Tiêu hủy gần 1 tấn Cua Cà Ra không rõ nguồn gốc xuất xứ

Lực lượng Quản lý thị trường tỉnh Quảng Ninh phối hợp với các cơ quan chức năng buộc tiêu hủy gần 1 tấn cua Cà Ra không có nguồn gốc xuất xứ.

Rạng sáng ngày 29/4/2024, tại thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh, Đội Quản lý thị trường số 7 cùng với Đội Cảnh sát giao thông số 1 đã tiến hành kiểm tra phương tiện vận tải biển kiểm soát 14H-02030 do Đặng Đức Minh là lái xe và chủ hàng. Trong quá trình kiểm tra, phát hiện trên xe có 950 kg cua Cà Ra được đóng gói trong các rọ nhựa.

Lái xe Đặng Đức Minh thừa nhận là chủ sở hữu của số hàng này và cho biết đã mua chúng trên thị trường nhưng không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Do đó, Đội Quản lý thị trường số 7 đã buộc chủ sở hữu phải tiêu hủy toàn bộ số hàng này và báo cáo Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Ninh để xử lý theo quy định của pháp luật.

Lực lượng Quản lý thị trường tỉnh Quảng Ninh cam kết tiếp tục tăng cường kiểm tra và kiểm soát hàng hóa trên địa bàn, đặc biệt là các mặt hàng thực phẩm, để đảm bảo an toàn thực phẩm và thực hiện hiệu quả các chỉ đạo của Tổng cục Quản lý thị trường, UBND tỉnh và Bộ Công Thương.

Bắc Giang: Khởi tố chủ 1 cơ sở sản xuất, buôn bán hàng giả

Ngày 21/2, theo nguồn tin Công an tỉnh Bắc Giang, Cơ quan CSĐT Công an huyện Yên Dũng đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với Dương Văn Thao, trú tại xã Nội Hoàng, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang về tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm”.

Trước đó, Đội Cảnh sát kinh tế - Công an huyện Yên Dũng phối hợp với Công an xã Nội Hoàng và Trạm Y tế xã Nội Hoàng tiến hành kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm đối với cơ sở của Dương Văn Thao ở xã Nội Hoàng, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang.

Quá trình kiểm tra, Đoàn kiểm tra phát hiện cơ sở này đang có hoạt động đóng gói các loại thực phẩm như mứt tết, mít sấy, ngô tẩm gia vị, kẹo dẻo, khô gà,… có dấu hiệu sản xuất thực phẩm giả.

Tại Cơ quan điều tra, Dương Văn Thao đã thừa nhận hành vi sản xuất hàng hoá là thực phẩm giả của mình.

Hình ảnh tại cơ sở sản xuất của Dương Văn Thao. Ảnh: Công an tỉnh Bắc Giang.

Thao đặt mua qua mạng xã hội Facebook các loại máy móc, cân điện tử, mua bao bì và nguyên liệu tương ứng ở khu vực xã La Phù, huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội. Về tem nhãn, Thao mua các loại tem nhãn có sẵn, một số loại thì tự thiết kế và đặt in. Thao trực tiếp chỉ đạo công nhân đóng gói nguyên liệu, dập miệng túi bằng máy, dán hoặc in tem nhãn, thông tin ngày sản xuất và hạn sử dụng lên bao bì sản phẩm.

Sau khi sản xuất thành các sản phẩm hoàn chỉnh, Dương Văn Thao bán lẻ cho người dân có nhu cầu hoặc giao buôn cho các cơ sở buôn bán hàng tạp hoá nhỏ lẻ để kiếm lời.

Cơ quan CSĐT Công an huyện Yên Dũng đã áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú và tạm hoãn xuất cảnh đối với bị can Dương Văn Thao để phục vụ điều tra, mở rộng vụ án.

Trần Phương Anh: thực phẩm ăn vào mồm cũng làm giả, thất đức quá
Nguyễn Hải Nam: ngồi tù cũng xứng đáng thôi
Nguyễn Đăng Dũng: bắc giang nơi lạnh nhất cả nước

Quảng Bình: Giám sát tiêu hủy gần 3.400 sản phẩm thực phẩm không bảo đảm an toàn sử dụng

Chiều ngày 24/01/2024, tại Bãi rác thuộc địa phận xã Quảng Tiến, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình, Đội QLTT số 3, Cục QLTT tỉnh Quảng Bình đã tổ chức giám sát tiêu hủy 3.382 sản phẩm thực phẩm các loại do nước ngoài sản xuất nhập lậu không bảo đảm an toàn sử dụng với giá trị tang vật buộc tiêu hủy 28.865.000 đồng.

Thực hiện Quyết định xử phạt vi phạm hành chính của Đội trưởng Đội QLTT số 3, chiều ngày 24/01/2024 ông Hồ Kim Phụng thực hiện tiêu hủy tang vật vi phạm hành chính gồm 3.382 đơn vị sản phẩm thực phẩm các loại do nước ngoài sản xuất gồm: 550 gói thịt chay, trứng cút; 1.800 gói cánh gà đã qua chế biến, đóng gói; 720 cái kẹo mút dẻo vị trái cây hình chong chóng; 240 gói kẹo sữa vị khoai môn; 72 kg kẹo dẻo ô mai vị quýt.

Toàn bộ số thực phẩm nói trên là hàng hóa nhập lậu, không đáp ứng các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm, không bảo đảm an toàn sử dụng.

Quá trình tiêu hủy được tiến hành dưới sự giám sát chặt chẽ của đại diện Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Quảng Trạch, đại diện Công an xã Quảng Tiến, huyện Quảng Trạch, các phòng Chuyên môn - nghiệp vụ thuộc Cục QLTT tỉnh Quảng Bình, đại diện Đội QLTT số 3 và được thực hiện đảm bảo đúng quy định, không gây ảnh hưởng đến môi trường.

Trước đó, ngày 06/01/2024, Đội QLTT số 3 đã tiến hành khám phương tiện vận tải là xe ô tô tải mang biển kiểm soát 75C-082.75 do ông Hồ Kim Phụng có địa chỉ tại tổ dân phố An Đô, phường Hương Chữ, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế điều khiển phát hiện ông Hồ Kim Phụng đã thực hiện hành vi vi phạm hành chính cố ý vận chuyển hàng hóa nhập lậu (hàng hóa nhập lậu là thực phẩm). Ngày 16/01/2024, Đội trưởng Đội QLTT số 3 đã ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Hồ Kim Phụng về hành vi vi phạm hành chính nói trên với số tiền phạt là 16 triệu đồng, đồng thời áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc tiêu hủy toàn bộ 3.382 đơn vị sản phẩm thực phẩm các loại do nước ngoài sản xuất không bảo đảm an toàn sử dụng.