Đà Nẵng: Xử phạt 2 cơ sở kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu
Ngày 10/6, thông tin từ UBND TP Đà Nẵng xác nhận, đơn vị này vừa ban hành các quyết định xử phạt hành chính đối với các cơ sở kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, theo đề nghị của Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) Đà Nẵng.
Trước đó, ngày 19/5, lực lượng chức năng kiểm tra hoạt động kinh doanh với Công ty Luxury Goods Danang. Thời điểm này, cơ sở đang bày bán 70 ví cầm tay các loại gắn hiệu Chanel; 10 ví cầm tay các loại gắn hiệu Hermès có dấu hiệu là hàng hóa giả mạo các nhãn hiệu Chanel, Hermès đang được bảo hộ tại Việt Nam. Tổng giá trị hàng hóa được xác định tại thời điểm kiểm tra là 41,5 triệu đồng.
Lực lượng quản lý thị trường Đà Nẵng kiểm tra hàng hóa giả mạo.
Ngoài ra, UBND TP. Đà Nẵng cũng đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính với hộ kinh doanh 99% Đà Nẵng trụ sở ở đường Trần Phú (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) số tiền 45 triệu đồng và buộc tiêu hủy hàng hóa giả mạo nhãn hiệu.
Lực lượng chức năng đang kiểm tra các cơ sở kinh doanh.
Trước đó, lực lượng chức năng kiểm tra hoạt động kinh doanh tại cửa hàng thuộc hộ kinh doanh 99% Đà Nẵng, phát hiện có 9 đồng hồ đeo tay gắn hiệu Rolex, 15 túi xách gắn hiệu Chanel, 9 đôi dép gắn hiệu Hermès là hàng hóa giả mạo các nhãn hiệu Chanel, Hermès, Rolex đang được bảo hộ tại Việt Nam. Tổng giá trị hàng hóa được xác định tại thời điểm kiểm tra là hơn 46,4 triệu đồng.
Kết quả xác minh, làm việc, lực lượng quản lý thị trường kết luận hộ kinh doanh 99% Đà Nẵng đã thực hiện hành vi vi phạm hành chính trưng bày để bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu với số lượng và tổng giá trị hàng hóa vi phạm nêu trên.
Vĩnh Phúc: Ngăn chặn gần 800kg thịt lợn bẩn tuồn ra thị trường
Lực lượng chức năng tỉnh Vĩnh Phúc vừa kịp thời phát hiện và tiêu hủy gần 800kg thịt lợn không rõ nguồn gốc, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm tại một nhà hàng trên địa bàn thành phố Vĩnh Yên, ngăn chặn nguy cơ gây hại cho người tiêu dùng.
Ngày 13/5, Công an tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành kiểm tra nhà hàng Thanh Mai, phát hiện 22 con lợn với tổng trọng lượng hơn 1 tấn đã mổ và bỏ nội tạng, có dấu hiệu bất thường về da. Số thịt này không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo vệ sinh thú y và đang được sơ chế để chuẩn bị quay nướng ngay trên vỉa hè.
Qua xác minh, số lợn trên thuộc về Bùi Văn Thảo, một người kinh doanh thịt lợn. Thảo khai nhận đã mua số lợn này từ một người đàn ông tên Bình và thuê giết mổ tại phường Đồng Tâm, sau đó vận chuyển đến nhà hàng Thanh Mai để thuê quay nướng. Tại thời điểm kiểm tra, Thảo không xuất trình được bất kỳ giấy tờ nào liên quan đến nguồn gốc và tình trạng dịch tễ của đàn lợn.
Lực lượng chức năng đã lập biên bản, tịch thu và tiến hành tiêu hủy toàn bộ số thịt lợn không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, tổng khối lượng gần 800kg (sau khi loại bỏ nội tạng). Hồ sơ vụ việc đã được bàn giao cho Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Vĩnh Phúc để tiếp tục điều tra, làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.
Hà Nội tăng cường kiểm tra đột xuất để chấn chỉnh vệ sinh an toàn thực phẩm
Nhân Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2025, ngày 18/4, đoàn kiểm tra liên ngành công tác an toàn thực phẩm số 3 của thành phố Hà Nội đã làm việc với huyện Thanh Trì và đi kiểm tra một số cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn.
Đoàn đã kiểm tra đột xuất Công ty TNHH chế biến thực phẩm Đông Đô (thôn 2, xã Đông Mỹ, huyện Thanh Trì. Đơn vị này chuyên sản xuất, kinh doanh các sản phẩm thực phẩm đa dạng như: xúc xích, pizza, phô mai….
Đoàn công tác số 3 về an toàn thực phẩm của thành phố Hà Nội kiểm tra xưởng sản xuất của Công ty TNHH chế biến thực phẩm Đông Đô.
Tại thời điểm kiểm tra, công ty có Giấy chứng nhận ISO 22000:2018, nhân viên được khám sức khoẻ, tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm và trang bị đầy đủ bảo hộ lao động, đã thực hiện quy định về tự công bố và xuất trình các hồ sơ theo yêu cầu của Đoàn. Khu vực sản xuất được bố trí riêng biệt theo nguyên tắc một chiều từ nguyên liệu đến thành phẩm.
Đoàn kiểm tra liên ngành công tác an toàn thực phẩm số 3 làm việc với huyện Thanh Trì.
Tuy nhiên, cơ sở sản xuất này vẫn còn một số tồn tại như: tường, trần, nền khu bao bì còn vị trí bị ẩm, rạn nứt; kho bảo quản để lẫn cả nguyên liệu và thành phẩm… Đoàn kiểm tra đã tiến hành lấy các mẫu để xét nghiệm một số chỉ tiêu về chất lượng, độ an toàn của sản phẩm.
Bộ tư lệnh Vùng cảnh sát biển 4 bắt giữ sà lan vận chuyển trái phép hơn 100 tấn phân đạm URE
Ngày 22-2, Bộ tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 cho biết, đơn vị vừa phát hiện, bắt giữ 1 phương tiện thủy nội địa (sà lan) đang vận chuyển trái phép khoảng hơn 100 tấn phân đạm URE trên vùng biển Tây Nam.
Theo đó, lúc 15 giờ 35 ngày 21-2 tại khu vực cách Đông Nam đảo Nam Du, tỉnh Kiên Giang khoảng 20 hải lý, lực lượng chức năng Bộ tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 phát hiện sà lan KG-58069 có dấu hiệu nghi vấn và tiến hành kiểm tra.
Lực lượng chức năng Bộ tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 kiểm tra hàng hóa vi phạm trên sà lan KG-58069.
Tại thời điểm kiểm tra, trên sà lan KG-58069 có 9 thuyền viên (đều không có giấy tờ tùy thân) do ông Lê Văn Hải, sinh năm 1980, có hộ khẩu thường trú tại Mỹ Hòa Hưng, Long Xuyên, An Giang làm thuyền trưởng. Ông Lê Văn Hải khai nhận: Sà lan KG-58069 đang vận chuyển khoảng hơn 100 tấn phân đạm URE (dạng rời) nhưng không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của hàng hóa.
Lực lượng chức năng Bộ tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 niêm phong hàng hóa vi phạm trên sà lan KG-58069.
Lực lượng chức năng Bộ tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 đã tiến hành lập biên bản tạm giữ phương tiện, niêm phong hàng hóa vi phạm và dẫn giải phương tiện, tang vật về cảng Hải đội 422/Hải đoàn 42 tại thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.
Lai Châu: Bắt nhóm đối tượng vận chuyển sâm lậu qua biên giới
Ngày 8-1, Bộ đội Biên phòng tỉnh Lai Châu thông tin, các đơn vị nghiệp vụ vừa bắt quả tang 5 đối tượng vận chuyển 360kg sâm lậu từ Trung Quốc qua biên giới vào Việt Nam.
Theo đó, vào lúc 19 giờ 30 phút, ngày 5-1, Tổ công tác Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Ma Lù Thàng, Bộ đội Biên phòng tỉnh Lai Châu phối hợp với Phòng Phòng, chống ma túy và tội phạm Bộ đội Biên phòng tỉnh cùng các đơn vị làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát tại khu vực cột mốc 67(2) + 3.500m thuộc địa phận bản Hùng Pèng, xã Ma Li Pho, huyện Phong Thổ (Lai Châu) phát hiện 5 đối tượng điều khiển 5 xe gắn máy đi từ khu vực suối biên giới hướng lên đường tuần tra. Trên xe chở các bao tải, nghi vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.
Thời điểm kiểm tra, tổ công tác phát hiện 11 bao tải màu xanh, có chứa cây, củ, quả thực vật nghi là sâm, tổng trọng lượng 360kg. Các đối tượng vận chuyển không có giấy tờ xuất xứ hàng hóa theo quy định. Xét thấy hành vi của các đối tượng có dấu hiệu vi phạm pháp luật vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, Tổ công tác đã thu giữ toàn bộ số hàng hóa và yêu cầu các đối tượng về Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Ma Lù Thàng để xác minh, xử lý theo đúng quy định.
Sâm được các đối tượng mua tại Trung Quốc, vận chuyển về Việt Nam, nghi làm giả sâm Lai Châu, sâm Ngọc Linh.
Các đối tượng khai nhận là Lù A Sài, Lý Kin Phà, Tẩn Minh Hùng, Tẩn Chỉn Lìn, Lù Phủ Chỉn đều trú tại xã Ma Li Pho, huyện Phong Thổ. Những người này được người có tên là Tẩn Vần Tiến, trú tại bản Thèn Xin, xã Ma Li Pho thuê đến chân hàng rào biên giới phía Trung Quốc đối diện khu vực Mốc 67(2) + 3.500m để nhận 11 bao tải sâm của một số người Trung Quốc (không rõ tên tuổi, địa chỉ), vận chuyển qua suối khu vực biên giới từ Trung Quốc về phía Việt Nam với số tiền công được trả 500.000 đồng/người/chuyến. Hiện cơ quan chức năng đang điều tra, làm rõ.