Đăng nhập

Phú Yên: Tạm giữ hơn 4.000 chai bia Heniken, BeerLao nhập lậu

Ngày 15/10/2024, Cục QLTT Phú Yên cho biêt, Đội QLTT số 1 đã phối hợp cùng với Công an tỉnh kiểm tra phát hiện bia chai các loại do nước ngoài sản xuất không có hóa đơn, chứng từ hợp pháp kèm theo.

Cụ thể, vào lúc 20h ngày 10/10/2024, Đội QLTT số 1- Cục QLTT Phú Yên phối hợp với Phòng Cảnh sát giao thông và Phòng Cảnh sát kinh tế - Công an tỉnh Phú Yên tiến hành dừng và khám các phương tiện xe ô tô tải biển kiểm soát số 74C- 074XX do ông Đ V R, địa chỉ: Khu phố Bắc Bàn, Thị trấn Cửa Tùng, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị là người điều khiển phương tiện, quản lý hàng hóa đang lưu hành theo hướng Bắc – Nam.

Lô hàng hóa vi phạm bị tạm giữ

Kết quả kiểm tra phát hiện trên xe vận chuyển, gồm: 1.400 chai bia hiệu Heineken, loại 250ml; 1.680 chai bia hiệu Beerlao – DARK LAGER, loại 330ml; 720 chai bia hiệu Beerlao -WHITE BEER; 480 chai bia hiệu Leffe, loại 330ml do nước ngoài sản xuất, không có hóa đơn, chứng từ hợp pháp kèm theo. Tổng trị giá hàng hóa ước tính trên 900.000.000 đồng.

Đội Quản lý thị trường số 1 tiến hành tạm giữ để xác minh, xử lý theo quy định pháp luật.

Thái Bình: Khởi tố đối tượng sản xuất bia giả nhãn hiệu Hà Nội - HABECO

Ngày 30/9, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế, tham nhũng, chức vụ và môi trường Công an tỉnh Thái Bình cho biết đã khởi tố vụ án hình sự và bắt giữ Nguyễn Văn Công (SN 1993, trú tại xã Thái Thọ, huyện Thái Thụy) về hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả.

Trước đó, qua công tác nắm tình hình, cơ quan chức năng phát hiện Công có dấu hiệu sản xuất, buôn bán bia giả trên mạng xã hội. Qua quá trình điều tra, vào ngày 4/9, lực lượng chức năng đã tiến hành kiểm tra xưởng sản xuất của Công và phát hiện nhiều vỏ keg bia Hà Nội - HABECO, các keg bia đã đóng sẵn và các dụng cụ sản xuất bia giả.

Đối tượng Công tại cơ quan Công an.

Tại cơ quan điều tra, Công khai nhận đã lợi dụng mối quan hệ cũ với Công ty bia Hà Nội - HABECO, thu mua nhiều vỏ keg bia, đặt làm giả nắp chụp nhãn hiệu HABECO. Sau đó, Công mua bia hơi của các công ty khác để đóng vào các vỏ keg này rồi bán cho các đại lý bia trên địa bàn các huyện Thái Thụy, Kiến Xương, Tiền Hải.

Tang vật vụ án.

Với thủ đoạn tinh vi trên, từ tháng 4/2024 đến nay, Công đã sản xuất và tiêu thụ khoảng 940 keg bia giả, thu lợi bất chính gần 400 triệu đồng.

Hiện, cơ quan chức năng đang tiếp tục điều tra mở rộng vụ án và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Nghệ An: Tiêu hủy 3.600 chiếc bánh bông lan sầu riêng không rõ nguồn gốc xuất xứ

Ngày 16/9/2024, thông tin từ Tổng Cục Quản lý thị trường (QLTT) cho biết, lực lượng QLTT tỉnh Nghệ An đã ban hành quyết định xử phạt hành chính và buộc tiêu hủy 3.600 chiếc bánh bông lan sầu riêng không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Trước đó, ngày 07/9/2024, Đội QLTT số 1, Cục QLTT tỉnh Nghệ An phối hợp với Trạm Cảnh sát giao thông Diễn Châu- Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Nghệ An tiến hành kiểm tra ô tô khách mang biển kiểm soát 89B-007.61 do ông Nguyễn Đức Thủy điều khiển.

Qua kiểm tra, đoàn kiểm tra phát hiện phương tiện đang vận chuyển 3.600 chiếc Bánh bông lan sầu riêng.Trên bao bì sản phẩm không thể hiện bất cứ thông tin gì để xác định nguồn gốc, xuất xứ của hàng hóa; không có Bản tự công bố sản phẩm kèm theo, không có thông tin cảnh báo, hướng dẫn sử dụng, cách thức bảo quản bằng tiếng Việt Nam do đó không đảm bảo an toàn sử dụng cho người tiêu dùng. Chủ phương tiện không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa.

Hình ảnh kiểm tra hàng hóa vi phạm

Ngày 16/9/2024, Đội QLTT số 1 đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Nguyễn Đức Thủy có địa chỉ tại thôn Lệ Xá, xã Vũ Xá, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên về hành vi kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ đồng thời buộc tiêu hủy toàn bộ hàng hóa vi phạm. Tổng trị giá thu phạt là 45.800.000 đồng.

Quảng Trị: Bắt giữ 3 đối tượng vận chuyển, tàng trữ 5.000 viên ma túy

Ngày 19/8, lãnh đạo Phòng CSGT Công an tỉnh Quảng Trị thông tin, vừa đấu tranh thành công chuyên án về mua bán, tàng trữ, vận chuyển và tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý từ Lào về Việt Nam, bắt giữ các đối tượng cùng 5.000 viên ma túy.

Theo thông tin ban đầu, qua công tác tuần tra kiểm soát và điều tra cơ bản tuyến Quốc lộ 9 và trên không gian mạng, Phòng CSGT phát hiện, xác định một số đối tượng có biểu hiện nghi vấn hoạt động trong đường dây phạm tội về ma tuý nên báo cáo Ban Giám đốc Công an tỉnh Quảng Trị để xác lập Chuyên án đấu tranh.

 Các đối tượng cùng tang vật bị bắt giữ.

Đến khoảng 12h35’ ngày 16/8, trên Quốc lộ 9 thuộc xã Tân Long, huyện Hướng Hoá, Phòng CSGT chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng triển khai phương án phá án, bắt quả tang đối tượng Trần Thanh Biền (29 tuổi, trú tại xã Dlie Mnông, huyện Cư Mgar, tỉnh Đắk Lắk) đang tàng trữ, vận chuyển 5.000 viên nén màu hồng nghi là ma tuý tổng hợp.

Mở rộng điều tra, lực lượng chức năng đã tiến hành bắt giữ khẩn cấp thêm Lê Công Trường (28 tuổi, ở xã Tân Thành, huyện Hướng Hoá về hành vi mua bán trái phép chất ma tuý và Lê Văn Tuyên (21 tuổi, xã Tân Thành, huyện Hướng Hoá về hành vi vận chuyển trái phép chất ma tuý.

Hiện, vụ việc đã được Phòng CSGT bàn giao cho Phòng CSĐT tội phạm về ma tuý Công an tỉnh Quảng Trị tiếp tục điều tra, xử lý các đối tượng theo quy định pháp luật.

Bắt giữ đường dây mua bán ma túy xuyên quốc gia từ Lào về Đà Nẵng

Công an quận Hải Châu, Đà Nẵng vừa triệt phá thành công một đường dây mua bán trái phép chất ma túy lớn, bắt giữ 2 đối tượng cùng tang vật gồm 2kg ketamine và hơn 2.200 viên ma túy tổng hợp. Đường dây này hoạt động tinh vi, vận chuyển ma túy từ Lào về Việt Nam qua đường tiểu ngạch.

Ngày 6/8, Công an quận Hải Châu cho biết đã bắt giữ thành công Phạm Tiến Đạt (30 tuổi) và Trần Kim Hoàn (52 tuổi) về hành vi mua bán trái phép chất ma túy. Đây là hai đối tượng chủ chốt trong một đường dây mua bán ma túy xuyên quốc gia từ Lào về Việt Nam.

Phạm Tiến Đạt bị bắt giữ.

Trước đó, vào tháng 3/2024, cơ quan công an phát hiện một nhóm người ngoại tỉnh thường xuyên có mặt tại Đà Nẵng và có dấu hiệu liên quan đến hoạt động mua bán ma túy. Qua quá trình điều tra, cơ quan chức năng xác định nhóm đối tượng này nhận ma túy trực tiếp từ Lào, sau đó vận chuyển về Việt Nam qua đường tiểu ngạch và giao cho các đầu mối tại Đà Nẵng tiêu thụ.

Cơ quan công an thu giữ tang vật.

Ngày 6/6, tại một khách sạn trên địa bàn phường Bình Hiên, quận Hải Châu, lực lượng công an đã bắt quả tang Trần Kim Hoàn đang tàng trữ 1kg ketamine và 2.110 viên thuốc lắc. Hoàn khai nhận được thuê vận chuyển số ma túy này từ Lào về Đà Nẵng với giá 20 triệu đồng.

Tiếp tục điều tra mở rộng, cơ quan công an đã xác định Phạm Tiến Đạt là đối tượng cầm đầu đường dây này. Đạt có tiền án, tiền sự về các tội danh khác nhau và nhiều lần bị xử phạt hành chính về hành vi sử dụng trái phép chất ma túy.

Đến tối 5/8, Đạt bị bắt quả tang khi đang vận chuyển một lượng lớn ma túy từ Lào về Đà Nẵng. Tang vật thu giữ gồm khoảng 1kg ketamine và gần 100 viên thuốc lắc.

Với việc triệt phá thành công đường dây này, cơ quan công an đã thu giữ tổng cộng khoảng 2kg ketamine và hơn 2.200 viên ma túy tổng hợp. Đây là một đòn giáng mạnh vào các hoạt động mua bán trái phép chất ma túy trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

Bộ Công Thương thu hồi giấy phép phân phối xăng dầu của 2 doanh nghiệp

Bộ Công Thương vừa có quyết định thu hồi giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân phân phối xăng dầu với 2 doanh nghiệp là Công ty Cổ phần Thương mại nhiên liệu Cửu Long và Công ty TNHH Đầu tư phát triển xăng dầu Việt Nhật.

Cụ thể, tại Quyết định số 1891/QĐ-BCT về việc thu hồi Giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân phân phối xăng dầu, Bộ Công Thương đã quyết định thu hồi giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân phân phối xăng dầu với Công ty Cổ phần Thương mại nhiên liệu Cửu Long.

Lý do thu hồi, căn cứ theo các quy định của pháp luật và xét đề nghị tại Công văn số 01.07/CV-MK ngày 1/7/2024 của Công ty Cổ phần Thương mại nhiên liệu Cửu Long về việc xin dừng hoạt động với tư cách là thương nhân phân phối xăng dầu.

Trước đó, doanh nghiệp này được cấp giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân phân phối xăng dầu số 415-TNPP/QĐ-BCT do Bộ Công Thương cấp ngày 13/4/2021.

Tương tự, Tại Quyết định số 1892/QĐ-BCT, Bộ Công Thương Quyết định thu hồi giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân phân phối xăng dầu với Công ty TNHH Đầu tư phát triển xăng dầu Việt Nhật. Trước đó, công ty này được cấp giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân phân phối xăng dầu số 382-TNPP/QĐ-BCT do Bộ Công thương cấp ngày 25/12/2020.

Lý do thu hồi, căn cứ theo các quy định của pháp luật và xét theo đề nghị tại Công văn số 01/CV-VN ngày 28/6/2024 của Công ty TNHH Đầu tư phát triển xăng dầu Việt Nhật về việc hoàn trả lại giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân phân phối xăng dầu.

Gia Lai: Xử phạt 60 triệu đồng vì buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu

Ngày 11 tháng 7 năm 2024, Đội Quản lý thị trường số 2 (Đội Cơ động) thuộc Cục QLTT tỉnh Gia Lai cho biết đã hoàn tất hồ sơ và trình cấp có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính 60 triệu đồng đối với ông L.X.V vì hành vi buôn bán hàng cấm là thuốc lá điếu nhập lậu.

Trước đó, vào rạng sáng ngày 9 tháng 7 năm 2024, dựa trên thông tin từ nguồn tin, Đội QLTT số 2 đã bố trí lực lượng tại khu vực nghi ngờ đối tượng L.X.V vận chuyển thuốc lá điếu nhập lậu.

Đến 9 giờ sáng cùng ngày, tổ công tác phát hiện ông L.X.V đang mang theo 2 thùng carton nghi là thuốc lá nhập lậu tại khu vực quốc lộ 14, xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai.

Qua kiểm tra, bên trong 2 thùng carton chứa tổng cộng 1.100 bao thuốc lá điếu nhập lậu các loại Blend No.555 Gold và Blend No.555 Original. Tuy nhiên, ông L.X.V không xuất trình được hóa đơn chứng từ hợp pháp cho số thuốc lá này và trên sản phẩm cũng không có tem thuốc lá theo quy định.

Đội QLTT số 2 đã lập biên bản vi phạm và hoàn tất hồ sơ để xử phạt ông L.X.V về hành vi buôn bán hàng cấm là thuốc lá điếu nhập lậu với số tiền 60 triệu đồng.

Việc xử phạt vi phạm hành chính đối với ông L.X.V nhằm mục đích chấn chỉnh hành vi buôn bán thuốc lá nhập lậu, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng và góp phần đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh Gia Lai.

Sơn La: Phạt 12,5 triệu đồng cơ sở kinh doanh phân bón vi phạm điều kiện kinh doanh

Ngày 10 tháng 7 năm 2024, Cục Quản lý thị trường tỉnh Sơn La đã thông tin về việc lực lượng chức năng đã phối hợp kiểm tra và xử phạt vi phạm hành chính đối với một cơ sở kinh doanh phân bón tại huyện Sông Mã vì đã vi phạm quy định về điều kiện kinh doanh phân bón.

Cụ thể, vào ngày 9 tháng 7 năm 2024, Đội Quản lý thị trường số 6 (Cục Quản lý thị trường tỉnh Sơn La) phối hợp với Đội cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế - ma túy (Công an huyện Sông Mã😉 đã tiến hành kiểm tra đột xuất đối với một cơ sở kinh doanh phân bón có địa chỉ tại bản Nhạp, xã Chiềng Khoong, huyện Sông Mã.

Lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý tại cơ sở kinh doanh.

Tại thời điểm kiểm tra, Đoàn kiểm tra phát hiện cơ sở kinh doanh phân bón này không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón theo quy định của pháp luật. Sau khi làm việc với Đoàn kiểm tra, chủ cơ sở kinh doanh đã thừa nhận hành vi vi phạm của mình.

Đoàn kiểm tra đã tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính và trình Đội trưởng ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 12,5 triệu đồng đối với hành vi vi phạm của cơ sở kinh doanh này.

Việc xử phạt vi phạm hành chính đối với cơ sở kinh doanh phân bón nêu trên nhằm mục đích chấn chỉnh hành vi vi phạm quy định về điều kiện kinh doanh phân bón, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và góp phần thúc đẩy thị trường phân bón lành mạnh trên địa bàn tỉnh Sơn La.

Bắc Kạn xử phạt cơ sở kinh doanh trên mạng xã hội vi phạm về nguồn gốc xuất xứ hàng hóa

Ngày 5/6/2024, Đội Quản lý thị trường số 4 (QLTT số 4) đã phát hiện và xử phạt 1 hộ kinh doanh trên mạng xã hội Facebook vi phạm về nguồn gốc xuất xứ hàng hóa.

Cụ thể, hộ kinh doanh này đang bán các sản phẩm bỉm, sữa, đồ ăn cho trẻ em trên Facebook. Tuy nhiên, khi kiểm tra, QLTT số 4 phát hiện gần 70 sản phẩm thực phẩm, sữa bột dành cho trẻ em không có hóa đơn, chứng từ, không rõ nguồn gốc xuất xứ, trị giá 7.980.000 đồng. Việc sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng, đặc biệt là trẻ em.

Các sản phẩm sữa bột không rõ nguồn gốc xuất xứ

Ngoài ra, trong 2 ngày 4-5/6, QLTT số 4 cũng đã kiểm tra và xử phạt 2 hộ kinh doanh thực phẩm bao gói sẵn vi phạm hành vi "kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ". Tổng số tiền phạt nộp ngân sách nhà nước là 9.600.000 đồng và tổng giá trị hàng hóa không rõ nguồn gốc bị buộc tiêu hủy là 9.520.000 đồng.

Đội QLTT số 4 giám sát việc tiêu hủy hàng hóa vi phạm

Vụ việc trên là lời cảnh tỉnh cho các cơ sở kinh doanh online cần tuân thủ quy định về nguồn gốc xuất xứ hàng hóa để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.

QLTT số 4 cũng khuyến cáo người tiêu dùng nên cẩn trọng khi mua sắm thực phẩm online, lựa chọn những cơ sở uy tín, có đầy đủ hóa đơn, chứng từ để đảm bảo chất lượng sản phẩm.

Bộ Y tế thu hồi toàn quốc sản phẩm mỹ phẩm của Công ty CP Thương mại Dược mỹ phẩm Đào Tiến

Ngày 28/5, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) thông báo đình chỉ lưu hành, thu hồi toàn quốc sản phẩm Ericson Laboratoire Slim Face Lift Fibriline-Confort của Công ty cổ phần thương mại dược mỹ phẩm Đào Tiến.

Cụ thể,  Cục Quản lý Dược đã quyết định đình chỉ lưu hành, thu hồi trên toàn quốc lô sản phẩm  mỹ phẩm Ericson Laboratoire SlimFace Lift Fibriline-Confort, số tiếp nhận phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm 180572/22/CBMP-QLD được cấp ngày 30/8/2022, do Công ty cổ phần thương mại dược mỹ phẩm Đào Tiến đứng tên công bố và chịu trách nhiệm đưa sản phẩm mỹ phẩm ra thị trường.

sản phẩm Ericson Laboratoire Slim Face Lift Fibriline-Confort của Công ty cổ phần thương mại dược mỹ phẩm Đào Tiến buộc phải thu hồi.

Nguyên nhân đình chỉ lưu hành và thu hồi do "Thành phần công thức của sản phẩm ghi trên nhãn không đúng với Phiếu công bố sản phẩm".

Cục Quản lý Dược đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thông báo cho các cơ sở kinh doanh, sử dụng mỹ phẩm trên địa bàn ngừng ngay việc lưu thông, sử dụng 01 sản phẩm mỹ phẩm nêu trên và trả lại cơ sở cung ứng sản phẩm.

Đồng thời, tiến hành thu hồi và tiêu hủy lô sản phẩm vi phạm nêu trên và xử lý các đơn vị vi phạm theo quy định hiện hành.

Công ty cổ phần thương mại dược mỹ phẩm Đào Tiến được yêu cầu gửi thông báo thu hồi tới những nơi phân phối, sử dụng lô sản phẩm kem dưỡng ẩm dành cho da mặt bị chảy xệ Ericson Laboratoire SlimFace Lift Fibriline-Confort liên quan, tiếp nhận sản phẩm trả lại từ các cơ sở kinh doanh và tiến hành thu hồi, tiêu hủy toàn bộ sản phẩm không đáp ứng quy định.

Công ty cũng có trách nhiệm gửi báo cáo thu hồi và tiêu hủy sản phẩm vi phạm về Cục Quản lý Dược trước ngày 23/6/2024.

Cục cũng đề nghị Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh giám sát Công ty cổ phần thương mại dược mỹ phẩm Đào Tiến thực hiện thu hồi sản phẩm không đáp ứng quy định nêu trên. Cùng với đó, phối hợp với Thanh tra Bộ Y tế, Cục Quản lý Dược tiến hành xử phạt vi phạm theo quy định hiện hành.