Gần 16.000 vụ vi phạm trong lĩnh vực hải quan bị xử lý
Trong năm 2023, lực lượng hải quan đã bắt giữ, xử lý gần 16.000 vụ vi phạm trong lĩnh vực hải quan, với trị giá hàng hóa vi phạm khoảng 12.500 tỷ đồng. Cơ quan hải quan đã khởi tố 40 vụ, chuyển cơ quan khác kiến nghị khởi tố 186 vụ.
Theo Bộ Tài chính, năm 2023, toàn ngành hải quan đã phát hiện, bắt giữ và xử lý 15.966 vụ việc vi phạm pháp luật hải quan, giảm 9,7 % so với cùng kỳ năm 2022. Trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 12.475 tỷ đồng, tăng 42,6 % so với cùng kỳ năm 2022.
Cơ quan hải quan đã khởi tố 40 vụ, giảm 25% so với cùng kỳ năm 2022 và chuyển cơ quan khác kiến nghị khởi tố 186 vụ, tăng 32% so với cùng kỳ năm 2022. Số tiền thu nộp ngân sách nhà nước 497 tỷ đồng, tăng 8,25% so với cùng kỳ năm 2022.
Số ngà voi nhập lậu do Cục Hải quan Hải Phòng bắt giữ vào ngày 2/2/2023.
Từ thực tiễn phát hiện, bắt giữ một số vụ việc buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới của ngành hải quan cho thấy, mặc dù số lượng vụ việc bị bắt giữ có chiều hướng giảm. Tuy nhiên, số lượng, trị giá tang vật có chiều hướng gia tăng.
Bên cạnh phương thức, thủ đoạn các đối tượng buôn lậu thường sử dụng như khai sai tên hàng, chủng loại, số lượng, trị giá hàng hóa... năm 2023 xuất hiện nhiều phương thức, thủ đoạn mới, tinh vi, phức tạp đã bị cơ quan hải quan phát hiện, bắt giữ trên các tuyến, địa bàn.
Cụ thể, trên tuyến đường bộ, lực lượng hải quan đã chủ trì, phối hợp, phát hiện, bắt giữ, tổng số 9.430 vụ việc, trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 9.422 tỷ đồng. Bắt giữ nhiều vụ việc vận chuyển pháo nổ qua biên giới địa phận Quảng Trị, Nghệ An, Lạng Sơn.... Trong đó có vụ việc cơ quan hải quan đã bắt giữ các đối tượng vận chuyển lên đến 700kg pháo nổ.
Về hàng hóa thuộc danh mục cấm nhập khẩu, vụ việc ngày 18/4/2023, Cục Điều tra chống buôn lậu - Tổng cục Hải quan khởi tố vụ án vận chuyển trái phép liên quan đến Công ty Bisuvina khai sai tên hàng để nhập khẩu hàng cấm, hàng có điều kiện, trị giá tang vật trên 8 tỷ đồng. Vụ việc ngày 5/5/2023, Cục Điều tra chống buôn lậu khởi tố vụ án vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới liên quan đến Công ty TNHH TMDV sản xuất đầu tư nhập khẩu Thế Hệ Mới nhập khẩu 15.000 hộp bột trái cây có chứa chất cấm.
Năm 2023, tình hình buôn lậu đường kính thời gian qua diễn biến hết sức phức tạp, có chiều hướng gia tăng tập trung tại địa bàn Quảng Trị, Long An, Đồng Tháp. Cơ quan hải quan đã bắt giữ 39 vụ, thu giữ trên 84 tấn đường kính.
Về tuyến đường biển, cơ quan hải quan đã chủ trì, phối hợp, phát hiện, bắt giữ, tổng số 5.287 vụ việc, trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 2.446 tỷ đồng. Các mặt hàng trọng điểm, đối tượng buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa tập trung vào mặt hàng có lợi nhuận cao như xăng dầu, than, khoáng sản, hàng điện tử, điện lạnh đã qua sử dụng, phế liệu, hàng đông lạnh, gia cầm.
Đặc biệt, trong năm 2023, tình hình tội phạm ma túy, hoạt động mua bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy, tiền chất qua biên giới vẫn hết sức phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Trên tuyến hàng không, chuyển phát nhanh, hoạt động mua bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy có chiều hướng gia tăng cả về quy mô, số lượng, tính chất phức tạp.
Các đối tượng thường xuyên thay đổi phương thức vận chuyển và thủ đoạn cất giấu tinh vi; tính chất vụ việc phức tạp. Các đối tượng lợi dụng chính sách tạo thuận lợi thương mại để vận chuyển trái phép các chất ma túy như: các loại tân dược có chứa chất gây nghiện, hướng thần, cần sa và ma túy tổng hợp… từ các nước châu Âu, Mỹ về Việt Nam và ngược lại.
Điển hình cho các vụ buôn lậu, gian lận thương mại, ma túy năm 2023 là thu giữ trên 65.000 lít dầu D/O, FO và xăng các loại; thu giữ 8,3 tấn ngà voi, 37 kg sừng tê giác và 2,8 tấn ma túy các loại.