Chính phủ: Kiên quyết thu hồi giấy phép kinh doanh xăng dầu đối với doanh nghiệp cố tình gây khan hiếm hàng hoá trên thị trường
Theo Nghị định số 80/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 95/2021/NĐ-CP và Nghị định số 83/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu kể từ ngày 17/11/2023 bỏ sung quy định về các trường hợp thu hồi Giấy phép kinh doanh xăng dầu nhằm giải quyết kịp thời những tồn tại, bất cập hiện nay của cơ chế quản lý kinh doanh xăng dầu. Đồng thời đáp ứng nhu cầu tiêu thụ xăng dầu trong nước; góp phần bảo đảm an ninh năng lượng; quyền lợi của người tiêu dùng.
Theo đó, Chính phủ quy định Bộ Công Thương có thẩm quyền thu hồi Giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu. Giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu bị thu hồi trong các trường hợp: Thương nhân không tiếp tục làm thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu và có văn bản gửi Bộ Công Thương đề nghị thu hồi Giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu đã được cấp cho thương nhân. Thương nhân ngừng thực hiện toàn bộ hoạt động kinh doanh xăng dầu trong thời gian từ chín mươi (90) ngày trở lên. Thương nhân không thực hiện đủ tổng nguồn xăng dầu tối thiểu được Bộ Công Thương giao trong hai (02) năm liên tiếp. Thương nhân bị giải thể, phá sản theo quy định của pháp luật. Thương nhân vi phạm quy định về điều kiện đối với thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu và không khắc phục vi phạm trong thời gian chín mươi (90) ngày kể từ ngày ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Thương nhân vi phạm quy định về dự trữ xăng dầu bắt buộc tối thiểu và không khắc phục vi phạm trong thời gian chín mươi (90) ngày kể từ ngày ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Thương nhân đang bị xử lý vi phạm mà tái phạm quy định về bảo đảm chất lượng xăng dầu lưu thông trên thị trường và các quy định của pháp luật về chất lượng.
Nghị định số 80/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung các quy định, biện pháp quản lý, giám sát chặt chẽ hơn đối với Quỹ Bình ổn giá xăng dầu như: Thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu có nghĩa vụ trích lập Quỹ bình ổn giá; hạch toán và theo dõi riêng Quỹ bình ổn giá bằng tài khoản mở tại ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoạt động hợp pháp tại Việt Nam theo quy định tại Nghị định này và hướng dẫn của Bộ Tài chính. Thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật về việc lựa chọn ngân hàng, quản lý và đảm bảo bảo toàn số dư Quỹ bình ổn giá. Ngân hàng thực hiện phong tỏa tài khoản Quỹ bình ổn giá của doanh nghiệp. Tài khoản này chỉ được sử dụng vào mục đích trích lập và chi sử dụng Quỹ bình ổn giá của doanh nghiệp theo thông báo điều hành giá xăng dầu của Bộ Công Thương.
Trước đó, ngày 10/4/2023, Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo 118/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá tại cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá quý I/2023, trong đó yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và cơ quan liên quan thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước trong mọi tình huống và điều hành giá xăng dầu theo quy định; tăng cường kiểm tra, giám sát thị trường, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; tuyệt đối không để thiếu hụt, đứt gãy nguồn cung xăng dầu… Khẩn trương hoàn thiện các thủ tục để trình Chính phủ Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 95/2021/NĐ-CP ngày 1.11.2021 và Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 3.9.2014 về kinh doanh xăng dầu theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 03/CT-TTg.