UBND tỉnh Lạng Sơn: Đề xuất thí điểm xây dựng mô hình cửa khẩu thông minh tại tuyến đường chuyên dụng vận chuyển hàng hoá cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị và cửa khẩu Tân Thanh
UBND tỉnh Lạng Sơn chính thức hoàn tất dự thảo Đề án Thí điểm xây dựng mô hình cửa khẩu thông minh tại tuyến đường chuyên dụng vận chuyển hàng hoá khu vực cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị và cửa khẩu Tân Thanh nhằm ứng dụng mô hình thông quan mới dựa trên cơ sở ứng dụng khoa học, công nghệ hiện đại vào quá trình giao nhận hàng hoá xuất, nhập khẩu để nâng cao năng lực, hiệu suất thông quan tại các cửa khẩu đường bộ đáp ứng nhu cầu giao thương ngày càng tăng của thương nhân hai nước Việt Nam- Trung Quốc.
Đề án thí điểm xây dựng mô hình cửa khẩu thông minh tại tuyến đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa khu vực Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị và Cửa khẩu Tân Thanh được xây dựng trên cơ sở Thỏa thuận khung về thúc đẩy xây dựng thí điểm cửa khẩu thông minh Việt Nam-Trung Quốc, được UBND tỉnh Lạng Sơn (Việt Nam) và Chính phủ Nhân dân Khu Tự trị Dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc) ký kết ngày 26/6 vừa qua tại Bắc Kinh (Trung Quốc). Theo dự thảo Đề án, mục tiêu của mô hình cửa khẩu thông minh là xây dựng Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị trở thành "cửa khẩu kiểu mẫu;" phấn đấu xây dựng Lạng Sơn sớm trở thành một trong những trung tâm, đầu mối hoạt động xuất nhập khẩu, thương mại, dịch vụ, du lịch và kinh tế cửa khẩu trọng điểm của vùng Đông Bắc.
Cửa khẩu Hữu Nghị- Lạng Sơn
Việc triển khai xây dựng cửa khẩu thông minh sẽ không tác động, gây ảnh hưởng mô hình thông quan hàng hoá truyền thống mà sẽ thực hiện mở rộng thêm luồng xuất, nhập khẩu mới để triển khai mô hình thông quan mới, áp dụng khoa học kỹ thuật vào quá trình giao nhận hàng hoá nhằm nâng cao hiệu quả thông quan, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động XNK, tiết giảm chi phí cho cộng đồng DN hai bên; đảm bảo chủ quyền, an ninh biên giới, hợp tác đôi bên cùng có lợi. Đặc biệt, mô hình cửa khẩu thông minh sẽ giải quyết tình trạng ùn ứ hàng hóa tại khu vực cửa khẩu, giảm chi phí vận chuyển, thông quan hàng hóa xuất, nhập khẩu, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, thu hút các doanh nghiệp tham gia xuất nhập khẩu; tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng, góp phần ổn định và nâng cao đời sống cho nhân dân biên giới…
Về các mặt hàng lựa chọn thực hiện thông quan theo mô hình cửa khẩu thông minh trong dự thảo Đề án hiện tại lượng hàng hoá thông quan XNK trong ngày qua 02 cặp cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Việt Nam)- Hữu Nghị Quan (Trung Quốc) và cặp cửa khẩu phụ Tân Thanh (Việt Nam)- Pò Chài (Trung Quốc) chiếm tỷ trọng chính, khoảng 90% lượng hàng xuất, nhập khẩu thông qua trong ngày qua các cửa khẩu hiện đang hoạt động trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn. Các mặt hàng XK chủ yếu: Hoa quả tươi, nông sản, linh kiện điện tử, phế phẩm, nhôm hợp kim dạng thỏi.... Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu: Ô tô mới, Linh kiện phụ tùng ô tô, xe máy, nguyên phụ liệu dệt may, day giầy, điện gia dụng, các sản phẩm từ giấy....
Để đảm bảo thuận lợi trong việc xây dựng quy trình kiểm tra, kiểm soát Hải quan, Kiểm dịch do vậy trước mắt tỉnh Lạng Sơn cũng đồng quan điểm với phía tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) là chỉ lựa chọn 01-02 mặt hàng để triển khai thí điểm theo mô hình thông qua qua cửa khẩu thông minh. Cụ thể mặt hàng hoa quả, linh kiện điện tử xuất khẩu của Việt Nam và mặt hàng linh kiện điện tử xuất khẩu của Trung Quốc. Đây là 02 mặt hàng chiếm tỷ trọng rất lớn trong cơ cấu mặt hàng xuất, nhập khẩu tại cửa khẩu Hữu Nghị và Tân Thanh.
Đồng thời, trong dự thảo Đề án đề xuất xây dựng tuyến đường chuyên dụng xuất nhập khẩu hàng hoá khép kín, tách biệt với đường vận chuyển hàng hoá hiện nay đang sử dụng. Tuy nhiên, trước mắt sẽ tập trung nghiên cứu thực hiện thí điểm vận chuyển hàng hoá không người lái với 01 làn nhập, 01 làn xuất tại cửa khẩu Hữu Nghị và Tân Thanh tách biệt với đường vận chuyển hàng hoá hiện nay đang sử dụng. Đồng thời thực hiện đầu tư mở rộng hạ tầng, cơ sở vật chất và dự án bến bãi trong khu vực cửa khẩu để đáp ứng các điều kiện triển khai mô hình cửa khẩu thông minh.