Đăng nhập

Nâng cao vai trò thực thi pháp luật để ngăn chặn tình trạng buôn lậu động vật hoang dã qua hàng không và hàng hải tại Việt Nam

Báo cáo “Công tác xử lý tội phạm về động vật hoang dã tại Việt Nam năm 2022” do Trung tâm giáo dục thiên nhiên (ENV) thuộc Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam được phân tích dựa trên 156 vụ án hình sự về động vật hoang dã phát hiện trong năm 2022.

Kết quả cho thấy Việt Nam tiếp tục đạt được những kết quả đáng khích lệ trong công tác xử lý tội phạm về động vật hoang dã. Tuy nhiên, tình trạng buôn lậu động vật hoang dã qua các cảng hàng không và hàng hải Việt Nam tiếp tục là vấn đề lớn cần nhận được sự quan tâm hơn nữa của các cơ quan chức năng, cơ quan tố tụng trong công tác xử lý.

Cụ thể trong năm 2022, số lượng vụ án hình sự có đối tượng bị bắt giữ vẫn tiếp tục chiếm tỷ lệ cao, với 95% trong tổng số 156 vụ án hình sự ENV ghi nhận được. Bên cạnh đó, so với các năm trước, số lượng vụ án có đối tượng bị áp dụng hình phạt tù (không được hưởng án treo) duy trì ổn định ở mức 47,5%. Mặc dù mức án tù trung bình áp dụng đối với tội phạm động vật hoang dã (ĐVHD) năm 2022 có phần nhẹ hơn so với năm 2021, trước thời điểm Bộ luật Hình sự (BLHS) có hiệu lực. Báo cáo cho thấy tỷ lệ các vụ án hình sự về ĐVHD có đối tượng phạm tội bị bắt giữ đã đạt trung bình 92,2% (giai đoạn 2018 – 2022, sau khi BLHS sửa đổi có hiệu lực) so với tỷ lệ 84,6% (giai đoạn 2014 – 2017, trước khi BLHS sửa đổi có hiệu lực).

Trong 5 năm vừa qua, các cơ quan chức năng và cơ quan tiến hành tố tụng đã có những nỗ lực đáng kể trong cuộc chiến ngăn chặn tình trạng buôn bán ĐVHD trái phép, thể hiện ở số lượng vụ bắt giữ và xét xử tội phạm về ĐVHD ngày càng tăng. Kể từ năm 2015, Cơ sở dữ liệu của ENV đã ghi nhận 34 vụ buôn bán ĐVHD phát hiện gần 80 tấn ngà voi, sừng tê giác và vảy tê tê có nguồn gốc từ các quốc gia châu Phi "cập bến" các cảng biển lớn của Việt Nam bị tịch thu nhưng mới chỉ có 3 đối tượng liên quan đến các vụ việc này phải chịu trách nhiệm.

ENV tin rằng chìa khoá để giải quyết triệt để tình trạng vận chuyển, buôn bán ĐVHD quy mô lớn qua cảng nằm ở năng lực và sự quyết tâm của các cơ quan thực thi pháp luật trong việc đảm bảo bắt giữ đối tượng cầm đầu, cũng như hiệu quả của các cơ quan tiến hành tố tụng trong việc áp dụng các hình phạt thích đáng cho những đối tượng này. ENV nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bắt giữ và truy cứu trách nhiệm hình sự những đối tượng cầm đầu các đường dây buôn bán ĐVHD. Theo đó, các cơ quan chức năng cần tận dụng thông tin từ những vụ thu giữ ban đầu để thu thập bằng chứng và xây dựng chuyên án với mục tiêu bắt giữ và xử lý nghiêm các đối tượng cầm đầu để có thể tiến tới xóa bỏ vai trò của Việt Nam trong mạng lưới buôn bán ĐVHD trái phép toàn cầu.

Nguyễn Đăng Dũng: thế này bảo sao mà ĐVHD ngày càng hiếm
Phương Minh: Đùa, bảo dân trí thấp lại tự ái chứ vảy tê tê với sừng tê giác có bổ béo gì đâu mà cứ cắm đầu vào...
Thanh Tùng: mấy con thú này có gì bổ béo không mà cất công đi săn rồi bị bắt thế này
Nguyễn Thu Vy: Phải phạt thật nặng
Bùi Mạnh Linh: Khổ thân f ghê
Nguyễn Trần Gia Hân: tội này nặng, nhiều động vật trong danh mục bảo vệ thì chúng nó lại càng săn băn vì giá trị cao.