Đăng nhập

Nghệ An: Khởi tố đối tượng mua bán 100 kg pháo

Ngày 29/10/2024, Công an huyện Đô Lương (Nghệ An) cho biết, đơn vị này vừa ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với đối tượng Trần Duy Khánh (sinh năm 1990), trú tại thị trấn Đô Lương, huyện Đô Lương về tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm.

Trước đó, qua công tác nắm tình hình địa bàn, Công an huyện Đô Lương phát hiện đối tượng Trần Duy Khánh có biểu hiện nghi vấn hoạt động phạm tội mua bán trái phép pháo nổ các loại.

Đối tương Trần Duy Khánh cùng tang vật

Khoảng 9h ngày 13/10, tại khối 4, thị trấn Đô Lương, Tổ công tác của 2 đơn vị đồng chủ trì tiến hành bắt giữ Trần Duy Khánh về hành vi tàng trữ hàng cấm; thu giữ 60 cối pháo có tổng trọng lượng 100 kg. Tổ công tác đã tiến hành lập biên bản phạm tội quả tang và đưa đối tượng về tại trụ sở Công an huyện để làm việc.

Quá trình đấu tranh, Khánh khai nhận mua 60 cối pháo trên mạng với mục đích để bán kiếm lời. Sau khi hoàn tất hồ sơ, thủ tục liên quan, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Đô Lương đã tiến hành khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Trần Duy Khánh về tội “Buôn bán hàng cấm”.

Long An: Tiêu hủy 1,9 tấn đường cát ngoại nhập lậu  

Ngày 09/10/2024, tại khu vực bãi rác huyện Tân Hưng, tỉnh Long An, lực lượng chức năng tiêu hủy 1,9 tấn đường cát ngoại nhập lậu.

Theo đó, số đường cát ngoại nhập lậu (1,9 tấn đường cát) do ông Dịp Phú Quý (ấp Bưng Ràm, xã Hưng Điền B, huyện Tân Hưng) vận chuyển trái phép từ Campuchia về Việt Nam, không có hóa đơn, chứng từ và được lực lượng chức năng phát hiện thu giữ thời gian qua.

Lực lượng chức năng tiêu hủy đường cát

Hội đồng tiêu hủy tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu huyện Tân Hưng đã tiêu hủy toàn bộ tang vật nêu trên bằng hình thức đổ tang vật ra ngoài và tưới nước.

Việc tiêu hủy tang vật bị tịch thu được thực hiện đúng trình tự, thủ tục, công khai, minh bạch theo đúng quy định của pháp luật./.

Long An: Xử phạt hơn 110 triệu đồng do kinh doanh đường cát không rõ nguồn gốc

Ngày 25/9/2024, Chủ tịch UBND tỉnh Long An vừa ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số tiền hơn 110 triệu đồng đối với một hộ kinh doanh trên địa bàn thị xã Kiến Tường với do có hành vi kinh doanh đường cát không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Trước đó, ngày 16/8 Đội Quản lý thị trường số 2, Cục Quản lý thị trường Long An phối hợp với Cục Nghiệp vụ Quản lý thị trường, thuộc Tổng Cục Quản lý thị trường kiểm tra trên địa bàn thị xã Kiến Tường phát hiện hộ kinh doanh Hoàng Phát đang chứa 98 bao đường cát (50kg/bao), trên bao bì không thể hiện tên, nhãn hiệu, nơi sản xuất và có hạn sử dụng đến ngày 15/8/2025. Chủ hộ kinh doanh không xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ số hàng này.

Lực lượng chức năng kiểm tra đường cát tại hộ kinh doanh. 

Ngoài ra, tại khu vực sản xuất, kho chứa thực phẩm có côn trùng gây hại, không có thiết bị chuyên dụng để kiểm soát nhiệt độ, độ ẩm, thông gió và các yếu tố khác ảnh hưởng đến an toàn thực phẩm đối với từng loại sản phẩm. Đặc biệt, chủ kinh doanh không bố trí riêng biệt theo quy định của pháp luật về nơi bảo quản nguyên liệu, thành phẩm, sơ chế, chế biến, đóng gói, nhà vệ sinh, rửa tay, thay đồ bảo hộ…

Làm việc với lực lượng chức năng, chủ hộ kinh doanh thừa nhận kinh doanh đường cát không rõ nguồn gốc xuất xứ, vi phạm về điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm, trị giá hàng hóa vi phạm theo giá niêm yết hơn 105 triệu đồng.

Đội Quản lý thị trường số 2 đã kiến nghị Cục Quản lý thị trường trình Chủ tịch UBND ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền với số tiền hơn 110 triệu đồng. Đồng thời, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc tiêu hủy 98 bao đường cát vi phạm.

Hưng Yên: Tịch thu 230 chiếc xe đạp điện không rõ nguồn gốc, xuất xứ

Ngày 11/9, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Hưng Yên đã quyết định xử phạt hành chính và tịch thu hơn 200 chiếc xe đạp điện không rõ nguồn gốc, xuất xứ tại một kho hàng ở huyện Yên Mỹ.

Theo thông tin ban đầu, qua quá trình kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện tại kho hàng của ông L.H.B có chứa đến 230 chiếc xe đạp điện các loại, trong tình trạng không có ắc quy, chưa lắp bàn đạp và không có nhãn mác. Đặc biệt, ông L.H.B không xuất trình được bất kỳ hóa đơn, chứng từ nào chứng minh nguồn gốc của số hàng hóa này.

Qua điều tra, cơ quan chức năng xác định, ông L.H.B đã mua số xe đạp điện trên từ nguồn không rõ ràng với mục đích vận chuyển đi các tỉnh phía Nam tiêu thụ. Hành vi này không chỉ vi phạm pháp luật về kinh doanh mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ về chất lượng sản phẩm, ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng.

Với hành vi vi phạm trên, ông L.H.B đã bị phạt hành chính số tiền 52.500.000 đồng và bị tịch thu toàn bộ số xe đạp điện làm tang vật.

Long An: Phát hiện, xử lý cơ sở vi phạm trong kinh doanh xăng dầu

Ngày 21/8/2024, Đội QLTT số 6, Cục QLTT Long An chủ trì Đoàn kiểm tra liên ngành 389 tỉnh, kiểm tra, phát hiện cột đo nhiên liệu của 01 cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh có sai số phép đo vượt quá phạm vi sai số cho phép.

Đoàn kiểm tra liên ngành 389 tỉnh do Đội trưởng Đội QLTT số 6 làm trưởng đoàn, các thành viên tham gia đoàn kiểm tra gồm đại diện cán bộ chuyên môn nghiệp vụ của Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Công Thương, Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh.  

Lực lượng QLTT tỉnh Long An kiểm tra tại cơ sở 

Triển khai kế hoạch chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả năm 2024 đã được UBND tỉnh phê duyệt, vào lúc 14h30 ngày 21/8/2024, đoàn kiểm tra liên ngành 389 tỉnh do Đội QLTT số 6 chủ trì, kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong hoạt động kinh doanh xăng dầu đối với cửa hàng kinh doanh xăng dầu có trụ sở trên địa bàn xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa.

Tại thời điểm kiểm tra, người đại diện pháp luật của cửa hàng đã xuất trình đầy đủ các giấy tờ có liên quan. Đoàn kiểm tra tiến hành kiểm tra sai số phép đo đối với 02 trụ bơm xăng dầu của cửa hàng.

Đối với trụ bơm xăng RON 95 – III, có giấy chứng nhận kiểm định do Trung tâm ứng dụng kỹ thuật, thông tin khoa học và công nghệ tỉnh Long An cấp có giá trị đến ngày 28/02/2025; số tem kiểm định 22B01439, có số total 866662. Tem niêm phong, niêm chì của tổ chức kiểm định tại các vị trí trên cột đo còn nguyên vẹn. Kết quả kiểm tra phép đo trụ bơm xăng RON 95-III có sai số phép đo là +4,5%.

Đối với trụ bơm dầu DO 0,05S II, có giấy chứng nhận kiểm định do Trung tâm ứng dụng kỹ thuật, thông tin khoa học và công nghệ tỉnh Long An cấp có giá trị đến ngày 28/02/2025; số tem kiểm định 22B01440, số total 583472. Tem niêm phong, niêm chì của tổ chức kiểm định tại các vị trí trên cột đo còn nguyên vẹn. Kết quả kiểm tra phép đo trụ bơm dầu DO có sai số phép đo là +6,5%.

Theo quy định tại Mục 7.3.4, Điểm 7.3, Khoản 7 của văn bản kỹ thuật đo lường Việt Nam ĐLVN 10:2017 thì sai số lớn nhất cho phép là ±0,5% và theo quy định tại khoản 3 Điều 6 Thông tư số 15/2015/TT-BKHCN ngày 25/8/2015 của Bộ Khoa học và Công nghệ, thì sai số kết quả đo lường xăng dầu không vượt quá 1,5 lần (+0,75%) giới hạn dương của sai số cho phép của phương tiện đo được sử dụng để bán xăng dầu.

Như vậy, so với quy định thì thì sai số qua kiểm tra của trụ bơm xăng RON 95 – III và dầu DO 0,05S II của cửa hàng xăng dầu trên đã vượt quá mức sai số cho phép.

Hiện vụ việc đang được Đội QLTT số 6, phối  hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tiến hành xác minh, làm việc với doanh nghiệp để xử lý theo quy định pháp luật.

Gia Lai: Bắt nhóm sản xuất, tiêu thụ thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ giả

Ngày 14-8, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Gia Lai cho biết, đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam 2 đối tượng: Nguyễn Thái Học (1983; trú P. Chi Lăng, TP Pleiku) và Đàm Viết Hoàng (1984, trú xã Chư Á, TP Pleiku) để điều tra về hành vi: “Sản xuất, tiêu thụ hàng giả” là thuốc bảo vệ thực vật (BVTV).

Trước đó, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Gia Lai phối hợp Công an TP.Pleiku kiểm tra, phát hiện tại 4 kho xưởng của Học chứa số lượng lớn thuốc diệt cỏ có dấu hiệu giả nhãn mác các thương hiệu có uy tín.

Đối tượng Nguyễn Thái Học tại cơ quan Công an.

Tại các kho xưởng, lực lượng Công an kiểm đếm có hơn 4.800 chai thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu với nhiều nhãn hiệu; 11 máy phục vụ sản xuất, đóng gói; 107 bao nguyên liệu có trọng lượng hơn 2,6 tấn.

Còn Hoàng là đối tượng đứng ra đã nhận và thuê người pha trộn nguyên liệu, đóng vào chai và dán nhãn sản phẩm. Khi Hoàng đóng đủ 1 lô hàng số lượng 2.000 chai thuốc, Học sẽ trả 10 triệu đồng tiền công. Đến khi bị bắt, Hoàng đã pha trộn, đóng gói được 20.000 chai thuốc diệt cỏ và thuốc trừ sâu.

Kho sản xuất thuốc trừ sâu giả 

Học khai nhận, đối tượng móc nối với các đầu mối ở TP. Hồ Chí Minh, TP.Hà Nội và một số tỉnh phía Bắc để mua nguyên liệu, in nhãn mác, vận chuyển về TP.Pleiku rồi thuê người pha trộn, đóng chai, dán nhãn mác. Khi đóng gói xong, Học liên lạc một số đối tượng khác trong và ngoài tỉnh để tiêu thụ. Các đối tượng sử dụng đăng bán trên các trang mạng xã hội; thuê người đến các đại lý kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật để chào mời, bán sỉ.

Hiện vụ án đang được Cơ quan CSĐT điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

Hưng Yên: Tiêu hủy gần 10 tấn phụ kiện và hơn 160.000 thiết bị thuốc lá điện tử nhập lậu

Ngày 1/8/2024, Đội QLTT số 5, Cục QLTT tỉnh Hưng Yên phối hợp với các lực lượng chức năng đã tiến hành tiêu hủy toàn bộ số lượng thiết bị và phụ kiện thuốc lá điện tử bị tịch thu trước đó. Lô hàng vi phạm này gồm 163.410 đơn vị sản phẩm thiết bị thuốc lá điện tử và 9.913 kg phụ kiện các loại.

Trước đó, vào tháng 6, qua quá trình kiểm tra, lực lượng chức năng đã phát hiện một kho hàng tại huyện Tiên Lữ đang cất giấu số lượng lớn thiết bị thuốc lá điện tử nghi vấn nhập lậu. Chủ sở hữu của lô hàng này là ông T.X.H, trú tại Bắc Ninh.

Qua xác minh, toàn bộ số hàng hóa trên đều không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ, đồng thời ông T.X.H cũng không thể xuất trình được giấy tờ đăng ký kinh doanh.

Với hành vi vi phạm nghiêm trọng trên, ông T.X.H đã bị cơ quan chức năng xử phạt hành chính số tiền 53.750.000 đồng và buộc phải tiêu hủy toàn bộ số hàng hóa vi phạm.

TP HCM: Phát hiện lô hàng đồ điện gia dụng không rõ nguồn gốc trị giá hơn 1 tỷ đồng

Ngày 5-7, Cục Quản lý Thị trường (QLTT) TP HCM có báo cáo về việc kiểm tra điểm kinh doanh hàng điện tử nhập lậu quy mô lớn với hàng ngàn sản phẩm, trị giá hơn 1 tỉ đồng tại quận Bình Tân

Theo đó, Đội QLTT số 1 thuộc Cục QLTT TP HCM phối hợp với Công an phường Tân Tạo A, quận Bình Tân kiểm tra đột xuất điểm kinh doanh hàng hoá tại khu vực phường Tân Tạo.

Lực lượng QLTT kiểm tra điểm kinh doanh hàng hóa trên địa bàn phường Tân Tạo A (quận Bình Tân).

Qua kiểm tra, đoàn phát hiện tại đây đang kinh doanh hàng hóa gồm 4.500 sản phẩm bóng đèn led, đèn năng lượng mặt trời không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có hóa đơn, chứng từ. Tổng giá trị hàng hóa vi phạm căn cứ theo giá niêm yết trên sản phẩm là 1,002 tỉ đồng.

Tang vật bóng đèn led không rõ nguồn gốc xuất xứ

Theo Cục QLTT TP HCM, bóng đèn led nhập lậu, không qua kiểm định hoặc những mẫu hàng kém chất lượng trà trộn đưa vào thị trường tiêu thụ tiềm ẩn nhiều mối nguy hại, nhất là nguy cơ cháy nổ cao.

Tại thời điểm kiểm tra, đại diện điểm kinh doanh không xuất trình được giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh theo quy định.

Đội QLTT số 1 đã tiến hành lập biên bản đối với chủ cơ sở kinh doanh trên, tạm giữ toàn bộ hàng hoá để tiếp tục làm rõ và xử lý.

Quảng Bình: Xử phạt hơn 400 triệu đồng lỗi vi phạm trong lĩnh vực thương mại điện tử

Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (QLTT) Vũ Quang Thắng cho biết, thời gian qua, đơn vị đã tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát các hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực thương mại điện tử (TMĐT) nhằm kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. 

Trong tháng 5 và tháng 6/2024, lực lượng QLTT đã kiểm tra 15 cơ sở kinh doanh, phát hiện và xử lý 13 đơn vị vi phạm trong hoạt động TMĐT. Tổng số tiền xử phạt là 401 triệu đồng, giá trị tang vật vi phạm trên 230 triệu đồng.

Lực lượng QLTT kiểm tra việc chấp hành pháp luật của một cơ sở kinh doanh.

Các hành vi vi phạm chủ yếu gồm: Trưng bày để bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, kinh doanh hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên môi trường internet, không thông báo website TMĐT bán hàng với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định trước khi bán hàng. Hàng hóa vi phạm được phát hiện tập trung vào nhóm sản phẩm thời trang, trang sức, phụ kiện điện thoại,…

Một trong những website vi phạm pháp luật bị phát hiện, xử lý.

Xác định chống hàng giả và gian lận thương mại trong lĩnh vực TMĐT là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thời gian tới, Cục QLTT tiếp tục chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật đối với các cơ sở kinh doanh; chủ động tiếp nhận, xử lý thông tin từ người tiêu dùng, doanh nghiệp về các hành vi vi phạm của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh; thẩm tra, xác minh thông tin hoặc giám sát các tổ chức, cá nhân có dấu hiệu vi phạm trong hoạt động kinh doanh TMĐT. 

An Giang: Thu giữ 3.500 bao thuốc lá lậu trên xuồng máy

Ngày 6/6, Theo Công an An Giang, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an An Giang đang phối hợp Công an huyện Châu Phú xác minh và điều tra làm rõ vụ vận chuyển thuốc lá điếu ngoại nhập lậu vừa phát hiện thu giữ.

Qua công tác nắm tình hình địa bàn và nhận được tin báo từ quần chúng tại khu vực trên có một xuồng máy đang neo đậu không người trông coi, trên phương tiện có chở nhiều hàng hóa nghi vấn là hàng lậu nên lực lượng Công an nhanh chóng đến địa điểm như tin báo để kiểm tra.

Tang vật vi phạm bị Công an An Giang phát hiện, tạm giữ

Tiến hành kiểm tra bên trong xuồng máy, tổ công tác đã phát hiện có cất giấu 3.500 bao thuốc lá điếu ngoại nhiều nhãn hiệu, ước tính trị giá ban đầu khoảng 50 triệu đồng.

Tại thời điểm kiểm tra, không ai nhận là chủ sở hữu phương tiện và số thuốc lá ngoại trên. Lực lượng chức năng tiến hành lập biên bản vụ việc, tạm giữ phương tiên và toàn bộ tang vật để xác minh làm rõ và xử lý theo quy định pháp luật.