Thái Nguyên: Số vụ vi phạm về thương mại giảm mạnh
3 tháng đầu năm, lực lượng Quản lý thị trường tỉnh Thái Nguyên ra quyết định xử phạt 147 vụ vi phạm hành chính, giảm 112 vụ (tương đương 56,76%) so với cùng kỳ năm 2024. Tổng số tiền thu phạt nộp ngân sách nhà nước là 1,7 tỷ đồng.
Số vụ vi phạm giảm mạnh cho thấy tình hình thị trường ổn định, đồng thời phản ánh hiệu quả từ các biện pháp tuyên truyền, kiểm soát ngay từ đầu năm. Các doanh nghiệp và hộ kinh doanh ngày càng chú trọng đến tuân thủ pháp luật để tránh bị xử phạt, đồng thời bảo vệ uy tín kinh doanh.
Đội Quản lý thị trường số 1 kiểm tra hộ kinh doanh thức ăn cho thú nuôi tại phường Quang Trung, TP. Thái Nguyên.
Dù số vụ vi phạm giảm, nhưng một số lĩnh vực vẫn cần được giám sát chặt chẽ, đặc biệt là thương mại điện tử và thực phẩm. Chỉ trong ba tháng đầu năm, lực lượng chức năng đã kiểm tra và xử lý 14 vụ vi phạm về thương mại điện tử với tổng số tiền phạt 255,8 triệu đồng. Đây là lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro, cần tiếp tục kiểm soát nhằm hạn chế tình trạng kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng qua nền tảng trực tuyến.
Lĩnh vực thực phẩm cũng ghi nhận 26 vụ vi phạm, với số tiền xử phạt 224,1 triệu đồng. Những con số này cho thấy vấn đề an toàn thực phẩm vẫn là mối quan tâm lớn, đòi hỏi sự giám sát nghiêm ngặt để đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, hoạt động kinh doanh các mặt hàng quần áo may sẵn, mỹ phẩm và thuốc lá thế hệ mới cũng bị phát hiện vi phạm. Đặc biệt, thuốc lá thế hệ mới - dù chỉ có 1 vụ bị xử lý, nhưng cũng đặt ra yêu cầu cần siết chặt kiểm soát trong thời gian tới.
TP.HCM: Tạm giữ hơn 3 triệu sản phẩm có dấu hiệu xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ
Ngày 2/12/2024, Cục QLTT TP.HCM cho biết, Đội Quản lý thị trường số 1 đã kiểm tra, tạm giữ 3,064,310 đơn vị sản phẩm và 750kg nguyên liệu sản xuất mặt hàng bút sáp màu có dấu hiệu xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ về nhãn hiệu
Trước đó, ngày 21/11/2024, Đội Quản lý thị trường số 1 thuộc Cục Quản lý thị trường Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Công an địa phương tiến hành kiểm tra đột xuất trụ sở chính và kho hàng của Công ty TNHH T. có địa chỉ tại quận Gò Vấp và huyện Củ Chi, thành phố Hồ Chí Minh.
Qua kiểm tra, đoàn kiểm tra phát hiện: 62.460 hộp bút sáp màu, 5.400 cây bút sáp màu chưa được đóng gói vào bao bì sản phẩm, 2.920.000 cái tem giấy in hình DORAEMON (tương đương 292 kg), 76.450 vỏ hộp bao bì sản phẩm bằng giấy in hình DORAEMON và 750 kg nguyên liệu sản xuất bút sáp màu.
Đội Quản lý thị trường số 1 đã tiến hành tạm giữ toàn bộ hàng hóa là bút sáp màu, tem giấy, vỏ hộp bao bì sản phẩm bằng giấy có dấu hiệu xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu DORAEMON trên để tiếp tục xác minh, làm rõ và xử lý theo quy định pháp luật.
Trong thời gian tới, Đội Quản lý thị trường số 1 tiếp tục phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan thường xuyên trao đổi thông tin, giám sát chặt chẽ đẩy mạnh việc kiểm tra, kiểm soát nhằm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời hoạt động sản xuất, buôn bán hàng hóa nhập lậu, hàng giả, gian lận thương mại, bảo vệ người sản xuất, kinh doanh chân chính và quyền lợi của người tiêu dùng./.
Sơn La: Bắt đối tượng vận chuyển trái phép, thu giữ 6 kg ma túy
Tang vật thu giữ gồm 2kg ma túy đá, 1kg ketamine và hơn 30.000 viên ma túy tổng (trọng lượng gần 3kg).
Ngày 12/11, tin từ Công an huyện Sông Mã, vừa phối hợp với Phòng CSĐT tội phạm về ma túy Công an tỉnh Sơn La bắt giữ đối tượng Nguyễn Anh Ngọc (SN 1979, trú thôn 3, xã Mỹ Đồng, huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng) về hành vi vận chuyển trái phép chất ma túy.
Đối tượng Nguyễn Anh Ngọc và tang vật
Tang vật thu giữ tại hiện trường gồm: khoảng 2kg ma túy đá, 1kg ketamine và hơn 30.000 viên ma túy tổng (trọng lượng gần 3kg). Khi được đưa về trụ sở để làm việc, Ngọc đã thừa nhận hành vi. Hiện Cơ quan Công an vẫn đang tiếp tục lấy lời khai của Ngọc để đấu tranh, mở rộng chuyên án.
Tây Ninh: Bắt đối tượng vận chuyển hàng cấm
Ngày 28/10/2024, Công an huyện Bến Cầu cho biết đang tạm giữ hình sự đối tượng Nguyễn Văn Đệ, 29 tuổi, ngụ ấp Ngã Tắc, xã Long Thuận, huyện Bến Cầu để điều tra làm rõ hành vi vận chuyển hàng cấm.
Trước đó, khoảng 19 giờ 15 phút ngày 23/10/2024, trong lúc tuần tra đến khu vực thuộc ấp Thuận Đông, xã Lợi Thuận, Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về hình sự, ma túy, kinh tế Công an huyện Bến Cầu phát hiện một nam thanh niên điều khiển xe mô tô chở nhiều bao nylon có dấu hiệu nghi vấn nên yêu cầu dừng phương tiện kiểm tra.
Đối tượng Nguyễn Văn Đệ bị bắt giữ cùng tang vật.
Thấy lực lượng Công an, nam thanh niên bỏ xe cùng tài sản chạy bộ xuống rạch gần đó tẩu thoát, nhưng đã bị lực lượng Công an bắt giữ. Công an thu giữ: 1 xe mô tô, 5 túi nylon bên trong chứa 1.600 bao thuốc lá hiệu 555, Camfly, Teton.
Tại cơ quan Công an, nam thanh niên khai tên Nguyễn Văn Đệ, từng có 2 tiền án về tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có và cố ý gây thương tích. Thời gian gần đây, Đệ có quen biết một người đàn ông. Người này thuê Đệ vận chuyển thuốc lá lậu từ khu vực ấp Thuận Tây, xã Lợi Thuận về Khu công nghiệp TMTC thuộc ấp Thuận Đông, xã Lợi Thuận với tiền công 300.000 đồng/1 chuyến. Đệ đồng ý và vận chuyển chuyến đầu tiên thì bị Công an phát hiện bắt giữ.
Vụ việc đang được Công an huyện Bến Cầu tiếp tục làm rõ để xử lý theo quy định của pháp luật.
Đắk Lắk: Xử phạt cơ sở kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu trên mạng xã hội Facebook
Ngày 1/8, Cục Quản lý thị trường tỉnh Đắk Lắk thông tin cho biết, vừa ban hành quyết định xử phạt vi hành chính đối với một cơ sở kinh doanh tại thành phố Buôn Ma Thuột với tổng mức xử phạt 34 triệu đồng về hành vi trưng bày để bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu.
Cụ thể, cơ sở kinh doanh của bà H.P tại phường Khánh Xuân, thành phố Buôn Ma Thuột đã bị phát hiện đang bày bán 150 sản phẩm quần thể thao giả mạo nhãn hiệu Adidas.
Hàng hóa giả mạo nhãn hiệu được bày bán công khai tại cơ sở kinh doanh
Qua quá trình điều tra, Tổ công tác Thương mại điện tử phối hợp với Đội Quản lý thị trường số 1 đã xác định được thông tin về hoạt động kinh doanh hàng giả này trên không gian mạng. Sau đó, lực lượng chức năng đã tiến hành kiểm tra đột xuất và phát hiện số lượng lớn quần áo thể thao giả mạo nhãn hiệu Adidas đang được bày bán tại cơ sở của bà H.P.
Với chứng cứ rõ ràng, Cục Quản lý thị trường tỉnh Đắk Lắk đã quyết định xử phạt bà H.P số tiền 16 triệu đồng và buộc tiêu hủy toàn bộ số hàng hóa vi phạm. Đây là một hình thức xử phạt nghiêm minh nhằm răn đe các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực thương mại.
Đắk Nông: Bắt 2 đối tượng sản xuất, buôn bán cà phê bột giả, thu giữ gần 1 tấn cà phê giả
Lực lượng Công an tỉnh Đắk Nông đã bắt giữ 2 đối tượng về hành vi sản xuất, buôn bán cà phê bột giả, thu giữ gần 1 tấn cà phê giả.
Ngày 4/7, tin từ Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Đắk Nông cho biết, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can và thi hành lệnh bắt bị can để tạm giam 2 đối tượng để điều tra về hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm (cà phê bột giả).
Đối tượng Nguyễn Thanh Sỹ tại cơ quan điều tra.
2 đối tượng nói trên gồm: Trần Văn Đồng (SN 1985, trú tại xã Thuận Hà, huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông) và Nguyễn Thanh Sỹ (SN 1979, trú tại xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn, thành phố Hồ Chí Minh), Giám đốc Công ty TNHH MTV sản xuất thương mại cà phê Trần Tiến (trụ sở tại thành phố Hồ Chí Minh).
Đối tượng Trần Văn Đồng làm việc tại cơ quan công an.
Ngày 7/6: Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Đắk Nông bắt quả tang Trần Văn Đồng đang sản xuất cà phê bột giả tại cơ sở của mình. Thu giữ 329 gói cà phê bột giả với tổng khối lượng 164,5kg.
Ngày 12/6: Phòng Cảnh sát kinh tế kiểm tra xe ô tô do Nguyễn Thanh Sỹ làm chủ, thu giữ 1.193 gói cà phê bột giả với tổng khối lượng 596,5kg do Công ty TNHH MTV sản xuất thương mại cà phê Trần Tiến sản xuất. Tiếp tục mở rộng điều tra: Thu giữ thêm 187 gói cà phê bột giả với tổng khối lượng 93,5kg.
Cơ quan công an thu giữ tang vật có liên quan để phục vụ điều tra.
Các mẫu cà phê bột do Trần Văn Đồng và Nguyễn Thanh Sỹ sản xuất không có hàm lượng cafein, không phù hợp với chất lượng sản phẩm ghi trên bao bì hàng hóa, cũng như tiêu chuẩn quốc gia về cà phê bột.
Đặc điểm chung trong 2 vụ sản xuất, buôn bán cà phê giả này là các đối tượng chỉ tiêu thụ trong các cửa hàng tạp hoá nhỏ lẻ, ở các khu vực vùng sâu, vùng xa và đều với giá rất rẻ (chỉ từ 50-70.000 đồng/kg). Theo cơ quan công an, việc các đối tượng sản xuất, buôn bán cà phê bột giả, gây ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh cà phê, thương hiệu và uy tín ngành cà phê Việt Nam.
Do đó, việc phát hiện, đấu tranh, triệt phá các vụ sản xuất, buôn bán cà phê bột giả nói trên đã góp phần ngăn chặn loại tội phạm này và làm trong sạch thị trường cà phê bột và thương hiệu cà phê Việt Nam.
Sơn La: Doanh nghiệp xăng dầu bị phạt 20 triệu đồng vì vi phạm quy định về biển hiệu
Ngày 5/6/2024 - Đội Quản lý thị trường số 4 (QLTT) tỉnh Sơn La đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính 20 triệu đồng đối với Công ty TNHH Hoàng Long (địa chỉ: Phiêng Ban 1, thị trấn Bắc Yên, huyện Bắc Yên) vì vi phạm quy định về biển hiệu.
Ngày 05/6/2024, Đoàn kiểm tra Đội QLTT số 4 tiến hành kiểm tra đối với Công ty TNHH Hoàng Long, địa chỉ tại Phiêng Ban 1, thị trấn Bắc Yên, huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La. Qua kiểm tra, Đoàn kiểm tra đã phát hiện doanh nghiệp Không áp dụng và duy trì có hiệu lực hệ thống quản lý chất lượng xăng dầu theo quy định và Không ghi tên thương nhân phân phối xăng dầu cung cấp xăng dầu trên biển hiệu của cửa hàng bán lẻ xăng dầu.
Đoàn kiểm tra đã lập Biên bản vi phạm hành chính, cùng ngày Đội QLTT số 4 đã xử phạt vi phạm hành chính 20 triệu đồng đối với các hành vi nêu trên.
Hà Tĩnh: Bắt giữ 2 đối tượng đang vận chuyển 12.000 viên ma túy tổng hợp từ Lào về Việt Nam
Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Tĩnh đã phối hợp với Hải quan và bắt giữ 2 đối tượng đang vận chuyển 12.000 viên ma túy tổng hợp từ Lào về Việt Nam
Lực lượng chức năng dẫn giải 2 đối tượng về cơ quan điều tra.
Ngày 9-5, thông tin từ Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Tĩnh cho biết, đơn vị này đã chủ trì, phối hợp với lực lượng Hải quan tỉnh và bắt quả tang 2 đối tượng vận chuyển ma túy tổng hợp từ Lào về Việt Nam qua cửa khẩu quốc tế Cầu Treo. Hai đối tượng này được xác định là Lê Quyền Anh (sinh năm 2000) và Trần Thanh Lâm (sinh năm 1995), đều trú tại huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An.
2 đối tượng cùng tang vật 12.000 viên ma túy tổng hợp.
Qua cuộc kiểm tra tại hiện trường, lực lượng chức năng đã thu giữ thành công 12.000 viên ma túy tổng hợp (hồng phiến). Hai đối tượng đã khai nhận việc mua ma túy từ Lào và vận chuyển về Việt Nam để tiêu thụ.
Hiện, vụ việc đang được lực lượng Bộ đội Biên phòng tiếp tục mở rộng điều tra và hoàn chỉnh hồ sơ để khởi tố vụ án, nhằm xử lý nghiêm những hành vi phạm tội này theo quy định của pháp luật.
Phú Yên: Tạm giữ 28 tấn đường do nước ngoài sản xuất gian lận thời hạn sử dụng
Cục Quản lý Thị trường tỉnh Phú Yên đã tiến hành tạm giữ 28 tấn đường do nước ngoài sản xuất sau khi phát hiện dấu hiệu gian lận thời hạn sử dụng trên bao bì hàng hóa.
Trong quá trình kiểm tra, Đội Quản lý Thị trường số 1 thuộc Cục Quản lý Thị trường Phú Yên đã phối hợp với Phòng Cảnh sát Giao thông và Đội 3 Phòng Cảnh sát Kinh tế - Công an tỉnh Phú Yên tiến hành kiểm tra phương tiện ô tô mang biển kiểm soát số 63C-158.XX và rơ mooc 63C-007.XX do ông N.C.H điều khiển. Kết quả kiểm tra cho thấy phương tiện này vận chuyển 28.000 kg đường kính trắng hiệu MITR PHOL từ Thái Lan.
Hình ảnh hàng hóa vi phạm
Điều đáng chú ý là trên bao bì hàng hóa ghi nhãn sản xuất vào ngày 03/07/2022 và hạn sử dụng đến ngày 03/07/2025. Tuy nhiên, đối chiếu với hóa đơn và chứng từ, thì thời hạn sử dụng được ghi là 02 năm kể từ ngày sản xuất, tức là từ ngày 03/08/2022. Điều này cho thấy sự không nhất quán giữa thông tin trên bao bì và chứng từ của sản phẩm.
Đội Quản lý Thị trường số 1 đã tiến hành tạm giữ toàn bộ hàng hóa để tiếp tục điều tra và xử lý theo quy định của pháp luật, nhằm bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn.
Hà Giang: Phát hiện 2.000 sản phẩm mỹ phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ
Sáng ngày 05/4/2024, kiểm tra đột xuất kho hàng của Bưu cục Viettel Post huyện Đồng Văn, lực lượng QLTT tỉnh Hà Giang phát hiện hơn 2.000 sản phẩm mỹ phẩm không nhãn mác, có nhãn mác nước ngoài nghi ngờ là hàng hóa nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Ngày 05/4/2024 tổ kiểm tra Đội QLTT số 9 tiến hành kiểm tra đột xuất kho hàng của Bưu cục Viettel Post huyện Đồng Văn có địa chỉ: Thôn Há Hơ, xã Sà Phìn, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang. Tại thời điểm kiểm tra phát hiện 1013 sản phẩm mỹ phẩm không có nhãn hàng hóa; 997 sản phẩm mỹ phẩm có nhãn bằng tiếng nước ngoài được đóng trong 4 thùng bìa cát tông gắn mã vận đơn của Viettel post.
Hàng hóa được vận chuyển đến một bưu cục xa trung tâm nhằm qua mắt cơ quan chức năng
Qua xác minh bước đầu, ông Nguyễn Văn Linh là đại diện phụ trách Bưu cục Viettel post huyện Đồng Văn cho biết không có hóa đơn chứng từ liên quan số hàng hóa trên. Ông Linh cho biết thêm số hàng hóa trên được gửi từ tỉnh Lai Châu về thị trấn Phố, Bảng huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang.
Đội QLTT số 9 dã niêm phong hàng hóa vi phạm theo quy định
Đội Quản lý thị trường số 9 đã tiến hành tạm giữ toàn bộ số hàng hóa trên để tiền hành các bước thẩm tra xác minh các tình tiết liên quan đến vụ việc làm căn cứ xử lý theo quy định của pháp luật.