Đăng nhập

Lạng Sơn: Thu giữ 400 kg chân lợn đông lạnh không rõ nguồn gốc

Đồn Biên phòng Cửa khẩu Chi Ma vừa bắt giữ một vụ vận chuyển 400 kg chân lợn đông lạnh không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc.

Cụ thể, hồi 4 giờ ngày 8/10/2024, tại khu vực thôn Chi Ma, xã Yên Khoái, huyện Lộc Bình, tổ kiểm soát cơ động Đồn Biên phòng Cửa khẩu Chi Ma chủ trì, phối hợp với Chi cục Hải quan Cửa khẩu Chi Ma trong khi thực hiện nhiệm vụ đã phát hiện một nhóm người đang mang vác, vận chuyển bao tải có biểu hiện nghi vấn.Thấy lực lượng chức năng, số người trên đã bỏ lại bao tải, lợi dụng đêm tối để chạy thoát thân.

Số chân lợn không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc bị lực lượng chức năng tịch thu để đưa đi tiêu hủy

Qua kiểm tra, bên trong các bao tải bị các đối tượng bỏ lại là chân lợn đông lạnh với tổng trọng lượng 400 kg.

Lực lượng chức năng đã tiến hành lập biên bản tịch thu số chân lợn đông lạnh trên để đưa đi tiêu hủy theo quy định của pháp luật.

Lai Châu: Xử phạt cơ sở kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc

Ngày 25/9, Cục quản lý thị trường Lai Châu thông tin về vụ việc xử phạt 1 cơ sở kinh doanh thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ tại huyện Than Uyên.

Cụ thể, ngày 22/9, Đội Quản lý thị trường số 3, Cục Quản lý thị trường tỉnh Lai Châu tiến hành kiểm tra đột xuất đối với cửa hàng kinh doanh thực phẩm thuộc Hợp tác xã My Anh Điệp, có địa chỉ tại Bản Nà Phát, xã Phúc Than, huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu.

Kiểm tra, phát hiện 600 sản phẩm bim bim, gà cay không rõ nguồn gốc, xuất xứ

Tại thời điểm kiểm tra phát hiện cửa hàng đang bày bán 600 sản phẩm bim bim cánh gà cay, trị giá 2,4 triệu đồng. Thông tin được thể hiện trên nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa không có căn cứ xác định được nguồn gốc nơi sản xuất hoặc xuất xứ của hàng hóa. Bà Đỗ Huyền My là giám đốc Hợp tác xã My Anh Điệp không xuất trình được hóa đơn, chứng từ, giấy tờ để chứng minh nguồn gốc, xuất xứ của hàng hóa.

Đoàn kiểm tra đã lập biên bản vi phạm hành chính, trình Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 3 ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 3 triệu đồng, đồng thời buộc tiêu hủy toàn bộ số hàng hóa vi phạm không đảm bảo điều kiện lưu thông trên thị trường theo quy định.

Quảng Trị: Phát hiện bánh Trung thu và thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ 

Ngày 10/9/2024, Đội Quản lý thị trường số 1 thuộc Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Trị đã phối hợp với Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Quảng Trị tiến hành kiểm tra đột xuất Hộ kinh doanh Đ.T.L, địa chỉ tại phường 5, thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị.

Tại thời điểm kiểm tra, Đoàn kiểm tra phát hiện cơ sở có kinh doanh 340 sản phẩm bánh các loại và 10kg lạp xưởng không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Chủ hộ kinh doanh không xuất trình được hoá đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ của các loại hàng hóa nêu trên.

Đội Quản lý thị trường số 1 kiểm tra tại hộ kinh doanh

Đội Quản lý thị trường số 1 đã tạm giữ toàn bộ hàng hóa vi phạm để xác minh các tình tiết liên quan nhằm xử lý vụ việc theo quy định của pháp luật.

Lạng Sơn: Tiêu hủy 1,5 tấn chân gà không rõ nguồn gốc

Ngày 12/8, Chỉ huy Đồn Biên phòng Cửa khẩu Chi Ma cho biết, đơn vị vừa tổ chức tiêu hủy 1,5 tấn chân gà không rõ nguồn gốc.

Trước đó, hồi 10 giờ ngày 9/8/2024, tại thôn Bản Giểng, xã Tú Mịch, huyện Lộc Bình, tổ kiểm soát cơ động Đồn Biên phòng Cửa khẩu Chi Ma chủ trì phối hợp với Chi cục Hải Quan Chi Ma và Công an xã Tú Mịch trong khi đang làm nhiệm vụ phát hiện 2 nam giới khoảng hơn 20 tuổi đứng bên cạnh 2 hai xe ô tô con màu trắng đang dừng đỗ tại khu vực bãi đất trống ven đường có nhiều biểu hiện nghi vấn.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cửa khẩu Chi Ma vận chuyển số gà không rõ nguồn đến vị trí tiêu hủy

Tổ kiểm soát cơ động đã tiến hành kiểm tra hành chính, qua đó, phát hiện bên trong 2 hai chiếc xe ô tô có chứa 100 bao hàng chân gà đông lạnh, với tổng trọng lượng 1,5 tấn, không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc.

Tổ cổng tác đã lập biên bản vi phạm, đưa các đối tượng và toàn bộ tang vật cùng phương tiện về đồn để xác minh, làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.

Thu hồi, tiêu hủy 206 sản phẩm mỹ phẩm không đáp ứng điều kiện sản xuất

Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) vừa thông báo về việc đình chỉ lưu hành, thu hồi trên toàn quốc để tiêu hủy đối với 206 sản phẩm mỹ phẩm do Công ty cổ phần sản xuất và thương mại Belux Việt Nam sản xuất.

Cụ thể, ngày 31/7, Cục Quản lý Dược ra thông báo đình chỉ lưu hành, thu hồi trên toàn quốc 206 sản phẩm do Công ty cổ phần sản xuất và thương mại Belux Việt Nam (địa chỉ: số 57 Lê Hữu Tự, xã Nguyên Khê, huyện Đông Anh, TP. Hà Nội) sản xuất. Lý do đình chỉ lưu hành, thu hồi, tiêu hủy: Sản phẩm mỹ phẩm sản xuất tại cơ sở không đáp ứng các điều kiện sản xuất mỹ phẩm theo quy định.

Cục Quản lý Dược thông báo về việc đình chỉ lưu hành, thu hồi trên toàn quốc để tiêu hủy đối với 206 sản phẩm mỹ phẩm do Công ty cổ phần sản xuất và thương mại Belux Việt Nam sản xuất

206 sản phẩm mỹ phẩm nằm trong diện thu hồi do Công ty cổ phần sản xuất và thương mại Belux Việt Nam đứng tên hoặc ủy quyền cho các tổ chức, cá nhân đứng tên công bố và phân phối, bao gồm:

Nhãn hàng Sarador (Whitening Ultrawwhite+ Spotless; Gold Saffron Nest Mask do Công ty cổ phần BN Care Group (Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội) chịu trách nhiệm trên thị trường;

Nước Rửa Tay Khô Casavi do Công ty cổ phần Casavi (ở Hoàng Mai, Hà Nội) chịu trách nhiệm trên thị trường;

Nhãn hàng GFS (sản phẩm Rejuvenating Serum) của Công ty cổ phần công nghệ môi trường Nano Việt (ở TP. Vũng Tàu);

Dung dịch rửa tay khô kháng khuẩn Nano Handshied của Công ty cổ phần công nghệ Nano Ứng Dụng (ở Xuân La, Tây Hồ);

Nhãn hàng GPRO (Cordyceps Cleanser; Cordyceps Detox Mask; FGF Stem Cell; Peel Enzyme Papain) của Công ty cổ phần công nghệ sinh học Bitechpharm (ở phường Hiệp Phú, Quận 9, TP. Hồ Chí Minh);

Nhãn hàng Đăng Dương với sản phẩm Dung dịch vệ sinh miệng Adult Oral Care Đăng Dương, của Công ty cổ phần đầu tư thương mại và dịch vụ Global Đăng Dương (Mê Linh, Hà Nội);

Sản phẩm kem Gạo dưỡng da Body, kem Gạo ủ trắng Body, kem Gạo dưỡng da Body của Công ty cổ phần đẹp Beauty Group (ở Phú La, Hà Đông);

Nhãn hàng Tx-20 (Kem dưỡng da ban đêm, kem chống nắng, sữa rửa mặt) của Công ty cổ phần đông y dược Đức Nguyên Đường (ở Thanh Xuân, Hà Nội);

Nhãn hàng Reél Beauty (Tinh chất thảo dược Reél Beaute) của Công ty cổ phần đông y Từ Tâm (ở Gò Vấp, TP. Hồ Chí Minh);

Sản phẩm xịt Thảo dược của Công ty cổ phần dược phẩm Annami (Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội)…

Thái Nguyên: Phát hiện kho chứa 89 bình khí cười

Đêm 18/7, Công an tỉnh Thái Nguyên đã phát hiện một số đối tượng vận chuyển hàng chục bình khí, nghi là khí cười (N2O)

Vào khoảng 23h30, ngày 18/7, Đội Cảnh sát trật tự - Phản ứng nhanh (113), Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an tỉnh phối hợp với Công an phường Túc Duyên, TP Thái Nguyên tiến hành kiểm tra, phát hiện bên trong một ngôi nhà thuộc tổ 2, phường Túc Duyên có 89 bình khí các loại, nghi là bình khí cười (N2O).

Cảnh sát 113 phát hiện, thu giữ các loại bình khí, nghi là bình khí cười (N2O).

Tại thời điểm trên, N.T.L (SN 2000, trú tại tổ 8, phường Túc Duyên) và N.V.C (SN 1996, trú tại huyện Yên Dũng tỉnh Bắc Giang) đang chuẩn bị vận chuyển các bình khí.

Quá trình làm việc với cơ quan Công an, N.T.L và N.V.C cho biết họ làm thuê cho  Đ.M.H (SN 1995, trú tại tổ 3, phường Túc Duyên), toàn bộ số bình khí trên là của Đ.M.H. Tổ công tác đã tiến hành lập biên bản và bàn giao vụ việc cho Công an TP Thái Nguyên để giải quyết theo quy định của pháp luật. 

An Giang: Phát hiện 11,7 tấn mật ong không rõ nguồn gốc xuất xứ

Ngày 19/7/2024, Lực lượng Quản lý thị trường tỉnh An Giang thông tin cho biết vừa phát hiện và tạm giữ 11.7 tấn mật ong nghi vấn không rõ nguồn gốc xuất xứ trên địa bàn thị xã Tịnh Biên.

Cụ thể ngày 15/7/2024, tại khu công nghiệp Xuân Tô, Đội Quản lý thị trường số 1 phối hợp với các đơn vị chức năng đã kiểm tra một xe ô tô tải biển số 51C-475.54 do ông Đ. Th. V. điều khiển.

Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện trên xe có 4.448 chai sản phẩm hóa chất, bao gồm dung môi pha mực in và nước tẩy rửa công nghiệp. Hàng hóa này có đầy đủ hóa đơn chứng từ và được vận chuyển hợp pháp.

Đang niêm phong hàng hóa là dung môi pha mực in 

Tuy nhiên, lực lượng chức năng cũng phát hiện thêm 45 thùng sắt có khối lượng 262kg/thùng, chứa 11.790 kg sản phẩm nghi vấn là mật ong. Toàn bộ số mật ong này không có nhãn mác, hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Ước tính giá trị của số mật ong này lên đến 530,5 triệu đồng.

Các thùng phuy sắt nghi vấn chứa mật ong

Đoàn kiểm tra đã tạm giữ toàn bộ tang vật và phương tiện vi phạm với tổng giá trị 743,4 triệu đồng để tiếp tục điều tra làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.

Bình Phước: Bắt giữ 2 đối tượng vận chuyển pháo nổ trái phép

Ngày 4-7, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Phước cho biết vừa bắt giữ 2 đối tượng vận chuyển pháo nổ trái phép.

Hai đối tượng cùng tang vật bị Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Phước phối hợp bắt giữ.

Trước đó, khoảng 19 giờ ngày 3-7, tại xã Thiện Hưng, huyện Bù Đốp (Bình Phước), Đồn Biên phòng Bù Đốp chủ trì, phối hợp với Đội Đặc nhiệm Phòng phòng, chống ma túy và tội phạm, Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Phước, Công an xã Thiện Hưng kiểm tra, kiểm soát địa bàn khu vực biên giới phát hiện 1 xe ô tô tải có nhiều biểu hiện nghi vấn, tổ công tác đã yêu cầu đứng lại và kiểm tra. Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ 2 đối tượng vận chuyển 35kg pháo nổ trái phép.

Chiếc xe tải bị bắt giữ cùng tang vật.

Hai đối tượng Nguyễn Hải Nam và Trần Anh Tuấn cùng thường trú tại phường Long Phước, thị xã Phước Long, Bình Phước điều khiển xe ô tô tải màu xanh, biển kiểm soát 93C-14650, trong thùng xe có 1 bao tải màu đen bên trong có 35kg pháo nổ. Điều tra ban đầu, hai đối tượng khai nhận số pháo nổ trên được mua của đối tượng không rõ nhân thân, lai lịch.

Hiện vụ việc đang được các lực lượng chức năng tiếp tục điều tra, xử lý theo quy định pháp luật.

Yên Bái: Tiêu hủy hàng thực phẩm đóng gói nhập lậu

Ngày 5/6/2024 - Lực lượng chức năng tỉnh Yên Bái đã phối hợp tiêu hủy 6 mặt hàng thực phẩm nhập lậu không rõ nguồn gốc xuất xứ, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.

Vào ngày 24 tháng 5, Đội Quản lý thị trường số 5 phối hợp với Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu và môi trường Công an tỉnh Yên Bái đã kiểm tra một xe ô tô tải vận chuyển hàng hóa trên địa bàn.

Kết quả kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện trên xe có 6 mặt hàng thực phẩm do Trung Quốc sản xuất gồm kẹo bông, kẹo bò húc, kẹo thạch trái cây, xúc xích ăn liền, thanh cua ăn liền và cánh gà ăn liền. Toàn bộ số hàng hóa này đều không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ và được xác định là hàng hóa nhập lậu.

Đội Quản lý thị trường số 5 đã xác định chủ sở hữu số hàng hóa vi phạm là bà H.T.C (trú tại thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai). Bà H.T.C đã bị xử phạt vi phạm hành chính 16 triệu đồng và buộc tiêu hủy toàn bộ số hàng hóa nhập lậu trên với tổng giá trị 25.355.000 đồng.

Việc tiêu hủy số hàng thực phẩm nhập lậu này nhằm bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng và ngăn chặn tình trạng buôn bán hàng hóa trái phép trên địa bàn tỉnh Yên Bái.

Gia Lai: Tạm giữ 31 sản phẩm nghi thuốc lá điện tử không rõ nguồn gốc

Ngày 9-5, Công an huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai) phối hợp với Đội Quản lý thị trường số 4 (Cục Quản lý thị trường tỉnh) đã lập biên bản tạm giữ 31 sản phẩm nghi là thuốc lá điện tử không rõ nguồn gốc xuất xứ hàng hóa.

Trước đó, Công an huyện Chư Sê phối hợp với Đội Quản lý thị trường số 4 và Công an xã Ia Hlốp tiến hành kiểm tra cơ sở kinh doanh Nguyệt Nga tại thôn 2 (xã Ia Hlốp, huyện Chư Sê do bà Lê Thị Nga làm chủ cơ sở kinh doanh.

Sản phẩm nghi là thuốc lá điện tử không rõ nguồn gốc được lực lượng chức năng lập biên bản tạm giữ. 

Quá trình kiểm tra phát hiện, bà Nga đang kinh doanh 31 sản phẩm nghi là thuốc lá điện tử (POD). Số sản phẩm này do bà Nga mua trên mạng để về bán kiếm lời.

Tại thời điểm kiểm tra, bà Nga không xuất trình được hóa đơn chứng từ về nguồn gốc của số sản phẩm này. Tổ công tác đã tiến hành lập biên bản và tạm giữ toàn bộ tang vật, bàn giao hồ sơ vụ việc cho Đội Quản lý thị trường số 4 xác minh xử lý theo đúng quy định của pháp luật.