Bộ Y tế khẩn chỉ đạo rà soát thông tin liên quan đến các cơ sở sản xuất, buôn bán sữa giả
Trước diễn biến phức tạp của vụ án sản xuất và buôn bán sữa giả, Bộ Y tế đã có công văn khẩn yêu cầu Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các đơn vị liên quan tiến hành rà soát, cung cấp thông tin chi tiết về các cơ sở sản xuất, buôn bán sữa giả trên địa bàn.
Sáng 15/4, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) Nguyễn Hùng Long đã ký công văn gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Sở An toàn thực phẩm TP.HCM, Ban Quản lý An toàn thực phẩm Đà Nẵng và Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm các tỉnh Hà Nội, Hòa Bình, Hưng Yên, Hải Dương. Công văn này yêu cầu các đơn vị khẩn trương rà soát và cung cấp thông tin liên quan đến 11 công ty nằm trong danh sách điều tra của Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an về đường dây sản xuất, buôn bán sữa bột giả quy mô lớn tại Hà Nội và các tỉnh lân cận.
Một nhãn hiệu sữa bột giả do Công ty cổ phần Dược quốc tế Rance Pharma sản xuất.
Cụ thể, Cục An toàn thực phẩm yêu cầu các đơn vị rà soát việc công bố sản phẩm của 11 công ty và các chi nhánh nếu có trên địa bàn. Nếu các công ty này có công bố sản phẩm tại địa phương, cần cung cấp thông tin về số lượng sản phẩm đã công bố, tên của từng sản phẩm. Bên cạnh đó, các đơn vị cũng được yêu cầu rà soát việc cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm cho các công ty này tại địa phương, cũng như thông tin về hoạt động thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm và xử lý vi phạm hành chính đối với các cơ sở này trong giai đoạn từ năm 2021 đến nay.
Phó Cục trưởng Nguyễn Hùng Long nhấn mạnh yêu cầu các đơn vị khẩn trương thực hiện rà soát và báo cáo kết quả sớm về Cục An toàn thực phẩm để tổng hợp, báo cáo cơ quan cấp trên.
Danh sách 11 công ty cần rà soát thông tin bao gồm: Công ty cổ phần Dược quốc tế Rance Pharma, Công ty cổ phần Dược dinh dưỡng Hacofood Group, Công ty cổ phần Dược quốc tế Group, Công ty cổ phần Dược quốc tế Big Four Pharma, Công ty cổ phần Dược quốc tế Long Khang Group, Công ty cổ phần Dinh dưỡng Y học BFF, Công ty cổ phần Dược quốc tế Safaco Group, Công ty cổ phần Dược quốc tế Darifa Group, Công ty cổ phần Dược quốc tế Win CT, Công ty cổ phần Dược phẩm dinh dưỡng Phúc An Khang và Công ty cổ phần dược Á Châu.
Xử lý nghiêm cán bộ, công chức bao che, tiếp tay cho các đối tượng buôn lậu thuốc lá, thuốc lá điện tử
Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước (Bộ Công Thương) vừa có công văn gửi Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn hành vi vi phạm đối với thuốc lá điếu ngoại nhập lậu, xì gà nhập lậu, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.
Trong công văn số 72/TTTN-NV ngày 17 tháng 3 năm 2025 gửi Chi Cục QLTT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước nhấn mạnh, trong thời gian vừa qua, thực hiện chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, Ban chỉ đạo 389 quốc gia, Bộ Công Thương, lực lượng QLTT cả nước có nhiều cố gắng trong việc ngăn chặn buôn lậu, vận chuyển, tàng trữ, buôn bán thuốc lá điếu ngoại nhập lậu, xì gà nhập lậu, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và đã đạt được một số kết quả nhất định, góp phần ổn định thị trường và thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh trong nước.
Để tiếp tục nghiêm túc triển khai thực hiện nội dung chỉ đạo tại Nghị quyết số 173/2024/QH15 ngày 30 tháng 11 năm 2024 của Quốc hội về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV liên quan đến thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng cũng như việc tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, ngăn chặn việc vận chuyển, tàng trữ, buôn bán thuốc lá điếu ngoại nhập lậu, xì gà nhập lậu, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, trong thời gian tới, Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước yêu cầu các Chi cục QLTT, tiếp tục tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, ngăn chặn hành vi buôn bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép thuốc lá điếu ngoại nhập lậu, xì gà nhập lậu, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, xác định rõ đây là các mặt hàng trọng điểm của công tác kiểm tra, kiểm soát, cần phải thực hiện thường xuyên, liên tục và hiệu quả.
Chủ động phối hợp với lực lượng Công an rà soát, xác định địa bàn, đối tượng trọng điểm, tập trung đấu tranh, triệt phá các đường dây, ổ nhóm, tụ điểm buôn lậu, vận chuyển, kinh doanh thuốc lá điếu ngoại nhập lậu, xì gà nhập lậu, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.
Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước cũng yêu cầu Chi cục trưởng Chi cục QLTT, Đội trưởng Đội QLTT chịu trách nhiệm toàn diện trong việc chỉ đạo và tổ chức công tác đấu tranh chống buôn lậu, vận chuyển, tàng trữ, buôn bán thuốc lá điếu ngoại nhập lậu, xì gà nhập lậu, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng trên địa bàn trực tiếp quản lý nếu để xảy ra vi phạm. Xử lý nghiêm các cán bộ, công chức bao che, tiếp tay hoặc làm ngơ cho các đối tượng vi phạm.
Đề xuất phạt đến 2 triệu đồng nếu chứa chấp, sử dụng thuốc lá điện tử
Bộ Y tế đang xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28-9-2020 của Chính phủ, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.
Trong dự thảo, Bộ Y tế đề xuất phạt tiền 1-2 triệu đồng đối với hành vi chứa chấp, sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng; phạt tiền gấp 2 lần mức tiền phạt quy định trên đối với hành vi tái phạm. đối tượng vi phạm còn bị tịch thu thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và tiêu hủy thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng; cơ quan chức năng sẽ gửi thông báo xử phạt vi phạm hành chính tới cơ quan, tổ chức của đối tượng vi phạm để xử lý theo quy định, nội quy, quy chế của đơn vị đó.
Lực lượng QLTT tạm giữ hàng trăm sản phẩm, tinh dầu thuốc lá điện tử
Đây là một quyết định thể hiện sự kiên quyết của Chính phủ trong việc bảo vệ sức khỏe cộng đồng, đặc biệt là trong bối cảnh thuốc lá điện tử đang ngày càng phổ biến, nhất là trong giới trẻ.
Mặc dù được quảng cáo là giải pháp thay thế ít hại hơn so với thuốc lá truyền thống, nhưng các nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng không phải là một lựa chọn an toàn. Hít phải hơi thuốc từ những sản phẩm này có thể gây tổn hại cho hệ hô hấp, thậm chí làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, ung thư phổi và các bệnh liên quan đến đường hô hấp. Đặc biệt, các chất hóa học có trong dung dịch thuốc lá điện tử, như nicotine và các hợp chất độc hại khác, có thể gây nghiện và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người sử dụng.
Trước tình hình trên, Bộ Y tế đã mạnh tay trong việc đề xuất các mức phạt nặng đối với hành vi chứa chấp và sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. Mức phạt tiền từ 1 đến 2 triệu đồng, và đặc biệt là mức phạt gấp đôi nếu tái phạm, thể hiện sự nghiêm túc trong việc bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Đáng chú ý, các sản phẩm thuốc lá điện tử sẽ bị tịch thu và tiêu hủy, đồng thời cơ quan chức năng sẽ gửi thông báo xử phạt tới cơ quan, tổ chức của đối tượng vi phạm, yêu cầu xử lý theo quy định nội bộ của đơn vị đó.
Chính sách này không chỉ tạo ra sự răn đe mạnh mẽ đối với các cá nhân, tổ chức vi phạm mà còn nâng cao ý thức cộng đồng về tác hại của thuốc lá điện tử. Việc tịch thu và tiêu hủy thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng cũng sẽ ngăn chặn sự lưu hành của các sản phẩm này trên thị trường, bảo vệ sức khỏe của người dân, đặc biệt là những đối tượng dễ bị tổn thương như học sinh, sinh viên.
Việc cấm thuốc lá điện tử, đặc biệt là trong bối cảnh hiện nay, không chỉ là một giải pháp y tế mà còn là một hành động thiết thực thể hiện trách nhiệm của Nhà nước trong việc bảo vệ sức khỏe và tương lai của toàn xã hội.
Phát hiện hơn 3.000 mỹ phẩm nhập lậu từ Trung Quốc tại Đà Nẵng
Ngày 6/1/2025, Cục Quản lý thị trường (QLTT) Đà Nẵng cho biết, vừa phát hiện một hộ kinh doanh chứa gần 3.300 đơn vị mỹ phẩm nhập lậu, giả mạo nhãn hiệu.
Trong cuộc kiểm tra đột xuất đối với hộ kinh doanh M.P.T.T trên địa bàn quận Thanh Khê, Đội QLTT số 3 thuộc Cục QLTT Đà Nẵng đã phát hiện 3.292 sản phẩm là mỹ phẩm các loại do Trung Quốc sản xuất gồm chai xịt tóc, dầu gội, mặt nạ dưỡng da.
Đội QLTT Số 3 tiến hành kiểm tra đột xuất Hộ kinh doanh M.P.T.T.
Toàn bộ hàng hóa trên được mua trôi nổi trên thị trường, không có hóa đơn chứng từ chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa, với tổng giá trị 39 triệu đồng.
Lực lượng chức năng còn phát hiện hộ kinh doanh này đang bày bán nước hoa gắn thương hiệu Gucci, có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu đang được bảo hộ tại Việt Nam.
Đội QLTT Số 3 phát hiệu hàng nhập lậu tại cơ sở kinh doanh của hộ M.P.T.T.
Tại thời điểm kiểm tra, đoàn kiểm tra phát hiện hộ này có hoạt động kinh doanh tại nhiều địa điểm nhưng không thông báo cho cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi đặt trụ sở hộ kinh doanh, cơ quan thuế, cơ quan quản lý thị trường.
Đội QLTT số 3 đã tạm giữ toàn bộ hàng hóa có dấu hiệu vi phạm theo quy định, đồng thời hoàn thiện hồ sơ, trình cấp thẩm quyền ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với hộ kinh doanh nêu trên theo quy định pháp luật.