Thái Nguyên: Thu giữ hơn 1.700 sản phẩm quần áo nhập lậu
Ngày 27/12/2024, Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Thái Nguyên cho biết, Đội QLTT số 2 vừa tiến hành kiểm tra, phát hiện và thu giữ hơn 1.700 sản phẩm quần áo nhập lậu tại một hộ kinh doanh trên địa bàn.
Trước đó, chiều ngày 26/12/2024, Đoàn kiểm tra của Đội QLTT số 2 đã tiến hành kiểm tra đột xuất Hộ kinh doanh L.T.T.N trên địa bàn Thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên phát hiện và thu giữ hơn 1.700 sản phẩm quần áo nhập lậu có tổng trị giá hơn 54 triệu đồng.
Lực lượng QLTT tỉnh Thái Nguyên kiểm tra cơ sở kinh doanh
Tại thời điểm kiểm tra, Đoàn kiểm tra phát hiện tại cửa hàng đang kinh doanh các sản phẩm quần áo trẻ em là hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ bao gồm: 825 chiếc áo giữ nhiệt trẻ em, 453 chiếc quần trẻ em, 423 bộ quần áo trẻ em, 30 bộ quần áo nỉ trẻ em, tổng trị giá hàng hóa vi phạm là 54.030.000 đồng.
Đoàn kiểm tra của Đội QLTT số 2 đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với hộ kinh doanh L.T.T.N về hành vi vi phạm kinh doanh hàng hoá không rõ nguồn gốc xuất xứ và tiến hành tạm giữ toàn bộ số hàng hóa nêu trên để trình cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định.
Thanh Hóa: Triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán pháo nổ
Ngày 18/12, Công an tỉnh Thanh Hoá thông tin, Công an TP Thanh Hoá vừa bắt giữ, khởi tố 5 bị can để điều tra tội “Sản xuất, buôn bán hàng cấm”.
Trước đó, qua công tác nắm tình hình trên không gian mạng, Công an TP Thanh Hóa phát hiện có hội nhóm kín gồm nhiều đối tượng chuyên mua các nguyên liệu từ nhiều nguồn khác nhau để tự sản xuất pháo, sau đó rao bán trên các trang mạng xã hội.
Các đối tượng và tang vật liên quan vụ án.
Tiến hành điều tra xác minh, Công an TP Thanh Hóa nhanh chóng làm rõ hành vi và các phương thức, thủ đoạn hoạt động của nhóm đối tượng này. Sau khi có đầy đủ tài liệu, chứng cứ, Công an TP Thanh Hóa đã phối hợp với Công an các tỉnh Hải Dương, Hưng Yên và Công an TP Hải Phòng tiến hành phá án, bắt giữ 5 đối tượng trong đường dây sản xuất, buôn bán pháo nổ, gồm: Nguyễn Tùng Lâm (SN 1998), trú tại xã Lê Hồng, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương; Phạm Thành Công (SN 1980); Lê Quang Ánh (SN 1983), cùng trú tại phường Lam Sơn, TP Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên; Trần Văn Mạnh, (SN 1985), trú tại xã Đức Hợp, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên và Nguyễn Tuấn Anh (SN 1989), trú tại xã Tân Viên, huyện An Lão, TP Hải Phòng. Tang vật thu giữ là 115kg pháo các loại cùng nhiều dụng cụ để sản xuất pháo nổ trái phép.
Tại cơ quan điều tra, các đối tượng khai báo, do nắm bắt được nhu cầu mua các sản phẩm pháo hoa, pháo nổ của người dân dịp Tết tăng cao, các đối tượng này đã lập nhóm kín trên mạng xã hội và câu kết với nhau để mua các nguyên liệu, sau đó về tự sản xuất pháo và rao bán trên các hội nhóm kín trên mạng xã hội.
Quảng Trị: Bắt giữ đối tượng vận chuyển 18.000 viên ma tuý tổng hợp qua biên giới
Ngày 2/12/2024, Công an tỉnh Quảng Trị cho biết Công an huyện Đakrông vừa phối hợp với các lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ vụ vận chuyển 18.000 viên ma tuý tổng hợp từ Lào về Việt Nam.
Theo đó, khoảng 9h40 ngày 1/12/2024, tại Km 66+950 Quốc lộ 9 (đoạn qua địa phận thôn Liên Hòa, xã Tân Liên, huyện Hướng Hóa), tổ công tác đã bắt quả tang Hồ Vay (20 tuổi, ngụ bản Pa Lo, huyện Noòng, tỉnh Savannakhet, Lào) đang thực hiện hành vi vận chuyển trái phép chất ma túy.
Đối tượng Hồ Vay cùng tang vật ma túy.
Tang vật thu giữ gồm 18.000 viên ma túy tổng hợp cùng 1 xe máy, 1 điện thoại di động và 3.200 kíp Lào.
18.000 viên ma túy tổng hợp do Hồ Vay vận chuyển từ biên giới về.
Qua đấu tranh, Hồ Vay khai số ma túy trên được đối tượng nhận vận chuyển từ huyện Noòng (tỉnh Savannakhet) đến khu vực thị trấn Khe Sanh (huyện Hướng Hóa) để nhận tiền công.
Vụ việc đã được chuyển giao đến Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Trị để tiến hành điều tra, làm rõ, xử lý theo quy định.
Đồng Nai: Phát hiện một người tàng trữ hơn 80kg pháo lậu tại Trảng Bom
Ngày 13/11/2024, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh đang phối hợp với các cơ quan chức năng điều tra, xử lý vụ phát hiện đối tượng tàng trữ hơn 80kg pháo lậu.
Số pháo công an thu giữ của N.H.D.
Trước đó, vào khuya 9-11, qua công tác nắm địa bàn, lực lượng trinh sát Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ phát hiện, bắt quả tang N.H.D. (37 tuổi, ngụ xã Bình Minh, huyện Trảng Bom) đang tàng trữ 42 hộp pháo và 5 cây pháo bọc giấy nhiều màu sắc, nghi là pháo nổ, tổng khối lượng tang vật hơn 80 kg.
Qua làm việc, lực lượng công an xác định, số pháo được đối tượng trên mua về để chuẩn bị bán ra thị trường vào dịp cuối năm. Hiện vụ việc đang được cơ quan công an tiếp tục điều tra, làm rõ.
Hưng Yên: Xử phạt 01 cơ sở kinh doanh hàng hoá giả mạo nhãn hiệu.
Ngày 28/10/2024, Cục QLTT Hưng Yên cho biết, Đội QLTT số 2 đã thực hiện biện pháp nghiệp vụ thu thập, thẩm tra xác minh thông tin, phát hiện, kiểm tra và xử lý 01 cơ sở kinh doanh giày dép kinh doanh hàng hoá giả mạo nhãn hiệu adidas.
Cụ thể, ngày 18/10/2024, Đội QLTT số 2 đã tiến hành kiểm tra đột xuất Hộ kinh doanh N.T.T.T 1999, địa chỉ: Chợ Mễ Sở, xã Mễ Sở, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Tại thời điểm kiểm tra, hộ kinh doanh N.T.T.T 1999 đang bày bán 20 đôi giày nữ được dập chìm chữ adidas lên sản phẩm, chữ adidas không thể gỡ bỏ, không xoá được trên sản phẩm, chữ adidas trên sản phẩm không sắc nét, sản phẩm có đường chỉ may không đều nhau, số giày này không có hộp đựng sản phẩm, có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài, không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam, toàn bộ số giày này có dấu hiệu là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu.
Đội QLTT số 2 đã tiến hành tạm giữ số hàng hoá trên để xác minh, làm rõ. Quá trình thu thập, thẩm tra, xác minh thông tin, phối hợp với chủ thể quyền đại diện cho nhãn hiệu adidas tại Việt Nam, làm việc với bà N.T.T.T - chủ hộ kinh doanh N.T.T.T 1999. Bà N.T.T.T đã thừa nhận hành vi vi phạm hành chính: Buôn bán hàng hoá giả mạo nhãn hiệu. Tổng giá trị hàng hoá vi phạm hành chính theo giá niêm yết là: 4.800.000 đồng (Bốn triệu tám trăm nghìn đồng chẵn).
Ngày 21/10/2024, Đội đã lập Biên bản vi phạm hành chính và ban hành quyết định xử phạt hành chính đối với Hộ kinh doanh N.T.T.T 1999 về hành vi vi phạm hành chính: Buôn bán hàng hoá giả mạo nhãn hiệu, phạt tiền: 6.000.000 đồng và buộc tiêu hủy toàn bộ số giày nữ giả mạo nhãn hiệu.
Bà N.T.T.T đã chấp hành quyết định xử phạt, tiêu huỷ toàn bộ số giày nữ giả mạo nhãn hiệu trước sự giám sát của Đội QLTT số 2.
Phú Yên: Phát hiện và tạm giữ 1.563 sản phẩm thời trang có dấu hiệu làm giả nhãn hiệu nổi tiếng
Ngày 9/10/2024, thông tin từ Cục QLTT tỉnh Phú Yên cho biết, Đội QLTT số 1 phối hợp với lực lượng chức năng tỉnh phát hiện và tạm giữ 1.563 chiếc áo và vest có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu Zara, Mango vận chuyển trên xe tải đang trên đường tiêu thụ.
Cụ thể, vào rạng sáng ngày 09/10/2024, Đội QLTT số 1, Cục QLTT tỉnh Phú Yên phối hợp với Phòng Cảnh sát Kinh tế và Phòng Cảnh sát Giao thông, Công an tỉnh Phú Yên tiến hành kiểm tra xe ô tô tải BKS 89H-06356 đang lưu thông theo hướng Bắc - Nam.
Phương tiện vận chuyển hàng hóa có dấu hiệu vi phạm bị lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra
Kết quả kiểm tra, Đoàn kiểm tra phát hiện trên xe vận chuyển 1.563 chiếc áo, váy và áo vest có dấu hiệu giả mạo các nhãn hiệu Zara và Mango. Đây là các thương hiệu thời trang lớn, đã được đăng ký bảo hộ tại Việt Nam.
Số hàng hóa có dấu hiệu vi phạm bị lực lượng chức năng tỉnh Phú Yên tạm giữ
Tại thời điểm kiểm tra, lái xe không xuất trình được các hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ hợp pháp của hàng hóa được vận chuyển trên phương tiện.
Đội QLTT số 1 phối hợp với Phòng Cảnh sát Kinh tế, Công an tỉnh Phú Yên tiến hành lập biên bản và chuyển giao cho Công an thành phố Tuy Hòa để tiếp tục điều tra, xử lý hình sự theo thẩm quyền.
Thái Nguyên: Kiểm tra, phát hiện 1000 chiếc ốp điện thoại không rõ nguồn gốc xuất xứ trên môi trường mạng xã hội
Ngày 24/9/2024, qua rà soát phát hiện hoạt động quảng cáo bán hàng qua tài khoản mạng xã hội Facebook “N.S.T” có địa chỉ: Tổ 1, phường Tân Thịnh, thành phố Thái Nguyên; Đoàn kiểm tra Đội QLTT số 2 đã kiểm tra đột xuất Hộ kinh doanh N.S.T phát hiện 1000 chiếc ốp điện thoại không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Tại thời điểm kiểm tra, Đoàn kiểm tra phát hiện tại hộ kinh doanh đang bày bán 1.000 chiếc ốp điện thoại không có tên nhãn hiệu, không có nhãn hàng hóa, không có thông tin về nguồn gốc nơi sản xuất của hàng hóa hoặc thông tin về tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa, không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa. Tổng giá trị hàng hóa theo giá niêm yết tại hộ kinh doanh gần 10 triệu đồng.
Làm việc với Đoàn kiểm tra, ông T chủ hộ kinh doanh khai nhận toàn bộ số hàng hóa trên được ông mua trôi nổi trên thị trường, không có hóa đơn chứng từ hợp pháp của toàn bộ số hàng hóa nêu trên.
Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 2 đã ban hành Quyết định xử phạt VPHC với hộ kinh doanh N.S.T về hành vi “Kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ” với số tiền phạt 4 triệu đồng và tịch thu 1.000 chiếc ốp điện thoại nêu trên để xử lý theo quy định của pháp luật./.
Đắk Nông: Xử phạt 3 cơ sở bán mỹ phẩm lậu qua mạng xã hội
3 cơ sở kinh doanh mỹ phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ trên mạng xã hội bị lực lượng chức năng tỉnh Đắk Nông phát hiện, xử phạt.
Ngày 10/9/2024, Đội Quản lý thị trường số 2, Cục Quản lý thị trường tỉnh Đắk Nông tiến hành kiểm tra 3 cơ sở kinh doanh sử dụng mạng xã hội Facebook để đăng tin và livestream bán hàng hóa mỹ phẩm.
Lực lượng quản lý thị trường phát hiện các cơ sở này đang có hoạt động kinh doanh các loại mỹ phẩm nhập lậu và không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Lực lượng quản lý thị trường Đắk Nông kiểm tra hàng hóa tại một cửa hàng kinh doanh mỹ phẩm
Đội Quản lý thị trường số 2 đã tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính và ban hành quyết định xử phạt 3 cơ sở này với tổng số tiền 4,5 triệu đồng.
Lực lượng quản lý thị trường tiến hành thu giữ, tiêu hủy các tang vật vi phạm bao gồm: 44 cây son môi mang các nhãn hiệu Last Velvet Lip Tint, Black Rouge, Blur Fudge Tint, 3CE Cluod Lip Tint; 25 chai nước hoa mang các nhãn hiệu Versace, Chanel, Gucci. Tổng giá trị hàng hóa vi phạm là 8.100.000 đồng.
Phú Yên: Tạm giữ số lượng lớn bia không có hóa đơn
Ngày 26/8, Cục Quản lý thị trường tỉnh Phú Yên cho biết, Đội Quản lý thị trường số 1 vừa phát hiện, thu giữ số lượng lớn bia không có hóa đơn, chứng từ hợp pháp kèm theo.
Cụ thể, ngày 25-8, Đội Quản lý thị trường (Cục Quản lý thị trường tỉnh Phú Yên) phối hợp với Phòng Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh Phú Yên) tiến hành dừng và khám phương tiện xe ô tô khách BKS 60B-0xx.xx đang lưu hành theo hướng Bắc-Nam.
Lực lượng Quản lý thị trường đang kiểm đếm số lượng hàng hóa vi phạm
Kết quả khám phương tiện vận tải, Đội Quản lý thị trường số 1 phát hiện trên xe đang vận chuyển 2.200 chai bia hiệu Heineken và 600 chai bia hiệu Corona.
Ông Đ.Đ.T. (trú tại tổ 2, khu 12, xã Long Đức, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai) điều khiển phương tiện này và cũng là người quản lý hàng hóa.
Nhãn chai bia cũng không đúng theo quy định của pháp luật
Toàn bộ hàng có nhãn bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam được ông T. nhận qua đơn vị vận chuyển hàng hóa từ TP. Đông Hà, tỉnh Quảng Trị để vận chuyển vào tỉnh Bình Dương.
Tại thời điểm kiểm tra, ông T. không xuất trình được hóa đơn, chứng từ hợp pháp kèm theo, nhãn hàng hóa không đúng theo quy định của pháp luật.
Đội QLTT số 1 ban hành Quyết định tạm giữ tiếp tục xác minh và làm rõ theo quy định của pháp luật.
Quảng Trị: Xử phạt vi phạm hành chính và buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp gần 45 triệu đồng
Ngày 12/8/2024, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Trị đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Hộ kinh doanh MP có địa chỉ tại Quốc lộ 1A, thôn Gia Môn, xã Phong Bình, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị với số tiền 42.750.000 đồng và buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp 2.160.000 đồng.
Trước đó, thực hiện Quyết định số 888/QĐ-TCQLTT ngày 22/03/2021 của Tổng cục Quản lý thị trường về việc đấu tranh phòng chống hàng giả, hàng không rõ xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ giai đoạn 2021-2025, ngày 30/7/2024, Đội Quản lý thị trường số 3 đã phối hợp với Công an huyện Gio Linh tiến hành kiểm tra đột xuất đối với hộ kinh doanh trên.
Kết quả kiểm tra Đoàn kiểm tra phát hiện: 273 sản phẩm dệt may gồm: quần, tất, giày giả mạo các nhãn hiệu “UNIQLO”, “NIKE” và “adidas” với tổng trị giá 21.535.000 đồng, 15 sản phẩm thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ với tổng trị giá 1.500.000 đồng và 96 sản phẩm thực phẩm, mỹ phẩm nhập lậu với tổng trị giá 11.920.000 đồng. Toàn bộ số hàng hóa này không có hóa đơn chứng từ chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa. Đội Quản lý thị trường số 3 đã tạm giữ toàn bộ tang vật vi phạm nêu trên, phối hợp với chủ sở hữu các nhãn hiệu để xác minh làm rõ. Qua công tác thẩm tra, xác minh, đại diện chủ sở hữu các nhãn hiệu “UNIQLO” “NIKE” và “adidas” khẳng định 273 sản phẩm dệt may nói trên là hàng hoá giả mạo nhãn hiệu. Đồng thời qua quá trình đấu tranh và hộ kinh doanh khai nhận, hộ kinh doanh đã bán 28 sản phẩm thực phẩm và mỹ phẩm nhập lậu ra thị trường, đã thu lợi bất hợp pháp với số tiền 2.160.000 đồng.