Đăng nhập

Hà Nôi: Bắt quả tang cơ sở cung cấp khí cười nằm sâu trong ngõ nhỏ

Ngày 10/10, Công an quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) thông tin về việc vừa triệt phá cơ sở cung cấp khí cười giấu trong thùng đựng cá hồi nằm sâu trong ngõ nhỏ.

Trước đó, vào ngày 9/10, sau khá nhiều thời gian trinh sát, Công an quận Hai Bà Trưng và lực lượng QLTT đã bắt quả tang tại một ngôi nhà tạm trong ngõ 9/13 phố Võ Thị Sáu, phường Thanh Nhàn đang chứa hàng chục bình khí cười.

Thu giữ hàng chục bình khí cười.

Tại đây, Vũ Văn Thành chủ cơ sở trên bước đầu khai nhận, đã chọn thuê ở khu vực lấn chiếm 10m2 làm nơi tập kết và vận chuyển bình khí cười hàng ngày. Bất kể ngày đêm, ngoài việc dùng xe phân khối lớn, Thành trang bị các thùng xốp chuyên đựng cá hồi, va ly cỡ lớn… để chuyên đựng các bình khí đi giao cho khách.

Cơ quan chức năng đã lập biên bản tịch thu hàng chục bình khí cười của Thành. Cùng với việc xử lý hình sự, cơ quan chức năng cũng đề xuất mức phạt hành chính với chủ hàng số tiền hơn 34 triệu đồng.

Quảng Bình: Bắt giữ đối tượng vận chuyển pháo trái phép qua biên giới

Ngày 14/9, Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Cha Lo (BĐBP Quảng Bình) cho biết, đơn vị vừa phối hợp với các lực lượng bắt giữ 1 đối tượng vận chuyển pháo hoa nổ trái phép từ Lào vào Việt Nam.

Theo thông tin ban đầu, vào khoảng 13h30’ ngày 12/9, tại cửa khẩu quốc tế Cha Lo, thuộc xã Dân Hóa, huyện Minh Hóa (Quảng Bình), tổ công tác của Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Cha Lo, Phòng Phòng chống tội phạm và ma túy (BĐBP Quảng Bình), Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế Cha Lo kiểm tra xe đầu kéo biển kiểm soát 12H-01647 do Phạm Trường Thọ (SN 1984, ở xã Chất Bình, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình) điều khiển nhập cảnh từ Lào về Việt Nam qua cửa khẩu quốc tế Cha Lo.

 Phạm Trường Thọ cùng tang vật bị bắt giữ.

Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện phía trên xe có 5 hộp pháo hoa và 36 quả pháo hoa loại cỡ lớn.

Làm việc với lực lượng chức năng, Phạm Trường Thọ khai nhận, toàn bộ tang vật trên là pháo hoa nổ, đối tượng mua ở Lào mang về Việt Nam để sử dụng vào dịp Tết.

Hiện, vụ việc đang được cơ quan chức năng tỉnh Quảng Bình tiếp tục điều tra, xử lý theo quy định pháp luật.

Quảng Ninh: Tạm giữ phương tiện tàu sắt chở khoảng 3.000 lít dầu không có giấy tờ nguồn gốc

Ngày 15/8/2024, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Quảng Ninh cho biết, vừa phối hợp Công an Thị xã Quảng Yên (tỉnh Quảng Ninh) phát hiện, tạm giữ tàu vận chuyển 3.000 lít dầu diezel không có hoá đơn, giấy tờ chứng minh nguồn gốc. 

Cụ thể, vào khoảng 14 giờ ngày 13/8, trong một chiến dịch kiểm tra đột xuất, lực lượng chức năng thuộc Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Quảng Ninh phối hợp cùng Công an Thị xã Quảng Yên đã phát hiện và tạm giữ một tàu vỏ sắt không biển kiểm soát đang neo đậu tại khu vực mặt biển thuộc khu 12, phường Hà An, thị xã Quảng Yên.

Tạm giữ phương tiện tàu sắt chở khoảng 3.000 lít dầu không có giấy tờ nguồn gốc

Khi tiến hành kiểm tra, cơ quan chức năng vô cùng bất ngờ khi phát hiện trên tàu có chứa khoảng 3.000 lít dầu diesel. Tuy nhiên, điều đáng nói là toàn bộ số dầu này đều không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp, tức là dầu "đen".

Chủ phương tiện được xác định là ông Nguyễn Văn Sáu, sinh năm 1974, thường trú tại khu 6, phường Hà An, thị xã Quảng Yên. Tại hiện trường, ông Sáu khai nhận đã mua số dầu trên với giá 15.000 đồng/lít từ một nguồn không rõ ràng và dự định sẽ bán lại để kiếm lời.

Hiện vụ việc đang được Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Quảng Ninh tiếp tục điều tra làm rõ, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Lạng Sơn: Xử phạt 12 triệu đồng Công ty TNHH GNMM COSMETICS vì kinh doanh mỹ phẩm nhập lậu

Ngày 3/8/2024, Cục Quản lý thị trường Lạng Sơn thông tin cho biết, vừa xử phạt 12 triệu đồng đối với Công ty TNHH GNMM COSMETICS do kinh doanh mỹ phẩm nhập lậu, không có hóa đơn, chứng từ hợp lệ.

Cụ thể, ngày 30/7/2024, Đội Quản lý thị trường số 6 Lạng Sơn đã phát hiện Công ty TNHH GNMM COSMETICS, có địa chỉ tại số 12A đường Lê Lợi, phường Vĩnh Trại, thành phố Lạng Sơn, đang kinh doanh mỹ phẩm nhập lậu.

Đội Quản lý thị trường số 6 kiểm tra hàng hóa. 

Theo đó, cơ quan chức năng đã tiến hành kiểm tra cơ sở kinh doanh của công ty này và phát hiện một số lượng lớn mỹ phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp. Hành vi vi phạm này đã được xác định là kinh doanh hàng hóa nhập lậu, trái quy định pháp luật.

Đội Quản lý thị trường số 6 đã quyết định xử phạt hành chính Công ty TNHH GNMM COSMETICS số tiền 12 triệu đồng và buộc tiêu hủy toàn bộ số hàng hóa vi phạm trị giá 6 triệu đồng.

Ông H.Đ.T, người đại diện của Công ty TNHH GNMM COSMETICS đã thừa nhận hành vi vi phạm của mình.

Cao Bằng: Phá chuyên án CB424, tang vật thu giữ 2 bánh heroin

Ngày 19/7, Công an tỉnh Cao Bằng cho biết, lực lượng Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Công an tỉnh phối hợp Đội Kiểm soát Hải quan, Cục Hải quan tỉnh Cao Bằng phá thành công chuyên án CB424, do Đội Kiểm soát Hải quan chủ trì, tang vật thu giữ 2 bánh heroin.

Đối tượng Mã Ích Lâm và tang vật trong chuyên án.

Cụ thể, vào hồi 21 giờ, ngày 17/7, trên tỉnh lộ 206 đoạn qua khu vực xóm Pác Mác, xã Chí Viễn, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng, lực lượng chức năng đã bắt quả tang đối tượng Mã Ích Lâm (sinh năm 1994), ở xóm Đồng Tâm-Bản Rạ, xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh khi đối tượng đang vận chuyển 2 bánh heroin.

Hiện, lực lượng chức năng đang tiếp tục điều tra mở rộng chuyên án.

Gần 500 sản phẩm phụ kiện điện thoại di động nhập lậu bị thu giữ tại Đồng Tháp

Ngày 19/06/2024, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 4, Cục QLTT tỉnh Đồng Tháp đã tiến hành kiểm tra đột xuất 2 cơ sở kinh doanh phụ kiện điện thoại di động trên địa bàn xã Tân Phú Đông và Phường 1, thành phố Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp.

Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện 2 cơ sở kinh doanh này đang buôn bán các sản phẩm phụ kiện điện thoại di động có nguồn gốc nước ngoài nhưng không có hóa đơn, chứng từ, giấy tờ hợp pháp theo quy định.

Cụ thể, tang vật vi phạm thu giữ gồm 375 cái kính cường lực nhãn hiệu Glass sull cover, 100 cái kính cường lực nhãn hiệu KingKong, 20 cái kính cường lực nhãn hiệu Monkey King, với tổng trị giá gần 37 triệu đồng.

Đội QLTT số 4 kiểm tra hàng hóa tại cơ sở kinh doanh

Hiện, Đội QLTT số 4 đã hoàn tất hồ sơ vụ việc và ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính về hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu với tổng số tiền là 13 triệu đồng đối với 2 cơ sở vi phạm. Đồng thời, toàn bộ tang vật vi phạm cũng bị tịch thu theo quy định của pháp luật.

Long An: Phát hiện điểm chiết nạp gas giả mạo nhiều thương hiệu

Ngày 5/6/2024, Đội Quản lý thị trường số 1 (QLTT số 1) thuộc Cục Quản lý thị trường tỉnh Long An đã phối hợp với Công an xã Hựu Thạnh, huyện Đức Hòa tiến hành kiểm tra đột xuất một địa điểm chiết nạp gas (LPG) vào bình tại địa chỉ: Số 187 - 188 Quốc lộ N2, ấp 1B, xã Hựu Thạnh, huyện Đức Hoà.

Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện địa điểm này đang thực hiện chiết nạp gas (LPG) vào chai (loại 12 kg/chai và loại 45kg/chai) cùng các phương tiện, dụng cụ phục vụ cho hoạt động này. Số lượng bình gas tại đây có 277 bình, bao gồm cả bình có ruột và không có ruột. Các bình gas này có dấu hiệu giả mạo nhiều thương hiệu khác nhau như: Gia Đình gas, Petrolimex, VT - Dầu khí, VT GAS, V- GAS, VanLoc SaiGon,...

Tại thời điểm kiểm tra, có 5 nhân viên trực tiếp tham gia việc nạp gas (LPG) vào chai. Bên trong xưởng nhà tôn còn có 1 sơ mi rơ mooc, 1 bồn chứa LPG, 10 cân điện tử, 10 súng bơm, 2 máy bơm hơi, 1 máy bơm kết nối với ống dẫn LPG, 1 ống dẫn khí, 1 máy khò nhiệt, tem chống hàng giả và màng co nhãn hiệu Gas South, SaiGon Petro, Vạn Lộc – Sài Gòn, VIMEXCO GAS, PETROLIMES, V-GAS, elF gas, Anpha Petrol cùng 2 xe ô tô tải. Tuy nhiên, người đại diện theo pháp luật của địa điểm chiết nạp gas (LPG) lại không có mặt để làm việc với lực lượng chức năng.

Do chưa có đầy đủ giấy tờ chứng minh điều kiện kinh doanh chiết nạp gas (LPG) vào chai theo quy định và hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc hàng hóa, Đoàn kiểm tra đã lập biên bản kiểm tra, tạm giữ, niêm phong tang vật và phương tiện vi phạm để tiếp tục xác minh, làm rõ vụ việc.

Vụ việc trên cho thấy tình trạng vi phạm trong hoạt động kinh doanh gas trên địa bàn Long An vẫn còn diễn biến phức tạp. Việc xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm sẽ góp phần bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và đảm bảo an toàn thị trường.

Phát hiện gần 2 tấn thực phẩm đông lạnh bẩn ở Hà Nội

Kiểm tra 2 hộ kinh doanh trên địa bàn xã Phụng Thượng, Phúc Thọ (Hà Nội), lực lượng chức năng phát hiện khoảng 1,7 tấn thực phẩm gồm thịt, xương, chân lợn để đông lạnh.

Số thực phẩm bẩn được Tổ công tác kiểm tra, phát hiện, thu giữ.

Ngày 11/5, Công an TP Hà Nội cho biết, tổ công tác của Công an huyện Phúc Thọ kiểm tra 2 hộ kinh doanh trên địa bàn xã Phụng Thượng, Phúc Thọ; phát hiện khoảng 1,7 tấn thực phẩm gồm: thịt, xương, chân lợn để đông lạnh. Số thực phẩm này được chứa trong các túi nilon, không đảm bảo vệ sinh, hầu hết không có nhãn mác. 

Tại thời điểm kiểm tra, chủ cơ sở không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; không xuất trình được hoá đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc số hàng hoá nêu trên.

Hiện Công an huyện Phúc Thọ phối hợp với Phòng Y tế, Đội Quản lý thị trường lập biên bản, tạm giữ số thực phẩm trên để xử lý theo quy định pháp luật. 

Tiền Giang: Phạt cơ sở kinh doanh điện thoại di động nhập lậu 90 triệu đồng

Một cơ sở kinh doanh điện thoại di động nhập lậu tại tỉnh Tiền Giang đã bị xử phạt 90 triệu đồng sau khi bị phát hiện vi phạm hành chính và sử dụng hóa đơn giả để hợp thức hóa hàng hóa.

Thông tin từ Tổng cục Quản lý Thị trường (QLTT) cho biết vào ngày 10/4, một cơ sở kinh doanh điện thoại di động nhập lậu tại tỉnh Tiền Giang đã bị xử phạt số tiền 90 triệu đồng do vi phạm hành chính.

Vụ việc bắt đầu khi vào ngày 23/12/2022, Đội QLTT số 2, Cục QLTT tỉnh Tiền Giang tiến hành kiểm tra đột xuất một hộ kinh doanh điện thoại di động tại Phường 1, thị xã Gò Công. Tại đây, họ phát hiện 22 chiếc điện thoại di động iPhone ngoại nhập đã qua sử dụng nhưng không có hóa đơn chứng từ kèm theo. Lô hàng này đã được tạm giữ với trị giá hơn 220 triệu đồng.

Sau khi kiểm tra, người đại diện của hộ kinh doanh đã xuất trình hóa đơn giá trị gia tăng điện tử, nhưng sau đó được xác minh là hóa đơn giả. Chủ cơ sở thừa nhận rằng hóa đơn này được mua trên mạng để hợp thức hóa cho số hàng hóa tạm giữ.

Đội QLTT số 2 đã xác định hành vi vi phạm và lập biên bản vi phạm hành chính đối với cơ sở này. Do có dấu hiệu tội phạm là "Mua bán trái phép hóa đơn," vụ việc đã được chuyển sang Công an thị xã Gò Công để tiếp tục xử lý.

Sau thời gian điều tra, Công an thị xã Gò Công đã ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự và chuyển toàn bộ hồ sơ cho Đội QLTT số 2 để xử phạt vi phạm hành chính.

Ngày 26/3/2024, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang đã ra quyết định xử phạt hộ kinh doanh vi phạm nói trên với số tiền 90 triệu đồng và tịch thu 22 điện thoại di động iPhone nhập lậu. Cơ sở này đã chấp hành đầy đủ quyết định xử phạt.

Lạng Sơn: Phát hiện, tiêu hủy hơn 17.000 quả trứng vịt không rõ nguồn gốc xuất xứ

Ngày 22/01/2024, ông Bế Văn Phái tại huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn bị xử phạt 25 triệu đồng và bắt buộc tiêu hủy hơn 17.000 quả trứng vịt không rõ nguồn gốc xuất xứ theo Quyết định của Cục Quản lý thị trường tỉnh Lạng Sơn.

Ngày 22/01/2024, Tổ QLĐB huyện Bắc Sơn thuộc Đội QLTT số 5 chủ trì phối hợp Công an huyện Bắc Sơn tiến hành kiểm tra xe ô tô tải biển kiểm soát 12E-000.50 và phát hiện trong thùng chứa hàng hóa của xe ô tô có cất giấu 17.520 quả trứng vịt, được chứa đựng trong 73 thùng carton không đồng nhất về kích thước, màu sắc bao bì. Trên các thùng carton có ghi chữ nước ngoài nhưng không có thông tin về nguồn gốc, xuất xứ được thể hiện trên nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa, không có tài liệu kèm theo để căn cứ xác định nguồn gốc, nơi sản xuất.

Toàn bộ hàng hóa không có hóa đơn, chứng từ, giấy tờ mua bán, giấy chứng nhận kiểm dịch của cơ quan Thú y hay giấy tờ khác liên quan đến hàng hóa để chứng minh nguồn gốc hợp pháp của hàng hóa.

Ông Bế Văn Phái, chủ sở hữu của hàng hóa, thừa nhận đã mua chúng từ một người đàn ông không xác định được địa chỉ và nhân thân tại khu vực đèo Khau Hương, xã Hùng Sơn, huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn.

Tiêu hủy tang vật vi phạm

Đội Quản lý thị trường số 5 đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với ông Bế Văn Phái về kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc và xuất xứ. Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Lạng Sơn đã ban hành Quyết định xử phạt hành chính ông Bế Văn Phái 25.000.000 đồng và buộc ông tiêu hủy toàn bộ số hàng hóa trên. Tổng giá trị của số hàng này là 38.544.000 đồng.