Ngăn chặn tình trạng mua bán quân trang trái phép
Hiện nay, tình trạng sản xuất, mua bán và sử dụng quần áo gần giống với lực lượng vũ trang diễn ra công khai khiến dư luận bức xúc. Cũng từ đây, nhiều đối tượng đã giả danh các chiến sĩ công an, bộ đội để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, làm ảnh hưởng đến hình ảnh của lực lượng vũ trang.
Theo đó, từ giữa tới cuối tháng 7, lực lượng Công an và QLTT các tỉnh, thành như TP.HCM, Đắk Lắk, Kon Tum, Lâm Đồng, Đắk Nông, Tây Ninh,...đã phát hiện, thu giữ và tiêu hủy hàng nghìn sản phẩm quân trang rằn ri, quân trang lậu được kinh doanh, buôn bán trái phép.
https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2023_07_30_62_46497967/130d95740f39e667bf28.jpg.webp" alt="enter image description here" />
Lực lượng QLTT và Công an TP.HCM phát hiện 2 điểm kinh doanh quần, áo các loại có họa tiết rằn ri giống quân trang của lực lượng công an, quân đội tại huyện Hóc Môn và quận 12
Bộ Công an cảnh báo trang phục của lực lượng vũ trang do mua, bán qua mạng đều là hàng giả và hành vi này là vi phạm pháp luật. Do đó, người dân nên tìm hiểu kỹ, không mua bán các loại trang phục này.
Theo Tổng cục QLTT, mặt hàng quân trang, quân dụng là do lực lượng công an và quân đội quản lý. Theo quy định, quân trang, quân dụng nằm trong danh mục mặt hàng kinh doanh có điều kiện, còn vũ khí là cấm kinh doanh. Công cụ hỗ trợ như roi điện, dùi cui, súng điện thì người mua phải có giấy chứng nhận, xác nhận sử dụng công cụ hỗ trợ từ cơ quan chức năng hoặc đơn vị có nhu cầu. Khi kiểm tra mặt hàng quần áo giống với quân phục thì phải kết hợp với quân đội và công an để xác định vi phạm và xử lý theo quy định. Trường hợp quần áo "na ná” quân phục nhưng màu sắc, họa tiết lại không giống thì xử lý theo hàng hóa thông thường như hàng hóa có hóa đơn chứng từ, nguồn gốc xuất xứ.
Để ngăn chặn có hiệu quả tình trạng sản xuất, mua bán và sử dụng trái phép quần áo, quân dụng gần giống với lực lượng vũ trang, các đơn vị công an, quân đội cần giám sát chặt chẽ các đơn vị sản xuất, cung ứng trang phục, thiết bị cho các cá nhân, đơn vị trong ngành. Nếu phát hiện cán bộ, chiến sĩ, sinh viên, học viên tại các đơn vị, trường, học viện mua bán, cho, tặng trang phục, thiết bị của ngành thì xử lý nghiêm theo quy định. Các cơ quan có thẩm quyền cần tăng mức xử phạt hành chính và chế tài hình sự đối với các hành vi sản xuất, mua bán, vận chuyển, sử dụng trái phép và nhất là sản xuất hàng giả, hàng nhái đối với quân phục, thiết bị của ngành công an, quân đội.
Mọi hành vi sản xuất, mua bán, sử dụng trái phép quân trang, quân phục, trang thiết bị của các lực lượng vũ trang đều được xem là vi phạm pháp luật. Trường hợp vi phạm, tùy theo tính chất, mức độ sẽ bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật. Nếu phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì cơ quan có thẩm quyền có thể căn cứ các điều liên quan của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017); cụ thể, Điều 190 về tội sản xuất, buôn bán hàng cấm; Điều 192 về tội sản xuất, buôn bán hàng giả hoặc Điều 339 về hành vi giả mạo chức vụ, cấp bậc, vị trí công tác... Mức phạt tù cao nhất nếu cá nhân bị xử lý theo các Điều 190, 192 của Bộ luật Hình sự có thể đến 15 năm tù…