Bắc Giang: Tiêu hủy trên 70.000 sản phẩm mỹ phẩm, thực phẩm vi phạm có trị giá 1,7 tỷ đồng
Sáng 13/10/2024, Cục Quản lý thị trường tỉnh Bắc Giang cho biết vừa phối hợp với các lực lượng chức năng tiêu hủy lượng lớn hàng hóa vi phạm tịch thu trong năm 2024.
Theo Cục Quản lý thị trường tỉnh Bắc Giang, Hội đồng tiêu hủy tài sản là tang vật vi phạm hành chính bị tịch thu do Cục Quản lý thị trường tỉnh Bắc Giang chủ trì cùng có sự tham gia của đại diện các cơ quan chức năng tỉnh Bắc Giang gồm: Công an tỉnh, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, Sở Tài chính, Phòng Kinh tế thành phố Bắc Giang…
Lực lượng chức năng tỉnh Bắc Giang giám sát quá trình tiêu hủy hàng hóa vi phạm hành chính.
Hội đồng đã tiêu hủy tổng số 311 danh mục hàng hóa với các mặt hàng chủ yếu gồm: Giày dép, mũ, quần áo... giả mạo các nhãn hiệu lớn. Ngoài ra, còn có nhiều hàng hóa là hàng lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ gồm: Các loại thực phẩm, bánh kẹo, đồ ăn, nước uống, đồ chơi trẻ em; hóa, mỹ phẩm… Tổng giá trị tài sản của các mặt hàng tiêu hủy khoảng 1,7 tỷ đồng.
Hình ảnh tiêu hủy và giám sát tiêu hủy hàng hóa
Đơn vị trực tiếp thực hiện việc xử lý tang vật vi phạm là Công ty cổ phần Công nghệ môi trường An Sinh (địa chỉ huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương).
Dưới sự chỉ đạo, giám sát của Hội đồng tiêu hủy, toàn bộ số hàng hóa vi phạm là tang vật vi phạm hành chính do Đội QLTT số 1 tịch thu (gồm mỹ phẩm và thực phẩm) được phân loại, niêm phong kẹp chì, bàn giao cho Công ty An Sinh vận chuyển đến đúng địa điểm để tiêu hủy bằng phương thức cho vào lò đốt. Toàn bộ quá trình xử lý tang vật vi phạm hành chính bị tịch thu được đảm bảo an toàn về cháy nổ và vệ sinh môi trường.
Theo Cục QLTT tỉnh Bắc Giang, thông qua việc tiêu hủy tài sản là tang vật vi phạm hành chính bị tịch thu còn nhằm tuyên truyền cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh và người tiêu dùng nâng cao nhận thức về tác hại của việc kinh doanh và tiêu dùng hàng nhập lậu, hàng giả mạo nhãn hiệu, hàng kém chất lượng, hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ; qua đó, góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng và của tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh chân chính