Hà Nội xử lý gần 1.700 cơ sở vi phạm trong Tháng hành động vì an toàn thực phẩm
Chiều 4/6, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh, Trưởng ban Ban Chỉ đạo công tác ATTP TP đã chủ trì giao ban trực tuyến Ban Chỉ đạo công tác an toàn thực phẩm (ATTP) thành phố với các quận, huyện, thị xã.
Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương cho biết, trong Tháng hành động vì ATTP 2024, các đoàn kiểm tra liên ngành của thành phố tổ chức kiểm tra đột xuất, định kỳ 33 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống; số cơ sở đạt: 16/33 cơ sở (tỷ lệ 48,5%); số cơ sở không đạt: 17/33 cơ sở (tỷ lệ 51,5%).
Đoàn kiểm tra liên ngành thành phố xử lý 14 cơ sở vi phạm theo quy định của pháp luật với tổng số tiền phạt 151 triệu đồng; lấy 2 mẫu thực phẩm xét nghiệm chỉ tiêu hóa lý, vi sinh, kết quả 2/2 mẫu đạt (tỷ lệ đạt 100%); xét nghiệm nhanh: 124/128 mẫu (tỷ lệ đạt 96,9%).
Các Sở, ngành cũng chủ động thành lập các đoàn kiểm tra 817 cơ sở; số cơ sở bị xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực ATTP là 683 cơ sở, với tổng số tiền phạt hơn 4,6 tỷ đồng.
Các quận, huyện, thị xã tăng cường hoạt động kiểm tra và xử lý các cơ sở vi phạm trong Tháng hành động vì ATTP. Tổng số cơ sở được kiểm tra, giám sát là 11.692 cơ sở, trong đó 10.385 cơ sở có kết quả đạt (tỷ lệ 88,8%); tổng số cơ sở vi phạm 996 cơ sở với số tiền phạt hơn 4,2 tỷ đồng.
Toàn thành phố kiểm tra, giám sát 12.509 cơ sở, trong đó số cơ sở đạt điều kiện ATTP theo quy định là 10.522 cơ sở (tỷ lệ đạt 84,1%).
Tổng số cơ sở vi phạm là 1.814 cơ sở, trong đó số cơ sở bị xử lý là 1.679 cơ sở, số cơ sở nhắc nhở, khắc phục tại chỗ là 135 cơ sở. Số cơ sở bị xử phạt hành chính trong lĩnh vực ATTP là 1.679 cơ sở, với tổng số tiền phạt hơn 8,8 tỉ đồng; 280 cơ sở buộc tiêu hủy số lượng hàng hóa trị giá trên 2,7 tỉ đồng.
Sau khi nghe các đơn vị báo cáo, Chủ tịch UBND TP Trần Sỹ Thanh đánh giá, nhìn chung nhiều quận huyện đã làm tốt công tác đảm bảo ATTP. Tuy nhiên, Chủ tịch UBND TP cho rằng vẫn còn có những địa phương triển khai chưa tốt.
Từ đó, Chủ tịch UBND TP yêu cầu, công tác kiểm tra ATTP cần được coi như nhiệm vụ chính trị thực hiện thường xuyên chứ không chỉ riêng trong Tháng hành động vì ATTP.
Chủ tịch UBND TP phân tích: "Các hoạt động vi phạm ATTP sẽ âm thầm ảnh hưởng đến sức khỏe, tầm vóc của thế hệ, giống nòi, do đó, cần sự vào cuộc quyết liệt của tất cả hệ thống chính trị".
Chủ tịch UBND TP Trần Sỹ Thanh cũng nêu việc những hoạt động này cần được triển khai kiên trì 5 năm, 10 năm, 20 năm... để dần thay đổi được thói quen, nhận thức của người dân trong việc bảo vệ sức khỏe.
Chủ tịch UBND TP cũng lưu ý các hoạt động tuyên truyền ATTP cần được đưa vào trường học để giáo dục thế hệ tương lai; đẩy mạnh bổ sung kinh phí truyền thông mạnh trên báo đài, mạng xã hội...; tổ chức các cuộc thi viết về ATTP.
Nhân dịp này, UBND TP. Hà Nội đã trao tặng bằng khen cho 10 tập thể và 7 cá nhân có đóng góp trong Tháng hành động vì ATTP.