Đăng nhập
Bạn đang quan tâm đến sản phẩm, hàng hóa nào?

Tăng cường kiểm tra phòng ngừa ngộ độc thực phẩm tại các địa phương

Văn phòng Chính phủ đã có văn bản số 3565/VPCP-KGVX truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long yêu cầu xử lý thông tin phản ánh về việc gia tăng các vụ ngộ độc thực phẩm.

Theo báo cáo của Cổng Thông tin điện tử Chính phủ về thông tin báo chí phản ánh việc gia tăng các vụ ngộ độc thực phẩm, 3 tháng đầu năm 2025, hàng loạt vụ ngộ thực phẩm đã xảy ra trên toàn quốc khiến hàng trăm người phải nhập viện. Tại Thành phố Hồ Chí Minh, chỉ trong vòng chưa đầy một tháng, thành phố liên tiếp xảy ra ba vụ nghi ngộ độc thực phẩm tập thể tại các trường học khiến nhiều học sinh nhập viện với triệu chứng nôn ói, đau bụng, tiêu chảy...

Trước thực trạng đáng lo ngại về ngộ độc thực phẩm, việc tìm ra các giải pháp hiệu quả, đồng bộ là yêu cầu cấp thiết. Không chỉ dừng lại ở việc xử lý sau khi sự cố xảy ra, công tác phòng ngừa cần được đặt lên hàng đầu. Từ siết chặt khâu kiểm tra, kiểm soát nguồn gốc thực phẩm, nâng cao ý thức của người sản xuất - kinh doanh, đến tăng cường tuyên truyền, giáo dục người tiêu dùng tất cả đều là những mắt xích quan trọng trong chuỗi hành động vì một môi trường thực phẩm an toàn.

Đối với phản ánh nêu trên, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long yêu cầu các Bộ: Y tế, Nông nghiệp và Môi trường, Công Thương, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo chức năng, nhiệm vụ được giao tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 38/CT-TTg ngày 11/10/2024 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa ngộ độc thực phẩm.

Bộ Y tế tăng cường đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện công tác phòng ngừa ngộ độc thực phẩm tại các địa phương, nhất là tại các địa bàn trọng điểm, các đô thị lớn, các khu du lịch, nơi có nhiều bếp ăn tập thể, cơ sở dịch vụ ăn uống dành cho công nhân, học sinh, khách du lịch.

Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm tra đột xuất việc chấp hành quy định về an toàn thực phẩm trên địa bàn, nhất là tại các nhà ăn tập thể, cơ sở dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định.

Đồng Tháp phát hiện cơ sở dùng chất tẩy trắng sản xuất giá đỗ

Ngày 25/4, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế, tham nhũng, buôn lậu, môi trường Công an tỉnh Đồng Tháp cho biết, vừa phối hợp với Trung tâm Kiểm định và kiểm nghiệm Đồng Tháp kiểm tra, phát hiện cơ sở do Thái Thị Thu Nguyệt (SN 1965, ngụ thành phố Sa Đéc) làm chủ đang thực hiện hành vi sản xuất giá đỗ có sử dụng hóa chất không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Tại hiện trường, cơ quan chức năng phát hiện có khoảng 40kg giá đỗ đang được ủ trong các hũ sành, đồng thời thu giữ khoảng 300gram chất bột màu trắng để tẩy trắng giá đỗ và thu mẫu giá thành phẩm.

Hiện trường nơi sản xuất giá đỗ chui Tại hiện trường, có khoảng 40kg giá đỗ đang được ủ trong nh

Làm việc bước đầu, Nguyệt khai nhận chất bột màu trắng là chất tẩy trắng. Trung bình 1kg đậu xanh, cơ sở này cho ra thành phẩm 6kg giá đỗ. Sau đó, chủ cơ sở sử dụng chất tẩy làm trắng giá đỗ rồi đem bán ra thị trường.

Giá đỗ đã ngậm chất tẩy trắng

Nguyệt đã sản xuất giá đỗ được khoảng 10 năm nay, mỗi ngày sản xuất được 50kg giá đỗ thành phẩm. Quá trình hoạt động, cơ sở này không có giấy phép đăng ký kinh doanh, không có các thủ tục về an toàn thực phẩm, người lao động cũng không khám sức khỏe định kỳ.

Cơ quan chức năng đã tiến hành lập biên bản ghi nhận hiện trạng và thu mẫu giá thành phẩm, đồng thời yêu cầu cơ sở ngừng ngay hoạt động cho đến khi có kết quả kiểm nghiệm của lực lượng chức năng.

Đồng Nai: Khởi tố 3 đối tượng kinh doanh hơn 4 tấn thịt heo bệnh, heo chết

Ngày 25-4, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đồng Nai đã khởi tố bị can, bắt tạm giam Lê Văn Tiến (40 tuổi; ngụ xã Bình Minh, huyện Trảng Bom) và Trần Vũ Lâm (25 tuổi, ngụ huyện Xuân Lộc), cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Hồ Thanh Diệu (35 tuổi, vợ Tiến; ngụ xã Bình Minh, huyện Trảng Bom) cùng về tội vi phạm quy định về an toàn thực phẩm.

Trước đó, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Đồng Nai phối hợp với Trạm Thú y huyện Trảng Bom kiểm tra cơ sở mổ heo trái phép của Lê Văn Tiến, tại ấp Tân Bắc (xã Bình Minh) phát hiện hơn 4,2 tấn thịt heo thành phẩm, đang trong tình trạng bị biến đổi màu sắc, có mùi hôi thối, không đảm bảo chỉ tiêu về an toàn thực phẩm.

Tang vật trong vụ án là số lượng heo thối khủng, có mần bệnh dịch.

Vợ chồng Tiến khai nhận toàn bộ số thịt heo trên mua của Trần Vũ Lâm và các hộ chăn nuôi khu vực huyện Trảng Bom về làm giò chả, cung cấp cho các công ty nấu suất ăn công nghiệp, các quán ăn trên địa bàn tỉnh Đồng Nai và Bình Dương.

Ba đối tượng bị khởi tố.

Theo cơ quan công an, hành vi của các bị can là nguy hiểm cho xã hội, gây bức xúc trong dư luận và ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ của người dân.

Nghệ An: Liên tiếp phát hiện lượng lớn thực phẩm không rõ nguồn gốc

Trong hai ngày 21 và 22/4/2025, lực lượng Quản lý thị trường (QLTT) Nghệ An đã liên tiếp phát hiện và xử lý gần 1 tấn thực phẩm vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm. Các mặt hàng bị thu giữ chủ yếu là giò me, thịt gà đông lạnh… không có nguồn gốc rõ ràng và không đảm bảo điều kiện lưu hành.

Thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước, UBND tỉnh Nghệ An, Sở Công Thương và lãnh đạo Chi cục QLTT tỉnh về tăng cường kiểm tra trong Tháng hành động vì an toàn thực phẩm, Đội QLTT số 3 đã tổ chức kiểm tra đột xuất trên địa bàn thành phố Vinh và liên tiếp phát hiện hai vụ vi phạm nghiêm trọng.

Hình ảnh kiểm tra tại cơ sở

Cụ thể, vào ngày 21/4, lực lượng chức năng đã kiểm tra Hộ kinh doanh H.T.L. tại phường Đông Vĩnh, TP. Vinh và phát hiện 215 kg giò me không có hóa đơn, chứng từ hợp pháp, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Toàn bộ lô hàng vi phạm đã bị lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính và tiến hành tiêu hủy theo đúng quy định của pháp luật.

Hình ảnh kiểm tra tại cơ sở

Giám sát tiêu hủy hàng hóa vi phạm

Chỉ một ngày sau, ngày 22/4, Đội QLTT số 3 tiếp tục kiểm tra đột xuất Hộ kinh doanh L.T.D. trên đường Phạm Hồng Thái, phường Vinh Tân. Tại đây, lực lượng chức năng phát hiện tới 600 kg thịt gà đông lạnh cũng không rõ nguồn gốc và không đảm bảo các điều kiện về an toàn thực phẩm. Chủ cơ sở đã bị xử phạt và toàn bộ số hàng hóa này cũng đã được tiêu hủy. Tổng giá trị tiền phạt hành chính trong hai vụ việc lên đến gần 60 triệu đồng.

Thái Nguyên: Phát hiện, thu giữ hơn 600 sản phẩm thực phẩm là hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ

Chiều ngày 23/4/2025, Đoàn kiểm tra của Đội Quản lý thị trường số 2 thuộc Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Thái Nguyên đã tiến hành kiểm tra đột xuất Hộ kinh doanh B.V.S trên địa bàn phường Hoàng Văn Thụ, Thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên phát hiện và thu giữ hơn 600 sản phẩm là thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc xuất xứ có tổng trị giá gần 25 triệu đồng.

Tại thời điểm kiểm tra, Đoàn kiểm tra phát hiện tại cửa hàng đang kinh doanh 14 mặt hàng với hơn 600 sản phẩm thực phẩm là hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ bao gồm: Bột hạt sen, bột quả bơ, bột diếp cá sấy lạnh, bột cần tây, bột tía tô, viên tam thất mật ong, giải độc gan thuốc nam Dao Đỏ,…có tổng trị giá hàng hóa vi phạm là gần 25 triệu đồng. Trong đó có một lượng lớn đơn hàng đã được đóng gói sẵn với đầy đủ tên tuổi, địa chỉ người nhận chuẩn bị vận chuyển đến cho khách đã đặt mua. Làm việc với Đoàn kiểm tra, ô S là đại diện HKD không cung cấp được hóa đơn chứng từ gì chứng minh nguồn gốc xuất xứ hợp pháp của hàng hóa.

Ngoài ra, Đoàn kiểm tra còn phát hiện hộ kinh doanh trên còn vi phạm quy định về Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

Hình ảnh hàng hóa vi phạm

Đoàn kiểm tra Đội Quản lý thị trường số 2 đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với Hộ kinh doanh B.V.S về các hành vi vi phạm: Kinh doanh hàng hoá không rõ nguồn gốc xuất xứ và không thay đổi nội dung Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh. Đồng thời, tiến hành tạm giữ toàn bộ số hàng hóa vi phạm trên để tiếp tục xử lý theo quy định của pháp luật.

Phát hiện đường dây sản xuất thực phẩm chức năng giả dành cho trẻ em

Ngày 25-4, Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an cho biết đang mở rộng điều tra một đường dây sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả với quy mô lớn, do Phạm Vũ Khiêm, Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ Herbitech (xã Phù Lỗ, huyện Sóc Sơn, Hà Nội) cầm đầu.

Quá trình điều tra, lực lượng chức năng xác định, 2 sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe được xác định là làm giả do Công ty TNHH Công nghệ Herbitech ở khối 8, xã Phù Lỗ, huyện Sóc Sơn, Hà Nội sản xuất là BABY SHARK và Medi Kid Calcium K2. Cơ quan Công an xác định, Công ty trên đã gia công, sản xuất hơn 200 sản phẩm có giá trị lên tới hàng trăm tỷ đồng, nhưng lại thiếu sự kiểm soát về chất lượng. Mặc dù sản phẩm được quảng cáo là nhập khẩu từ Pháp, Đức, Mỹ, nhưng thực tế, giá thành và chất lượng không đúng như công bố.

Sản phẩm BABY SHARK do Công ty TNHH công nghệ Herbitech làm giả. 

Tại cơ quan Công an, bước đầu, đối tượng Phạm Vũ Khiêm khai nhận đã sửa khoản chỉ tiêu đạt công bố sản phẩm để đưa ra thị trường.

Đối tượng Phạm Vũ Khiêm, Giám đốc Công ty TNHH công nghệ Herbitech. 

Thiếu tá Nguyễn Văn Thành, cán bộ Văn phòng cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) cho biết, các đối tượng sản xuất hàng giả sẽ sản xuất ra hàng loạt các sản phẩm theo tiêu chí của khách hàng. Theo đó, để sản phẩm giả được lưu hành ra thị trường thì các đối tượng sẽ gửi các mẫu đi trưng cầu để các công ty có chức năng về xét nghiệm, kiểm nghiệm lại đúng thành phần, định lượng như đã công bố hay không. Khi tiến hành kiểm nghiệm thì các mẫu kiểm nghiệm không đạt được như sản phẩm công bố, các đối tượng sẽ thực hiện liên kết và trao đổi, thống nhất với các công ty xét nghiệm để chỉnh sửa kết quả, hoặc làm khống cả phiếu kết quả kiểm nghiệm.

Đề xuất phạt hành vi "chứa chấp", "sử dụng" thuốc lá điện tử, nung nóng

Lo ngại về sự gia tăng sử dụng thuốc lá điện tử, nung nóng, đặc biệt ở giới trẻ và nguy cơ trộn ma túy, Bộ Y tế đề xuất bổ sung chế tài xử phạt hành vi "chứa chấp" và "sử dụng" các sản phẩm này.

Bộ Y tế vừa kiến nghị Chính phủ bổ sung quy định xử phạt hành vi "chứa chấp" và "sử dụng" thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng vào Nghị định 117/2020/NĐ-CP. Theo Bộ Y tế, tỷ lệ sử dụng các sản phẩm này tăng nhanh, đặc biệt ở trẻ em gái, tiềm ẩn nguy cơ gây nghiện và bị lợi dụng để trộn ma túy.

Cần xử lý nghiêm các hành vi sử dụng thuốc lá điện tử.

Số liệu từ Bộ Công an cho thấy sự gia tăng đáng báo động các vụ phạm tội liên quan đến thuốc lá điện tử, nung nóng có ma túy. Năm 2023 có 1.224 người nhập viện do ngộ độc liên quan đến các sản phẩm này.

Trong bối cảnh Nghị quyết 173/2024/QH15 đã cấm các hành vi liên quan đến thuốc lá điện tử, nung nóng, Bộ Y tế đề xuất mức phạt 3-5 triệu đồng cho hành vi sử dụng và 5-10 triệu đồng cho hành vi chứa chấp người khác sử dụng. Đồng thời, Bộ cũng đề xuất làm rõ khái niệm và bổ sung quy định về cai nghiện nhằm đảm bảo tính khả thi của Nghị quyết.

Gia Lai: Phát hiện vi phạm an toàn thực phẩm tại hộ kinh doanh Tiệm Phố Núi

Ngày 24-4, Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh về đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP) đã kiểm tra đột xuất tại hộ kinh doanh Tiệm Phố Núi (hẻm 420 Trường Chinh, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) và phát hiện cơ sở có nhiều vi phạm.

Tại thời điểm kiểm tra, đoàn ghi nhận cơ sở đang hoạt động sản xuất kinh doanh thực phẩm bình thường. Các sản phẩm cơ sở sản xuất hoặc nhập nguyên liệu để đóng gói chủ yếu là các mặt hàng nông sản như: mật ong các loại, tinh bột nghệ, bột chuối tiêu xanh, nước cốt chanh dây đường phèn, nước cốt tắc đường phèn, muối chấm các loại, xoài sấy dẻo…

Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh kiểm tra tại hộ kinh doanh Tiệm Phố Núi. 

Qua kiểm tra, cơ sở đã có các hành vi vi phạm gồm khu vực chứa đựng không đầy đủ giá kệ; sản xuất thực phẩm mà không có bản tự công bố sản phẩm theo quy định của pháp luật (bao gồm 14 sản phẩm).

Với các vi phạm nêu trên, đoàn kiểm tra thống nhất lập biên bản vi phạm hành chính về ATTP đối với cơ sở. Đồng thời, đoàn kiến nghị đình chỉ hoạt động sản xuất của 14 sản phẩm chưa thực hiện tự công bố sản phẩm theo quy định và yêu cầu cơ sở thu hồi sản phẩm.

Hộ kinh doanh Tiệm Phố Núi hoạt động từ năm 2023 đến nay, sản xuất và kinh doanh các mặt hàng nông sản Tây Nguyên và chủ yếu kinh doanh chào bán trên các nền tảng mạng xã hội. 

Được biết, hộ kinh doanh Tiệm Phố Núi hoạt động từ năm 2023 đến nay và khá có tiếng trên thị trường. Cơ sở, sản xuất và kinh doanh các mặt hàng nông sản Tây Nguyên và chủ yếu kinh doanh chào bán trên các nền tảng mạng xã hội như: Tik Tok, Facebook…

Trung bình một ngày, qua các phiên live trên các nền tảng mạng xã hội, cơ sở này xuất bán khoảng 1.000 đơn hàng cho người tiêu dùng trên khắp cả nước. Chỉ riêng trên nền tảng Tik Tok, cơ sở này đã bán gần 650.000 sản phẩm ra thị trường.

Với 2 lỗi vi phạm nêu trên, dự kiến mức phạt của cơ sở này khoảng trên 50 triệu đồng.

Bắc Giang: Phạt 60 triệu đồng hộ kinh doanh hàng nghìn sản phẩm mỹ phẩm, dầu gội không rõ nguồn gốc

Ngày 23/4, Phòng Cảnh sát kinh tế (Công an tỉnh Bắc Giang) phối hợp với Công an xã Đồng Hưu và Đội Quản lý thị trường số 6 - Chi Cục Quản lý thị trường tỉnh kiểm tra hộ kinh doanh T.T do ông N.X.K.T (sinh năm 1992) ở thôn Gia Bình, xã Đồng Hưu, huyện Yên Thế làm chủ.

Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện tại cơ sở trên 6.000 sản phẩm gồm các loại mỹ phẩm, dầu gội phủ bạc…Tổng trị giá trên 120 triệu đồng. Quá trình làm việc, ông N.X.K.T không xuất trình được hóa đơn, nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa.

Cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra hàng hoá.

Phòng Cảnh sát kinh tế đã lập biên bản và bàn giao vụ việc cho Đội Quản lý thị trường số 6 - Chi Cục Quản lý thị trường tỉnh Bắc Giang ra Quyết định tịch thu toàn bộ số hàng hóa vi phạm trên theo quy định và xử phạt vi phạm hành chính 60 triệu đồng đối với ông N.X.K.T về hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ.

TPHCM: Tạm giữ hơn 2.600 hộp sữa, 40kg bột sữa không rõ nguồn gốc

Trước thông tin nhiều loại sữa giả xuất hiện trên thị trường, gây hoang mang cho dư luận, ông Nguyễn Quang Huy, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường, Sở Công thương TP Hồ Chí Minh cho biết, đơn vị đã triển khai các biện pháp tăng cường giám sát, kiểm tra. Tính đến thời điểm hiện tại, TP Hồ Chí Minh chưa phát hiện vụ việc nào có dấu hiệu sản xuất, buôn bán sữa giả như một số địa phương khác.

Dù vậy, các đội quản lý thị trường trên địa bàn vẫn tăng cường kiểm tra đột xuất những điểm tập kết hàng hóa, kho lạnh, tuyến phân phối và kênh bán hàng trực tuyến – những nơi tiềm ẩn nguy cơ cao về hàng giả, hàng kém chất lượng.

Ông Nguyễn Quang Huy, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh chia sẻ thông tin

Trong năm 2024 và quý I năm 2025, Chi cục Quản lý thị trường TP Hồ Chí Minh đã tiến hành kiểm tra, xử lý 590 vụ vi phạm liên quan đến thực phẩm, tạm giữ hơn 332.000 đơn vị sản phẩm không có hóa đơn chứng từ, không rõ nguồn gốc, với tổng trị giá trên 12,1 tỷ đồng; tổng số tiền xử phạt lên tới 11,2 tỷ đồng.

Riêng với mặt hàng sữa, đã kiểm tra và xử lý 7 vụ, tạm giữ 2.654 hộp sữa các loại và 40kg bột sữa, tổng trị giá hơn 188 triệu đồng. Các hành vi vi phạm chủ yếu gồm: kinh doanh hàng nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng quá hạn sử dụng… Tất cả số hàng vi phạm đều bị buộc tiêu hủy.

Nhiều vụ việc lớn khác cũng đã được xử lý nghiêm như: gần 50 tấn nội tạng động vật không rõ nguồn gốc tại TP Thủ Đức (trị giá gần 4,5 tỷ đồng); gần 7 tấn đường tinh luyện nhập lậu tại huyện Củ Chi; 18.200 chai bia nhập lậu tại Quận 12; 1 tấn khô bò không rõ xuất xứ tại quận Tân Bình… Đặc biệt, 4 vụ có dấu hiệu hình sự liên quan đến thực phẩm giả (đào đóng hộp) đã được chuyển cho cơ quan công an xử lý.